Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

NHŨNG CƠN MƯA CUỐI HẠ_ Nguyễn Cang

       
       
          

Những cơn mưa mùa hè kéo dài lây lất trong những tháng vừa qua, đến nay chưa dứt hẳn gợi trong tôi bao nỗi xót xa cho quảng đời thơ ấu đầy nghiệt ngã, nó ray rứt âm thầm xoáy nhẹ vào tim mỗi khi có mưa gió dồn dập thổi tới. Những hình ảnh ngày xưa nơi quê nhà, thuở tôi còn bé, cứ đeo đẳng mãi trong lòng, suốt cả đờì nầy.
 
    Trong mái nhà tranh rách nát, dưới bếp tro tàn , cạnh giừơng ngủ bằng tre, cả nhà tôi đang ngồi ăn buổi cơm trưa thật thanh đạm: một nồi khoai lang mới vừa rã luống hồi chiều đủ cho cả nhà ăn một bữa no nê. Những bữa cơm như vầy vẫn thường xảy ra từ ngày nầy qua tháng nọ vào những năm mất mùa,lúa thóc không đủ ăn, rồi nạn đói mùa thu 1945, khiến  nhà nhà thiếu ăn thiếu mặc, nhiều người bị chết vì đói.Thỉnh thoảng được ăn một bữa cơm độn khoai là may lắm rồi. Vậy mà chúng tôi vẫn lớn nhưng thân thể thì ốm o gầy còm như thân tre đang phất phơ trước gió. Mấy thửa ruộng trước nhà không đủ lúa gạo nuôi một gia đình năm con đang sức lớn. Để chuẩn bị lương thực cho cả nhà trong những ngày cuối thu, ba tôi đã cuốc đất trồng thêm mấy vồng lang quanh nhà bổ sung cho lúa gạo thiếu hụt. Còn Má tôi thì thức khuya dậy sớm buôn tảo bán tần, quảy đòn gánh nặng trĩu, chất đầy hai thúng:   trầu cau, bầu bí, đôi khi có con gà con vịt, đem bán tận làng Rừng Dầu (thuộc quận Bến Cầu tỉnh Tây Ninh) cách xa nhà độ 4 cây số, vậy mà cuộc sống vẫn lầm than cơ cực. Bịnh hoạn đau yếu thường xảy đến cho chị em chúng tôi nhưng chẳng ai có  một viên thuốc Tây hay một chén thuốc Bắc để uống.  Nhiều khi tôi tự hỏi làm sao chị em tôi có thể sống sót qua một thời gian dài đói khổ như vậy? Ắt hẳn là Trời thương nên cho chúng tôi được sống. Càng nghèo khổ tôi càng thương cha mẹ nhiều hơn, trong lòng tôi thấm đẫm sự gian khổ của cha và nỗi nhọc nhằng của mẹ.
    Nhìn những giọt mưa rơi tí tách dưới mái tranh hay thánh thót trên vũng nước ngoài sân, tôi có cảm tưởng như đó là những giọt mồ hôi của ba tôi nhễ nhại rớt xuống ruộng đồng trong buổi trưa cày ruộng hay những giọt mồ hôi của mẹ rơi dài trên quảng đường xa tới chợ. Tôi cảm nhận sâu sắc sự cực khổ của đấng sinh thành. Đời tôi gắn liền với luống rau, bờ đê,con cua, con cá ...nên tôi yêu quê hương tôi biết chừng nào! Vậy mà sao tôi đành bỏ đi?
    Vào một sáng cuối hè năm ấy (1947), từ sáng tinh sương, ba tôi xách một bao bố tơi , vai vác rựa đi lên rừng thật sớm, khi  chiều tắt nắng trên cánh đồng lúa mênh mông cũng không thấy ba trở về. Cả nhà lo lắng, má tôi cũng chẳng biết sáng nay ba đi đâu vì ba không báo trước nên má cứ tưởng ba đi chặt cây, đốn củi đâu đó. Trời bỗng vần vũ, mây bay gấp, gió lộng từng cơn, rồi thình lình một trận mưa ào ào trút xuống, bầu trời tối đen. Cả nhà đều sốt ruột chờ ba. Từ xa, trong màn đêm mờ mịt của nước mưa, bóng một người lù lù tiến tới. Ba! ba! tôi la lên mừng rỡ. Ba dỡ cái nón lá rồi thảy bao bố nặng trịch xuống nền nhà, ba  cho biết đó là "khoai nần" ( loại khoai rừng giống như khoai từ, khoai cau, ăn sâu dưới đất khó đào, thân dây ). Ba nói tiếp: "Đây là thức ăn độn với khoai lang, củ sắn hoặc gạo, nhưng phải xắt mỏng, ngâm nước muối cho tan chất độc vài ngày mới ăn được". Vậy là ngoài khoai lang chúng tôi còn có củ nần nầy nữa để ăn độn qua ngày. Tôi cảm nhận được sự lo lắng của người cha, sợ vợ con bị đói nên lên rừng tìm thêm thức ăn, tư dưng tôi nghe nghèn nghẹn trong cổ họng khi nhắc tới kỷ niệm nầy.
     Chiều nay nắng vàng chưa tắt mà hoàng hôn đã xuống rồi, bóng tối tràn về thật nhanh, âm thanh gọi nhau ơi ới của trẻ mục đồng đã im bặt từ lâu. Má tôi đã sẵn sàng dọn cơm cho bữa ăn chiều mà theo lẽ bắt đầu lúc trời còn sáng. Chúng tôi đứng quanh quẩn bên bếp còn riu riu lữa than, đợi bữa ăn. Ai nấy có vẻ đói bụng hơn mọi lần vì chiều nay má nướng mấy con cá rô do ba bắt được nhân đi thăm ruộng bên ngoài lũy tre phía trước. Bữa cơm  tuy đạm bạc nhưng không kém phần hấp dẫn: khoai lang độn ăn với nước mắm đồng, muối ớt cay, một rỗ rau càng cua, vậy mà ngon tuyệt! Chị em chúng tôi ăn no, căng bụng quên thôi, nhờ mấy con cá rô nướng dầm nước mắm thơm phức. Niềm hạnh phúc mênh mông làm quên đi nỗi nhọc nhằn, xót xa. Nhưng niềm vui mong manh ấy chẳng kéo dài được lâu, bỗng một hôm trên đường làng trở về sau buổi học ở nhà thầy giáo Tiếu, một cơn mưa hạ trái mùa bất chợt đổ ập xuống đầu tôi, mưa buổi trưa tối đất tối trời, tôi vội vả cắm đầu cắm cổ chạy nhanh về nhà. Nhà trống trơn! Chị và em tôi ra trước cửa ngồi khóc rắm rít. Tôi không thấy má ở đâu, chị hai bảo ba bị "ăn cướp" bắt rồi! Tôi thất thần khóc thét lên, chay tuốt vô buồng ngục đầu xuống đất. Tuổi nhỏ tôi chưa hiểu rõ thế nào là cướp của giết người, đòi tiền chuộc mạng. Tự dưng người ta đến bắt ba, nên sợ bị họ giết, bỏ lại chị em tôi bơ vơ! Chiều má trở về nhà rưng rưng nước mắt, chị em tôi cũng khóc theo. Bữa cơm chiều hôm đó không ai buồn ăn uống, cơn mưa kéo dài cho tới nửa đêm. Những ngày nối tiếp không còn cơn mưa nào nữa, tin tức về ba vẫn biệt vô âm tích. Má tôi cứ chạy đầu nầy đầu nọ hỏi thăm, sau cùng mới biết nơi giam giữ ba ở khu rừng già phía trong. Bọn bắt cóc yêu cầu nạp tiền chuộc mạng, má chạy tiền nạp cho bọn chúng, đưa ba về nhà sau gần một tuần lể bị giam giữ.
   Tôi hứng chịu nhiều cơn mưa nhưng trận mưa trái mùa năm ấy đã hằn sâu vào ký ức tôi một nỗi đau không bao giờ nhạt. Sau lần đó, ba tôi cương quyết bỏ làng quê, nhà cửa ruộng vườn, đưa chị em chúng tôi về miền đất hứa Chợ Cũ Tây Ninh xây dựng cuộc đời mới, và tôi cũng xa quê từ đó...
    Hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi chưa một lần  về thăm chốn cũ, nơi ngày xưa tôi từng bắt ốc hái rau, lội ruộng bắt cua tát cá...Vĩnh biệt những cơn mưa buồn thảm trong đời!
    Nguyễn Cang
(9/15/2015)  



  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...