Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Vì sao nước Nhật không bao giờ rối loạn?


Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành (Nghiên Cứu Quốc Tế )

Ngày 11/03/2011 tại Nhật xảy ra trận động đất 9,0 độ Richter lớn nhất trong lịch sử nước này. Thảm họa động đất, sóng thần, bức xạ hạt nhân 3 trong 1 tấn công nước Nhật trên cả 3 chiều không gian làm cả thế giới kinh hãi. Thế nhưng nước Nhật đương sự thì dường như vẫn không hề rối loạn, khiến mọi người trên thế giới khâm phục và cũng nảy ra nghi vấn: vì sao nước Nhật lại như vậy?
Động đất, bão, sóng thần đối với người Nhật sống giữa biển vốn dĩ chẳng là chuyện kỳ lạ gì cả, cũng chẳng phải ngày tận thế. Nói chính xác, nó là một phần của cuộc sống, một phong cảnh thiên nhiên. Người nước ngoài đồng tình với cảnh ngộ của người Nhật, còn người Nhật thì dường như không coi đó là chuyện gì đáng kể, bởi lẽ họ có núi non và bờ biển đẹp như tranh vẽ, có nguồn nước tinh khiết dùng không bao giờ cạn, lại càng có biển cả giàu tài nguyên bao bọc, thậm chí có những suối nước nóng 4 mùa bốc hơi, cho dù “ba anh em” (động đất, bão, sóng thần) gầm ghè suốt thì cũng chẳng mấy người Nhật bỏ đất nước, bỏ quê hương ra nước ngoài định cư.
Tính cách hai mặt nhiều không kể hết
Trận siêu động đất năm 2011 đem lại những tình hình mới. Ngay tại bờ biển thường xuyên có mặt “ba anh em” nói trên, người Nhật lại đưa năng lượng hạt nhân vào nơi đó, thứ loài người nghĩ rằng đã thuần hóa được. Thực ra bản tính hoang dã của năng lượng hạt nhân chưa hề được thuần phục, bản tính tàn bạo của nó còn hơn cả “ba anh em”. Giờ đây “bọn chúng” như cọp thêm cánh, thiên tai siêu lớn cộng thêm nhân họa, trở thành “thiên tai nhân họa” giáng xuống nước này. Một lần nữa nước Nhật rơi xuống vực sâu bị tấn công hạt nhân.
Nhiều người Nhật vốn nhạy cảm với phản ứng hạt nhân, nguyên do là họ từng trải qua lễ rửa tội bởi 2 trái bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Nhưng người Nhật lại có chứng hay quên, hơn nữa chủ nghĩa hiện thực là đặc điểm của dân tộc này, họ có bệnh đi theo trào lưu lớn, tuy năm nào cũng tổ chức phong trào chống hạt nhân rầm rộ quy mô thế giới nhưng đồng thời lại sử dụng năng lượng hạt nhân triệt để nhất.
Tính hai mặt của người Nhật đúng là quá nhiều. Họ hiếu chiến, thế nhưng từ thời Chiến quốc cho tới hết Thế chiến II họ chưa bao giờ từng tham gia một cuộc “cách mạng” nào cả. Họ bạo liệt nhưng lại tôn trọng trật tự nhất, làm việc nghiêm chỉnh, lặng lẽ dâng hiến, lại còn nhẫn nại chịu đựng sự hành hạ của đủ loại thiên tai. Họ còn giỏi quan tâm chiếu cố người khác. Đặc điểm duy nhất của họ là không thể chịu được sự chê cười của kẻ khác.
Người Nhật rất bình tĩnh, nhất là khi tai họa lớn giáng xuống. Họ lặng lẽ chấp nhận hiện thực, trầm tĩnh đợi cho tai họa đi qua, tuân thủ pháp luật, phụng sự việc công, hành sự theo quy định.
Tác giả bài báo này rất thích sự quan sát, trình bày và đưa tin của các đồng nghiệp Hàn Quốc gửi từ Nhật về. Phóng viên Triều Tiên Nhật báo viết một bài gửi từ hiện trường đã làm tác giả dường như nghẹn ngào. Anh viết: Trên con đường dài 400 km từ Miyagi tới Sendai, ô tô mang biển Sendai xếp hàng dài như rồng rắn, toàn là những người trong lòng như có lửa đốt đang sốt ruột mong về nhà tìm người thân không có tin tức gì. Thế nhưng chẳng hề thấy một xe nào chen vào hàng hoặc chạy quá tốc độ quy định. Mọi người đều trầm tĩnh giữ trật tự. Nếu không thì con đường sẽ tắc nghẽn chết dí.
Phóng viên này trải nghiệm thực tế tại vùng thiệt hại nặng nhất ở Đông Bắc Nhật Bản. Phần lớn các trạm xăng đã ngừng làm việc. Vì kho trữ dầu của nhà máy lọc dầu bị nổ, lại thêm đường xá hư hỏng, giao thông tê liệt, công tác chuyên chở xăng dầu bị gián đoạn. Tại một số cây xăng còn xăng, ô tô xếp hàng dài mấy trăm mét. Chờ 1-2 tiếng đồng hồ mới mua được xăng, mà mỗi lần chỉ được mua 10 lít hoặc 2000 Yên, dãy xe xếp hàng chờ mua xăng di chuyển như băng chuyền. Thế nhưng không xe nào chen ngang, cũng chẳng có ai đòi mua quá tiêu chuẩn. Ai cần mua nhiều hơn thì phải tới các cây xăng khác, lại xếp hàng 1-2 giờ nữa. Các trường học hạn chế cung cấp nước uống, các siêu thị hạn chế bán nước suối, các nhà vệ sinh chỉ mở theo giờ quy định, khắp nơi đều thấy người xếp hàng dài mấy trăm mét.
Xem ảnh do hãng Reuters phát, ta thấy tại sân bóng một ngôi trường ở Sendai, người dân xếp hàng thành hình cong như rồng rắn để lấy nước. Hình ảnh này cho thấy sự gian khổ của đời sống dân vùng thiên tai và cũng cho thấy chính quyền bó tay không giúp gì được cho họ, vì giao thông tê liệt, vì hàng hóa thiếu, dân phải xếp hàng trong trời lạnh cắt da – cảnh này đem lại sự đồng cảm cho người xem.
Người Nhật đang tự thôi miên chăng?
Xưa nay người Nhật vẫn được đánh giá là một dân tộc rất quan tâm đến sự cảm nhận của người khác. Phóng viên Hàn Quốc nói trên đã ở Nhật 5 năm, chính mắt ông từng thấy nhiều thí dụ thực tế khiến mọi người khen ngợi thậm chí rơi lệ. Lần này ông một lần nữa chứng kiến sự điềm tĩnh của những người dân chịu thiên tai ở Nhật. Cho dù mất người thân, họ cũng chỉ khe khẽ sụt sịt khóc; khi gặp lại người thân, họ cũng chỉ lặng lẽ vui mừng. Không ai vì ăn chưa no mà xin thêm thức ăn, chẳng ai vì nhịn không được mà tiểu tiện bậy. Nhà lánh nạn cấm mang vật nuôi vào, một số người bèn ôm vật nuôi ra ngoài trời quấn chăn ngủ. Trước nguy nan không ai la hét ồn ào, tất cả chỉ im lặng chịu đựng.
Song nhà báo Hàn Quốc kia không kìm được thắc mắc: khi đến vùng xảy ra thiên tai, suốt 28 giờ liền ông không thấy một xe tải chở vật tư cứu trợ nào cả. Ông không hiểu, là một quốc gia giàu có, vì sao các địa phương khác của nước Nhật lại không nhanh chóng chuyên chở các thứ nhu yếu phẩm sinh hoạt cần nhất đến đây? Báo Triều Nhật Tân Văn ngày 15/3 đưa tin, người dân vùng thiên tai mỗi ngày chỉ được ăn một nắm cơm trong khi dân Tokyo thì tích trữ thực phẩm; có thể vì thế mà thiếu thực phẩm cho vùng có thiên tai.
Người dân vùng thiên tai cắn răng chịu đựng không kêu ca, những người nơi khác không quan tâm – điều đó khiến người ngoài khen ngợi nhưng cũng gợi lòng trắc ẩn ở một số người. Nhà báo nói trên không kìm được câu hỏi: “Rốt cuộc người Nhật định chịu đựng đến bao giờ?” Trong một bản tin, ông viết ông rất muốn nói với các nạn dân một câu: “Các bạn một mực nhẫn nại chưa chắc là tốt đâu”. Nếu không lên tiếng yêu cầu mà hàng cứu tế vẫn nhanh chóng chở tới thì tốt quá, nhưng thực tế lại không thế. Ông viết, nước Nhật hiện nay dường như rơi vào cảnh tự thôi miên “một dân tộc nhẫn nại”, “một dân tộc có lễ độ”, vì thế nỗi đau khổ phải chịu cũng ngày một tăng lên.
Khi tai họa đến mà kêu trời kêu đất thì cũng vô tích sự, đó là sự thật. Cho dù mất người mất nhà mà mình vẫn còn sống, đấy cũng là điều vô cùng may mắn trong sự không may. Người Nhật đúng là có cái tinh thần na ná như chủ nghĩa hiện thực đó.
Quan niệm sinh tử rất phóng khoáng
Quan niệm sinh tử của người Nhật, nhất là quan niệm tôn giáo, cho rằng cuộc sống không vĩnh hằng mà luôn biến đổi, khiến họ phóng khoáng cởi mở. Cộng thêm, nước Nhật bốn bề biển bao bọc, giông bão, động đất, sóng thần không ngừng xuất hiện, cả dân tộc này từ xưa đã tôi luyện được tâm trạng bình thường không sợ sống chết, thậm chí còn tô điểm cái chết như sự tàn lụi của hoa anh đào, dẫu rằng ngắn ngủi cũng phải lấy ca múa, rượu ngon để đón mừng sự hiển hiện của nó. Mấy năm gần đây người Nhật còn rất thích một bài ca của phương Tây “Cưỡi nghìn làn gió”, thể hiện họ không còn gửi gắm vào kiếp sau mà ca ngợi sự tự do tự tại và thoải mái sau khi nhắm mắt xuôi tay
Người Nhật vô cùng coi trọng mối quan hệ giữa người với nhau. Dân Trung Quốc làm tốt mối quan hệ ấy có lẽ là để bắc cầu lát đường cho quyền lợi của cá nhân hoặc gia đình, có lúc là để tỏ rõ thể diện làm cho mình mát mặt. Nhưng người Nhật coi trọng mối quan hệ đó, kể cả việc hiếu hỷ, mục đích là để tránh làm hỏng mối quan hệ có sẵn, tức là sau khi  “gắng hết sức chịu cáo lỗi” thì “không làm phiền người khác nữa”. Tâm lý “không làm phiền người khác” ấy bao gồm cả việc xếp hàng, giữ trật tự, không đòi hỏi gì thêm, không làm ồn. Bởi thế dù ở hoàn cảnh nào, họ đều có thể lặng lẽ chịu đựng, chờ đợi đến lượt, tỏ ra có giáo dục, biết điều, lịch sự lễ phép. Đây là “văn hoá biết xấu hổ” của người Nhật.
Sự trật tự ngay ngắn, lặng lẽ dâng hiến thậm chí tinh thần nhẫn nại siêu hạng ấy làm cho người ta tỏ ra bình tĩnh khi thiên tai nhân họa bất ngờ ập đến. Chẳng những nước Nhật chưa từng xuất hiện tình trạng tranh giành, cướp bóc, bạo loạn thường thấy tại các nơi trên thế giới khi xảy ra thiên tai mà hiện tượng nhẫn nhục chịu đựng của người Nhật còn làm cho người nước ngoài kinh ngạc, thán phục, thậm chí khó tin được.
Trong chuyện này, có người phục sát đất, có người thổi phồng vấn đề, thậm chí có người bê cả “tinh thần võ sĩ đạo”, xuyên tạc hình ảnh cơ bản của người Nhật.
Đối mặt với thiên tai, người Nhật vẫn có thể giữ trật tự nghiêm chỉnh, điềm tĩnh đối phó, chủ yếu là do họ được huấn luyện tốt; điều đó liên quan tới nền giáo dục và với tố chất của người dân. Người Nhật hiện đại đều được học hành, biết rõ sự hình thành các hiện tượng thiên nhiên như giông bão, động đất, sóng thần, vì thế họ tự tìm ra câu trả lời xuất phát từ góc độ khoa học. Họ cầu mong mọi người được yên lành nhưng không ai cầu trời khấn Phật, dùng cách hối lộ thần thánh để cầu xin không xảy ra thiên tai.
Người Nhật thờ phụng thần linh nhưng không mê tín. Họ có ngàn năm lịch sử nhưng lại là dân tộc duy nhất trên thế giới chưa từng làm cuộc cách mạng nào. Một triều đại Thiên hoàng duy nhất cha truyền con nối cai trị đất nước liên tục cả nghìn năm, chưa từng bị thay bằng triều đại khác. Một đảo quốc tồn tại đơn độc giữa biển. Trong môi trường đó người Nhật hình thành nhận thức về vận mệnh của mình, tinh thần phục tùng, từ đó diễn biến thành tinh thần tự kiềm chế, tuân thủ kỷ luật, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ. Người Nhật chẳng những tuân thủ luật pháp, phụng sự việc công mà còn có tinh thần tự ràng buộc mình, tố chất quốc dân rất cao, thật xứng đáng là đất nước tiên tiến trên thế giới.

Nguyễn Hải Hoành dịch từ bài gốc tiếng Hoa của Huang BinHua, nhà báo Singapore, trên tờ Zaobao.

1 nhận xét:

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO - Thái Thanh

Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn Qui Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả ...