LTS: “Eleven” là truyện ngắn trong chương trình Ngữ Văn tại Hoa Kỳ dành cho học sinh từ lớp 4 đến 102 tuổi. Vì sao? Hãy đọc sẽ biết!
Điều mà chẳng ai hiểu về ngày sinh nhật và chẳng ai nói với bạn là khi bạn mười một tuổi, bạn cũng là mười, là chín, là tám, là bảy, là sáu, là năm, là bốn, là ba, là hai, và là một tuổi. Vào ngày sinh nhật thứ mười một, bạn thức dậy, tưởng là sẽ cảm thấy mình mười một tuổi, nhưng lại chẳng cảm thấy gì cả. Bạn mở mắt ra và mọi thứ đều giống như hôm qua, chỉ khác rằng đó là ngày hôm nay. Và bạn chẳng cảm thấy mười một tuổi chút nào. Bạn cảm thấy như mình vẫn còn mười tuổi. Bạn vẫn là bạn—chỉ có cái năm là làm cho bạn thành mười một tuổi mà thôi.
Cũng giống như có những ngày bạn lỡ thốt ra những câu khờ khạo và đó là phần mười tuổi vẫn còn trong bạn. Hay có những ngày bạn cảm thấy sợ và muốn ngồi vào lòng mẹ, và đó là phần năm tuổi trong bạn. Có thể ngay khi bạn đã trưởng thành, có những ngày bạn thấy muốn khóc như lúc mới lên ba, và điều này chẳng sao cả. Tôi đã nói với Mẹ như vậy khi Mẹ tôi buồn và muốn khóc. Có lẽ lúc đó Mẹ cảm thấy như đứa trẻ lên ba.
Con người ta lớn lên cũng giống như một củ hành hay những vòng tròn trong thân cây, hay giống như những con búp bê bằng gỗ nhỏ xíu lồng vào nhau, năm này ở trong năm kế đó. Lên mười một tuổi cũng giống như vậy đó.
Bạn không cảm thấy mười một tuổi ngay đâu. Phải mất vài ngày, vài tuần, đôi khi cả vài tháng bạn mới quen với con số này và trả lời “Mười một” khi có ai hỏi tuổi của bạn. Và bạn không cảm thấy khôn hơn khi bạn mười một cho đến khi bạn gần mười hai tuổi. Sự thật là như vậy đó.
Chỉ là hôm nay, tôi ước gì mình không có mười một năm đang kêu leng keng trong người như những đồng xu trong chiếc hộp thiếc đựng băng dán. Hôm nay, tôi ước gì mình được một trăm lẻ hai tuổi thay vì mười một, vì nếu tôi một trăm lẻ hai tuổi, tôi sẽ biết nói gì khi cô Price để cái áo len đỏ lên bàn của mình. Lẽ ra tôi phải biết cách nói với cổ là cái áo đó không phải của tôi, thay vì chỉ ngồi giương mắt nhìn mà chẳng nói được lời nào.
“Cái áo này của ai?” Cô Price vừa nói vừa giơ cái áo len đỏ lên cao cho cả lớp thấy. “Của ai đây? Cô thấy nó nằm trong phòng để áo khoác cả tháng trời rồi.”
“Không phải của em,” cả bọn trẻ nhao nhao lên. “Không phải em.”
“Nó phải là của ai đó chứ hả?” cô Price tiếp tục nói, nhưng chẳng ai nhớ cả. Cái áo len xấu xí với hàng cúc áo bằng nhựa đỏ, cổ và tay áo giãn ra hết mức đến độ có thể dùng để chơi nhảy dây. Cũng có thể là nó đã cũ đến cả ngàn tuổi. Cho dù nó có là của tôi đi nữa, tôi cũng chẳng dại gì mà nhận.
Có thể vì tôi ốm nhom ốm nhách, mà cũng có thể vì nó không thích tôi, nên con nhỏ đần độn Sylvia Saldivar lanh chanh nói: “Em nghĩ là của Rachel.” Cái áo cũ rích xấu xí vậy mà nó bảo là của tôi. Nhưng cô Price lại tin nó. Cô cầm cái áo và đặt ngay xuống bàn tôi. Tôi mở miệng ra tính nói, nhưng không thốt ra được lời nào.
Cuối cùng tôi cũng lí nhí bằng một cái giọng có lẽ của tôi khi lên bốn tuổi: “Không phải, em không, cô không… Không phải của em.”
Cô Price quả quyết: “Nó là của em chứ của ai. Cô nhớ là cô đã thấy em mặc một lần rồi.” Vì cô lớn hơn tôi và còn là cô giáo nữa, nên cô thì đúng còn tôi thì sai.
Không phải của em, không phải, không phải mà! Nhưng cô Price đã giở sách ra trang ba mươi hai, bài toán số bốn. Tôi không hiểu tại sao mà bỗng tự nhiên tôi cảm thấy muốn bệnh, như một phần lên ba tuổi của tôi muốn trào ra khoé mắt, tôi phải nén nó lại thật chặt rồi cắn răng thật mạnh để tự nhắc mình là hôm nay tôi mười một tuổi, mười một tuổi. Mẹ tôi đang làm cho tôi một ổ bánh sinh nhật để tối nay, khi Ba đi làm về, mọi người sẽ hát bài ca chúc mừng sinh nhật cho tôi.
Nhưng khi cảm giác muốn bệnh qua đi và tôi mở mắt ra, cái áo len đỏ vẫn còn nằm đó như là một quả núi đỏ khổng lồ. Tôi lấy cây thước khều cái áo đỏ rồi đẩy vào một góc bàn. Tôi kéo sách vở và viết chì và cục tẩy ra xa cái áo, càng xa càng tốt. Tôi còn kéo cái ghế qua bên phải một chút. Không phải của tôi, không phải của tôi, không phải của tôi mà. Trong đầu tôi suy nghĩ không biết bao lâu nữa mới tới giờ ăn trưa, bao lâu nữa tôi mới cầm được cái áo len đỏ đó lên rồi quăng nó thật mạnh qua hàng rào, hay để nó treo lơ lửng trên cái cột đo giờ đậu xe, hay cuộn nó lại như trái banh nhỏ rồi ném nó vào hẻm. Ngoại trừ đến cuối giờ toán, cô Price nói to trước cả lớp: “Thôi đủ rồi Rachel,” vì cô trông thấy tôi đẩy cái áo len đỏ vào cái góc bàn nhỏ xíu xiu. Cái áo treo tòn teng nơi mép bàn như là thác nước, nhưng tôi mặc kệ.
“Rachel,” Cô Price quát lên như thể cô đang nổi giận. “Mặc áo vào ngay và đừng giở trò nữa.”
“Nhưng nó không –“
“Ngay bây giờ!” Cô Price nói.
Ngay lúc đó tôi ước gì tôi đừng lên mười một tuổi, bởi vì tất cả mọi tuổi trong tôi—mười, chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một—đều dâng trào lên mắt tôi, khi tôi phải xỏ một tay vào cái áo len đã lên mùi như mùi phô mai cũ, và rồi nốt xỏ tay kia, rồi đứng đó với hai tay giang rộng như cái áo đang làm tôi đau. Thật sự là vậy, cái áo làm cho tôi ngứa ngáy vì nó chứa đầy vi trùng không phải của tôi.
Đó chính là lúc mọi điều tôi đã cố nén trong lòng từ sáng nay, kể từ lúc cô Price ném cái áo len lên bàn tôi, cuối cùng vỡ tung ra, tôi bật khóc trước mặt mọi người. Tôi ước gì có thể biến mất đi để đừng ai nhìn thấy, nhưng không được. Tôi lên mười một tuổi, và hôm nay là ngày sinh nhật của tôi, và tôi đang nức nở nhưng đứa trẻ lên ba trước mặt mọi người. Tôi gục đầu xuống bàn và vùi mặt vào hai tay áo, cái áo len ngu ngốc như áo anh hề. Mặt tôi nóng bừng. Nước bọt trào ra khoé miệng vì tôi không thể ngăn được những tiếng rên ư ử như thú con phát ra khỏi miệng cho đến khi không còn khóc nổi. Rồi cả người tôi run lên bần bật như đang bị nấc cụt và cả cái đầu của tôi nhức nhối như khi uống sữa quá nhanh.
Nhưng điều tệ nhất xảy ra là ngay khi chuông báo giờ ăn trưa reo lên. Con nhỏ đần độn Phyllis Lopez, cái đứa còn đần độn hơn cả con Sylvia Saldivar nữa, chợt nói nó nhớ ra cái áo len đỏ là của nó. Ngay lập tức, tôi cởi áo ra và đưa cho nó, còn cô Price thì giả vờ như chẳng có điều gì xảy ra.
Hôm nay tôi mười một tuổi. Mẹ làm cho tôi ổ bánh để tối nay ăn mừng, và khi Ba đi làm về chúng tôi sẽ ăn bánh. Sẽ có nến, có quà, và mọi người sẽ hát Chúc mừng sinh nhật, chúc mừng sinh nhật cho Rachel. Chỉ là đã quá muộn rồi.
Hôm nay tôi mười một tuổi. Tôi mười một tuổi, mười, chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một, nhưng ước gì tôi một trăm lẻ hai tuổi. Tôi ước gì tôi mấy tuổi cũng được, miễn là đừng mười một tuổi. Vì tôi muốn là ngày hôm nay đã đi xa thật xa, xa như một trái bóng bay, bay mãi lên bầu trời cao và chỉ còn một chấm nhỏ xíu—nhỏ đến nỗi tôi phải nhắm mắt lại mới nhìn thấy nó.
🌺🌺🌺🌺
Sandra Cisneros-Sandra Cisneros là một nhà văn Chicana, quốc tịch Mỷ,sinh năm 1954. Cô được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết đầu tiên Ngôi nhà trên phố Mango và tập truyện ngắn sau đó của cô là Woman Hollering Creek và Những câu chuyện khác. Wikipedia (tiếng Anh)
bài rất hay
Trả lờiXóa