Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

FM974 Úc Châu - Nam Sudan - Uganda: Ở Một Góc Khuất Bên Trong Trại Tỵ Nạn Đông Người Bidi Bidi



Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Thứ Hai 28/05/2018\




Nắng giữa trưa nóng rát, gió từ xa lùa về mang theo chút bụi đỏ ngang qua phòng học trống trải ở một góc trại, đám trẻ con lớp tiểu học bắt đầu trình diễn màn kịch ngắn:

- Tiền đâu rồi? Salva Kiir, tổng thống Nam Sudan hỏi phó tổng thống Riek Machar.

- Tôi đã mua súng hết rồi, Machar trả lời.

- Súng đâu? Kiir hỏi lại.

- Tôi sẽ cho ông coi, Machar hất hàm.

- Tôi sẽ cách chức ông, Kiir giận dữ.

- Được rồi, chúng ta sẽ gặp nhau trong rừng, Machar cười cười nhún vai.

- Tốt, sẽ gặp nhau trong rừng. Kiir lạnh lùng gằn giọng.

Súng nổ, người chết ngã xuống và cuộc nội chiến Nam Sudan bắt đầu, màn kịch chấm dứt ở đó, như là để giải thích, lý do tại sao người dân Nam Sudan phải lìa bỏ cửa nhà, chạy sang lánh nạn tại trại Bidi Bidi, tây bắc nước láng giềng Uganda, một trại tỵ nạn hiện được xem là có số người tạm cư lớn nhất thế giới. Trong năm năm qua, Nam Sudan quay cuồng trong cuộc nội chiến từ khi tổng thống Kiir, cáo buộc người phụ tá của ông, phó tổng thống Machar đã tìm cách đảo chánh, từ đó khoảng 300 ngàn người dân đã chết và 3, 5 triệu thành người tỵ nạn, trong đó hơn phân nửa chạy trốn tới các nước gần bên, phần nhiều đến các trại tỵ nạn phía bắc Uganda, Bidi Bidi là trại lớn nhất nơi hiện có hơn 300 ngàn người.

Trước hiện tình này, Uganda là quốc gia nhiệt tình nhất, mở rộng vòng tay chào đón người tỵ nạn Nam Sudan, tạo mọi cơ hội cho họ có đời sống bình thường dù đang ở xứ người. Ban ngày, người lớn Nam Sudan cày xới trồng trọt trên những cánh đồng mà chính quyền và cộng đồng dân địa phương cho xử dụng không phải trả tiền thuê tiền mướn, nhiều người làm tình nguyện viên với các tổ chức NGO (Phi chính phủ), vài người khác là chủ vài sạp bán hàng nhỏ, cả một vùng rừng rậm xưa chỉ toàn là rắn rít, giờ không khác gì một khu chợ làng quê tấp nập, trẻ con cắp sách tới trường học, chuẩn bị và hy vọng cho một tương lai nào đó, tốt đẹp hơn cuộc đời của người trốn chạy lánh nạn. Để đến được trại tỵ nạn Bidi Bidi, trẻ con phải đi bộ xuyên qua rừng hoang với cha mẹ chúng hàng chục cây số, nếu may mắn nhưng thường chỉ còn lại một mình khi đến nơi, họ phải dẩm lên xác chết, chôn vội chôn vàng người thân nằm xuống đâu đó tại mấy vũng đất cạn, không theo tục lệ truyền thống, họ đem bán những gì mà họ có để trả tiền quá giang trên những chiếc xe cà tàng, bò lê không chắc là tới được biên giới hay không, họ băng qua sông, qua hồ bằng mấy chiếc ca- nô cũ mèm, nứt nẻ, cuối cùng cũng may là cũng còn những người sống sót.

Ở thời điểm chiến trận bùng nổ trở lại dữ dội tại Nam Sudan năm 2016, trại Bidi Bidi đã tiếp nhận hơn hàng ngàn người tỵ nạn mỗi ngày, khu tạm cư này đã tăng lên dần tới cỡ rộng như thành phố Birmingham của Anh quốc, khoảng hơn 250 cây số vuông với những con đường đất trộn đá nát, quanh co theo từng làng ấp người Ugandan chạy dài tới chân trời, người ta có thể phải mất cả một ngày mới tìm được một chỗ nào đó mà người ta muốn tìm, giữa rừng cây xanh lá là mấy căn nhà tranh từng cụm một, có nhìn thấy những tấm vải bạt dày màu xanh dương làm mái che, phập phòng theo chiều gió cung cấp bởi Cao ủy tỵ nạn LHQ, là văn phòng làm việc và nơi chứa vật liệu, bệnh xá lác đác, người ta mới biết nơi này là một trại tạm cư tỵ nạn.

Nơi góc cuối nhà, chiều xuống, sau một ngày dài, lửa bếp ăn lịm dần chập choạng tối, bà Betty Dawa sửa soạn bữa ăn duy nhất trong một ngày – món posho – cho hai đứa con và chồng, ông Julius Wani, làm thiện nguyện cho tổ chức Fahard, một tổ chức NGO địa phương có hợp đồng với cơ quan Thực phẩm và Canh nông của LHQ, cả nhà quây quầng ca hát cám ơn Chúa, Wani cho biết, gia đình ông không có gì nhiều nhưng có tất cả, họ có tình thương và văn hóa ông cha, ông la lớn bảo mấy đứa con vào nhà làm bài tập trước khi những người mà ông gọi là “người anh em” ông tới, “người anh em” là một nhóm người đàn ông Nam Sudanese, họ thoát khỏi sự kình chống sắc tộc, giữa 60 nhóm sắc tộc của Nam Sudan, tham gia trong cuộc nội chiến từ lúc khởi đầu, giờ họ gọi những người tỵ nạn là anh em ruột thịt. Nhóm “người anh em “ đến, họ ngồi quanh tròn ngoài sân đất, Bosco Yuga, một anh trong nhóm này, bất chợt nói to “anh không tin thượng đế”, mấy người còn lại nghe vậy phá lên cười, Yuga tiếp tục “anh ta nghĩ rằng, khi người ta chết đi thì người ta vẫn nằm mãi dưới lòng đất”, ông Wani phớt lờ coi đó là lời của thằng con nít, Wani quay qua Emmanuel Atilio, cũng cùng 18 tuổi như Yuga, trục trặc trong việc vào trường học ở Uganda, bị cho học thấp hơn ba lớp khi tới Bidi Bidi hai năm trước, Wani hỏi Atilio là “sẽ có một ngày nào đó muốn rời khỏi trai tỵ nạn không”, Atilio chần chừ chốc lát, Wani nói tiếp “ngay cả anh đá banh hay như Lionel Messi, hay hát hay như Chris Brown, sẽ không có ai biết tới nếu cứ ở tại trại Bidi Bidi”, cả nhóm gật đầu, rồi đứng dậy chào ra về.

Tại trại tỵ nạn Bidi Bidi, khi nói về mình, Christine Onzia Wani, đang là một ký giả tại Nam Sudan khi cuộc chiến bùng nổ, giờ lại trở thành người tỵ nạn ở đây, nơi mà đã có lần cô đến viết phóng sự về chuyện những người tỵ nạn. Theo cô, nơi khu nhà Baraka là khu của đàn bà con gái ở, hàng ngày không có biết bao nhiêu chuyện kể đã xãy ra cho người này người nọ, họ gặp gỡ nhau ngày thứ tư hàng tuần để được cố vấn về tâm lý, mấy ngày khác họ khuyến khích nhau làm đồ thủ công, bán túi xách hay chiếu nệm, một số cho biết chứng kiến tận mắt chồng họ bị giết, số khác bị quân lính hiếp dâm trên đường tìm đến trại Bidi Bidi, đặc biệt là có nhiều người vẫn còn bị chồng hiếp dâm khi từ chối chuyện “ăn nằm” họ tin rằng đàn bà không bao giờ nói “không” với chồng vể chuyện này. Một người tỵ nạn khác, cô Ateyi, trước khi tới Ugada, cô là một kế toán viên, cô cho rằng, chuyến đi tỵ nạn của mình không có gì đặc biệt hơn người khác, cũng chuyến đi dài, trải qua nhiều khó khăn nhưng may mắn vẫn sống còn, lính Nam Sudan đã đuổi cô trở lại hai lần khi cố vượt biên giới qua Uganda, lần thứ ba, với bà mẹ chồng già cả, người chồng bệnh tật và ba đứa con mới tới được trại Bidi Bidi, quân lính hỏi tại sao cô lại lìa bỏ cửa nhà tìm cách đến Uganda, Ateyi trả lời không chần chừ “mọi người xung quanh cô đang chết dần, cô không thể nào chịu đựng nổi khi nhìn cảnh chờ chết này nữa”.

Anh Wani, chồng của cô Onzia, là một luật sư và tự nhận mình là người bảo tồn rừng cây, ông cùng vài người khác giúp, trồng một số cây quanh trại, bảo vệ môi trường sinh sống vì số người càng ngày càng đông hơn người ta tưởng tại Bidi Bidi, theo anh, “cây là đời sống, là thực phẩm và là thuốc men, cây là sự kình chống nhưng cây cũng là hòa bình”.

Không giống những người tham gia chương trình Super Talent Uganda hy vọng sẽ có ngày trình diễn trên sân khấu lớn tại thủ đô Kampala, Uganda nhưng với Wani và Onzia, thì họ chỉ yêu thương cuộc đời của mình, và đồng ý ở lại trại cho tới ngày cuộc chiến chấm dứt, họ sẽ trở lại quê hương, họ chỉ muốn về nhà, không là Âu châu, Hoa Kỳ, tai sao họ lại phải đến đó, rữa chén bát dơ cho người, trong khi ở quê hương mình vẫn còn mênh mông rộng đồng chờ tay người cày cấy, nhìn chồng quả quyết, Onzia dịu dàng cười “chúng tôi sẽ về nhà một ngày nào đó, nhất định sẽ về”.



Thuyên Huy

Monday 28.05.2018

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...