Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

(2) NHẶT CỐT - (Kotsu-hiroi, 1916-1949) Nguyên tác: Kawabata Yasunari-Nguyễn Nam Trân Dịch


 CHÍN TRUYỆN NGẮN HUYỀN ẢO

Nguyên tác: Kawabata Yasunari
Dịch: Nguyễn Nam Trân

1- Lặng Thinh - 2- Nhặt Cốt – 3 - Chiếc Xe Tang – 4 - Thị Trấn Yumiura –
5 - Những Con Rắn – 6 - Có Ông Trời – 7- Hạnh Phúc Của Một Người – 8 - Tuổi Mười Bảy - 9- Trăng


(2) NHẶT CỐT  -  (Kotsu-hiroi, 1916-1949)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Thung lũng có hai cái ao con.

Cái ao bên dưới lấp lánh và tràn trề như bạc được nung chảy, thế nhưng ao bên trên lại lặng lẽ dìm sâu bóng núi vào trong một màu xanh thẩm chết chóc.

Tôi cảm thấy mặt mình bê bết máu. Quay đầu nhìn lại thì trên những lùm cỏ và bụi tre lùn mà mình đã dẫm lên để vẹt đường, máu đang nhỏ xuống. Những giọt máu đó như đang chuyển động.

Mặt khác, dòng máu tanh nồng trong mũi tôi từng đợt từng đợt đang chực trào ra.

Tôi vội vàng lấy giải thắt lưng ngắn đút vào lỗ mũi nút lại và nằm lăn ra, mặt ngẩng lên trời.

Mặt trời không chiếu thẳng vào tôi nhưng những tia nắng xuyên quá tàng lá đã làm tôi lóa mắt.

Máu trong lỗ mũi bị chận lại đã rút vào trong làm cho tôi khó chịu, mỗi lần thở là cảm thấy nghèn nghẹn.

Lũ ve nâu (aburazemi) từng chập từng chập kêu ran trong núi. Bất chợt, một con ve xanh (minminzemi) cất giọng, làm như có gì khiến nó ngạc nhiên. Đó là một buổi sáng tháng bảy gần ngay giữa trưa. Lúc này, chỉ một cái kim rơi thôi là đủ làm cho cái gì đó phải sụp đổ. Cả người tôi cứng nhắc, không sao cử động.

Tôi nằm đó, mặc cho mồ hôi rịn ra. Tiếng ve kêu huyên náo, màu xanh lục bức bách, hơi đất ẩm nóng và nhịp tim đập dồn dập...tất cả như nhắm một chỗ trong đầu tôi mà tụ lại. Đang tưởng chừng đông cứng ở đó thì may quá, cảm giác đó dần dần tan biến.

Thế rồi tôi cảm thấy mình như được hút lên tầng không.

-Cậu chủ (bonbon) (1) ! Cậu chủ ơi, cậu chủ!

Có tiếng gọi tôi từ phía nghĩa trang. Tôi bèn ngồi bật dậy.

Buổi sáng sau hôm tống táng, chúng tôi đến để nhặt cốt ông tôi. Trong khi bọn tôi cời đống tro còn âm ấm thì máu cam (2) bỗng chảy không cầm nổi. Vì không muốn gây sự chú ý cho ai cả, tôi bèn lấy một đầu giải thắt lưng bằng vải để ngăn nó lại và rời chỗ thiêu xác mà leo lên quả đồi nhỏ.

Nghe họ gọi, tôi mới tất tả chạy xuống. Cái ao mà mặt nước loáng lên như ánh bạc bắt đầu chao nghiêng rồi biến mất. Người tôi trượt trên đám lá khô rụng hồi năm ngoái.

-Sao cậu chủ vô tâm quá thế ! Bỏ đi đâu mất tiêu vậy? Bây giờ là lúc đang nhặt di hài (hotoke) của cụ ông, cậu phải tới chứng kiến chứ.

Bà già vẫn đến phụ việc nhà bảo với tôi.

Tôi vẹt những bụi tre lùn lách xuống tới dưới.

-Vậy à ! Đâu, đâu?

Vừa lo cho khuôn mặt nhợt nhạt vì mất quá nhiều máu của mình và giải lưng ướt đẫm, tôi tiến đến cạnh bà già. Bàn tay của bà dúm dó giống như một tờ giấy nhúng sáp đã bị vò nhàu, trên ấy lại đặt một tấm giấy trắng. Mọi con mắt chung quanh đang đổ dồn vào một thỏi giống đá vôi khoảng vài phân đang nằm trong tờ giấy. Hình như nó là cái xương yết hầu (nodobotoke) (3) của ông tôi. Nếu tập trung trí tưởng tượng mà nhìn thì sẽ thấy nó giống hình hài một con người thu nhỏ.

-Vừa kiếm ra tức thời đó! Đây là hình dạng cuối cùng của ông cụ. Cậu đặt nó vào cái hộp nạp cốt (kotsubako) hầu cụ đi.

Một việc làm hoàn toàn vô vị. ...Tôi sẽ không còn thấy đâu hình dáng mù lòa của ông tôi mà khuôn mặt như ánh lên niềm vui như muốn chào đón đứa cháu khi những tiếng động ngoài ngõ báo tin tôi vừa về đến nhà. Tôi lấy làm lạ thì thấy có một người đàn bà trong lớp áo lụa kếp (chirimen) màu đen đứng cạnh bên. Người ấy tôi chưa hề gặp bao giờ nhưng dường như là một bà cô nào đó.

Cái tiểu sành (tsubo) đựng cốt thì đã đầy những xương chân, xương tay, xương đầu đặt lăn lóc bên nhau.

Lò thiêu xác chỉ là một cái hầm dài được đào sâu vào trong, không mái che lẫn hàng rào. Có một mùi hăng nồng như khi người ta đốt rác.

-Nào, chúng mình ra đằng mộ đi. Ở đây hôi hám mà nắng lại vàng thế này!

Đầu óc quay mòng mòng, lại còn lo nỗi máu cam đang chực trào ra, nên tôi mới bảo họ như thế.

Quay đầu nhìn, tôi thấy một anh làm công đang bê cái tiểu đựng cốt đi theo. Ở chỗ lò thiêu, hãy còn nguyên đống tro và mấy manh chiếu mà hôm qua những người đến thắp nhang đã gập người ngồi xuống lễ ông tôi. Cả mấy cây cột bằng tre bọc giấy bạc vẫn còn được cắm nguyên xi ở chỗ cũ.

Theo lời người ta thì đêm qua vào giờ thiên hạ đến phúng viếng (tsuuya) thì ông tôi đã hóa thân thành một quả cầu lửa màu xanh, vụt lên khỏi nóc đền Thần đạo để bay trên những khu cư trú của cái nhà thương dành cho con bệnh mắc bệnh truyền nhiễm rồi phả một mùi xú uế ra khắp làng. Trên con đường đến khu mộ, tôi lại chợt nhớ ra những tin đồn nhãm nhí kiểu đó.

Mộ địa của gia đình tôi nằm ở một khu riêng biệt ngoài nghĩa trang người làng. Lò thiêu thì nằm ở một góc nghĩa trang của làng. Tôi đã tới được khu mộ gia đình nơi có những tháp đá (sekitô) nằm cạnh bên nhau.

Đối với tôi thì họ muốn thế nào cũng được, giờ tôi chỉ muốn nằm lăn ra đấy và hít thở lấy bầu trời xanh.

Người ta đã đặt xuống đất một đặt cái ấm lớn (yakan) bằng đồng trong đó có nước vừa múc dưới thung lũng lên.

-Cụ nhà mình có để lại di chúc là phải mai táng cụ dưới cái tháp đá của cụ tổ xưa nhất hạng đấy.

Bà già thường đến giúp việc nhà nói như thế. Bà hết sức nghiêm trang khi nhắc lại rằng đó là lời ông tôi dặn dò trước khi chết.

Hai cậu con trai của bà vượt qua khỏi mấy người tá điền đang đứng đằng trước, tiến ra và bật gốc cái tháp đá xưa cũ nằm ở nơi cao nhất rồi đào đất lên. Cái lỗ ấy có vẻ khá sâu vì tôi nghe tiếng cái tiểu như vừa rơi xuống tận dưới đáy.

Tôi nghĩ chết đi còn gì nữa đâu mà lại muốn đưa thỏi đá vôi kia về nằm chung với tổ tiên. Cuộc đời kia rồi cũng sẽ rơi vào quên lãng.

Cái tháp đã được dựng vào lại chỗ cũ.

-Nào, cậu chào ông mà về!

Bà già tưới nước dào dạt lên cái tháp đá nhỏ.

Mặc dầu họ có đốt nhang như vì nắng quá gắt nên không thấy bóng khói. Hoa thì héo rủ.

Cả bọn nhắm mắt chắp tay.

Tôi ngắm nghía khuôn mặt vàng vọt của mọi người và thấy đầu óc lại choáng váng.

Họ đang nói chuyện ông tôi, lúc sinh tiền và lúc chết.

Như bị bật tung bởi lò xo, tôi hươi cánh tay phải lên và phất mạnh. Tôi nghe tiếng những mẩu xương đập vào nhau lách cách. Trong tay tôi là cái hộp đựng cốt bé hơn cả.

“Cụ chủ nhà mình thật đáng thương. Cả đời chỉ sống vì gia đình, làng nước. Cho nên người làng sẽ nhớ mãi về cụ”.Trên đường về, người ta cứ bàn tán như thế. Tôi muốn nói với họ hãy để ông tôi yên. Người đang buồn chắc chỉ có mỗi mình tôi. Tuy họ tỏ ra lo lắng cho tương lai của tôi nhưng tôi nghĩ sự đồng tình của những người trong gia đình làm gì mà chẳng pha lẫn một chút tọc mạch.

Một quả đào rơi đánh độp và lăn lông lốc tới bên chân tôi. Con đường từ khu mộ trở về phải đi quanh dưới chân một ngọn đồi trồng đào.

* * *

Những điều tôi viết ra vào năm 18 tuổi là ghi lại những chuyện xảy ra hồi tôi 16 (tức nămTaishô thứ 5, 1916). Nay thì tôi lấy ra đọc và chỉnh lý lại. Việc tôi chép lại những gì viết ra hồi 18 tuổi ở cái tuổi 51 như thế này là bởi vì nó có đem đến cho tôi một ít hứng thú. Ít nhất tôi cảm thấy mình vẫn tiếp tục sống.

Ông tôi mất nhằm ngày 24 tháng 5 thế nhưng đoản thiên “Nhặt Cốt” này thì ghi là vào tháng 7. Đủ biết là ở đây tôi có thêm bớt đôi chút.

Tháng 6/ 2019

(Trích Tập 6 Truyện ngắn trong lòng bàn tay)

(1) Bonbon: cậu ấm, cậu chủ (phương ngữ vùng Ôsaka).

(2) Hanaji (máu cam): người Nhật cho rằng họ chảy máu cam khi có xúc động mạnh về tâm lý.

(3) Nodo-botoke: xương yết hầu, theo phong tục dân gian, nó vốn là phần tượng trưng của toàn bộ hài cốt của người chết (hotoke).

* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com



1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...