Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

TRÁI ĐẤT ĐANG Ở GIỚi HẠN CHỊU ĐỰNG CUỐI CÙNG (Từ trithucvn )

Các nhà khoa học đang lặp lại thông điệp mà họ đã gửi đến nhân loại 25 năm trước, chỉ là ở mức độ khẩn cấp hơn…
Năm 1992, 1575 nhà khoa học lỗi lạc nhất thế giới, trong đó có 99 người từng đoạt giải Nobel, đã ký tên vào một lời cảnh báo về tình trạng Trái Đất và gửi tới các vị nguyên thủ quốc gia:
“Nhân loại và tự nhiên đã ở vào thế xung đột mãnh liệt. Những hoạt động của nhân loại đã phá hoại nghiêm trọng môi trường và những tài nguyên trọng yếu, mà kiểu phá hoại này thường là không thể khôi phục lại. Nếu không kiểm điểm lại thì rất nhiều hoạt động của chúng ta sẽ đặt xã hội nhân loại và các loài động thực vật vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa có thể còn khiến cả thế giới đầy sinh cơ này trở thành nơi không thể duy trì bất kỳ phương thức sự sống nào mà chúng ta biết. Nhằm tránh những xung đột sắp tới, việc cải biến về bản chất (những hoạt động của con người) đã vô cùng cấp bách.”
Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua, liệu tình hình đã thay đổi gì hay chưa? Có, nhưng theo chiều hướng xấu đi, và xấu đi rất nhiều!
Tháng 11/2017, các nhà khoa học lại tiếp tục đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết lần thứ 2 với danh sách chữ ký lên đến 15.372. Đây có thể được coi là bài viết khoa học chính thống có được sự hậu thuẫn lớn nhất từ giới khoa học.
Dưới tựa đề rất nghiêm túc: “Lời cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đối với nhân loại: Cảnh báo lần 2, các tác giả viết:
“25 năm sau lời kêu gọi thứ nhất, chúng tôi nhìn lại và đánh giá phản ứng của con người với những dữ liệu có được. Từ năm 1992, ngoài việc làm ổn định tầng ôzôn bình lưu, nhân loại đã không làm đủ những gì cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường cơ bản đã được báo trước. Đáng báo động là hầu hết những vấn đề ấy đang trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đặc biệt rắc rối là xu hướng biến đổi khí hậu do con người gây ra và khí thải nhà kính ngày càng tăng do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, và sản xuất nông nghiệp, nhất là việc chăn nuôi các động vật nhai lại để lấy thịt.
Hơn nữa chúng ta còn gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt. Trong 540 triệu năm qua, đây là lần thứ 6 các sinh vật sống có thể bị hủy diệt hoặc ít nhất sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.”

(ảnh: JPL/NASA)

Nói tóm lại: Trái Đất đang chết, và nhân loại có thể sẽ chịu chung số phận đó. Chúng ta có thể làm gì? Con người đã rất cố gắng dùng khoa học và pháp luật để bảo vệ môi trường vật chất và kiềm chế hành vi của những người khác. Nhưng kết quả mấy chục năm bảo vệ môi trường đã cho thấy rõ cách làm này hoàn toàn vô dụng.
Chúng ta hãy thử suy ngẫm xem, nền văn minh của nhân loại đã xuất hiện và tồn tại trong yên ổn được vài ngàn năm, vậy vì sao mà chỉ trong khoảng 100 năm qua, các vấn đề môi trường lần lượt xuất hiện và đe dọa tới chính sự tồn vong của loài người? Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu mà đi tới kết cục như ngày hôm nay?
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề có thể làm bạn phải ngạc nhiên, nhưng trước hết chúng ta hãy bắt đầu từ cái trực quan nhất:

Ngày nay, khoa học hiện đại đã thẩm thấu vào hầu như mọi lĩnh vực có liên quan tới cuộc sống con người. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học do con người đóng vai trò chủ đạo lại có những thiếu sót rất lớn, có thể kể ra vài ví dụ:
  • James Watt phát minh ra động cơ hơi nước, từ đó đã mang lại cho Cách mạng Công nghiệp một thời đại mới sử dụng nguồn nhiên liệu hóa dầu với quy mô lớn. Ai cũng không thể nghĩ được rằng nhân loại 200 năm sau sẽ vì vậy mà rơi vào khó khăn do hiệu ứng nhà kính.
  • Các sản phẩm nhựa mang đến sự tiện lợi cho con người trong rất nhiều lĩnh vực, nhất là làm bao bì, đồ gia dụng… nhưng nhựa thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Đặc biệt, nhựa ngoài đại dương bị vỡ dần thành các vi hạt, lẫn vào muối, nước và bị các sinh vật biển ăn vào cơ thể, rốt cuộc đang theo chuỗi thức ăn mà quay lại bữa cơm của chính chúng ta.
  • Thuốc diệt cỏ được nông dân xem như món quà vì nó giúp loại bỏ cỏ dại nhanh chóng. Nhưng các động vật sống dưới đất và côn trùng cũng bị thuốc độc tiêu diệt. Chưa nói đến việc cỏ ngày càng kháng thuốc, thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm cho đất và nước, rồi cuối cùng lại gây ô nhiễm cho thực phẩm.
  • Khi Einstein phát hiện ra phương trình chuyển hóa giữa năng lượng và khối lượng (E=MC2), ông không thể ngờ vài chục năm sau, vũ khí hạt nhân lại trở thành thanh gươm treo lơ lửng trên đầu nhân loại…

(ảnh: bìa tạp chí Times)

Rất nhiều người hiện nay đã coi khoa học hiện đại như chân lý một cách không tự biết, nhưng thật ra từ khoa học (science) bắt nguồn từ trong chữ La-tinh, nghĩa nguyên gốc là “học vấn”, căn bản là chuyện khác với chân lý.
Điểm mấu chốt là: cơ sở triết học của khoa học thực chứng phương Tây đã phân chia thế giới hoàn chỉnh thành hai phạm trù độc lập: vật chất và tinh thần, do đó quan niệm về tự nhiên được thiết lập đã phân tách con người và tự nhiên, con người và thế giới, tâm và vật.
Trên cơ sở này, hoạt động tinh thần nằm ngoài tầm mắt của khoa học thực chứng hiện đại, đạo đức lại chỉ là thuyết giáo thuần túy không có cơ sở vật chất, con người và tự nhiên cũng không còn là một thể hoàn chỉnh. Một trong những hậu quả của nó chính là sự đối lập giữa con người và tự nhiên.
Nhưng khoa học cũng chỉ là công cụ, dùng bao nhiêu thuốc trừ sâu, đốn bao nhiêu cây… rốt cuộc vẫn là quyết định nằm trong tay con người. Người ta thường chỉ nhìn thấy môi trường bị hủy hoại và khoa học là thủ phạm, mà không thấy rằng tinh thần của con người cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng – ở tất cả các lĩnh vực như tín ngưỡng, tư tưởng, quan niệm, dục vọng. Nói cách khác:

Nhà hoạt động từ thiện Ba Lan nổi tiếng, bà Janina Ochojska, từng nói một cách thẳng thắn về sự vô lý trong kinh tế học:
“Người ta sống và tin rằng có một cái ti vi cũ là bi kịch. Nhưng khi có ti vi màn hình phẳng, thì tôi lại phải có cái phẳng hơn nữa, ngay sau đó lại là một cái to hơn nữa. Anh có nhà, thì phải có thêm cái nho nhỏ ở quê, còn nếu anh giàu hơn, thì ở Tuscany hay Provence. Tuần tự như thế. Tôi đọc báo thấy có cặp vợ chồng ly dị và cãi nhau vì 7 cái nhà! Và tôi bắt đầu tưởng tượng nếu mình có 7 cái nhà, tôi sẽ phải có cả máy bay để bay qua bay lại. Trong mỗi căn nhà tôi sẽ phải có cùng từng ấy thứ quần áo, tôi không thể muốn mặc quần đen mà nó lại đang nằm ở thành phố khác. Biết bao nhiêu đồ đạc!? Và tôi có thể sử dụng hết được không, để biện minh cho sự tồn tại của chúng?”
“Mỗi ngày có 26 ngàn người chết đói. Nhưng đồng thời thực phẩm lại được sản xuất mỗi ngày một nhiều hơn, chỉ để những người giàu có thể vứt đi nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Những người giàu – nghĩa là có cả chúng ta,” bà chia sẻ. Quả đúng là vậy, loài người đang lãng phí khoảng 1/3 lượng thức ăn có được mỗi năm, theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc.

Một nhà máy đốt rác thải và quang cảnh khu vực xung quanh ở Bangladesh (ảnh: Foundation for Deep Ecology)

Nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn cũng từng có bài viết cảnh tỉnh nhân loại: “Với dục vọng bị kích thích của con người, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã đi chệnh khỏi quỹ đạo thông thường là để phục vụ nhu cầu sức khỏe của con người, thay vào đó là điên cuồng phát triển dưới sự dẫn động của lợi nhuận để đáp ứng – kỳ thực là nhu cầu bệnh hoạn của một số ít người giàu có”.
Sau khi tinh thần bị ô nhiễm, con người sẽ biến thành ngu muội, ích kỷ, cuồng vọng. Sau khi hành vi của bản thân tạo thành ô nhiễm môi trường, không hề tĩnh tâm lại để suy xét lại xem bản thân mình sai chỗ nào, mà lại tìm nguyên nhân ở môi trường. Nhìn thấy nước biến thành nước bẩn, người ta liền đem vật ô nhiễm trong nước lắng xuống rồi loại bỏ; nhìn thấy thứ gì đó biến thành hôi thối liền đốt bỏ, cho rằng môi trường không nhìn thấy đã được cải thiện rồi. Lâu dần các nhà khoa học mới phát hiện không khí cũng biến thành bẩn…

Vào khoảng năm 200 SCN, nếu lạc vào một thôn làng bình thường ở nước Anh và hỏi một người nông dân rằng “Anh là ai?” thì người ấy sẽ không ngần ngại mà nói “Tôi là một người Kitô.” Câu trả lời như vậy có thể làm rất nhiều người hiện đại ngạc nhiên. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, những người có câu trả lời như vậy sẽ chiếm đại đa số người dân Anh và châu Âu, không kể nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, quý tộc hay thường dân.
Ở thời đại đó, từ trong tín ngưỡng, con người nhận thức được mối quan hệ của bản thân với Thần linh, vũ trụ, gia đình và xã hội. Tín ngưỡng chiếm một phần lớn sinh hoạt và trở thành một chuẩn tắc trong mọi tư tưởng và hành vi của con người. Trong cuộc sống khi đó, phần quan trọng nhất chính là mối liên hệ giữa người với Thần linh.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức "Chúa trời tạo ra Adam"
Bức “Chúa trời tạo ra Adam” tại nhà nguyện Sistine (Ảnh: Wikipedia)

Do giao thông cũng không phát triển, đa số người dân sống trong các thôn làng nhỏ. Họ đều cho rằng, ở dưới gầm trời, đều là đất của Thần, tất cả mọi người đều là tin vào Thần. Tuổi thọ thời đó có thể ngắn hơn bây giờ, tuy nhiên, từ trong tín ngưỡng, mọi người đều có chính tín kiên định rằng cuộc sống của họ trên địa cầu không phải quá quan trọng, nó chỉ được xem là một “khảo nghiệm” ngắn ngủi của Thần đối với họ. Nếu như họ đạt chuẩn, vượt qua khảo nghiệm, sinh mệnh có thể đạt đến vĩnh hằng, đó mới chính là ý nghĩa thật sự của cuộc sống. Mọi người suy nghĩ rất giản đơn, có rất ít dục vọng cá nhân.
Vài trăm năm sau đó, khoảng năm 1000, với sự phát triển của giao thông và thương mại, nhận thức của con người về bản thân bắt đầu có sự thay đổi. Khi giới thiệu bản thân, họ sẽ nói: “Tôi là người Phổ,” hoặc “Tôi là người Pháp” v.v. Tại thời điểm này, người châu Âu bắt đầu nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất đại biểu bản thân chính là quốc gia, tín ngưỡng tôn giáo đã bị đẩy ra phía sau.
Khi lịch sử tiến vào những năm 1600, phong trào Khai sáng bắt đầu nổi lên ở châu Âu. Người ta bắt đầu thách thức các tư tưởng truyền thống, hình thái xã hội vốn có và thể chế quân chủ. Người ta bắt đầu “dũng cảm” thực hiện “theo đuổi tự ngã” (cái tôi cá nhân), tin tưởng rằng thông qua năng lực và “lý tính” của bản thân, có thể thay đổi được vận mệnh và thế giới. Từ lúc này, nhận thức của mọi người về bản thân cũng dần dần bị hạn cuộc trong cái “ngã” của riêng mình và dần đánh mất quan hệ của bản thân với thế giới bên ngoài.
Từ thế kỷ 17 đến 19, cuộc vận động Khai sáng và cuộc Cách mạng Công nghiệp đã làm thay đổi hoàn toàn hình thái xã hội, kèm theo đó là làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa… đã làm cho ý thức tư tưởng của con người cũng âm thầm biến đổi theo.
Đặc biệt, Thuyết Tiến Hóa do Darwin đề xuất vào giữa thế kỷ 19 và từ từ len lỏi vào các trường học trong thế kỷ 20 đã trở thành cơ sở để Thuyết Vô Thần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa quan niệm tín Thần của nhân loại từ hàng ngàn năm nay.
Là một con người mà nói, tin Thần hay không tin Thần là sự lựa chọn của cá nhân người đó. Nhưng trong lịch sử, từng có những chính phủ dùng thủ đoạn cưỡng chế nhồi nhét Thuyết Vô Thần trong toàn xã hội, đàn áp tự do tín ngưỡng, làm cho hệ thống giá trị xã hội truyền thống sụp đổ, từ đó dẫn tới toàn xã hội trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa vật chất, phóng túng dục vọng.

Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, việc sử dụng khẩu trang lọc không khí đã trở nên phổ biến (ảnh: Kelvin Frayer/Getty Images)

Ví dụ như ở Trung Quốc vào thế kỷ 20, từng có một thời mà trào lưu tư tưởng cực tả khá mạnh mẽ, người ta cho rằng tôn giáo là “thuốc phiện của tinh thần”, cho rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” là mê tín. Trải qua vài chục năm ngắn ngủi với các cuộc vận động chính trị liên miên, người dân Trung Quốc dần mất đi tín ngưỡng và các giá trị đạo đức, đời sống tinh thần trở nên nghèo nàn đến đáng thương. Khi con người không còn tin tưởng “trên đầu ba thước có Thần linh” thì cũng chính là đã mất đi ước thúc về đạo đức, chuyện gì cũng dám làm. Pháp luật có đặt ra nhưng khi không có ai giám sát, người ta vẫn sẽ làm điều xấu. Và khi đạo đức, tinh thần bị hủy hoại thì vật chất, môi trường sống cũng xuống cấp theo. Hiện giờ nhắc tới thực phẩm bẩn, người ta sẽ nhớ đến điều gì? Hàng Trung Quốc. Ô nhiễm bụi mịn trong không khí ở đâu cao nhất thế giới? Bắc Kinh. Hơn 80% nước ngầm ở đất nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể trực tiếp sử dụng (theo 1 báo cáo của chính phủ năm 2016). Những hình ảnh về các dòng sông ở Trung Quốc đã đổi màu vì hóa chất làm người ta phải bàng hoàng…
Khi không tin vào ý nghĩa nhân sinh, không tin làm việc xấu sẽ có báo ứng, thì thường làm việc gì cũng đều không tính đến hậu quả, vì mục đích mà không từ thủ đoạn. Đây có lẽ cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của vấn nạn môi trường hiện nay.

Quay lại lời cảnh báo của hơn 15.000 nhà khoa học: “Nhân loại đã không làm đủ những gì cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường”. Mặc dù đã có không ít các ý tưởng, dự án và phát minh để làm sạch nước, không khí và sử dụng năng lượng bền vững… nhưng chẳng thấm vào đâu so với tốc độ hủy hoại và tận diệt thiên nhiên hiện nay. Cuộc chiến đặt ra trước mặt chúng ta không chỉ hạn cuộc trong khoa học, mà chủ yếu hơn là về vấn đề nhận thức – mà mỗi con người sống trên Trái Đất đều góp một phần trong đó.
Con đường để thực sự giải quyết vấn đề phá hoại môi trường chính là quy chính nhân tâm, đối đãi với sự vật theo quy luật tự nhiên, giữa người với người cần hành sự theo quy phạm đạo đức. Nếu như ai cũng có thể làm được như thế, kỳ tích có thể sẽ xuất hiện, giúp con người không bị đào thải khi cả vật chất và tinh thần bị ô nhiễm quá giới hạn.
Nhân loại cần những gì để duy trì sự tồn tại? Là không khí, ánh sáng mặt trời, thực vật và nước, còn lại những thứ khác đều là xa xỉ phẩm. Nhà cửa và quần áo thì chỉ cần đủ dùng… Khi tiêu thụ ít đi, bớt chạy theo dục vọng xa hoa phù phiếm, chúng ta mới không phải lao tâm khổ tứ để kiếm tiền mua sắm, mới tìm được không gian tự do thực sự để an hưởng kiếp nhân sinh.
Phong Trần (t/h)

1 nhận xét:

  1. Con đường để thực sự giải quyết vấn đề phá hoại môi trường chính là quy chính nhân tâm

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...