Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Hạnh phúc là một cơ bắp – Khải Đơn

Tôi ở trong một ngôi làng nhỏ tại Bali một tháng.
 Một gia đình nhỏ cạnh tôi nghèo. Người cha bán mì bakso dạo. 
Mẹ nhận làm các món đồ cúng tế bằng lá cọ. 
Cậu bé con của ông bà im lặng, cáu kỉnh và không thích gần gũi người lạ.
Sự cáu kỉnh của họ làm tôi ngạc nhiên, bởi những người sống xung quanh đó hầu như luôn vui vẻ, hoạt ngôn, và thích làm những điều vui vẻ.
Một ông hàng xóm gầy gò và ốm yếu được giao nhiệm vụ cúng lễ mỗi sáng cho cả cụm nhà xung quanh. Nhìn ông không khỏe mạnh chút nào. Nhưng ông luôn chào tất cả mọi người, thích cười, hay trêu giỡn với mấy chú chó và luôn mang theo quà cho chúng ăn.

Một bà bán sà-rông dưới bãi biển rất nhiều chuyện và luôn vui vẻ. Bà kể có ngày đang đi bán tuốt ngoài bãi mà mắc đi toilet quá phải chạy thiệt nhanh về nhà (nhà trên đỉnh đồi nên cuộc chạy đua vô cùng ngặt nghèo :))). 
Bà dạy tôi nói vài từ tiếng Bahasa, đổi lại tôi dạy bà nói tiếng Anh để bà mời khách.

Điều kỳ lạ là trong cả cụm nhà gần tôi ở, không một ai chơi thể thao dưới nước. Nếu họ đi ra biển, đó là vì cần đi ra thuyền, đi bán sà-rông hay đi việc gì đó. Thậm chí, hầu hết trẻ con trong làng không biết bơi. 
Gần chục đứa tôi hỏi không đứa nào bơi.

Nhưng Eric là một đứa khác. Cậu chừng 17 tuổi. Đen đúa. Làm quét dọn và lau dọn nhà vệ sinh cho một khu nhà nghỉ người nước ngoài. Buổi sáng khi làm xong việc, cậu ra công viên trượt ván 30 phút. Chiều về khi hết giờ làm, cậu cầm ván ra biển và lướt ván chừng gần 2 tiếng đồng, đến khi mặt trời tắt hẳn. Eric là tên cậu được một anh bạn nước ngoài nghĩ ra cho, vì tên của cậu là tên từ quê nhà ở đảo Timor, dài và khó nhớ.

Tiền lương của cậu bèo, đủ ăn và có một cái chiếu để ngủ kế bên bếp của khu nhà. Cậu phải nuôi 2 đứa em phụ cha mẹ. Nhưng điều đó không ngăn cản Eric chơi trượt ván như một tay cực kỳ điệu nghệ và thuần phục cả cái công viên skatepark khó nhằn đó.

Sự nghèo khổ và đôi dép rách không thể ngăn cậu tấp những cú xoay vòng trên không giữa trưa hè với tấm ván dưới chân. Sự nghèo khổ, không thể ngăn cậu chạy ra biển như một chú sư tử biển háo hức nhìn thấy nước và cưỡi lên đầu ngọn sóng. Cái áo màu đen cũ rích không thể ngăn cậu đập tay với mấy anh chàng Tây đang đứng trầm trồ thán phục cậu đổ mồ hôi vô tư bay trên không và gõ ván xuống nền.

Tấm ván đầu tiên Eric có là do một cậu trai Thụy Điển cho lại sau khi hắn rời khỏi Bali. 
Eric cho tôi mượn tấm ván đó, và nói nó vững hơn cái ván tôi mang theo. Từ cái ván đó, Eric chẳng bao giờ thấy buồn sau cả buổi sáng lau nhà vệ sinh hay quét dọn khu nhà. 
Cậu mang ván trượt đến công viên và dạy tụi trẻ con chơi vào cuối tuần, vì nó giúp cậu bớt nhớ hai đứa em ở đảo nhà.

Cả thế giới đến Bali để tìm niềm vui trên ngọn sóng biển bất tận, mùa hè thanh dịu và gió mơn man. 
Trái ngược thay, ở Bali, ngay giữa thiên đường, hàng xóm của tôi lại là một gia đình không thể nở nụ cười với một ngọn gió. 
Trái ngược thay, hàng chục đứa trẻ vâm váp lớn lên không hề biết chúng sở hữu nguồn tài nguyên cả thế giới mơ ước, không biết bơi, không hề trèo lên ván, không hề nhìn thấy sóng biển vỡ dưới chân khi mình lướt đi như vị thần.

Cả thế giới đến Bali để tìm hạnh phúc. Có những người không thể hạnh phúc dù họ là đứa con sinh ra từ thiên đường.
Hạnh phúc không phải món quà. Nó là một cơ bắp. 
Một thứ cần được tập luyện chứ không phải ân phước ai đó thảy xuống đầu và ta may mắn bị chọi trúng.

Hạnh phúc là cuộc tập luyện đổ mồ hôi, để đứa thiếu niên như Eric không tự nguyền rủa mình thiếu may mắn vì phải cọ nhà vệ sinh năm 17 tuổi mà là hạnh phúc vì biết chơi ván trượt trong một cơ thể khỏe mạnh đầy năng lượng. 
Hạnh phúc không phải là được đẻ ra tại thiên đường nhung lụa, mà là nhìn thấy chỗ để tắm mình trong niềm vui ngay giữa vất vả vật lộn mà ta phải trải qua mỗi ngày.

Phóng chiếu của hạnh phúc được viết trong sách thường làm người ta tưởng đó là sự xa xỉ. 

Hạnh phúc vì không phải chà nhà vệ sinh. 
Hạnh phúc vì không phải sinh ra từ thế giới thứ ba nghèo đói.
 Hạnh phúc vì có người yêu mình và lo cho mình. 
Hạnh phúc vì mình được hưởng thụ khung cảnh xa hoa, xinh đẹp và tiện nghi và nhiều người không có được. 
Nhờ vào các tạp chí rao bán ảo ảnh của sự hoàn hảo, ta nhìn nhận hạnh phúc như món quà thụ động được trao vào tay như chiếc nhẫn cưới, một gia đình sẵn sàng sung túc, hay một cảnh trí không thể đầm ấm hơn?

Nhưng đáng tiếc thay, hạnh phúc là một cơ bắp. 
Nó được tập luyện mỗi ngày, như khi cậu bé gặp tôi và cho tôi mượn ván, chỉ tôi cách điều chỉnh dáng giữ thăng bằng. 
Đó là sự tập luyện để nhìn nhận việc mình làm mỗi ngày cần được làm tốt, và mình hưởng thụ niềm vui ngay cạnh công việc đó. 
Nó là cách con người có đủ dũng khí để tìm kiếm niềm vui thật bé và thật trọn vẹn ngay giữa lộn xộn thường ngày mà ta không thể chạy trốn. 

(Du lịch thường được định nghĩa là một bức tranh hạnh phúc, vì ta trốn khỏi sự hỗn loạn thường ngày để đến với thế giới hoàn hảo không tì vết.)

Biển không thể ban phát hạnh phúc. 
Hòn đảo không thể ban phát sự cứu rỗi tình yêu đổ vỡ.
Một quả trứng giữa thiên đường không được trộn sẵn hạnh phúc.

Hạnh phúc cần nhiều tập luyện đến vậy…

Khải Đơn

(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...