Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Lương công chức ‘không đủ sống’: Các triều đại xưa cấp bổng lộc ‘dưỡng liêm’ như thế nào?

Gần đây, người dân cả nước háo hức nghe tin về đề án Cải cách tiền lương. Theo đó, tiền lương phải là thu nhập chính của cán bộ công chức viên chức, đảm bảo nuôi sống bản thân và gia đình. Bởi lẽ, tiền lương ‘không đủ sống’ được cho là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ trong hệ thống công quyền hiện nay.
Trong lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến đã sớm biết sử dụng lương bổng hợp lý để khuyến khích quan lại gìn giữ đức thanh liêm.
Lý Thánh Tông cấp tiền, lúa, cá, muối cho quan lại trông coi hình ngục

Sử chép: “Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, trước thời vua Lý Thánh Tông, các quan trong triều ngoài lộ không có chế độ lương bổng thường xuyên. Quan trong thỉnh thoảng được vua ban thưởng. Quan ngoài được thu thuế ruộng đất đầm ao của dân địa phương mà tự cấp cho mình.
Vua Lý Thánh Tông ban áo cho các tù nhân. (Ảnh: youtube.com)
Lý Thánh Tông khi thương xót những tù phạm chịu đói rét trong tù thì cũng nghĩ đến cả những người canh giữ tù phạm ấy. Bởi lẽ chính sách khoan hồng của vua với phạm nhân sẽ khó thành nếu quan lại hình ngục nhũng nhiễu tù nhân và người nhà chỉ vì không có lương bổng. Vậy nên, nhà vua đã đặt ra “bổng dưỡng liêm” cấp cho các quan chức trông coi việc hình pháp, xét xử, giam giữ… nhằm nuôi dưỡng đức tính liêm khiết, trong sạch của họ, ngăn chặn nạn hối lộ trong hoạt động chấp pháp. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có ghi lại việc này như sau:
“Ân riêng mưa móc đượm nhuần
Đã tiền lại lúa ân cần dưỡng liêm”
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng chép: “Dùng Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thế Tư làm quan Đô hộ phủ sĩ sư, đổi mười người thư gia làm án ngục lại. Cho Trọng Hòa và Thế Tư mỗi năm mỗi người là năm mươi quan tiền, trăm bó lúa, cá và muối đủ dùng. Các ngục lại, mỗi người hai mươi quan tiền và trăm bó lúa. Việc cấp lương bổng này cốt để gây nuôi lòng thanh liêm của họ”.
Lê Thánh Tông cấp bổng lộc dựa trên nội dung công việc thực tế


Vua Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại. (Ảnh minh họa: pinterest.com)
Coi “Trăm quan là nguồn gốc của trị loạn” nên vua Lê Thánh Tông chú trọng thực thi các chính sách nhằm xây dựng, nuôi dưỡng đội ngũ quan lại hiền tài. Ông thiết lập chế độ đãi ngộ quan lại công bằng, tùy theo tính chất công việc khó dễ mà định đoạt.
Năm 1473, Vua Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại trong kinh, ngoài trấn. Theo đó, việc phân cấp lương bổng được thực hiện dựa theo nguyên tắc: “Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả tiền bổng có khác nhau” (Lịch triều hiến chương loại chí). Đối với các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ các trọng trách ở địa phương, số tiền lương cũng không có sự khác biệt so với các quan trong triều. Chính sách này nhằm khuyến khích các quan làm việc ở lộ, phủ, và để quan địa phương không vì lương bổng quá thấp so với quan trong kinh mà vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.
Ngoài lương bổng, để tăng nguồn thu cho quan lại, Vua Lê Thánh Tông còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc như: Lộc điền, huệ lộc, dân lộc… và ban cấp rất hậu. Việc phân cấp bổng lộc đã “cân nhắc được người khó nhọc, người tài năng mà quyết định được bổng lộc cho đích đáng. Phép tắc, thể lệ thật là đầy đủ” (trích “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”). Nhờ đó, Vua Lê Thánh Tông đã khuyến khích người làm quan công tâm hết lòng vì chức trách, phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng trong giới quan trường.
Bổng lộc ít ỏi, có cần giữ đức Liêm?
Cấp bổng lộc tương xứng để nuôi dưỡng đức thanh liêm, việc làm này phù hợp với đạo lý “Làm nhiều được nhiều làm ít được ít”. Những quan lại có chức trách lớn, lao tâm khổ tứ xử lý nhiều công sự vì dân vì nước đáng được hưởng bổng lộc cao. Những quan lại ít việc, nhàn nhã thì hưởng ít bổng lộc. Nếu phó xuất ít mà lại hưởng nhiều thì sẽ mất đức, tiêu hao phúc phận của bản thân, vì lý nhân quả luôn công bằng.
Đổi lại mà nói, nếu công cán vất vả mà lương bổng không tương xứng, người làm quan có cần giữ đức Liêm nữa chăng?
Làm quan thanh liêm và lương bổng có thực sự liên hệ mật thiết với nhau không? (Ảnh: youtube.com)
Nếu chiểu theo pháp luật của con người: hành vi tham nhũng, dẫu vì bất kể lý cớ gì, nếu bị phát giác đều mang lại hậu quả tai hại.
Chuyện kể rằng Công Nghi Hưu làm tướng cho Mục Công nước Lỗ đời Chiến quốc rất thích ăn cá. Một hôm có người đem cá biếu, ông lại không nhận. Em ông lấy làm lạ, hỏi: “Anh sở thích ăn cá, người ta đem cá cho, sao anh lại không nhận?”. Công Nghi Hưu nói: “Người ta đem cá cho chắc có ý cầu ta việc gì. Nếu ta nhận, tất ta phải giúp việc người. Giúp việc người lỡ làm trái phép thì đến mất quan. Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, mà đến cá mua lấy cũng không có nữa. Cho nên ta không nhận cá chính là ta muốn được có cá ăn lâu dài mãi mãi đó”.
Còn nếu chiểu theo luật Trời: một người gìn giữ đức Liêm nhất định được phúc báo.
Trong tiếng Hán, chữ Liêm (廉) bao gồm chữ Quảng (廣) nghĩa là rộng lớn, và chữ Khiêm (謙) nghĩa là khiêm nhường. Chữ Quảng bỏ chữ Hoàng (黄) – vàng, hoàng kim ra, và chữ Khiêm bỏ chữ Ngôn (言) – lời nói ra, ghép lại thành chữ Liêm.
Như vậy, “Liêm” có nghĩa là có quyền hành to lớn (Quảng) nhưng không lấy vàng bạc (Hoàng), có công lao to lớn (Quảng) vẫn khiêm nhường (Khiêm), không nói, không kể công (Ngôn). Tức là có quyền lớn công cao mà không cậy thế, không nhận tiền tài vàng bạc, khiêm nhường không kể công, không cậy công.
Từ quan niệm người xưa về chữ Liêm cho thấy đây là phẩm chất tốt đẹp của người quân tử, không vì vàng bạc quyền thế mà đánh mất đạo đức cao thượng của mình. (Ảnh: youtube.com)
Từ quan niệm của người xưa về chữ “Liêm”, có thể thấy thanh liêm chính trực là phẩm chất của người quân tử, của bậc “dân chi phụ mẫu” không vì vàng bạc quyền thế mà đánh mất đạo đức cao thượng của mình. Lương bổng ít hay nhiều có thể dao động lòng người thường, còn với bậc đại đức, đại thiện, thì lương bổng không có quan hệ với tiết tháo của họ.
Khổng Tử nói: “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy”. Ngược lại, kẻ tiểu nhân tham lam, dẫu có ở trên núi vàng cũng vẫn muốn vơ vét thêm.
Trong xã hội ngày nay, sẽ là phi thực tế nếu đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức phải làm việc tận tâm tận lực với đồng lương “chết đói”, bởi vì họ là những người bình thường với gia đình phải chăm lo, đủ thứ phải chi tiêu từ mớ rau con cá. Một chế độ đãi ngộ công bằng tốt đẹp hơn là điều ai ai cũng mong mỏi. Tuy nhiên, chờ đợi chính sách lớn của quốc gia được thực thi thì lâu, mà cơm ăn áo mặc là chuyện thường ngày.
Thiển nghĩ, “Nhà nước” đối xử với mình thế nào là chuyện của “Nhà nước”, còn mình đối xử với công việc, với mọi người xung quanh thế nào, đó là cái đức của mình. Người xưa nói “Ở lành trời dành phúc cho”, “Sống cho có đức, mặc sức mà ăn”, mẫn cán trong công việc, ân cần với nhân dân là cái đức của người làm quan, làm công chức. Có đức ấy ắt sẽ được phúc phận lâu dài. Đồng lương hiện tại dầu ít ỏi, mà con cái trong nhà học cái đức sáng của mẹ cha, ngoan ngoãn hiếu thảo, người dân vui mừng cảm tạ, lòng nhẹ nhõm an nhiên, thì hạnh phúc đã ở ngay trước mắt rồi đó.
Ngân Hà (daikynguyen.com)

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...