Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Em Của Ngày Xưa Và Người Vợ Của Đời Tôi

 Em Của Ngày Xưa Và Người Vợ Của Đời Tôi

EM CỦA NGÀY XƯA
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in, nhớ những con đường chúng ta đi qua, nhớ những ngày cùng em chung lớp, chung trường, nhớ những ngày xưa… Ngày xưa đó, có thể đã nhạt nhòa trong ký ức của em – vì em lúc nào cũng ngây thơ, vô tư, mộng mơ, ướp hương hoa và tôi biết đến bây giờ em cũng vậy – nhưng với tôi nó đã theo tôi như là một phần lẽ sống mênh mông mà tôi không thể rời xa. Ngày xưa đó tôi vẫn khắc ghi trong trái tim mình hình bóng một người bạn gái mà tôi không dám gọi thành tên. Ngày đó, em dễ thương, vô tư. Chỉ cần nghe giọng cười của em, nghe em líu lo chuyện trường lớp, bạn bè là anh thấy vui biết bao và mọi mệt mỏi đều tan biến.
Tôi vẫn còn nhớ như in cơn mưa đầu mùa, khi những cành phượng xanh mướt lá… tôi và em cùng cắp sách đến trường. Có bạn bè chung, có những trò nghịch quái quỷ. Tôi vẫn giấu đằng sau tất cả những điều tinh quái một ánh mắt dành cho em lặng lẽ.
Tôi vẫn nhớ lần diễn văn nghệ năm đó thật xúc động khi em bảo tôi hát bài “Tóc mai sợi vắn sợi dài” của Phạm Duy, và khi hát xong, lẩn trong tiếng vỗ tay của bạn bè, tôi nghe rõ tiếng em: “Hát nửa đi Ngân” và tôi –nghe tiếng em như một mệnh lệnh – và tôi lại hát tiếp bài hát “Thu sầu” của Lam Phương. Vậy mà tôi đã mang câu nói đó theo rất đến bây giờ, thỉnh thoảng ai đó bảo tôi hát đi, tôi lại nhớ lời em, nhưng chợt ngại ngùng chứ chẳng hăng hái như xưa. Em chưa từng cùng tôi ngắm những bông hoa xinh xắn, em chưa từng cùng tôi đếm những vì sao đêm, cũng chưa từng hò hẹn … Nhưng với tôi em là rung động đầu đời, là một phần ký ức xanh trong trái tim non dại của tôi, là ánh trăng lung linh bao đêm tôi mơ màng nhìn qua cửa sổ, và nụ cười của em bất chợt vô tình đã bao lần làm tôi xao xuyến hoang mang.
Mùa hè đến, phượng hồng rực rỡ bông hoa khoe sắc thắm, tiếng ve nức nở báo hiệu chia ly, bè bạn chuyền tay lưu bút cho nhau, tôi vẫn không dám trao lưu bút cho em bởi ai biết chúng bạn sẽ nói gì? Chúng sẽ cười tôi, sẽ ghép đôi, sẽ trêu chọc, rồi tên tôi và tên em, chúng sẽ viết khắp nơi, tôi sẽ xấu hổ đến chết mất còn em thì sao? Tôi thì ra sao cũng được, nhưng tôi ái ngại cho em sẽ bực bội vì những trò dùa dai của chúng nó và biết đâu vì thế em sẽ ghét lây tôi, tôi sợ điều đó như sợ một ngày không còn cùng em chung lớp.
Hè xa, tất cả đã diễn ra êm đềm như trò đùa của tạo hóa, tôi và em xa các bạn bè, xa những trò đùa tinh quái của các bạn thân. Thời gian trôi vẫn cứ trôi hững hờ mặc cho ai đó muốn níu giữ, muốn bật khóc. Giã từ ngày xưa, xin gởi lại những, đùa nghịch vô tư, những tương tư vụng dại ngày nào cho bạn bè, xin gởi lại những ân tình mà tôi vẫn cất giấu nơi sâu thẳm trái tim mình. Nếu bạn bè xưa, và cả em có tình cờ đọc bài viết này. Xin mọi người và xin em đừng cho là khờ dại vì với tôi điều đó rất thiêng liêng. Lúc đó, có đôi lần nằm tự nghĩ, tôi tự hỏi có phải là yêu không? Đúng là yêu quá rồi chứ gì!. Tuổi trẻ qua đi, đến ngày nay khi đã trãi nghiệm nhiều đã cho tôi câu trả lời thành thật nhất. Khi tôi lặng lẽ ngắm nhìn quá khứ nơi đó từng có em, dẫu chưa từng nói với nhau lời nào, chưa một lần tay nắm bàn tay, chưa lời ước hẹn nhưng nếu ai đó vẫn gọi kỷ niệm xưa với một chút vương vấn thời còn đi học là tình đầu thì tôi biết đó là tình đầu của tôi và em.
NGƯỜI VỢ CỦA ĐỜI TÔI
Thường thì tình đầu nhất là tình yêu tuổi học trò rất thiết tha nhưng khó thành chồng thành vợ. Các bạn bè cùng học sau này gặp lại cũng nói điều này và việc chúng mình thành vợ thành chồng làm các bạn “ngưỡng mộ”. Ai cũng nói rằng tuổi học trò là một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Vì lúc đó ta có đủ tất cả: ba má, anh chị em, thầy cô, bè bạn và cả người ta yêu đầu tiên. Chúng mình đã cùng nhau trải qua biết bao điều tuyệt diệu đầu tiên: cùng nhau đến trường, những buổi ôn học bài đến tối mịt, những cái chạm tay phớt nhẹ đầy ngại ngùng hay thậm chí cả những lần bất đồng quan điểm về một bài tập hay giận hờn vu vơ vì một chuyện cỏn con nào đó… Làm sao có thể quên được đây, cái gọi là tình yêu đầu tiên thời học trò đầy khờ dại nhưng ngọt ngào, dễ thương. Và rồi chúng ta kết hôn và chung sống với nhau gần 50 năm nay. Chúng mình là cặp vợ chồng hạnh phúc từ mối tình đầu thời học trò của nhau. Chúng ta cùng nhau trải qua thời thanh xuân, vượt qua tuổi trẻ và những khó khăn trong cuộc sống rồi chọn ở lại bên cạnh nhau đến suốt cuộc đời. Còn gì tuyệt diệu hơn tình yêu vĩnh cửu và duy nhất này!
Bây giờ sau gần 50 năm bên nhau ngẫm đi ngẫm lại nếu có ai hỏi rằng trong đời tôi có điều gì đáng tự hào? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời, đó là tôi thương vợ. Chắc có người gào lên:
– Trời ạ! Thương vợ thì tự hào cái nỗi gì?
– Nhưng mà vợ mình mình thương! Có gì mắc cỡ hay xấu xa nhỉ? Sao người chồng hay được ca tụng thế còn người vợ thì không được ca tụng, không được thương chiều chứ? Thương vợ hoàn toàn khác với sợ vợ, lại càng khác với nịnh vợ. Đó là ý tôi muốn nói.
Đến đây chắc có người sẽ cho rằng thằng cha này “ngông” rồi, chuyện riêng tư lãng xẹt thế mà cũng nêu ra cho thiên hạ cười, làm như chung thủy lắm đấy?!
Ừ, nhưng tại sao không chứ? Sự chung thủy không đáng quý sao? Nó còn quý giá hơn bất cứ thứ gì trên đời ấy chứ.
Tôi hãnh diện vì nó, tôi tự hào vì nó, tôi cảm thấy mình cao cả vì nó. Tôi nghĩ bất cứ ai sống trên đời giữ được sự chung thủy cũng sẽ lấy làm vinh hạnh khi đến ngày mình nhắm mắt xuôi tay, mình tự hào vì tình yêu thương mình chỉ dành cho vợ con mình, mình không có con rơi con rớt ở đâu cả, vợ con mình biết rõ điều ấy và kính trọng mình một cách hoàn toàn trong niềm khâm phục. Có thể rất nhiều người cho rằng cuộc sống cái thằng cha này nhạt nhẽo thế mà cũng nói ra, nhưng tôi cho rằng cái sự nhạt nhẽo ấy là niềm vinh dự, vinh dự của lương tâm, của ý thức đạo đức trong mỗi con người.
Cũng từ cái sự chung thủy ấy mà tình thương yêu của tôi dành cho vợ được nâng lên rất nhiều.
Tôi thương vợ tôi, có gì mà mắc cỡ nhỉ? Nhiều khi mình vẫn lấy làm tự hào rằng từ nhỏ đến lớn, cái thuở hàn vi ấy mà, cái thuở mà chưa hề có nước phông-tên, muốn có nước dùng thì phải xách, mà vợ mình ốm yếu thì làm sao xách nước, đơn giản là vì không xách được, cứ nhấc xách lên là té thì làm sao không thương được. Ngay chính bây giờ vẫn thế, và cũng vì thương nên mình luôn xách nước thay cho vợ, lúc ấy mình làm Trưởng phòng, nhưng khi đi làm về thì quảy đôi thùng đi ra giếng xách nước, cũng chẳng xấu mặt gì, vì thương vợ mà. Thương cái dáng nghiêng nghiêng, thương cái bờ vai nho nhỏ, thương cái hình hài nữ sinh khi lên xe hoa về nhà chồng, mà thời đó cũng chẳng có xe hoa đâu mà lên! Thương cái kẹp tóc màu vàng giữ từ năm lớp 11 đến mãi về sau, thương khi nhớ đến trong gần 50 chục năm chung sống, có tới 2 lần đánh vợ, nhớ lại mà đau, nhớ lại mà thương quá đi! Thương cả khi nhớ đến hằng trăm lần ăn hiếp vợ và lúc nào vợ cũng phải chịu thua mình, vì một kẻ già mồm như mình thì vợ mình cãi làm sao hơn được chứ? Thương cái lưng ong sáng sớm chỡ đằng sau là con, đằng trước là lắc nhắc những đồ bán bánh mì mang về nhà ngoại để bán và gởi con rồi đi dạy luôn. Thương hằng trăm lần vợ khóc với hàng chục lít nước mắt vẫn không làm mình nguôi cơn nóng giận. Thương cái ánh mắt rạng rỡ sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, Thương cái lưng khom khom sau bếp để làm thức ăn món này món nọ mừng con cái thành đạt từng đứa một. Thương cả những ánh mắt đau buồn khi hụt hẫng và chán nản. Thương cả cái niềm vui của vợ khi đeo đôi bông tai cho đứa con gái đầu. Một triệu lần thương, vợ ơi! Sao mà thương thế?
Rồi đây thời gian sẽ trôi qua, tóc sẽ bạc thêm và mình sẽ già đi, hai ta thế nào cũng sẽ có một người đi trước, chắc là đau lòng lắm vợ ạ! Đến một lúc nào đó thì hai ta cũng sẽ cùng đi, và mong rằng ai đó hồi ấy có đọc qua cái tản văn này xin hãy nhớ rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng "chuẩn" như thế đó. Chuẩn yêu thương, chuẩn đạo đức thôi chứ chẳng dám gọi là chuẩn mực gì khác.
Và thế đó, vợ ơi! đọc bài này đi để biết tấm lòng của thằng chồng đấy nhé, đọc xong chắc hẳn tối nay tôi sẽ có một bữa đại tiệc, đại tiệc của tình thương…
(Vợ)😃😃😃😃😃😃


1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...