Radio
FM974
Chuyện
Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 05/10/15
Đại Hàn: Bỏ Trốn Bắc Hàn Đi Rồi Lại Đòi Về
Trong số hàng ngàn người trốn chạy Bắc Hàn,
vượt thoát đến Đại Hàn từ khi có trận đói khủng khiếp xảy ra vào cuối những năm
1990, chỉ có một con số nhỏ đòi được quay trở lại nơi mà họ đã bỏ đi, Kim Ryon
Hui là một trong những người hiếm hoi đó.
Kim Ryon Hui, người
đàn bà thợ may bình thường ở Bình Nhưỡng, trở thành một người tỵ nạn bất đắc
dĩ, cho biết, bà đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng khi muốn trở lại Bắc Hàn,
đoàn tụ với gia đình. Trước khi trốn đến Đại Hàn năm 2011, bà Kim có một cuộc sống
khá thoải mái ở Bình Nhưỡng, nếu tính theo nấc thang mức sống của người dân Bắc
Hàn, chồng bà là một bác sĩ và gia đình vừa được nhà cầm quyền cấp cho một căn
nhà rộng mới trong chung cư khang trang, tiện nghi mọi thứ. Bốn năm trước, bà
Kim đi du lịch thăm vài người bà con sống ở Trung cộng và tìm thầy thuốc ở đó
trị bệnh gan của mình, trong hơn 6 tháng nằm ở bệnh viện tại Bình Nhưỡng trị bệnh,
bà Kim nghe người ta nói, bên Trung cộng,
có đầy đủ phương tiện máy móc chửa trị tốt hơn nhiều, bà cho rằng, bệnh sẽ được
trị miễn phí như tại Bắc Hàn, nơi mọi thứ chi phí đều do nhà nước lo liệu, bao
gồm cả nhà cửa, y tế và học hành.
Nhưng khi đến
Trung cộng rồi, bà Kim mới biết ra là, bà không thể nào có đủ tiền để trả cho
việc chửa trị mà bệnh viện ở đây tính, số tiền này trở thành một gánh nặng quá
lớn bà khó tìm đâu ra tiền, bà con bà cũng nghèo nên không thể vay mượn họ được.
Bà bắt đầu đi làm bồi bàn ở một nhà hàng tại thành phố Shenyang nhưng số tiền
lương thấp, gần như không đủ đâu vào đâu để tiếp tục trị bệnh vì bác sĩ ở Trung
cộng đều đói phải đưa tiền trước, họ mới trị tiếp. Bà Kim gặp một người chuyên
làm chuyện môi giới bảo là, những người Tàu đi làm ở Đại Hàn đều kiếm được rất
nhiều tiền trong một thời gian ngắn, nghe vậy, bà Kim vui mừng, nghĩ đến việc bệnh
tình bình phục, không nợ không nần, bà quyết định sẽ đi Đại Hàn làm kiếm tiền
trong hai tháng thôi.
Hiện giờ, ngồi
đây, bà Kim bùi ngùi nói rằng, chuyện đi đến Đại Hàn là một quyết định sai lầm
khủng khiếp của mình. Bà Kim được nhóm tổ chức, gom chung với một đám người vượt
trốn Bắc Hàn nhưng bà chợt nghĩ ra, một khi ký giấy tờ từ bỏ quốc tịch Bắc Hàn
thì bà sẽ không bao giờ có thể trở lại đó, trước khi tới Đại Hàn, bà nói với họ,
những người tổ chức vượt biên lậu, bà không muốn đi nữa, nhưng sổ thông hành của
bà đã bị họ giữ và không chịu giao trả lại, trên đường đi, một trong những người
vượt trốn nói rằng, nếu bà trốn ở lại, bị bắt thì họ sẽ giao bà cho sở an ninh
công cộng của Trung cộng, khó giữ được mạng sống, cuối cùng, vì không có giấy tờ,
nên bà phải tiếp tục đi theo và đến Đại Hàn nhiều ngày sau đó. Lúc bấy giờ,
theo lời bà Kim, bà cũng chưa mường tượng được người đào thoát là người như thế
nào. Ngay khi đến Đại Hàn, bà cứ một mực đòi được trở về Bắc nhưng ở đây, miền
Nam, điều đó không dễ dàng, Đại Hàn có chính sách, chương trình đón nhận người
trốn thoát nhưng trở về Bắc Hàn là chuyện bất hợp pháp.
Theo lời bà Kim, để
được cho ra khỏi trung tâm định cư ở Đại Hàn, bà phải ký vào một tờ tuyên khai
từ bỏ chế độ cộng sản và đồng ý tuân theo mọi luật lệ hiện hành của nước này, từ
đó bà đã trở thành công dân của Đại Hàn. Bà nói bà đã có gắng tìm một người
chuyên đưa người vượt biên lậu, gọi điện thoại tới tòa đại sứ Bắc Hàn tại
Shenyang, Trung cộng nhiều lần nhưng không được gì cả, cuối cùng bà làm một việc
hết sức táo bạo, mà đến bây giờ, suy nghĩ lại, quá điên rồ. Bà quyết định khai
giả làm là một tên gián điệp của Bình Nhưỡng, để bị tống xuất ra khòi Đại Hàn
nhưng bà không ngờ là, theo luật pháp nước này, họ không trục xuất người làm
gián điệp mà bắt giam vào tù. Sau khi đến tự thú với cảnh sát, bà bị kết án hai
năm tù vì tội làm sổ thông hàng giả và làm gián điệp, may là tháng tư năm rồi,
có lệnh tạm thi hành và bà được sống ở ngoài với tình trạng quản chế, hoàn cảnh
này, mang tội phạm hình sự, cho nên chuyện đi ra khỏi nước du lịch là một điều
không thể có.
Bà bùi ngùi nói lời
xin lỗi với gia đình bà ở Bắc Hàn, sự lựa chọn sai lầm của bà, chỉ vì muốn có
tiền trị bệnh mà bà đã lọt vào tình cảnh xấu tệ như thế này, bà cũng hối tiếc
là đã gây ra đau buồn cho cha mẹ già, chồng và con gái mình. Bà hiện giờ kẹt cứng
ở Đại Hàn mà không thể làm gì khác hơn đành phải đi làm công nhân, đứng coi máy
tại một xưởng tái chế đồ dùng phế thải, để có tiền mà tạm sống ở thành phố
Daegu và thường xuyên được trị bệnh tại bệnh viện gần đó. Dù sức khỏe bà đã khả
quan hơn trước nhiều nhưng vết thương tình thần không làm sao chịu đựng nổi,
tay bà vẫn còn hằn những dấu cắt mà bà đã có nhiều lần toan tự tử.
Tại Bình Nhưỡng,
người ta gặp chồng bà Kim và người con gái 21 tuổi, cô đã không thấy mặt bà từ
năm lên mười bảy tuổi. Ri Gyon Gum, sướt mướt hỏi lớn, tại sao bà Kim không thể
trở về nhà và tại sao gia đình cô phải gánh chịu những đau khổ như vầy, họ,
chánh quyền Đại Hàn, giữ bà để làm gì trong khi bà muốn ra đi, bà còn một gia
đình, người chồng và con gái ở quê hương mình, chồng nhớ vợ, con nhớ mẹ, họ có
còn trái tim hay không. Phóng viên báo chí ngoại quốc, những người được phép
vào Bắc Hàn làm phóng sự, hỏi lại, có muốn nhắn lời gì cho bà Kim hay không,
ông chồng, Ri Gum Ryong, thổn thức trước ống kính, mặt tràn nước mắt “lời
này cho vợ ông, đừng quên rằng, ở đây, Bắc Hàn, bà còn cha mẹ, người chồng và đứa
con gái và một nhà nước xã hội chủ nghĩa, cố gắng tranh đấu cho tới cùng để trở
lại quê nhà”. Ông mạnh dạn, mặt đanh lại nói thêm, hiện tại vợ ông đang
tranh đấu cho bằng được, cả gia đình ông, cả nước Bắc Hàn, đều đoàn kết một
lòng cho đến ngày bà trở lại.
Trong lúc đó, tại
Daegu, Đại Hàn, ngồi xem đoạn phim có lời nhắn này, trước màn ảnh máy vi tính,
bà Kim lấy tay che kín miệng, khóc nức nở. Đây là lần đầu tiên bà nhìn thấy gia
đình mình trong bốn năm qua, bà đau dớn tự trách mình, làm sao sự việc xãy ra
như thế này và bà sẽ phải làm gì đây. Bà
Kim sau đó, xin thu vào máy lời xin lỗi đầy nước mắt, gởi cho gia đình, cho họ
biết, ở đây bác sĩ đang săn sóc bệnh
tình bà rất tốt và chu đáo, bà không bao giờ quên nhưng bà cũng không quên
quê hương mình và hứa sẽ làm hết những gì có thể làm khi trở lại nhà. Bà quả quyết
sẽ về, lúc nào đó bà sẽ về, hãy yên tâm chờ đợi ngày đó đến. Tuy nhiên, theo luật
lệ của Đại Hàn, bộ chuyên lo vể việc thống nhất hai miền cho biết, không cho
phép họ đem gia đình bà Kim sum họp với nhau. Giống như nhiều người dân Triều
Tiên, sự chia cắt hai miền đã gây quá nhiều đau thương cho họ trong nhiều thập
niên qua, nhưng không làm gì khác hơn được. Một lần nữa, báo chí trở lại gặp
người chồng và đứa con gái của bà Kim ở Bình Nhưỡng, để cho họ xem lời nhắn gởi
của bà, họ hứa sẽ mang cho cha mẹ bà xem, nhưng cho tới lúc này, họ vẫn còn
không chắc là khi nào hay nếu họ có thể sum họp với nhau không.
Khi xem
đoạn phim, tay người con gái của bà Kim cũng đưa lên che miệng, giống như mẹ
mình, cùng một hình ảnh, cả hai, người mẹ trong phim và đứa con gái ngồi đối diện
trước cái màn ảnh nhỏ, sụt sùi khóc như nhau.
Thuyên Huy
(ảnh:Google)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét