Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

TIẾT TRÙNG CỮU - Đỗ Chiêu Đức

     
                   Lễ Ông Bà ngày xưa của ta

         Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cữu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghiã là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái
 Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cữu.
         Trùng Cữu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cữu là số 9. Nên Trùng Cữu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cữu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới !
              Inline image  Inline image
       
          Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cữu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già : LÃO NHÂN TIẾT 老人節 hoặc KÍNH LÃO TIẾT 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ  ( Ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác. Cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là : " Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay, là thế ! ). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cữu còn được gọi là Tiết ĐĂNG CAO 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cữu cón được gọi là Tiết THÙ DU 茱萸節, Tiết CÚC HOA 菊花節....

                          
             Cây lá và trái Thù Du  ( trái cherry ở Mỹ )

        THÙ DU là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cữu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để " trừ tà ", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du là vì thế.   
               Image result for 重陽節  Image result for 重陽節  
       Hoa Cúc và tục lệ uống rượu Cúc trong ngày Trùng Cữu

        Trong bài thơ " Bốn mùa ăn chơi " của người xưa thì câu thứ 3 là " Thu ẩm Hoàng Hoa tữu ". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích " flu shot " vào mùa nầy ở Mỹ vậy ! Nên Tiết Trùng Cữu còn được gọi là Tiết Cúc Hoa là vì  thế !
         Theo truyền thuyết thì ...
         Vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong " Tục Tề Hài Ký " rằng :
 Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng : mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.
         Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cữu cho đến hiện nay.

             Image result for 重陽節      Image result for 重陽節  
               Trùng Cữu xưa          Trùng Cữu nay

     Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cữu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh với ...   
      九日登李明府北樓 CỮU NHẬT ĐĂNG LÝ MINH PHỦ BẮC LÂU
          九月登高望,          Cữu nguyệt đăng cao vọng,
          蒼蒼遠樹低。          Thương thương viễn thọ đê.
          人煙湖草裡,          Nhân yên hồ thảo lý,
          山翠現樓西。          Sơn thuý hiện lầu tê. ( tây )
                       劉長卿                        Lưu Trường Khanh
Diễn nôm :
               NGÀY CHÍN LÊN BẮC LÂU CỦA LÝ MINH PHỦ
                          Tháng chín lên cao ngắm,
                          Xanh xanh cây cỏ xa.
                          Hồ mờ sương người vắng,
                          Lầu tây núi biếc nhòa !
                                                 Đỗ Chiêu Đức diễn nôm 

          Image result for 重陽節        Image result for 重陽節

      Còn Thi tiên Lý Bạch với ...

      九月十日即事      CỮU NGUYỆT THẬP NHẬT TỨC SỰ
          昨日登高罷,           Tạc nhật đăng cao bãi
          今朝再舉觴。           Kim triêu tái cử trường.
          菊花何太苦,           Cúc hoa hà thái khổ,
          遭此兩重陽。           Tao thử lưỡng Trùng Dương .                      李白                                       Lý Bạch
Chú Thích :
          Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng...
          Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
          Chỉ trong hai ngày, hoa cúc BỊ HÁI, BỊ VÙI DẬP đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi dập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là : " Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương ". Có nghĩa : Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy !
          KHỔ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. KHỔ cũng có nghĩa là ĐẮNG nữa ! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!
       Diễn nôm :
                      Chuyện của ngày mười tháng chín
                            Hôm qua sau leo núi,
                            Sáng nay lại nâng ly.
                            Hoa Cúc sao mà khổ,
                            Trùng Dương đến nhị kỳ !
                                                Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

        Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cữu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy.
     CỮU NGUYỆT CỮU NHẬT ỨC SƠN ĐÔNG HUYNH ĐỆ    
      Image result for 重陽節      《九月九日忆山东兄弟》          
           Đôc tại dị hương vi dị khách,
           Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
           Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
           Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân !
                                                      Vương Duy
Chú Thích :
        Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là " Ức Sơn Đông Huynh Đệ ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ " dị hương, dị khách ".

Nghĩa bài thơ :
               Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi.
         Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗĩ lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một lá Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta mà thôi !

 Diễn nôm :
                   Xứ lạ quê người làm khách lạ,
                   Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
                   Anh em mùng chín đăng cao đó,
                   Đều giắt thù du thiếu một người !
   Lục bát  :
                   Đơn thân xứ lạ quê người,
                   Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
                   Quê xa huynh đệ đăng cao,
                   Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta !

         九月九日忆山东兄弟    王维雕像                          
                                            Đỗ Chiêu Đức biên khảo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐỆ BÁ NIÊN HOẰNG KHAI ĐẠI ĐẠO- TAM KỲ PHỔ ĐỘ ( Nhứt Bách Niên nhân Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn)

                Múa Rồng Nhang ngày Đại Lễ   Thánh Thất khắp nơi đã tổ chức Đại Lễ Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn rất trọng thể Đại Lễ kính mừng Đệ...