Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Người khách lạ đêm Giáng sinh (TC.DA MÀU )

 

♦ Chuyển ngữ: 

Jérôme Tharaud (1874 – 1953)  Jean Tharaud (1877 – 1952) là hai anh em, cũng là hai nhà văn Pháp. Cả hai cùng viết sách chung với nhau trong vòng trên 50 năm. Năm 1906, họ được trao giải Goncourt. Rồi, sau đó, cả hai đều được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp, theo thứ tự vào năm 1938 và năm 1946.

Câu truyện Giáng Sinh mà họ kể ở đây, được trình bày với một ngôn ngữ giản dị, pha trộn giữa chất thơ và sự tưởng tượng, nhưng nó lại mang một ý nghĩa sâu sắc. Nó mời gọi con người đi vào thực chất của huyền nhiệm Giáng Sinh, và cùng chung tay thắp sáng một bình minh mới.

Ngày sắp dựng tại làng Belem. Ngôi sao lạ vừa biến mất. Người khách viếng cuối cùng cũng đã rời đi. Đức Nữ Maria cũng đã chất lại những đống rơm cho hài nhi, cuối cùng, cũng vừa nhắm mắt ngủ. Nhưng người ta có thể nào ngủ được trong đêm Giáng Sinh không?

Bỗng cánh cửa từ từ mở. Nó được đẩy ra nhè nhẹ như dưới sức thổi của một luồng gió hơn là dưới sức đẩy của bàn tay người. Và một người đàn bà xuất hiện tại ngưỡng cửa, áo quần cũ kỹ như những miếng giẻ rách. Bà lão quá già, mặt bà nhăn nheo đến độ trên khuôn mặt mầu bụi đất ấy, cái miệng của bà ta rộng chỉ gần như một nếp nhăn thêm trên khuôn mặt đã đầy những đường nhăn nhúm do thời gian vạch vẽ.

Vừa nhìn thấy bà lão, Maria hoảng sợ như khi trông thấy mặt của vị ác thần nào đó vừa bước vào. Thật may mắn, hài nhi Giêsu vẫn còn đang ngủ; bò và lừa vẫn đang chậm rãi nhai rơm một cách yên bình, nhìn người khách lạ tiến vào, không tỏ một vẻ ngạc nhiên nào cả, làm như chúng đã từng biết bà lão từ lâu. Còn về phần Đức Trinh Nữ Maria, Maria không thể rời mắt khỏi người khách lạ. Mỗi tiếng chân bước của bà lão đối với Maria hầu như kéo dài hàng thế kỷ.

Bà lão tiếp tục bước đến, và bây giờ, bà đã đứng ngay bên máng cỏ. Lạy Chúa, hài nhi Giêsu vẫn cứ ngủ mãi. Nhưng người ta có thể nào ngủ được trong đêm Giáng Sinh không?

Bất ngờ, hài nhi chớp nhẹ đôi mi và mở mắt. Mẹ người hết sức kinh ngạc khi thấy đôi mắt của bà lão và đôi mắt của đứa con yêu dấu mình giống y như nhau, và cả hai đôi mắt ấy đều ánh lên một niềm hy vọng.

Bây giờ, bà lão cúi mình trên máng cỏ, trong khi bàn tay bà lục tìm mò mẫm trong bộ quần áo cũ kỹ bà mặc trên người một vật gì, cứ như bà phải mất hàng thế kỷ để tìm kiếm. Maria vẫn luôn chăm chú theo dõi bà lão với sự yên lặng cố hữu. Những loài vật trong hang đá vẫn nhìn bà lão với một vẻ bình thản, không chút ngạc nhiên, làm như chúng đã biết trước là bà lão sẽ đến.

Cuối cùng, sau một lúc thật lâu, bà lão lấy từ trong người ra một vật. Bà ngắm nghía nó trong tay và trao lại cho hài nhi.

Sau tất cả những vàng bạc châu báu của Ba vua, sau những lễ vật của các kẻ mục đồng, phẩm vật dâng tiến này là gì? Từ chỗ mình, Đức Trinh Nữ không thể nhìn thấy nó. Maria chỉ trông thấy tấm lưng còng xuống vì tuổi già của bà lão, càng còng xuống hơn nữa khi bà cúi xuống nôi cỏ. Nhưng các loài vật, những con bò và những con lừa kia, chúng nhìn phẩm vật ấy và cũng không tỏ tí ngạc nhiên nào.

Cảnh ấy kéo dài khá lâu. Rồi bà lão đứng dậy, như trút được gánh nặng vốn kéo ghì bà xuống đất. Đôi vai của bà không còn rút lại, đầu bà gần như đụng vào nóc chuồng bò. Khuôn mặt bà bỗng trở nên trẻ trung, dịu dàng tươi sáng một cách thần diệu. Và khi bà rời xa khỏi nôi cỏ, tiến ra cửa, rồi biến mất trong bóng đêm, nơi mà bà đã đến, Maria, cuối cùng, đã có thể nhìn thấy rõ món lễ vật bí mật kia.

Eva (bởi chính người đàn bà kia là Eva) vừa trả lại cho Hài nhi một quả táo nhỏ nhắn. Quả táo của tội nguyên thuỷ (và từ đó bao nhiêu tội lỗi khác được kéo theo!). Và quả táo bé nhỏ ấy đã chiếu sáng đẹp đẽ trong tay của Hài nhi, như một Địa cầu mới vừa được sinh ra cùng với Hài nhi trong máng cỏ.

 Bùi Vĩnh Phúc dịch

La Dernière Visiteuse trong “Contes de Noël”)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...