Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

TRĂNG LỒNG BÓNG NƯỚC- Chuyên Kawabata Yasunari,Nguyễn Nam Trân Dịch

                                     

 

TRĂNG LỒNG BÓNG NƯỚC

(Suigetsu, 1953)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari

Dịch: Nguyễn Nam Trân

Một hôm, thiếu phụ nẩy ra ý tưởng dùng cái gương tay (tekagami) của mình để giúp người chồng đang nằm liệt giường trong căn phòng trên gác hai, thấy được phần nào khu vườn rau dưới nhà. Chẳng cần làm gì hơn thế mà nàng đã có thể mở một cánh cửa mới cho cuộc đời của chồng mình và nhất định là ảnh hưởng của hành động ấy không chỉ dừng lại nơi đó.

Chiếc gương tay kia là bộ phận của cái bàn kính để đồ trang điểm (kyôdai) Kyôko (Cảnh tử) mang về nhà chồng như của hồi môn. Bàn ấy tuy không lớn lắm nhưng là gỗ dâu tằm và cái khung bọc gương cũng được làm bằng cùng một chất liệu. Món đồ đó nhắc cho nàng cảnh thẹn thùng hồi mới cưới, mỗi lần dùng nó để nhòm cho rõ hình ảnh mớ tóc sau gáy phản chiếu từ cái gương lớn ba mặt của bàn kính. Những khi làm động tác đó, ống tay áo của nàng hay trượt xuống lộ ra cánh tay trần cho đến giữa khuỷu tay.

-Kyôko, em vụng quá. Đưa đây, anh giữ cho nào.

Khi nàng từ bồn tắm đi ra, người chồng dường như thích thú khi có cơ hội cầm cái gương tay để nhìn đủ các góc độ cái cần cổ người vợ phản chiếu từ tấm kính lớn. Không hiểu anh ấy có khám phá được điều gì mới trong lần đầu nhìn những hình ảnh đó phản chiếu lại trong cái gương tay không nhỉ? Thực ra, Kyôko đâu có vụng về, chẳng qua cái làm nàng ngượng điếng cả người là tia nhìn của chồng khi anh quan sát vợ từ sau lưng.

Được đặt trong ngăn kéo bàn kính nên màu gỗ dâu của cái gương tay chưa đủ thời gian để phai đi. Thế rồi chiến tranh bùng nổ, họ phải đi sơ tán rồi người chồng lâm bệnh. Lúc Kyôko có ý định dùng cái gương tay giúp chồng mình thấy khung cảnh vườn rau thì mặt gương đã mờ còn viền khung dính đầy phấn và bụi bặm. Nàng không bận lòng cho lắm vì dù sao kính vẫn còn in được hình ảnh. Kể từ hôm ấy, con bệnh giữ riệt cái gương tay bên gối và lau chùi mặt kính lẫn khung gỗ thật kỹ với sự lo âu và dễ cáu kỉnh của một người đang lâm trọng bệnh. Kyôko để ý thấy chồng mình thường hà hơi lên mặt gương, lau nó rồi kiểm tra xem đủ sáng bóng hay chưa. Nàng tưởng tượng là cho dù mấy vệt mờ bám trên gương đã biến mất, chắc hẳn còn có những con vi trùng lao ẩn nấp bên trong những vết rạn của khung gương, nơi mắt thường không thể nhìn thấu.

Khi chải tóc cho chồng, Kyôko nhỏ vài giọt dầu hoa trà (camelia) lên tóc anh. Lúc ấy, anh sẽ dùng lòng bàn tay xoa xoa tóc rồi lau chùi khung gỗ cái gương tay cho thật bóng trong khi vẫn để bàn trang điểm y nguyên với màu gỗ của ngày xưa.

Kyôko đã mang cái bàn trang điểm đó theo khi nàng tái giá.

Tuy nhiên, về phần cái gương thì nàng đã đặt vào trong chiếc hòm của người quá cố với ý định cho nó cháy theo khi đem xác anh đi thiêu. Rốt cuộc nàng đổi ý và thay thế nó bằng một chiếc gương tay khác có chạm khắc kiểu Kamakura[1]. Nàng không hề tiết lộ chuyện này cho người chồng thứ hai.

Theo tục lệ, hai bàn tay của người chết phải chắp lại và những ngón tay đan vào nhau nên khi đặt cái gương tay vào trong linh cửu, nàng không thể nào mở tay anh để anh nắm lấy nó.

Nàng thì thầm:

-Lồng ngực anh đã chịu nhiều đau đớn. Chả lẽ còn để thêm cái vật nặng này lên.

Lúc đầu nàng định đặt cái gương tay lên trên ngực người chết để tưởng nhớ vai trò quan trọng của tấm gương ấy trong đời sống vợ chồng nhưng sau đó, nàng đã dời về phía bụng anh và dấu nó dưới những đóa cúc trắng, tránh cho bằng được cặp mắt bố mẹ và anh em anh. Không một người nào phát hiện cái gương ấy. Đến lúc nhặt tro cốt thì miếng thủy tinh đã chảy tan và trở thành một thể khối màu xám và vàng nhạt không đều đặn.

Có ai đó đã thốt lên:

-Ô kìa! Trông giống một miếng thủy tinh! Không hiểu đó là cái gì nhỉ?
Thực ra, thiếu phụ còn đặt lên trên cái gương tay ấy một cái gương khác nữa nhỏ hơn, hình chữ nhật và có hai mặt, vật mà ngày xưa nàng đã mơ là sẽ mang nó theo trong tuần trăng mật. Vì chiến tranh, hai người đã không đi được đâu cả và nàng chưa có cơ hội sử dụng nó lần nào suốt thời gian người chồng trước còn sống.

Về phần người chồng sau thì anh đã đem được nàng đi hưởng tuần trăng mật. Nhân da cái xắc đựng đồ dùng hàng ngày của nàng bị mốc, nàng đã phải mua cái xắc thứ hai. Trong xắc đó dĩ nhiên là có chỗ cho cái gương tay.
Ngày đầu tiên của tuần trăng mật, người chồng sau vừa vuốt ve nàng, vừa nói: “Tội nghiệp chưa, em vẫn giống như một cô thiếu nữ!”. Giọng của ông lúc đó không có lấy một chút mỉa mai, ngược lại, nó chứng tỏ ông hạnh phúc khi bất chợt khám phá được điều đó. Một người chồng đến sau có thể vui mừng khi thấy vợ mình vẫn còn son như thiếu nữ, nhưng đối với nàng thì câu nói đó đã làm nàng đau khổ đến hụt hẫng và cảm thấy lệ nóng trào dâng trong mắt. Nàng co rụt người. Không biết cả điều đó có khiến người chồng thấy nàng là trẻ con không?

Kyôko không làm sao nhìn rõ để phân biệt rằng dòng lệ đang tuôn ra là khóc cho thân phận mình hay cho người chồng đầu tiên. Tuy nhiên, nàng hơi hối hận vì đã có một chút ưu tư như thế đối với người chồng đang ở bên cạnh mình nên muốn làm điệu một chút để an ủi:

- Không phải đâu mình. Chẳng lẽ khác nhau đến thế?

Nói vậy nhưng cảm thấy đã lỡ lời nên nàng sượng sùng và đỏ bừng đôi má.

Chồng của nàng trả lời với một giọng mãn nguyện:

-Anh thấy ngay là em hãy chưa sinh đẻ lần nào..

Nhận xét này làm nhói tim nàng một lần thứ hai. Đứng trước cái dũng mãnh nam nhi khác với người chồng trước, nàng cảm thấy mình như bị anh lăng nhục, coi là một món đồ chơi.

-Nhưng lúc nào em cũng có cảm tưởng như mình phải chăm sóc một đứa con mọn đấy.

Nàng chỉ có thể phản đối tới múc đó. Dù bây giờ người chồng trước đã chết, nhưng vì nằm bệnh quá lâu, nàng vẫn thấy anh ấy hãy còn sống ở đâu đó trong người mình như một đứa bé con. Có điều là sự cấm dục mà họ gìn giữ một cách kỹ càng không đem lại lợi ích gì. Bề nào thì bệnh anh ấy cũng đã vô phương cứu chữa.

-Anh chỉ thấy Mori[2] từ cửa sổ toa tàu trên tuyến dường Jôetsu[3]. Anh ta nói với người vợ trẻ về thành phố quê hương nàng để hướng nàng trở lại với mình.

-Cứ như cái tên của nó, chắc là một thành phố xinh xắn nằm trong một khu rừng. Thế em sống ở đó có lâu không?

-Em ở đó cho đến hết bậc trung học. Sau đó nhà nước trưng dụng vào làm việc cho công xưởng vũ khí ở Sanjô.

-Chà, em ở gần Sanjô à? Con gái Sanjô xứ Etchigo nổi tiếng là đẹp mà. Hèn chi người em trông xinh xắn quá.

-Em đẹp chỗ nào đâu!.

Kyôko đưa bàn tay lên che lấy chỗ đang mở hé của manh kimono nàng đang mặc.

-Tay chân đẹp thì cả người em cũng phải đẹp chứ?

-Không đâu...

Thiếu phụ gạt nhẹ bàn tay đang tí toáy trên ngực mình qua một bên.

Ông chồng bèn thủ thỉ vào tai Kyôko:

-Anh nghĩ anh sẽ không nề hà gì việc cưới Kyôko ngay trường hợp em đã có con. Anh sẽ nhìn nhận và nuôi dưỡng con em. Thế nhưng nếu là một bé gái thì tiện cho anh hơn.

Lời tỏ tình kỳ quặc này của người chồng có thể lý giải được vì ông ta đã có một mụn con trai. Việc cậu con riêng ấy đang sống ở nhà ông khiến cho tuần trăng mật kéo dài những mười ngày này có một ý nghĩa riêng. Nó khiến cho nhiều việc được giải quyết đồng thời một cách tế nhị.

Ông có một cái túi bằng da thuộc, loại hàng phẩm chất tốt. Tuy không mới nhưng bền chắc và đựng được nhiều. Nó bóng láng, có thể vì ông đi du lịch nhiều hoặc ông biết gìn giữ cẩn thận. Cái túi đồ dùng Kyôko đang có không sao bì kịp. Nàng mới đâm ra tiếc cái túi cũ nàng để mốc meo mà không hề dùng tới. Chỉ có cái gương tay nhỏ là nàng đã đem đặt trên người chồng trước để nó tháp tùng anh qua thế giới bên kia.

Mảnh thủy tinh đã chảy và tan biến vào với cái gương tay nên ngoài Kyôko ra, không ai có thể nghi ngờ rằng lúc đầu, đã từng có hai vật thể khác nhau. Chưa một lần nào nàng hé lộ về nguồn gốc của cái đống hình thù quái dị kia. Thế thì đâu có ai nghi ngờ được sự thực đó.

Tuy nhiên, đối với thiếu phụ thì tất cả những con người xưa kia có thời in bóng trong hai cái gương đó đã bị hủy hoại một cách đột ngột và tàn nhẫn. Nàng có cùng một tình cảm hư vô giống như điều nàng từng trải nghiệm lúc thân xác của người chồng cũ biến dạng, chỉ để lại nắm tro tàn. Cái gương tay lúc đầu giúp người bệnh nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của khu vườn rau, về sau đã trở nên quá nặng cho bàn tay anh. Anh bắt buộc phải xoa bóp cánh tay và bàn tay. Người vợ bèn đưa đến cho anh một cái gương tay thứ hai, bé hơn và nhẹ hơn.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, với hai cái gương đó, người chồng trước không chỉ bằng lòng ngắm cảnh vườn rau của vợ mà còn ngắm cả bầu trời, mấy cụm mây, tuyết và những ngọn núi đằng xa cũng như những cánh rừng trước mặt. Anh ta quan sát vầng trăng, nhìn những đóa hoa nở trên đồng và cả lũ chim di. Tấm gương tay cũng in hình ảnh những bóng người đang bước trên đường mòn và đám trẻ con đùa chơi trong vườn.

Thiếu phụ kinh ngạc, nàng thán phục cái phong phú và rộng lớn đến vô biên của thế giới đọng lại bên trong cái gương tay mà cho đến lúc ấy, nàng chỉ xem như một dụng cụ tiện lợi để chải món tóc đằng sau ót và dùng để mở cánh cửa một cuộc đời mới cho con bệnh. Kyôko thường ngồi cạnh đầu giường anh rồi cả hai cùng phóng tầm mắt vào bên trong chiếc gương tay để trao đổi với nhau về thế giới họ đang khám phá. Sau một thời gian, nàng bắt đầu phân biệt được thế giới ở trong đó với thế giới nàng nhìn thấy bằng mắt trần. Hai thế giới biệt lập đã vì nàng mà chồng khít lên nhau: thế giới hiện ra trong tấm gương đã trở thành một thế giới hiện thực.

Một hôm nàng phát biểu: “Trong tấm gương, thế giới chiếu sáng như ánh bạc”. Thế rồi nàng ngước mắt lên, nhìn qua cửa sổ và nói tiếp: “Trong khi bên ngoài, trời xám như chì và nặng mây”

Thực vậy, tấm kính không cho ta thấy cái xám xịt của bầu trời thực nhưng nó lại sáng lung linh.

-Có phải vì anh thường đánh bóng cho nó chăng?

Không cần ra khỏi giường, chỉ cần quay đầu là người bệnh đã thấy được bầu trời.

-Chính ra, đó là một màu xám nhờ nhờ. Tuy vậy, mắt của chim sẻ hay của chó chưa chắc thấy cùng một màu như mắt chúng ta. Thế thì làm sao biết được ai mới là kẻ nhìn thấy những chuyển đổi sắc màu tinh tế ấy một cách chính xác nhỉ?

-Cái gương này, nó có con mẳt hay không?

Kyôko muốn gọi chúng là cặp mắt tình yêu của họ. Cây cối hiện ra trong đó có màu xanh dịu dàng hơn màu xanh của cây cối thực sự, còn những đóa hoa huệ trong đó lại có một màu trắng tinh khôi hơn cả hoa thực.

-Đây là dấu vân tay của em đó, Kyôko. Ngón cái của bàn tay phải.

Anh chỉ cho nàng cái vè của tấm gương. Thiếu phụ ngạc nhiên và hơn thế nữa, không biết vì sao, đâm ra hoảng sơ. Nàng bèn thổi phù lên cái dấu vân tay như muốn xóa sạch.

-Không sao đâu em. Mấy cái dấu tay của em đã in lên đây từ hôm đầu tiên khi Kyôko chỉ cho anh xem khu vườn rau.

-Thế mà em chẳng để ý!

-Có lẽ là như vậy. Thực ra anh đã nhờ đó mà nhận ra và nhớ như in tất cả dấu vân tay ngón cái và ngón trỏ của em. Phải nằm lì trên giường mới học được cách đọc những dấu vân tay của vợ mình.

Kể từ hồi cưới nhau, hầu như người đàn ông này lúc nào cũng đau ốm. Ngay cả giữa một thời đại đầy bạo lực như thế này, anh cũng chẳng phải ra chiến trường bao giờ. Hồi cuối cuộc chiến, anh theo lời hiệu triệu[4] đi làm dân công và sau một vài hôm vỡ đất trên một cánh đồng sẽ dùng làm sân bay, anh đã được cho nghỉ việc một ít lâu trước ngày thất trận vì lúc đó, anh đã bước hết nổi. Ông anh cả nhà anh cùng với Kyôko đã phải đi đón anh. Kyôko đã trở về từ nhà cha mẹ đẻ, nơi cô sơ tán trong thời gian chồng đi dân công. .

Họ đã gửi đi hầu như mọi thứ đồ đạc rồi từ giã thành phố vì ảnh hưởng của những trận ném bom. Ngôi nhà hai người sống một thời gian lúc mới lấy nhau đã bị hỏa hoạn, họ phải mướn căn phòng trống trong ngôi nhà một người bạn gái của Kyôko Anh chồng thì đi đến sở suốt ngày. Có thể xem như chỉ có một tháng sống trong ngôi nhà tân hôn và hai tháng ở chung nhà cô bạn là thời gian người chồng không bị đau ốm..

Thế rồi họ quyết định mướn một căn nhà nằm trong núi để cho anh tĩnh dưỡng. Nhiều dân thành phố và người chạy giặc cũng đã đến đó sống nhưng sau ngày thất trận, họ lại lục tục về Tôkyô.

Kyôko đã lấy lại vườn rau từ tay những người dân tản cư. Nó vốn là một khu vườn mỗi bề 5 mét, đã bị cỏ cao che lấp. Sống ở miền quê, nàng có thể kiếm ra rau củ một cách dễ dàng nhưng vào thời buổi đó, không ai dại gì bỏ hoang một mảnh vườn trồng rau quá quí. Hơn nữa, nàng bắt đầu coi trọng những gì mình có thể làm cho sinh sôi bằng chính đôi tay. Không phải là nàng kiếm cớ để tránh xa giường bệnh của chồng, thế nhưng những việc may vá thêu thùa trong nhà chỉ làm cho nàng u uất thêm lên. Hy vọng vươn lên trong người là lúc nàng chăm sóc luống vườn. Khi ấy nàng thường suy nghĩ về chồng mình và tình yêu dành cho anh. Còn như việc đọc sách thì lúc cao giọng đọc cho anh nghe bên giường bệnh đối với nàng đã là quá đủ. Có lẽ một phần vì việc chăm sóc con bệnh làm cho nàng mệt mỏi nhưng nhiều khi nàng đã quên khuấy cả bản thân. Kyôko hy vọng rằng qua việc trông nom vườn tược, nàng có thể tìm lại con người của mình.

Họ vào sống trong núi khoảng giữa tháng 9, dưới một trận mưa dai dẳng và lạnh lẽo đầu thu, sau khi đám khách đến đó tránh nắng đã bỏ đi.

Một hôm, ngay trước lúc hoàng hôn xuống, Kyôko đang ở trong khu vườn rau dưới ánh nắng mặt trời rạng rỡ thì bỗng thấy bầu trời nhạt dần và chim chóc cất lên những tiếng kêu nhọn sắc trong khi màu của đám rau xanh trong vườn như lóe sáng. Thiếu phụ đang rộn ràng ngắm những quầng mây hồng trôi gần mấy chỏm núi thì vừa lúc đó, nàng ngạc nhiên nghe tiếng của người chồng vọng đến. Vội vã leo lên gác hai, tay nàng hãy còn lấm đất.Con bệnh đang hô hấp một cách rất khó khăn.

-Anh gọi em nãy giờ, sao không thấy em trả lời?

-Xin lỗi, em không nghe tiếng anh.

-Anh van em. Đừng làm vườn nữa. Nếu bắt anh gọi mỏn hơi kiểu này mấy ngày liên tiếp, chắc anh chết mất. Hơn nữa, anh lại không biết em đang ở đâu và làm gì?

-Thì ở trong vườn chớ đâu. Thôi, em sẽ không làm vườn nữa.

Người chồng lúc đó mới dịu giọng:

-Em có nghe tiếng chim sẻ ngô[5] hót không.

À, thì ra đó là lý do làm anh gọi nàng. Trong khi họ đang nói chuyện với nhau, có tiếng con chim hót trở lại trong cánh rừng kế bên, một cánh rừng nhỏ mà đường nét hiện ra rõ mồn một trong ánh nắng đỏ hồng của buổi chiều. Nhờ đó, Kyôko mới hiểu ra tiếng hót của giống sẻ ngô là như thế nào.

-Chắc anh cần có một cái chuông hay lục lạc. Thứ đó sẽ tiện lợi cho anh hơn. Trong khi chờ em mua chuông về, anh có muốn đặt ở đầu giường một vật gì anh có thể ném được hay không?

-Ừ, một cái bát uống trà chẳng hạn. Như thế anh có thể ném nó từ trên gác xuống. Hay đấy chứ?

Nhờ đưa ra ý kiến đó, Kyôko được phép làm vườn trở lại nhưng chỉ sau một mùa đông dài khắc nghiệt của miền núi, và sau khi mùa xuân đến, nàng mới nẩy ra sáng kiến cho chồng mình xem quang cảnh vườn rau.

Cái gương tay bé bỏng đã đem đến nguồn vui lớn lao cho con bệnh như thể thế giới của những chiếc lá non đã sống trở lại vì anh. Nghĩ rằng anh vẫn chưa phân biệt được những giống côn trùng mà mình bắt ra từ mấy luống rau, Kyôko định sẽ leo mấy bậc thang gác đem lên cho anh xem. Thế nhưng khi nàng đang đào bới thì người chồng đã gọi:

-Với cái gương, anh thấy cả mấy con giun đất nữa kìa!

Rồi đến khi ánh mặt trời chiếu xiên ngang thì Kyôko – đôi khi mắt bị chói vì một luồng ánh sáng lóe qua, đã nhìn lên căn phòng trên gác. Lúc đó, nàng mới thấy chồng mình vừa bắt được một tia nắng bằng cái gương tay. Anh cũng bảo nàng may một cái quần mompe[6] để làm nông bằng vải từ manh kasuri[7] cũ màu xanh dương anh từng mặc thời sinh viên, và sau đó tỏ ra thích thú khi thấy qua tấm gương cảnh nàng mặc cái quần đó làm vườn. Nàng biết mình đang bị chồng dòm trộm trong khi làm việc nhưng dần dần rồi cũng thây kệ những cái nhìn ấy. Lòng nàng ấm lại khi ý thức rằng tình cảm giữa hai vợ chồng đã tiến xa hơn so với những ngày đầu mới cưới. Hồi đó, nàng đã đỏ mặt dù chỉ để lộ khuỷu tay của mình khi làm động tác cầm gương tay soi gáy trong cái trò chơi phối hợp tấm gương với mấy tấm kính của bàn trang điểm.

Từ đó nàng không còn mắc cỡ khi nhìn thấy làn da của mình phản chiếu trong chiếc gương soi, chẳng hạn lúc mới tắm xong. Nàng tự ngắm và thấy là mình đẹp. Nàng vẫn giấu diếm tình cảm rất riêng tư về cái đẹp ấy trong đáy lòng bởi vì đó là điều người chồng trước đã dạy cho nàng. Anh từng bảo: “Nhìn cái đẹp trong gương, lòng người ta lại dậy lên một tình cảm khác”. Do đó, không những nàng không hề đặt nghi vấn về vẻ đẹp trong gương mà ngược lại, còn tin rằng có một thế giới khác nằm bên trong đó.

Tuy vậy, giữa làn da mà nàng quan sát thật gần và hình ảnh nó được phản chiếu, thiếu phụ thấy chúng giống nhau chứ không khác biệt như màu trời chì xưa kia và cái hình ảnh phản chiếu giống như ánh bạc của nó. Việc vị trí của vật thể và tấm gương cách nhau xa hay gần không đủ để giải thích hiện tượng này. Có lẽ sự khát khao và niềm hoài vọng của con bệnh đang nằm bệt trên giường đã ảnh hưởng tới cách nhìn của anh ta. Vì thế nàng mới hiểu được cái đẹp quyến rũ của nàng mà người chồng cảm nhận khi anh nhìn nàng trong vườn rau qua cái gương soi từ trên gác là như thế nào. Thế mà khi anh còn sống, nàng đã không ngộ ra điều đó.

Cái nàng còn giữ lại không phải chỉ là một kỷ niệm nhưng còn là sự nuối tiếc pha lẫn ngưỡng mộ đối với những gì đã tạo nên vũ trụ đặc biệt của hai người: từ hình ảnh nàng đang làm việc trong vườn rau cho đến những hình ảnh khác mà anh đã nhìn thấy trong chiếc gương soi trước khi qua đời, chẳng hạn cảnh tượng đám trẻ họp đoàn đùa chơi trên cánh đồng, màu xanh đậm của hoa chuông[8], màu trắng muốt của hoa huệ, cảnh mặt trời mọc lên từ phía những rặng núi tuyết ngoài xa. Tóm lại, đó là một thế giới riêng tư nàng đã có với người chồng trước. Tuy nhiên, vì lòng kính trọng đối với ông chồng sau, Kyôko phải kìm hãm cái tình cảm đã thành một sự khát khao bỏng cháy này và đẩy nó về một hướng xa xăm nào đó, xem nó như lời hứa hẹn về một cõi trời tương lai.

Một sáng tháng năm, thiếu phụ nghe từ chương trình phóng thanh của chiếc ra-đi-ô tiếng chim rừng ríu rít. Giọng hót đó đã được thu âm từ một ngọn núi không xa khu vực mà họ đã ở mãi cho đến thời gian trước khi con bệnh qua đời. Khi nàng tháp tùng người chồng sau ra cửa đi làm, nàng đã cầm cái gương soi từ bàn trang điểm theo để bắt lấy hình ảnh của bầu trời quang đãng hôm đó như một thói quen có từ xưa. Chính lúc đang ngắm nghía mình trong gương, nàng đã khám phá ra một điều kỳ quặc: nếu không có tấm gương phản chiếu cho, con người không thể nào nhìn thấy mặt mình. Tự nhìn mình thì sẽ không sao thấy được mặt mình. Người ta đặt mặt sát vào kính và tin rằng cái mà kính phản chiếu mới là khuôn mặt thật, rồi mỗi ngày đưa tay lên sờ mặt để đùa chơi với nó..

Việc Đấng Tạo Hóa đã tạo ra con người với đặc điểm là không để cho họ ngắm nghía được bản mặt của mình có chứa đựng một ý nghĩa gì không nhỉ? Kyôko cứ băn khoăn nghĩ về điều đó một hồi lâu.

-Có phải nếu con người nhìn được mặt mình, họ sẽ trở thành điên hết hay chăng? Và họ không thể hành động được nữa?

Nhưng cũng có thể là loài người đã theo chu kỳ tiến hóa để đến giai đoạn không còn cơ hội nhìn thấy bản mặt của mình. Kyôko lại nghĩ thầm: Những giống chuồn chuồn hay ngựa trời biết đâu lại có khả năng tự nhìn thấy khuôn mặt của chúng?

Khuôn mặt là cái hết sức cá nhân nơi con người, dường như chỉ được tạo ra để cho người khác ngắm. Chẳng lẽ tình yêu cũng giống thế hay sao?

Kyôko dọn lại cái gương tay lên bàn trang điểm nhưng bây giờ nàng vẫn thấy nó không tương xứng với những nét chạm sơn mài kiểu Kamakura và chất liệu gỗ dâu nữa. Cái gương tay ngày xưa đã chết một lượt với người chồng trước để cho bàn trang điểm trở thành một kẻ góa bụa hay chăng? Thế nhưng việc nàng trao cho người chồng liệt giường cái gương tay kia kèm theo một tấm gương bé nữa vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại cho anh. Người chồng cứ đem tấm gương ấy ra soi mặt mình mãi và hình ảnh căn bệnh ngày càng trầm trọng của anh phản chiếu trong tấm gương đã làm anh mất tinh thần. Có thể anh đã tự hỏi phải chăng khuôn mặt Thần Chết đang lảng vảng trước mắt mình. Nếu như đây là một cuộc tự sát có tính cách tâm lý với dụng cụ là chiếc gương tay thì chính Kyôko đã phạm cái tội sát nhân tâm lý ấy. Một hôm, khi nhận ra hiểm họa này, nàng đã định lấy lại cái gương tay nhưng con bệnh cứ nằng nặc không chịu buông ra.

-Bộ em không muốn cho anh nhìn gì cả hay sao? Trong khi còn sống, anh muốn yêu tất cả những gì anh thấy được.

Để có thể bảo tồn hình ảnh thế giới được phản chiếu trên mặt gương, biết đâu anh ấy chẳng đã hy sinh tính mạng của mình!

Có một hôm, sau cơn mưa rào thật lớn, hai người đã ngắm vầng trăng in bóng trong vũng nước dưới sân. Vầng trăng đó, chỉ có thể gọi nó là ảo ảnh của một ảo ảnh, giờ đây đang sống lại trong lòng Kyôko


“Tình yêu lành mạnh chỉ có ở nơi những người tráng kiện”. Khi ông chồng sau của nàng đưa ra mấy câu cách ngôn kiểu đó, đương nhiên thiếu phụ đã e lệ gật đầu nhưng trong lòng, nàng chưa hoàn toàn chấp nhận. Sau cái chết của người chồng trước, nàng có lần tự hỏi không hiểu sự tiết chế tình dục mà nàng và anh đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt có ích gì không. Thế nhưng về sau, câu chuyện đó đã trở thành một kỷ niệm cảm động về tình yêu giữa hai người, về cái thời kỳ mà tâm hồn họ chứa chan tình trìu mến. Những tiếc nuối vì thế đã tan biến đi. Còn về người chồng sau, thì ấn tượng đầu tiên của nàng là cách xử sự đối với đàn bà của ông có vẻ sơ sài quá mức.

-Làm sao một người dễ thương như mình lại phải bỏ vợ thế hở mình?

Kyôko có lần hỏi người chồng sau như vậy nhưng không thấy ông trả lời. Người anh cả trong đám anh em của người chồng trước đã hết sức thúc đẩy nàng hãy đồng ý với cuộc hôn nhân này và nàng đã nhận lời trở thành vợ ông ta sau 4 tháng quen biết, đi lại. Người chồng sau lớn hơn nàng những 15 tuổi.

Khi Kyôko nhận ra rằng mình đã có thai, nàng khiếp sợ đến nỗi mặt mày đâm ra biến dạng.

“Em sợ! Em sợ quá!” Nàng rên siết và bám chặt ông chồng. Những cơn chóng mặt đến dồn dập làm cho đầu óc nàng rối loạn. Một buổi sáng, nàng đi chân đất ra ngoài vườn bứt loạn xạ những lá tùng nhọn như kim. Một ngày khác, nàng lại đưa hai hộp cơm bữa (o-bentô) cho cậu con riêng của chồng khi nó đi học và cả hai đều đựng toàn cơm[9]. Có lúc nàng ngồi lặng người trước tấm gương tay có chạm trổ kiểu Kamakura trên bàn trang điểm mà cứ tưởng chừng đang nhìn xuyên suốt qua nó. Một đêm, nửa khuya thức giấc, nàng ngồi trên tấm đệm giường (futon) nhìn chòng chọc vào mặt người chồng đang ngủ. Dù e rằng mạng người là cái có thể bị tước đoạt một cách dễ dàng nhưng nàng đã cho tay tháo giải thắt lưng của mình ra. Có thể nàng định dùng nó để siết cổ chồng rồi cũng nên, nhưng chính lúc đó, bất chợt nàng gập người xuống và gào khóc. Người chồng bị kéo ra khỏi giấc ngủ, chỉ dịu dàng thắt lại giải thắt lưng cho nàng. Giữa đêm hè mà thấy nàng run rẩy như người ớn lạnh.

-Kyôko ơi! Em hãy tin tưởng đứa con đang mang trong bụng nhé.

Chồng nàng vừa nói, vừa lấy hai tay nắm lấy đôi vai Kyôko lắc nhẹ.

Bác sĩ khuyên nên nhập viện. Người mẹ trẻ không hài lòng cho lắm nhưng cuối cùng cũng đã nghe lời.

-Được, em chịu nhập viện nhưng trước đó, mình cho phép em ghé qua nhà ba má em hai ba hôm nhé.

Ông chồng đưa nàng đi. Ngay ngày hôm sau, Kyôko đã bỏ mọi người để đơn thân lên trên vùng núi non, nơi ngày xưa nàng sống với anh chồng đầu tiên. Chuyện xảy ra vào đầu tháng 9, nghĩa là khoảng mươi hôm trước thời điểm mà nàng và người chồng trước đã đến đó hồi xưa. Trong xe hỏa, thiếu phụ cảm thấy người bất an, buồn nôn và chóng mặt, lo sợ là mình không cưỡng lại được xung động kéo nàng nhảy ra ngoài cửa toa. Dù vậy, khi đã rời nhà ga, không khi mát mẻ đã làm nàng khỏe khoắn. Nàng tỉnh người lại, cảm thấy như vừa được thoát khỏi trạng thái bị quỷ ám. Dưới sự thôi thúc của một tình cảm không định nghĩa được, nàng dừng chân trên đường để ngắm rặng núi đang bao bọc suốt một vùng cao nguyên. Đường viền của rặng núi với một màu xanh lam đang kẻ một nét rõ, sắc cạnh trên nền trời.

Kyôko cảm thấy cái thế giới này đang sống. Nàng đưa tay chùi đôi mắt đã nhòa lệ và chạy vội về hướng ngôi nhà cũ. Trong cánh rừng ngày xưa nắng có lần chiếu xiên ngang để nhuộm cho cảnh hoàng hôn một màu hồng nhạt, tiếng chim sẻ ngô vẫn còn lảnh lót.

Ngôi nhà cũ của nàng và anh chồng cũ bây giờ hình như đã có ai khác ở. Một bức màn viền đăng-ten đang buông xuống cánh cửa sổ tầng trệt. Kyôko nhìn nhưng không dám tiến lại gần.

-Nếu mai đây đứa con em đẻ ra nó giống anh thì có sao không?

Nàng thì thầm và lấy làm lạ khi thấy mình đang thốt ra câu nói ấy. Thế rồi, nàng lật đật quay gót, với một tình cảm bình yên và ấm áp.

Dịch ngày 28 tháng 11 năm 2020

Bên lề tác phẩm: 

Trăng lồng bóng nước tức Thủy nguyệt (Suigetsu) được ra mắt lần đầu     vào tháng 11/1953 trên Tạp chí Bungei Shunjuu (Văn Nghệ Xuân Thu) khi tác giả 54 tuổi.

Thủy nguyệt trong thành ngữ “Kính hoa thủy nguyệt”(Kyôka suigetsu)  thường được hiểu như sự thể hiện của một cái đẹp mong manh nhưng sâu lắng và huyền ảo, khó lòng nắm bắt, chẳng khác nào hoa trong kính, trăng dưới nước. Ngoài ra nó còn một ý nghĩa đầy Thiền vị. Vầng trăng lồng bóng nước nhưng trăng không phải là nước, nước in dấu vầng trăng nhưng không giữ lấy mà để nó được tự do dạo khắp mọi nơi. Trăng với nước: tuy một mà hai, tuy hai mà một.

Tấm gương có phép mầu là một chủ đề khác được Kawabata yêu thích. Tấm gương (kính đồng) còn là một trong 3 thần khí của Nhật Bản. Chúng ta còn được thấy hình ảnh nó trong các tác phẩm khác của văn hào chẳng hạn Huyễn tưởng pha lê (Suishô Gensô) ,Khúc tình ca (Jojôka), Xứ Tuyết (Yukiguni) cũng như một số bài khác nữa.

Kawabata tỏ ra yêu mến một cách đặc biệt tác phẩm này. Ông thường chỉ định nó khi góp ý cho dịch giả ngoại quốc nào muốn giới thiệu văn chương ông đến với đồng bào họ. Lối hành văn ở đây giản dị, trang nhã, không sử dụng từ hoa, đã làm cho nó có cùng một văn phong với tác phẩm ăn ý khác của ông là Tiếng rền của núi (Yama no oto).

Ở Việt Nam, truyện ngắn này đã có nhiều bản dịch. Hy vọng là bản dịch của chúng tôi với những nét đặc thù của nó cũng sẽ được bạn đọc quan tâm. Thường thì nó được hiểu như một truyện tình đơn thuần nhưng cũng có thể có ngụ ý chính trị nhẹ nhàng của tác giả trong bối cảnh năm 1953, khi tác phẩm ra đời và là thời điểm Nhật Bản đang trên đà phục hưng sau Thế chiến. Người chồng thứ nhất phải chăng là một nước Nhật thua trận, đã thành một đống tro tàn nhưng kỷ niệm về nó vẫn khơi gợi được mối cảm hoài sâu sắc trong lòng người vợ trẻ vốn tượng trưng cho dân tộc Nhật? Người chồng thứ hai là một nước Nhật vật chất hơn, vững chãi hơn nhưng sao vẫn thấy có sự xa cách khiến cho người vợ ấy cứ phải rụt rè tránh né những khi đối mặt. Dù vậy, hãy có những nhà phê bình không đồng ý với cách cảm nhận đó. Họ chủ trương việc gì phải nghĩ ngợi xa xôi, nếu độc giả cảm thấy hay đẹp là đã đủ vì tác phẩm này không cần đến những lời giải thích.

Thư mục tham khảo: 

1-     Kawabata Yasunari, Suigetsu, trong Toàn tập Kawabata quyển 8 trong 35 tập, Shinchô Bunko, Tôkyô xuất bản, 1978. Nguyên tác Nhật ngữ.

2-     Kawabata Yasunari, Suigetsu, bản dịch của George Saitô nhan đề The moon on the water, trong Modern Japanese Stories - An Anthology, Ivan Morris biên tập, Tuttle, Tôkyô xuất bản, sơ bản 1962. Bản sử dụng: bản tái bản lần thứ 23 năm 1997. Bản ngoại văn tham chiếu.

3-     Kawabata Yasunari, Suigetsu, bản dịch của Sylvie Regnault-Gatier và Suematsu Hisashi, S. Suzuki, nhan đề La lune dans l’eau, trong Tuyển tập Kawabata, Romans et Nouvelles, Livres de Poche, La Pochothèque, Paris xuất bản, 1997. Bản ngoại văn tham chiếu.


[1] Một loại chạm khắc đời xưa, bắt đầu kẻ bằng những nét mờ mờ rồi phủ lên bằng một lớp sơn mài. Thường là sơn đỏ, đôi khi gồm có hai màu xanh và đỏ.

[2] Tên thành ph, đng thi có mt nghĩa khác là khu rng thp.

[3] Tuyến đưng st đi v tnh Niigata (X Tuyết)  phía bc.

[4] Nguyên văn: ứng chiếu (Thiên hoàng). Trên thực tế là bị bắt đi làm dân công.

[5] Nguyên văn: Higara (coal tit). G. Saitô trong tuyển tập Ivan Morris dịch là chim sơn ca (lark).

[6] Quần ống bó thắt lấy cổ chân, có khi mặc lên trên quần áo, dùng cho cả nam lẫn nữ để lao động hoặc chống lạnh

[7] Kimono đồng phục của sinh viên và học sinh thời trước chiến tranh.

[8] Nguyên văn Hotarusô no hana (hoa của cỏ đom đóm = dayflower), chưa hiểu là hoa gì. Ở đây dịch theo bản Pháp văn (clochettes). Bản Anh văn đã lược đi không dịch

[9] Đáng lý ra thì một hộp đựng cơm và một đựng thức ăn như thông lệ.

 

 

 


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của anh Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com

.........................

® "Khi phát hành lại bài viết của trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả (dhdungjp@yahoo.com)
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...