Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Viết nhân Ngày Lễ Cha: HAI VÌ SAO

Tùy bút Nguyễn Đức Tùng

Một giờ sáng, bác sĩ nội trú gọi điện thoại báo tin bệnh nhân D. yếu dần, chắc không qua khỏi, hỏi tôi có đến không. Tôi có thể đợi đến sáng mai, nhưng lần này thì tôi đi ngay. Dãy lầu dành riêng cho bệnh nhân già yếu im vắng, tôi vẫn ghé thăm ông vài hôm một lần. Tôi nhớ lại tiểu sử: 87 tuổi, vui tính, gốc Ba Lan, góa vợ, thiếu máu động mạch tim, sick sinus, rung nhĩ, máy tạo nhịp, ung thư tiêu hóa. Hồ sơ bệnh nhân có chữ no code, đó là một người bệnh không muốn cấp cứu giai đoạn cuối, muốn ra đi yên bình. Khi tôi đến thăm, bao giờ đầu giường cũng thấy hai bức ảnh của hai chàng trung niên, một người mang kính, nghiêm nghị, một người trán hói tươi cười, cả hai đều đẹp trai. Đó là hai người con của ông đang ở Hoa Kỳ. Mặc dù kín đáo, khi được hỏi, mặt ông tươi lên và kể chi tiết về các con. Cả hai đều là những nhà thiên văn học, say mê các vì sao từ khi còn học trung học ở Canada, nay đều đã có vợ con, và rất nổi tiếng. Ông kể cả hai có công phát hiện những tinh tú mới và tên của họ được đặt tên cho hai vì sao. Thỉnh thoảng vài năm các con và cháu cũng bay về thăm ông, và thỉnh thoảng gọi điện thoại. Ba năm gần đây họ không về nữa, điện thoại thưa dần, vì công việc bận rộn. Như thế cũng vô tình, nhưng vẫn không tệ lắm so với nhiều gia đình khác, tôi thầm nghĩ.

Khi tôi đến, ông nằm im trên giường, màn hình monitor nhấp nháy các chỉ số mạch hô hấp huyết áp dưỡng khí. Tôi ngồi xuống. Ông nhắm mắt, thở nặng nhọc. Tôi bắt mạch, giữ tay ông trong tay mình một lúc rồi đứng lên. Khi tôi bước đi, có tiếng gọi khẽ, tôi quay lại, thấy ông mở mắt, bắt gặp tia nhìn sáng lên, tinh anh khác thường. Mấp máy môi. Tôi tiến lại gần, cúi xuống. Bỗng nghe ông nói tiếng nhỏ nhưng rõ ràng: Con trai của ba?

Tôi giật mình. Ông hỏi lại lần nữa, nhỏ như nói thầm, nhưng từng tiếng: con trai? Họng tôi nghẹn lại. Tôi ngồi hẳn xuống giường, cầm tay, cúi mặt xuống, trả lời: Dạ, con đã về. Ông lắng nghe, không phản ứng gì. Tôi nhắc lại. Lần này hình như ông nghe được, hay ít nhất là tôi cảm thấy thế, nhắm mắt lại. Ngọn đèn tàn bấc cháy bừng lên một lúc. Tôi gọi nhiều lần nữa, có lúc ông mở mắt, nhưng tia nhìn đã hết tinh anh, rồi mờ dần. Sáng sớm hôm sau, ông mất. Khi tôi được gọi trở lại để làm các thủ tục như tìm phản xạ đồng tử, và làm pronouncement, đã năm giờ ba mươi sáng. Tôi điện thoại cho gia đình, không liên lạc được. Tôi chậm chạp vuốt mắt cho ông lần cuối, thật ra là đặt tay lên mí mắt, vì mắt ông đã nhắm rồi, như thói quen tôi vẫn những khi có thể.

Vì sau khi đã chết, người ta vẫn còn có thể được bình an hay bị tổn thương. Những việc làm của người sống như báo tin, vuốt mắt, khai tử, cầu nguyện, tang lễ, không phải chỉ là các thủ tục. Đối với tôi, đó là các nghi lễ. Nghi lễ mở đường cho sự chữa lành vết thương, làm chúng hồi phục. Tôi đi theo sau chiếc giường phủ drap trắng của ông một đoạn, rồi rẽ lối khác tới khu vực đậu xe, tôi bước thong thả dọc hành lang treo những ngọn đèn vàng đục nhỏ, trong không khí xanh, loãng, tối, lạnh, mơ hồ, trên trời sao thưa lác đác. Tôi dừng lại nhìn lên, không, trên trời đêm nay không phải có vài vì sao, mà chỉ có hai vì sao thôi, nhấp nháy, đứng gần nhau. Tôi nghĩ đến những người ở xa giờ này chưa biết tin, nhưng chắc họ đang có linh cảm nào đó, và nếu đang ngủ thì giấc ngủ bồn chồn. Tôi nghĩ đến ngày cha tôi mất, khi tôi vừa rời xa đất nước, không ở bên cạnh. Ông ở trong vòng tay của mẹ tôi, các chị tôi, em gái tôi. Nhưng đứa con trai thì ở xa. Ngày ấy, hàng trăm ngàn người, Bắc cũng như Nam, ra đi không nghĩ đến lúc trở về. Dân tộc này đã từng chia tay như thế, kể từ năm 1954, một triệu người, để rồi “thương nhớ mười hai”.
Trên thế gian, bao nhiêu người may mắn được ngồi bên cạnh giường của cha hay mẹ mình phút cuối. Và bao nhiêu người khác nữa vào giây phút ấy lặn lội nơi xa, đang cầu nguyện hay cãi vã, đang săn đuổi hay đang bị săn đuổi, đang sai và nghĩ mình đúng, đang đúng và nghĩ mình sai, đang hạnh phúc hay buồn rầu. Tất cả những người ấy nên tìm đọc bài thơ của Robert Hayden.


Những Chủ Nhật Mùa Đông

Cha tôi dậy sớm ngay cả ngày chủ nhật
Thay áo quần trong tối lạnh xanh mờ
Bàn tay cha nứt nẻ vì công việc
Nhóm lửa lò cháy rực. Nhưng chẳng ai



Từng biết cám ơn. Tôi thức giấc, than hồng
Lách tách, bếp ấm dần, cha mới gọi tôi
Dậy mặc áo quần, nhưng tôi ngần ngại
Căn nhà xiêu cột kèo kêu giận dữ



Tôi cũng chuyện trò ấm ớ với cha tôi
Ông dậy sớm không phải vì tôi sao?
Và đánh bóng những đôi giày, cũng thế
Nhưng tôi có để ý gì đâu? Nào biết gì đâu?



Those Winter Sundays




Sundays too my father got up early
and put his clothes on in the blueblack cold,
then with cracked hands that ached
from labor in the weekday weather made
banked fires blaze. No one ever thanked him.



I’d wake and hear the cold splintering, breaking.
When the rooms were warm, he’d call,
and slowly I would rise and dress,
fearing the chronic angers of that house,



Speaking indifferently to him,
who had driven out the cold
and polished my good shoes as well.
What did I know, what did I know
of love’s austere and lonely offices?

 
Đang mê mải đi trên đường, đôi khi bạn nghe tiếng gọi từ phía sau. Bạn quay lại: không có ai cả. Tiếc thương không phải là cảm xúc u buồn, trái lại nó có thể làm cho tình yêu sáng lên, trở nên sâu thẳm vững bền. Tiếc thương là một hành động, là tấm gương chiếu rọi bất ngờ, thách thức, vỗ về, làm đầy một cuộc đời chưa trọn vẹn, làm cho bạn trở nên hạnh phúc hơn, trong suốt hơn, tự tin hơn và biết lý tưởng của bạn là xứng đáng.

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...