Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Thơ Xướng Họa : THƠ THẨN TUỔI GIÀ (Hồ Nguyễn,Thanh Hoà và Các Bài Họa



THƠ THẨN TUỔI GIÀ
Tuổi già lẩn quẩn có gì đâu,
Than thở mà chi úa héo sầu.
Sáng dậy cà phê vô mấy ngụm,
Trưa xem láp tóp họa vài câu.
Chiều về láng cháng cơm đôi chén,
Tối lại mầy mò chuyện ngũ châu*
Hủ hỉ cháu con bao kẻ muốn,
Đề huề dâu rể khối người cầu.
*Vặn TV coi tin thế giới, (năm Châu).
HỒ NGUYỄN & THANH HÒA

HỌA: KHÓC TUỔI GIÀ

Thân già yếu đuối chẳng đi đâu,
Sớm tối chèo queo nghỉ thảm sầu.

Lúc trước oai phong ta lẫm liệt,
Ngày nay lập bập tớ nên câu.

Nào ai tránh khỏi đường sinh tử,
Mấy kẻ không hề tránh giọt châu.

Thất thập đời cho mình chỉ thế,
Bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu cầu.
Xi Cà Que

HỌA: BÀ GIÀ KHÓ TÍNH
Già rồi chạnh nghĩ: có sao đâu,
Bực bội bâng quơ, chớ muộn sầu.
Soi kiến thấy mình nhăn nhó bạn,
Hát chèo ngẫm chuyện vẩn vơ câu.
Qua thời du ngoạn vài ba biển,
Nhớ thủa rong chơi khắp mấy châu.
Xướng hoạ thơ tình e ý cạn, 
Thì tìm nhã hứng ở kinh cầu ...
Hawthorne  25 - 11 - 2019
CAO MỴ NHÂN

HỌA: BIỆN BẠCH
Hiểu rõ thân già,...ai cãi đâu,
Tâm tình cởi thoát cái bi sầu?
Hồn đà chửa thấu,chưa lành chữ,
Ý đã thông rồi, mới thuận câu.
Cháu thống lưu nền,tràn bể hạnh,
Con nòi giữ nếp, vợi dòng châu (!)
Khôn lường phước trạch trong thiên hạ,
Ai nấy không mong mãn sở cầu???
Nguyễn Huy Khôi (26-11-2019)

HỌA: ÔNG GIÀ SAI VẶT
Lảo bá già hàm hỏi cháu đâu?
Kề bên chớ để cảnh tao sầu.
Lại đây nấu nước đưa vô tắm,
Ẩm nội rest room hát mấy câu.
Nhớ chế cà phê G 7 thiệt,
Đừng quên cái bánh ngọt Triều châu!
Có con có cháu giờ sai vặt,
Tháo bụng sai con tía muốn…“cầu”!
Hì....hì...

Trần Đông Thành

HỌA: GIÀ THOÁT ĐƯỢC ĐÂU
Bạc trắng tóc rồi thoát được đâu,
Áo cơm, bệnh tật…đuổi theo sầu.
Tinh mơ chống mắt ra ngồi chợ,
Chiều tối băng đồng chạy cắm câu.
Đắt đỏ mua tình buôn tiếng khóc,
Nhọc nhằn bện chữ chở dòng châu.
Mùa quê trái gió đời giông bão,
Mỏi gối trần ai những nguyện cầu!
Lý Đức Quỳnh

Họa :BIẾT SỐNG TUỔI GIÀ
Già rồi lẩm cẩm có sao đâu
Cứ mãi than van cực với sầu
Ngày tháng mê say đàn gõ nhịp
Tối ngày đeo đuổi hát lên câu
Trèo lên chóp núi tìm viên ngọc
Lặn xuống đáy hồ kiếm hạt châu
Chuyện cũ giờ đây không thiết nữa
Chẳng còn hơi sức, mặc ai cầu !

Tạ Vương Kim


Họa :CÁI GIÀ XỒNG XỘC,KHÔNG HAY !...
Bảy mấy xuân xanh có khỏe đâu !...
Ngoài tươi, trong héo, cũng đeo sầu !
Điểm tâm buổi sáng ăn non chén
Thơ thẩn tối ngày viết tám câu !...
Đường luật, đối niêm từ bát cú
Ti Vi tin tức ngữ năm Châu
Cửa thiền, Thánh Thất, đời tu nguyện
Lão giả an nhiên,sống thỉnh cầu...

Mai Xuân Thanh
Ngày 27/11/2019

Họa :LẨN THẨN TUỔI GIÀ
Tuổi già lẩn thẩn nghĩ đâu đâu
Chuyện xửa chuyện xưa nhắc lại sầu.
Ước muốn lưng trời rong cánh nhạn
Mơ màng sông nước thả thuyền câu.
Quên quên nhớ nhớ xơi viên thuốc
Tủi tủi hờn hờn đắm giọt châu.
Tri kỉ quê người dần khuất bóng
Chao ôi! Mây trắng đã qua cầu!

Mailoc
11-27-19


  Họa :VUI HƯỞNG TUỔI GIÀ
Già khú không cần biết tại đâu
Sao mà cứ cảm thấy ưu sầu
Năm tàn thấy mệt tìm yên nghỉ
Tháng lụn chạnh buồn kiếm gác câu
Kỷ niệm giang hồ toàn bốn biển
Bóng hình phiêu lãng khắp năm châu
Trên đường trở gót về quê cũ
Nhìn nước sông xưa chảy dưới cầu !

Paris, 27/11/2019
TRỊNH CƠ

Họa :TUỔI GIÀ THANH THẢN
Thành bại còn chi tha thiết đâu,
Tuổi già nên tránh chuyện đeo sầu.
Thanh tâm sảng khoái thơ dăm chữ,
Trí não hoà an phú ít câu.
Tranh vẽ đề cao điều chính nghĩa,
Tánh ưa tìm hiểu chuyện năm châu.
Tanh hôi chẳng thích đời ngang trái…
Thành thật lời ngay đó sở cầu
!
Liêu Xuyên

  Họa :THƠ VÀ RƯỢU
Một thơ một rượu có sao đâu,
Hai cái lăng nhăng chẳng có sầu.
Thơ túi góp bài chia cảm hứng,
Rượu bầu cùng bạn ngoắc cần câu.
Tìm vui mở máy internet,
Gợi hứng vào xem chuyện Á Âu.
Bát thập có dư cần tĩnh dưỡng,
Thân an tâm lạc mỗi ngày cầu.

UYÊN QUANG
(27-11-2019

Họa :TÌM VUI TUỔI HẠC
Tuổi lão ai còn khoẻ nữa đâu
Đừng nên chất chứa nỗi âu sầu
Mùa đông đốt sưởi bên tường hát
Nắng hạ tìm đường tới biển câu
Nhập hội Hoàng Gia vui bốn bể
Vào nhà Việt Bút nhộn năm châu
Đan mây kết nguyệt hoà say ý
Sức lực trời cho đạt nguyện cầu

Minh Thuý ( Thành Nội ) 

28/11/2019

Giới Thiệu Sách : DẤU TÍCH MỘT NGÔI TRƯỜNG. của Bùi Tho


DẤU TÍCH MỘT NGÔI TRƯỜNG...
 

( Tác giả Bùi Tho )
Nói về một ngôi trường, tự hào hay nhắc một vài kỷ niệm của mình với ngôi trường ấy thì có lẽ ai cũng làm được bởi chúng ta có thể thực hiện tình cảm ấy bằng một bài thơ, một bản nhạc, một tuỳ bút, một truyện ngắn, một vài ký hoạ, một hình ảnh v..v...Nhưng viết một quyển sách về ngôi trường mà ta tự hào không phải dễ, nó đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận, những tư liệu quí báu và chính xác, gom lại những tư liệu hình ảnh kỷ niệm của quá khứ và hiện tại, sao chụp và hoà nhịp những
âm thanh và nỗi niềm của mọi người qua các thời kỳ, từng ngọn cây, con đường, bông hoa, lá cỏ, từng góc nhỏ của những kỷ niệm làm rung động lòng người... Có lẽ thầy Bùi Văn Tho đã làm được điều đó và làm rất tốt bởi thầy làm bằng nhiệt huyết của con tim hằng yêu mến ngôi trường mà mình có điều kiện gần gũi làm việc sinh hoạt gần một đời người nơi đó, chứng kiến biết bao sự đổi thay trong từng khoảng khắc lịch sử ...Nói cho thật lòng không hề thêu dệt hay cường điệu vì thầy có tâm và có tầm , say đắm với công việc và không vụ lợi...Thầy viết một cách say mê và có trách nhiệm, tôi vô cùng cảm kích, thích thú và tự hào được Thầy nhớ và ký tặng...
Tác giả đã viết:
 

VỚI MÁI TRƯỜNG NÔNG LÂM SÚC
 

NGÀY XƯA TA SỐNG TRONG LÒNG NÓ,
 

BÂY GIỜ NÓ SỐNG TRONG LÒNG TA.
 

Tôi nghĩ có lẽ các thần dân Nông Lâm Súc bất cứ trường nào trên toàn quốc đều cũng có tâm trạng như thế và trường Quốc Gia Nông lâm Mục Bảo Lộc ,sau này là Trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc có lẽ là cái nôi đáng nhớ và quyển sách DẤU TÍCH MỘT NGÔI TRƯỜNG với 105 trang viết đầy cô đọng yêu thương của Thầy Bùi Văn Tho thật là đáng đọc và đáng quí...
Xin trân trọng giới thiệu đến tất cả quí bằng hữu và tất cả các thần dân Nông Lâm Súc.
 
NGUYỄN QUỐC NAM

Phép màu của luật nhân quả: Cuộc hội ngộ của người ăn xin và cô gái vô gia cư năm xưa

Mời đoc bài nầy để thấy sự kỳ diệu....Chúng ta không nên qua bi quan


Vào một sáng Chủ nhật, trong khi đang đi dạo phố, người phụ nữ quý phái nhìn thấy một người ăn xin cạo râu và quần áo mặc ngược. Mọi người qua đường đều nhìn ông ta với sự khinh miệt.
Cô cúi xuống hỏi người ăn xin:
– Thưa anh? Anh không có chỗ trú chân trong thời tiết giá lạnh sao? 
Người ăn xin nhìn cô, nghĩ rằng cô cũng giống như mọi người khác, chỉ đến để chế giễu anh ta. Anh tự ái, gầm gừ lên tiếng:
– Hãy để tôi yên!
Người phụ nữ mỉm cười với anh và nhẹ nhàng hỏi anh có đói không?
Người ăn xin trả lời với một vẻ mỉa mai :
– Không, tôi chỉ đi ăn với Tổng thống!
Sau một hồi nói chuyện như kiểu tranh luận, người phụ nữ cuối cùng cũng thuyết phục được người ăn xin vào quán ăn.

Người phụ nữ lúc này mới nhẹ nhàng hỏi:
– Anh có nhớ nhiều năm trước có một cô gái vô gia cư từng thường xuyên đến đây không? 
Anh chàng ăn xin nhìn cô một hồi và nhớ khung cảnh quá khứ hiện về…..
Người phụ nữ kể:
– Lúc đó, tôi vừa tốt nghiệp và đến thành phố tìm việc làm. Tôi đã không tìm thấy một công việc nào trong một thời gian rất dài và bị đuổi ra khỏi căn hộ đang thuê vì không có tiền. Tôi vẫn còn nhớ, khi ấy là tháng 2, và tôi phải sống vạ vật trên các con phố…
Khuôn mặt của người ăn xin đột nhiên sáng lên:
– Tôi nhớ cô rồi. Khi đó tôi đang bán bánh tại quầy, cô đến và hỏi tôi cho một cái gì đó để ăn. Tôi nói rằng nếu làm như vậy tôi có thể sẽ bị đuổi việc.
– Nhưng sau đó anh vẫn cho tôi chiếc bánh sandwich lớn nhất kẹp thịt bò nướng, một tách cà phê, rồi cho tôi ngồi và thưởng thức bữa ăn.
Người phụ nữ nói tiếp:
– Nhớ lại thời khốn khổ, sáng nay tôi ghé qua phố này, không ngờ lại gặp được anh… Anh đừng tự ái… tôi có thể kiếm việc làm và chỗ ở cho anh. Anh đừng lo, tôi có thể sắp xếp được vì tôi hiện nay là giám đốc nhân sự của ngân hàng thành phố.
Những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt của anh ăn xin:
– Biết bao giờ tôi có thể trả ơn để đáp đền lòng tốt của cô.
Người phụ nữ đỡ lời:
– Anh đừng nghĩ thế! Hãy cám ơn Thượng đế, Ngài dẫn tôi đến với anh.
Khi hai người rời quán, người phụ nữ nói với nhân viên:
– Cảm ơn vì tất cả sự phục vụ của các bạn!
– Không, thưa quý bà! Ngược lại, cảm ơn quý bà. Hôm nay chúng tôi đã được chứng kiến một phép màu của luật nhân quả.

(Dam Ho chuyển )

KÍNH CHÚC LỄ TẠ ƠN AN BÌNH - Thơ Tạ Vương Kim

Tạ ơn, hai chữ đong đầy trong tim.
Tạ ơn người, tạ ơn đời
Tạ ơn Phụ Mẫu, đất trời bao la
Tạ ơn hương sắc cành hoa
Tạ ơn nắng ấm chan hòa ngày đông
 
Tạ ơn những khúc tơ đồng
Tạ ơn chữ nghĩa mênh mông ngọt ngào
Tạ ơn ngàn câu ca dao
Tạ ơn tiếng hát ngày nào Mẹ ru
 
Tạ ơn nắng lụa mùa thu
Tạ ơn ngọn gió vi vu trưa hè
Tạ ơn bụi cỏ bờ tre
Tạ ơn cơm nắm muối mè nuôi thân
 
Tạ ơn mấy chục mùa xuân
Tạ ơn thế sự xoay vần đổi thay
Tạ ơn Thượng Đế sắp bầy
Tạ ơn hai chữ đong đầy trong tim.
Dương Thượng Trúc
Mùa Tạ Ơn 2019-11-28


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

TÂM SỰ GÀ TÂY - Pham Đình Lân

Từ khi tiếp xúc với người Pháp vào hậu bán thế kỷ XIX người Việt mới biết dòng họ chúng tôi, một loài cầm vũ to lớn hoàn toàn xa lạ với họ. Họ gọi chúng tôi là Gà Tây nghĩa là gà từ Pháp đem qua.
Chúng tôi không biết anh Phượng (Hoàng), chị Loan to lớn và đẹp đẽ như thế nào chỉ biết rằng trên mặt đất hiện nay chỉ có Gà Tây chúng tôi và tộc Khổng Tước là loài cầm vũ to lớn biết xòe đuôi nhảy múa và ca hát vang dội.
Gà Tây chúng tôi và các anh chị Khổng Tước (Công) đều cùng gia đình Phasianidae.
Tên khoa học của các anh chị Khổng Tước là Pavo critatus.
Tên khoa học của Gà Tây chúng tôi là Meleagris gallopavo và Meleagris ocellata.
Quê hương gốc của chi tộc Meleagris gallopavo thuần hóa nuôi trong các nông trại hay sống hoang dã trong rừng lá Bắc Mỹ và Mễ Tây Cơ.
Chi tộc Meleagris ocellata gốc ở bán đảo Yucatan, đông nam Mễ Tây Cơ.
Người Âu Châu mới biết Gà Tây chúng tôi vào thế kỷ XVI sau khi các nhà chinh phục Tây Ban Nha đem dòng họ chúng tôi từ lục địa Mỹ Châu về Tây Ban Nha và quảng bá khắp lục địa Âu Châu. Người Việt Nam biết chúng tôi vào cuối thế kỷ XIX. Có sự ngộ nhận của các thương nhân người Anh về hình dạng và nguồn gốc giữa Gà Tây chúng tôi với một loài chim Guinea. Các thương nhân này giao dịch với các quốc gia ở miền đông Địa Trung Hải thời đế quốc Ottoman nên họ gọi tiền nhân chúng tôi là Turkey bird, điểu tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó người Anh gọi dòng họ chúng tôi là Turkey, tên của xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ Turkey có nghĩa là Ấn Độ!
Người Do Thái gọi chúng tôi là Tarnagol rodu tức là Gà Ấn Độ.
Người Pháp gọi Gà Tây nữ là Dinde (Dinde âm từ d’Inde: từ Ấn Độ) và Gà Tây nam là Dindon hay Coq d’Inde : Gà trống Ấn Độ. Ở điểm này có thể người ta lẫn lộn về chữ ‘Indian’ với hai nghĩa khác nhau:
1. Indians là người Ấn Độ tức Hindus ở xứ India mà người Pháp gọi là Inde tức East Indies
2. Indians chỉ người Da Đỏ ở Mỹ Châu do sự hiểu lầm của Christopher Columbus khi đặt chân lên Tân Lục địa nhưng vẫn tưởng mình đã đến Ấn Độ nên gọi những người mà ông gặp là Indians (người Ấn Độ). Đó là vùng West Indies (Tây Ấn) không có liên hệ địa lý, chủng tộc hay tôn giáo gì với Ấn Độ cả.
Người Mã Lai cho rằng Gà Tây gốc ở Hòa Lan nên gọi đó là Gà Hòa Lan như người Việt Nam tưởng đó là gà gốc ở Pháp (Tây) vậy. Đúng hay sai tùy theo cách nhìn của mỗi dân tộc trước một vật mới lạ. Người Trung Hoa há không gọi trái cà chua (cà to-mat) là Tây Hồng Quả (Xihonggua)?
Về hình hài Gà Tây chúng tôi giống Khổng Tước. Gà Tây nam to lớn và đẹp hơn Gà Tây nữ. Đặc điểm này cũng được tìm thấy nơi dòng Khổng Tước. Gà Tây nam và Khổng Tước nam đều có đuôi dài tựa như cái quạt to khi xòe ra. Khổng Tước nam ăn mặc đẹp đẽ, sặc sỡ và sang trọng hơn Gà Tây nam chúng tôi nhiều. Gà Tây nam chúng tôi chỉ mặc quần áo đen có vài chấm trắng chớ không có màu sắc xanh, vàng lấp lánh như quần áo rực rỡ của anh chị Khổng Tước, những người bà con sang trọng và quí phái của gia đình Phasianidae chúng tôi. Ở Ohio người ta nuôi Gà Tây ăn mặc quần áo trắng toát. Hàng năm người ta tuyển một Gà Tây nam trắng toát này để gởi lên thủ đô Washington cho tổng thống Hoa Ky cử hành Lễ Tạ Ơn. Phần lớn các anh Gà Tây được ‘tiến cung’ đều chết vinh quang trong nhà bếp của tòa Bạch Ốc. Cũng có khi anh Gà Tây ‘tiến cung’ này được sự khoan hồng của tổng thống.
Gà Tây nuôi trong nông trại mập mạp, nặng cân nên không bay được. Gà Tây rừng có tuổi thọ từ 3 đến 4 tuổi. Họ biết bay để ngủ trên cành cây cao ban đêm. Sự dinh dưỡng trong trạng thái hoang dã không đầy đủ. Họ ăn các loại hột, trái cây, trái xồi, côn trùng, loài bò sát v.v. Họ thường xuyên bị đe dọa bởi rắn, chồn cáo, chó sói v.v. Kẻ thù đáng sợ của các anh chị này là các thợ săn. Ngày nay Gà Tây rừng hầu như không còn bao nhiêu ở Hoa Kỳ.
Gà Tây nam, nữ 8 tháng tuổi thì bắt đầu làm công tác truyền giống để sinh sản. Vào mùa bắt cặp Gà Tây nam dùng thuật khiêu vũ bằng cách xòe đuôi và thét to để gọi tình. Tiếng kêu gọi tình của Gà Tây nam rất to đến nỗi ở cách xa cả cây số vẫn nghe được. Gà Tây nữ sinh từ 10 đến 18 trứng. Trứng ấp 30 ngày mới nở. Ngày nay, vì nhu cầu cần nhiều thịt dòng họ Meleagris chúng tôi, các nhà chăn nuôi ở Âu-Mỹ không cần sự hiện diện của các Gà Tây nam trong công tác truyền tử lưu tôn. Đa số các anh ấy bị lưu đày sang nước khác hay sớm được đưa vào các lò sát sinh để ‘được giải thoát’. Người ta chỉ giữ vài anh Gà Tây khỏe mạnh để lấy tinh trùng để thụ thai nhân tạo (artificial insemination) cho các Gà Tây nữ. Phương pháp này cướp quyền truyền giống và lạc thú nam-nữ của dòng họ Meleagris chúng tôi nhưng có lợi cho loài người vì đảm bảo các trứng đều có trống và nở ra Gà Tây con đông đảo hầu đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của loài người. Một chị Gà Tây có thể có từ 100 đến 120 con. Nhiệm vụ của các chị ấy là đẻ trứng mà thôi. Việc ấp trứng có máy ấp đảm nhận.
Gà Tây cân nặng từ 3 ki-lô đến 12 ki-lô thì được bán ra thị trường. Gà Tây trưởng thành cao lối 65 cm, dài 1m tính cả đuôi. Hai cánh xòe ra lối 1.5 m.
Gà Tây nam có màu sắc hơn Gà Tây nữ. Cổ Gà Tây nam dài, có tích đỏ. Màu da cổ thay đổi từ xám, xanh, trắng đến đỏ. Da cổ đỏ khi Gà Tây nam xung động hay buồn giận chuyện gì.
Trong trạng thái hoang dã xã hội Gà Tây là xã hội đa thê. Các anh Gà Tây không có trách nhiệm và bổn phận gì khi các chị Gà Tây đẻ trứng và ấp trứng. Khi trứng nở ra con, các chị Gà Tây phải chăm sóc và dạy dỗ con cho đến khi chúng có thể tự túc trong việc mưu sinh và tự bảo vệ mình.
Gà Tây được nuôi trong các trại chăn nuôi sống gò bó trên một không gian chật hẹp nhưng đầy đủ tiện nghi. Nào là đèn điện sáng choang. Nào là nước lọc tinh khiết. Các anh chị được bảo vệ sức khỏe đầy đủ để ngăn ngừa bị trái hay bị cảm cúm. Người ta cho chúng tôi ăn thức ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Họ không sợ chúng tôi bị dị dạng béo phì. Ngày nào cũng có người đến dọn dẹp phòng của chúng tôi, châm nước cho chúng tôi uống, cho chúng tôi uống thuốc để ngừa bịnh và chữa bịnh. Mấy anh Khuyển phải canh gác cho chúng tôi ngủ. Bọn Chồn cáo không dám lân la gần nơi chúng tôi sống. Nhưng cuộc đời nào phải là bức tranh nhung lụa. Khi chúng tôi ăn 45 ki-lô thực phẩm thì có anh, chị Gà Tây cân nặng 10 ki-lô thịt kể cả lông. Có anh, chị cân nặng đến 15 ki-lô. Đó là lúc chúng tôi được đưa lên xe chở đến lò sát sinh. Vì vậy đừng hỏi về tuổi thọ của chúng tôi. Nói một cách dễ hiểu chúng tôi khó sống sau khi ăn hết 45 ki-lô thực phẩm mà loài người ban cho chúng tôi.
Gà Tây sống hoang dã thiếu thốn mọi mặt: ăn uống thiếu thốn, thiếu chất dinh dưỡng; thiếu thuốc men; không ai chăm sóc; thiếu mọi tiện nghi vật chất; ăn uống không đảm bảo vệ sinh; tối phải ngủ trên cây bỏ con cái ngủ dưới đất bị rắn rít, chồn cáo, chó sói… không ngừng đe dọa. Các anh chị ấy có đôi chân và cánh khỏe để chiến đấu và thoát hiểm trong quá trình đấu tranh sinh tồn trong rừng xanh. Địa bàn sống của họ không có ranh giới. Họ có thể di chuyển bao xa cũng được. Họ có thể chết vì rắn, chồn cáo, chó sói, gấu… trong trường hợp kém may mắn nào đó. Ngoài ra họ không biết gì về tuổi thọ của họ trong khi chúng tôi biết được ngày loài người hành quyết chúng tôi. Đó là lúc chúng tôi ăn hết 45 ki-lô thực phẩm của họ.
Tuổi thọ lý tưởng của các anh chị Gà Tây rừng là 3 hay 4 tuổi. Quí vị cho là quá ngắn ngủi chăng? Tuổi thọ của chúng tôi thực sự ngắn hơn tuổi thọ của các anh chị Gà Tây rừng rất nhiều. Dù là Gà Tây rừng hay Gà Tây nuôi trong trại dòng họ Meleagris chúng tôi đều là nạn nhân của loài người. Các anh chị Gà Tây rừng bị các thợ săn của loài người bắn giết vô tội và để khoe tài thiện xạ của mình đến nỗi bây giờ phải báo động Gà Tây rừng hầu như tuyệt chủng!! Không tuyệt chủng sao được? Địa bàn sống của họ càng ngày càng thu hẹp khiến họ càng sống gần với kẻ thù của họ nhiều hơn. Các chị Gà Tây rừng sinh sản khó khăn. Họ gục ngã vì thời tiết băng giá, mưa sa bão táp, bịnh tật, vì chồn cáo, chó sói, vì các thợ săn của loài người.
Người Âu-Mỹ nuôi và ăn thịt dòng họ chúng tôi nhiều hơn người Á Châu và Phi Châu. Dòng họ chúng tôi rất khó nuôi vừa tốn kém thức ăn bổ dưỡng vừa mất thì giờ chăm sóc sức khoẻ của chúng tôi. Theo số thống kê, năm 2014 thế giới sản xuất 5,63 triệu tấn thịt Gà Tây. Hoa Kỳ sản xuất gần 50% tổng số thịt ghi trên tức 2.65 triệu tấn lớn hơn tổng số thịt Gà Tây của toàn lục địa Âu Châu: 1.92 triệu tấn. Mức sản xuất thịt Gà Tây ở lục địa Á Châu là 0.11 triệu tấn so với 0.12 triệu tấn trên lục địa Phi Châu.
Các nước Âu-Mỹ theo đạo Thiên Chúa ăn thịt Gà Tây vào những ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và Lễ Giáng Sinh (Christmas) hàng năm. Vì vậy ở Việt Nam các trại chăn nuôi Gà Tây được tìm thấy ở những nơi có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo. Người Việt Nam dùng thịt Gà Tây chúng tôi để nấu cà ri. Họ thích nấu cà ri bằng thịt Gà Tây nam có tích đỏ lòng thòng trên cổ. Trong những bữa ăn đêm Giáng Sinh người ta thường ăn Gà Tây quay. Ở Việt Nam không có đủ phương tiện quay gà to lớn người ta phải nhờ các lò quay heo ướp, tẫm và quay trong lò quay heo. Người Âu-Mỹ ăn Gà Tây quay hay hầm. Gà Tây được tẫm gia vị, nước cam vắt và dồi đủ các loại hột trước khi quay hay hầm để ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn. Người Việt Nam là giống người đến Hoa Kỳ chậm trễ nhất so với các sắc dân khác trên thế giới (1975). Họ có vẻ xa lạ với những ngày truyền thống và thức ăn ở Hoa Kỳ. Họ gọi ngày Thanksgiving là Lễ Gà Tây vì vào ngày đó người ta ăn Gà Tây. Quí vị biết không, vào ngày Giáng Sinh năm 2009 riêng nước Anh đã giết gần 8 triệu dòng họ Meleagris của chúng tôi.
Loài người nghiên cứu về dòng họ chúng tôi kỹ lắm. Họ nói trong 100 grams thịt của dòng họ Meleagris chúng tôi có:
– 24.6 mg protein
– 10mg Ca, 28 mg Mg
– 206 mg Ph
– 293 mg K
– 49 mg muoi
– 1.2 mg Zinc v.v.
Bổ dưỡng như vậy hèn gì họ không gia tăng sản xuất thịt Gà Tây sao được? Mỗi năm trị giá thịt Gà Tây ở Hoa Kỳ xê dịch từ 5 đến 10 tỷ Mỹ kim.
Người ta dùng thịt Gà Tây nghiền nhuyễn để làm ham hay lát mỏng để làm bacon thịt Gà Tây. Loài người hay nói:
Đói cho sạch,
Rách cho thơm.
Chúng tôi, hậu duệ của Gà Tây dòng Meleagris, không biết làm sao rách mà thơm được. Chúng tôi phải kiếm người Việt Nam để học hỏi về chuyện này. Gà Tây chúng tôi mạnh dạn nói rằng dòng họ Meleagris chúng tôi:
Sống phong trần
Chết thơm tho.
Phong trần vì từ ngày mới nở thành Gà Tây con cho đến khi chết chúng tôi chỉ có một bộ đồ. Khi chết loài người tẫm vào người chúng tôi nào là hành, tiêu, tỏi, ớt, bột ngũ vị hương. Cám ơn mấy anh chị Hành, Tỏi, Tiêu, Ớt. Khi còn sống chúng tôi mổ phá các anh chị vậy mà các anh chị không oán hận chúng tôi. Khi chúng tôi chết các anh chị không rời chúng tôi một gang tấc lại còn rủ thêm vài anh chị xa lạ từ bên Tàu qua để đưa tiễn chúng tôi. Đó là các anh chị:
– Hồi hương Illicium verum
– Quế Cinnamomum zeylanicum
– Hồ tiêu mộc Tứ Xuyên (Sichuan) Zanthoxylum simulans
– hột thì là Anethum graveolens
– đinh hương Eugenia aromatica.
Giới giang hồ nấu nướng ở Việt Nam gọi họ là NGŨ VỊ HƯƠNG một cách kính trọng.
Theo chân người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chúng tôi đến Âu Châu và được dân chúng địa phương tiếp đón nồng hậu. Khi họ giết dòng họ chúng tôi để mừng ngày Giáng Sinh họ trân trọng ướp xác chúng tôi bằng những loại hương liệu miền Địa Trung Hải như:
– hương thảo (rosemary) Rosmarinus officinalis
– nguyệt quế Địa Trung Hải Laurus nobilis
– thì là Ba Tư Carum carvi
– có cà ri Trigonella foenum- graecum
– rau húng Địa Trung Hải Thymus vulgaris.
Gà Tây chúng tôi được sự an ủi tiêu cực vào giây phút cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi của mình dẫu biết rằng loài người quí vị vì quí vị chớ có phải vì Gà Tây chúng tôi đâu. Quí vị càng vui, dòng họ Meleagris chúng tôi càng buồn vì cảnh giết chóc hàng loạt bằng những phương tiện tinh vi của quí vị. Quí vị tranh đấu cho NHÂN QUYỀN. Chúng tôi không biết làm cách nào để bảo vệ THÚ QUYỀN nên đành phải chấp nhận định số mong manh của mình trong vũ trụ khắc ghi những định luật bất biến:
Khôn sống, dại chết.
Mạnh được, yếu thua.
Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng
Chúc tập thể loài người một ngày Lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh vui vẻ, an lành. Quí vị đừng ăn quá nhiều thịt của dòng tộc Meleagris chúng tôi để phải bị chứng bội thực và cũng đừng uống quá nhiều rượu để rút ngắn cuộc đời và sớm theo chúng tôi. Quí vị giết chúng tôi bằng dao bằng máy chém, lột lông chúng tôi bằng cách nhúng thân thể chúng tôi vào nước sôi hay lột lông chúng tôi bằng máy. Chúng tôi không than phiền chi cả vì 7 tỷ nhân loại có ai binh vực hay thương xót sự đau đớn nghiệt ngã của chúng tôi. Vậy tôi cũng xin quí vị đừng rên than khi bị bịnh rằng tại vì ăn thịt dòng họ chúng tôi mà quí vị phải đi nằm bịnh viện.
Cám ơn sự thông hiểu của quí vị
Trưởng tộc dòng Meleagris trên thế giới.
                          PHẠM ĐÌNH LÂN

ttturkey.jpg
giphy (1).gif
giphy.gif
(Dam Ho chuyển )

LỄ TẠ ƠN - Thanhsgivinng - Thơ Mai Xuân Thanh

Mấy Vần Thơ Tứ Tuyệt : Tạ Ơn...

Tạ ơn bố mẹ và thân hữu
Được sống còn tương trợ lẫn nhau
Cảm tạ đất trời đây mái ấm
Tình thương chan chứa nỗi niềm...đau !

Tạ ơn tất cả... người ta gặp
Giữa đất trời xa...suốt cuộc đời
Cảm tạ thật nhiều ai cứu giúp
An cư ổn định sống vui cười

Tạ ơn, bỏ bến mê phàm tục
Qua những nhiêu khê vạn sự nan
Cảm tạ bạn tù trong khổ đắng
Mạch rừng tai vách nỗi nguy nàn
Tạ ơn chiến hữu qua nhiêu bẫy
Gục ngã quê hương áo trận mình
Cảm ta ai người nâng đỡ dậy
Đành thôi thời thế loạn đao binh

Tạ ơn vượt thoát qua gian khổ
Chạy khỏi lao lung lắm hiểm nghèo
Cảm tạ ông cha che chở khéo
Quan san cách trở dốc cao đèo !

Hồn thiêng sông núi nền văn hiến
Ngọn đuốc tiền nhân lịch sử trang
Tổ quốc ghi ơn công tử sĩ
Tạ ơn đất khách, mộng  huy hoàng...!

Mai Xuân Thanh

Hòn đảo Anh không thuộc về Anh

Olivier Guiberteau -  BBC Travel


 Bản quyền hình ảnh Olivier Guiberteau

Mặc dù được tứ phía bao quanh bởi lãnh thổ Vương quốc Anh - Bắc Ireland ở phía tây, Scotland ở phía bắc, Anh ở phía đông và xứ Wales ở phía nam - nhưng đảo Isle of Man, không thực sự là một phần của xứ sở sương mù.
Ngay khi chúng tôi đi qua Fairy Bridge ('Cầu Tiên nữ') trên chuyến xe buýt 10:30 sáng đến thị trấn nhỏ có tên Port St Mary, một giọng nói du dương được ghi âm sẵn cất lên "Xin chào, các nàng tiên."
Cây cầu đá đơn sơ được bao phủ kín trong cả bộ sưu tập các dòng lưu niệm và những dải ruy băng màu sắc sặc sỡ.
Trong vô số những điều kỳ lạ khác, người dân địa phương tin rằng nếu không chào những nàng tiên huyền thoại được coi là những người cai quản cây cầu này thì ta sẽ gặp phải điều xui xẻo.
Con đường làng quê nhỏ hẹp được viền bởi vòm cây ẩm ướt càng làm tăng thêm cảm giác của một thế giới đầy mê hoặc.

Khoảnh khắc đó diễn tả hoàn hảo về Isle of Man: một nơi quyến rũ, huyền bí, và có phần khác biệt.
Tôi đến hòn đảo nhỏ ở Biển Ireland này vào một buổi tối tháng Tám đầy giông bão bằng cách đi phà từ cảng Liverpool.
Dù Isle of Man chỉ cách London, nơi tôi đang sống, có 265 dặm, song tôi nhận ra rằng tôi vẫn phải ngạc nhiên đôi chút về nơi tôi đến.
Dù thực sự gần gũi với lục địa đảo lớn Anh, Isle of Man với khoảng 85.000 dân dường như nằm ngoài tầm hiển thị của hệ thống radar.
Tương đối ít du khách đến thăm nơi đây: chỉ hơn 300.000 lượt trong năm 2018. Đó tất nhiên không phải là một con số ít ỏi, nhưng quả không đáng gì so với khoảng 2,4 triệu lượt du khách ghé thăm Isle of Wight, hòn đảo có kích thước chỉ bằng hai phần ba Isle of Man.
Và mặc dù hòn đảo được bao quanh tứ phía bởi Vương quốc Anh - Bắc Ireland ở phía tây, Scotland ở phía bắc, Anh ở phía đông và Wales ở phía nam - Isle of Man không thực sự là một phần của xứ sở sương mù.
Người Celt là những người đầu tiên tới định cư trên đảo, sau đó là bước chân chinh phạt của người Viking, những người cuối cùng đã thành lập nên Vương quốc Quần đảo, gồm các đảo trải dài ở vùng biển ngoài khơi phía tây Scotland.
Năm 1266, Hiệp ước Perth giữa Na Uy và Scotland chính thức công nhận Isle of Man thuộc chủ quyền của Scotland, dẫn đến gần một thế kỷ giằng co giữa Anh và Scotland - để rồi người Anh cuối cùng giành chiến thắng.
Ngày nay, giống như các đảo Jersey và Guernsey thuộc English Channel, Isle of Man là một đảo thuộc địa của Hoàng gia Anh, có nghĩa là trên danh nghĩa thì chịu sự cai quản của Vương quốc Anh, nhưng nơi đây vẫn tách biệt với Anh về chính trị - ngoại trừ trong các vấn đề quốc phòng và ngoại giao - dẫu cho các cư dân trên đảo đều là công dân Anh.

Tương tự, với tư cách là một đảo thuộc địa, Isle of Man không được coi là một quốc gia độc lập trong Khối thịnh vượng Chung, thế nhưng vì vị thế thành viên Khối thịnh vượng chung của Vương quốc Anh áp dụng cho cả Isle of Man, nên đảo này lại được quyền dự thi các Đại hội Thể thao của Khối - dĩ nhiên với tư cách riêng, không dính gì đến Vương quốc Anh.
Lãnh thổ này không thuộc khối Liên hiệp châu Âu, nhưng lại nằm trong khu vực Thuế quan Liên hiệp châu Âu.
"Độc lập là một phần mạnh mẽ trong tính cách của người dân trên đảo. Chúng tôi không phải là một phần của Vương quốc Anh, hay Quần đảo Anh - chúng tôi là người Manx," Phil Gawne, cựu chính trị gia trên đảo và là người tiên phong ủng hộ cho di sản văn hóa Manx, khẳng định. ("Manx" có nguồn gốc từ tiếng Na Uy cổ, từ nguyên bản "Maniske", dẫn đến tên gọi đảo Isle of Man, chỉ con người và ngôn ngữ sử dụng trên đảo.)
Tôi rời phà lên bộ ở bến Douglas, thủ phủ của đảo, và trong vài ngày tiếp theo khi đi lòng vòng khắp nơi, tôi bắt đầu hiểu ý của Gawne.
Không ngạc nhiên gì, nếu xét về vị trí địa lý thì Isle of Man giống như một miếng vá của quần đảo Anh.
Những cánh đồng hiền hòa của miền nam xứ Anh (England) gặp những ngọn đồi Ireland mù sương quanh làng Kirk Michael, trong khi bờ biển xứ Wales hiểm trở kết hợp với cao nguyên Scotland tại điểm cao nhất của hòn đảo là đỉnh núi Snaefell.
Vào ngày trong trẻo, từ trên đỉnh cao trơ trọi lộng gió này, bạn có thể phóng tầm mắt một vòng xung quanh và nhìn ngắm thấy từng xứ của Vương quốc Anh và Ireland.
Dù hòn đảo mang đậm phong cách Anh, nhưng nó lại theo cách kiểu cổ, ấm cúng mà bạn hiếm khi nhận thấy ở Vương quốc Anh ngày nay.

Các bốt điện thoại công cộng màu đỏ cổ điển, nhiều bốt còn để sẵn cả cuốn danh bạ Trang Vàng bên trong, nằm rải rác trên đảo.
Một lối đi bộ dọc theo bờ biển của thủ phủ, với Nhà hát Gaiety hoành tráng và các nhà trọ xây từ thời vua Edward được coi sóc gọn gàng làm tăng thêm không khí quen thuộc của Anh - nhưng cảm giác giống như năm 1919 hơn là năm 2019.
Thoáng nghe thì giọng Manx có vẻ hơi giống phương ngữ của người vùng Liverpool, nhưng khi nghe nhiều hơn ta sẽ thấy ngữ điệu và âm vực lại khác nhau ở từng vùng của hòn đảo, và tôi hiếm khi bắt gặp hai người nói giống hệt nhau.
"Chúng tôi chiếm lĩnh khoảng trống ở giữa. Giọng Manx có ngữ điệu lạ, đôi khi khá giống giọng Scouse (là phương ngữ bắt nguồn từ giọng Liverpool), đôi khi bạn lại có thể nghe thấy ngữ điệu Ireland trong đó," Tiến sĩ Breesha Maddrell, giám đốc Quỹ Culture Vannin (Quỹ di sản văn hóa Manx) phụ trách lĩnh vực văn hóa của chính quyền, cho biết.
Và theo đúng cách quyến rũ mà Isle of Man luôn gây bối rối và làm cho bạn ngạc nhiên, hòn đảo cũng có ngôn ngữ riêng của nó: Manx Gaelic, ngôn ngữ lịch sử của hòn đảo, có nguồn gốc chung từ tiếng Gael của người Scotland và người Ireland, được cho là do người Celt mang đến hòn đảo khoảng năm thứ 5 sau Công nguyên.
Thế kỷ 19 và 20 đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của việc sử dụng tiếng Manx, với việc ngày càng bị cư dân đảo coi là ngôn ngữ lạc hậu.
"Trong thời thập niên 1950 và 60, rất nhiều người Manx phải rời đảo vì những lý do kinh tế, và khi đó người ta có cảm giác chung là mọi thứ suy tàn. Hồi thập niên 1960 và 70, những ai nói tiếng Manx thì bị ném ra khỏi quán rượu. Hồi khoảng thập niên 1990, đã có cả một thế hệ mạnh mẽ chống đối thứ ngôn ngữ này," ông Gawne nói với tôi.
Năm 1974, người nói tiếng Manx bản ngữ cuối cùng (được định nghĩa là người dùng tiếng Manx là ngôn ngữ thứ nhất) qua đời, và năm 2009, Unesco vội vàng tuyên bố ngôn ngữ này tuyệt chủng, dù cho vẫn có một trường tiểu học trên đảo chỉ dạy ngôn ngữ duy nhất là tiếng Manx.
Học sinh từ trường Bunscoill Ghaelgagh nổi tiếng về việc đã chất vấn Unesco với câu hỏi: làm sao mà ngôn ngữ của chúng tôi lại tuyệt chủng được một khi chúng tôi đang dùng nó để viết?
"Chúng tôi được cho biết rằng ngôn ngữ mà chúng tôi đang sử dụng hàng ngày để vui chơi và học hỏi về thế giới đã bị coi là tuyệt chủng và không có ai còn dùng thứ tiếng đó cả," Isla Callister, một học sinh trong trường vào thời điểm đó, nói. "Vì vậy, chúng tôi đã gửi thư để cho thấy rằng họ hoàn toàn sai lầm."
Unesco đã nhanh chóng hạ mức, đưa tiếng Manx thành thứ ngôn ngữ "khẩn nguy", và kể từ đó, tiếng Manx Gaelic, với sự dẫn dắt của một nhóm người tràn đầy nhiệt huyết, đã chiến đấu quật cường trở lại.
Trung tâm của sự hồi sinh chính là trường Bunscoill Ghaelgagh, nơi việc dạy và học được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Manx. Các lớp học ngôn ngữ không chỉ dành cho trẻ em mà cả người lớn cũng nhiều người tìm đến học tiếng Manx.
"Thứ ngôn ngữ ít người dùng nhưng quật cường này đã trỗi dậy như chim phượng hoàng từ tro tàn hồi sinh," Maddrell nói.
Cuộc điều tra dân số năm 1961 ghi nhận chỉ còn có 165 người nói tiếng Manx trên đảo; ngày nay con số đã lên tới trên 2.000 người.
Thơ ca và âm nhạc là nền tảng cho sự hồi sinh này, với các nhóm thường xuyên biểu diễn bằng tiếng Manx trên khắp hòn đảo qua các thể loại khác nhau, từ âm nhạc dân gian truyền thống đến nhạc rap.
Thật thú vị, việc suy giảm sử dụng tiếng Manx từ Thế kỷ 19 trở đi đã không tránh khỏi những lỗ hổng trong từ vựng, lại cho phép sự tự do sáng tạo thăng hoa với những từ và cụm từ mới được tạo ra giúp tiếng Manx thích ứng với thế giới hiện đại.
Mới năm ngoái đã có thêm những từ ngữ mới được bổ sung vào từ điển tiếng Manx, gồm từ "tholtan" (có nghĩa là "một nhà kho dột nát" hay "một căn nhà tranh"), và từ "skeet" ("một cái liếc trộm/cái nhìn nhanh").
"Chúng tôi có nhiều từ để nói về con sứa, nhưng từ mà chúng tôi thích nhất là 'smug rauney', được dịch là 'dãi hải cẩu'," Maddrell nói với tôi, "và chim nhạn thì là 'gollan geayee', có nghĩa là 'cây đinh ba của thần gió'." (ngôn ngữ này giàu hàm ý tượng hình)
Khi đi dọc theo con đường yên tĩnh gần Cảng St Mary, tôi nhìn thấy một con mèo đen đang ngồi thờ ơ ngay trước mặt. Nghe thấy tiếng bước chân đến gần, nó liền chạy trốn vào bụi rậm.
Không có gì đặc biệt ghê gớm cả, ngoại trừ việc đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con "rumpy", tên gọi một giống mèo bản địa của đảo mà bẩm sinh hoàn toàn không có đuôi.
Trên đường tôi leo lên đỉnh Snaefell, một bánh xe khổng lồ xuất hiện từ xa, nhô vượt lên khỏi thảm thực vật. Hướng dẫn viên đi cùng giải thích rằng đây là "The Lady Isabella", bánh xe nước lớn nhất thế giới hiện vẫn còn hoạt động, nằm trên mỏ Great Laxey cũ.
Và sau khi mua món đồ đầu tiên trên đảo, tôi hơi ngạc nhiên khi được trả lại bằng loại tiền mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ nhưng lại cảm thấy quen thuộc một cách kỳ lạ.
Một đồng xu Manx, giá trị tương đương với đồng bảng Anh, trông cực kỳ giống với đồng xu bảng Anh cũ, có lẽ các cạnh tròn hơn một chút thôi.
Nói về mặt tài chính thì hòn đảo này không đánh thuế đối với tiền lời từ việc bán tài sản, thuế trước bạ hay thuế đối với tài sản thừa kế, khiến nơi này có sức hấp dẫn đối với nhiều người.
Tại thị trấn St John's, tôi đến thăm ngọn đồi nhỏ có tên là Tynwald Hill, nơi mạnh mẽ nhận là địa điểm lập pháp được sử dụng liên tục lâu nhất trên thế giới.
Cuộc họp mặt đầu tiên tại Tynwald được cho là diễn ra vào năm 979 sau Công nguyên của người Viking, và từ đó đã hình thành một hình thức quản trị nghị viện sơ khai, khoảng 236 năm khi nước Anh lần đầu tiên lập ra cơ quan lập pháp.
Ngày nay, vào ngày 5/7 hàng năm, lưỡng viện Quốc hội của Isle of Man vẫn tổ chức họp trên ngọn đồi đầy cỏ Tynwald Hill cao 3,5m, nơi tung bay lá cờ Manx với hình ba chân bắt mắt ở trên.
Ấy vậy nhưng về cả tầm quan trọng chính trị lẫn lịch sử, Tynwald Hill cũng như phần còn lại của hòn đảo đều bị coi nhẹ đi.
Một mình tôi đứng đó thưởng thức buổi sáng mùa hè ấm nóng, thi thoảng mới có chiếc xe chạy qua trên đường chính trước ngọn đồi.
Một hôm khác, tôi ngồi một mình trên đoàn tàu nhỏ chạy bằng hơi nước, đi từ Cảng Erin đến Douglas - một trong ba tuyến trên đảo, đã hoạt động từ năm 1874.
Đoàn tàu này, một trong những dấu ấn kiểu cũ hiếm thấy và thậm chí hiếm cả hành khách, chạy qua vùng nông thôn, thỉnh thoảng lại đến một điểm dừng, ì ạch phun hơi nước khò khè ở một ngôi làng nhỏ với một cái tên tuyệt vời như Ballasalla, nơi người lái tàu sẽ điều khiển tàu chầm chậm vào sân ga dù chẳng có ai lên hoặc xuống tàu.
Trước khi bạn nhận ra điều đó thì chúng tôi đã tăng tốc tối đa và kéo còi vang rền khi chạy qua các đường hầm giống như đang sống ở cuối Thế kỷ 19 một lần nữa.
Vào ngày tôi rời đi, sương mù dày đặc không thể nhìn thấy được gì và cái lạnh buốt giá đã khiến tôi kiểm tra lịch của mình để chắc chắn rằng vẫn đang là tháng Tám.
Isle of Man được cho là lấy tên từ Manannán, vị thần biển Celtic đã bảo vệ hòn đảo bằng cách làm ra sương mù để che giấu hòn đảo khỏi những kẻ xâm lược.
Tôi đứng trên đuôi phà nhìn hình bóng hòn đảo mờ ảo trên đường chân trời rồi biến mất hoàn toàn.
Những kẻ xâm lược đã đến và đi, nhưng điều đó không làm chúng ta mất nhiều thời gian để nhận ra rằng thứ làm cho hòn đảo nhỏ này trở nên đặc biệt chính là những người ở lại.
Và hơn nữa, có lẽ đây là nơi duy nhất trên thế giới có chuyến xe buýt biết nhắc bạn chào các nàng tiên.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

CHỤP HÌNH BẰNG MIỆNG -Nhiếp Ảnh Gia Achmad Zulkarnain

Nhiếp ảnh gia Achmad Zulkarnain
             Nếu bạn xem tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Indonesia – Achmad Zulkarnain – trước khi nhìn thấy anh, bạn sẽ không bao giờ đoán được rằng anh ấy phải chụp ảnh bằng… miệng.

   Cảm phục nghị lực phi thường của chàng nhiếp ảnh gia không có tay chân, truyền cảm hứng đến triệu người.

     Từ khi còn nhỏ, chàng trai Achmad Zulkarnain đến từ Indonesia đã dành một niềm đam mê và say sưa với nghệ thuật nhiếp ảnh. Tuy nhiên, anh ấy đã có một rào cản lớn trên con đường thực hiện ước mơ của mình, đó là sinh ra không có tay và chân.

Nhiếp ảnh gia đoạt giải thưởng


    Tuy nhiên, Zulkarnain vẫn kiên trì đeo đuổi ước mơ và giờ đây anh chính là là một nhiếp ảnh gia xuất sắc. Nghị lực phi thường của nhiếp ảnh gia không có cả tay và chân là một câu chuyện cảm động truyền cảm hứng cho nhiều người.

    Ngay cả khi không có ngón tay, Zulkarnain cũng có thể chụp ảnh. Anh ta làm điều này bằng cách sử dụng khuôn mặt, miệng và da ngoài trên tay để điều khiển máy ảnh của mình. Sau khi chụp ảnh, anh tải chúng lên máy tính xách tay của mình và sửa lại chúng với sự kiên nhẫn và cần mẫn hơn cả những người thợ nhiếp ảnh bình thường


     Một trong những lý do Zulkarnain thích nhiếp ảnh là bởi vì nó cho phép mọi người có cơ hội để tập trung vào cái gì đó khác hơn là khuyết tật của mình. Anh nói với Al Jazeera: “Tôi không muốn mọi người nhìn thấy những hình ảnh của tôi và nghĩ tôi là ai – tôi chỉ muốn họ nhìn thấy sự sáng tạo của tôi”.


     Câu chuyện chàng trai Achmad Zulkarnain và chiếc máy ảnh là một niềm cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ thực hiện niềm đam mê với bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Achmad Zulkarnain

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...