Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

TÀI LIỆU LỊCH SỬ ĐẠO CAO ĐÀI

  ‘’Chỗ Cha ta đến là SƠN LÂM...’’

                                             _________________________________

         Lời Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu có kể lại rằng: Sau ngày Đền Thánh được Khánh Thành (năm 1955) ít lâu thì có một vị Linh Mục người Tây Phương, cấp bằng Tiến sĩ Thần học, biết 6 thứ tiếng trên thế giới, lại biết nói, viết rành tiếng Việt và tiếng Trung hoa, nhưng Bà lại quên tên vị Linh Mục này. Khi vị Linh mục viếng Đền Thánh, quan sát bên ngoài lẫn bên trong Đền, xong rồi Ông ra ngoài- bên hông Đền Thánh- đoạn quì xuống lạy vô Đền (lạy và quì theo kiểu người Công giáo). Có người Đạo thấy vậy mới đến mời ông vào lạy bên trong Đền, trước Bửu Điện mới đúng qui cách Cao Đài.

       Vị Linh Mục trả lời: “Tôi lạy đây là lạy chỗ Cha ta đến. Rồi lát nữa tôi vào bên trong Đền Thánh mà lạy nơi Cha ta ngự”.

       Người kia nói: Xin ông nói thêm cho rõ hơn được không.

       Vị Linh Mục nói tiếp: Trong Thánh Kinh Tân Ước nói Đức Chúa Jésus-Christ có tiên tri “Trong 2.000 năm, Cha ta sẽ đến các ngươi một lần nữa, chỗ Cha ta đến là SƠN LÂM, xung quanh nhiều CON MẮT. Các ngươi muốn thấy Cha ta, đầu óc các ngươi phải minh mẫn và sáng suốt, tâm hồn các người phải có lòng Thành khẩn và Tín ngưỡng hiệp lại mới thấy Cha ta”. Từ lâu đã có nhiều người đi tìm chỗ Cha ta đến, họ lên Hy-Mã-Lạp-Sơn, lên non cao rừng thẵm mà tìm không thấy; còn nơi Cha ta ngự là một “con vật linh động”, “xung quanh có nhiều CON MẮT”. Nghĩ rằng phải tìm ra con quái vật, nên họ bỏ luôn không đi tìm nữa. Nhưng…

       Ngày nay thì tôi đã tìm thấy “chỗ Cha Ta đến” rồi. Chỗ Cha ta đến là Đền Thánh đây, còn nơi Cha ta ngự là bên trong Đền Thánh tại Quả Càn Khôn đó. Ông nói xong, ngồi xuống lấy một cái que vạch lên đất: vừa gạch vừa giải thích: Đền Thánh là một nét dài ở giữa, Đông lang và Tây lang là nét ngắn hai bên, Hậu điện là một nét ngang sau cùng làm thành chữ SƠN 山 (Sơn là núi). Hai đám rừng thiên nhiên trước Đền Thánh là chữ LÂM 林 Tức nhiên mỗi một chữ MỘC 木 là cây tượng cho một khu rừng, hai chữ đứng ngang nhau thành chữ LÂM là thế. Như vậy tôi đã tìm thấy chỗ Cha ta đến là Đền Thánh, còn “bên trong là chỗ Cha ta ngự”. Đền Thánh nếu nhìn ngang giống như Con Long Mã quì, nhưng nếu nhìn từ phía trước nhìn tới, thì thấy con Long Mã đang múa (Rõ là con vật linh động). Xung quanh có nhiều CON MẮT tức nhiên là chung quanh Đền theo những ô cửa sổ có trang trí hình Con Mắt tức là THIÊN NHÃN THẦY vậy.

        Vị Linh Mục nói tiếp: Đền Thánh là cái mình Con Long Mã: Hiệp Thiên Đài có lầu chuông và lầu trống cao vút lên là hai caí sừng của Long Mã. Nghinh Phong Đài nơi phần trên của  Cửu Trùng Đài: ở giữa có Quả địa cầu, trên quả Địa cầu có hình Long Mã chạy từ Đông sang Tây mang Hàm Ấn (Lạc Thư- Hà Đồ) mà con Long Mã mang trên lưng gọi là LONG MÃ PHỤ HÀ ĐỒ. Trên nóc Bát Quái-Đài có một cái lầu 8 góc (Bát giác). Trên nóc Bát Quái Đài là ba vị Phật ngự tượng cái đuôi của Long Mã. Nóc Đền Thánh giả lợp bằng ngói móc (ngói vảy cá) tượng vảy của con Long Mã. Xung quanh Đền Thánh có nhiều Thiên Nhãn tức là “Con vật linh động xung quanh có nhiều Con Mắt”. Đền Thánh nhìn ngang sẽ thấy dáng Long Mã đang quì, đầu thấp, mông cao. Nếu nhìn từ phía trước, như thấy Long Mã đang múa, miệng hả ra (đây là một sự hình dung, tưởng tượng, chứ Đền Thánh vẫn là bằng xi măng và vôi cát) điều ấy ứng vào câu của Chúa nói: “Các ngươi muốn thấy Cha ta, đầu óc các ngươi phải minh mẫn và sáng suốt, tâm hồn các người phải có lòng Thành khẩn và Tín ngưỡng hiệp lại mới thấy cha ta. Đền Thánh nhìn từ phía trước: Trước là Hiệp Thiên Đài có lầu chuông, lầu trống là cặp sừng của Long Mã. Đền Thánh chỉ có một cửa vào là miệng của Long Mã (khác với nhà thờ hay chùa chiền thì có ba cửa vào). Trên có bao lơn là hàm trên của Long Mã, dưới có 5 bậc thềm là hàm dưới của Long Mã có râu. Hai chữ NHƠN NGHĨA trên đầu có hai câu Liễn là cặp mắt của Long Mã. Đức Phật Di-Lạc ngồi trên nóc Hiệp-Thiên-Đài là cái đầu con Long Mã. Vào bên trong Đền Thánh, muốn đến Bát-Quái Đài phải qua Hiệp Thiên Đài  (nơi Hiệp-Thiên-Đài có ngai với Thất đầu Xà của Hộ-Pháp là Bí pháp luyện Đạo của Đạo Cao-Đài). Qua Hiệp-Thiên-Đài rồi, phải đi lên 9 cấp của Cửu Trùng Đài là Cửu Phẩm Thần Tiên mới đến Bát Quái Đài. Trong Bát Quái Đài có Quả Càn Khôn, trên Quả Càn Khôn thờ Thiên Nhãn, tượng trưng ngôi thờ Đức CHÍ TÔN, chính là Đức Chúa Cha, hay là Đức Chúa Trời mà người Công Giáo quan niệm. Đức Thượng Đế cho biết đây là “Nhãn thị chủ Tâm, Lưỡng quang chủ tể, Quang thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả ngã dã”. Cũng có câu Hoàng Thiên Hữu Thần. Đức CHÍ TÔN là Đấng vô hình, thế nên dưới mắt nhiều nhà Tôn giáo, tùy theo suy luận mà tạo nên nhiều biểu tượng khác nhau để mà thờ phượng, ví như thờ Thần Mặt Trời là ngôi Thượng Đế, có nơi thờ bằng tấm vải điều cũng có ý nghĩa Trời. Vị Linh Mục nói tiếp: Đạo Công giáo, Đức Chúa Jésus Christ chỉ vào trái Tim của Ngài mà nói: các ngươi hãy thờ Lương tâm của các ngươi, mà thờ Lương tâm tức là thờ Đức tin, mà thờ Đức tin tức là thờ Đức Chúa Trời đó vậy. Đạo Cao Đài lấy CON MẮT làm biểu tượng thờ Lương tâm. Đạo Công Giáo lấy quả tim làm biểu tượng thờ Lương tâm chỉ là MỘT. Như vậy Bát Quái Đài trong Đền Thánh là nơi Cha Ta ngự, không còn chỗ nào khác.

        Vị Linh Mục ấy giải thích xong rồi nói: Tôi sẽ thông báo cho toàn nhân loại trên Quả Địa cầu này biết rằng: Tôi đã tìm thấy “CHỖ CHA TA ĐẾN VÀ NƠI CHA TA NGỰ” như lời tiên tri của Đức Chúa Jésus Christ trong Thánh Kinh Tân Ước của Công giáo: là Đền Thánh của Đạo Cao Đài, là TÒA THÁNH TÂY NINH.


                                                                 *

                Trích Quyển Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư HƯƠNG HIẾU

(Tài liệu do HT.Hồ Xưa sưu tầm, trình bày và phổ biến)

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...