Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Lội bùn lùng cổ vật và kho báu ở sông Thames, London (BBC.com)

 Nguồn hình ảnh, Getty Images

Đó là một buổi sáng tối tăm và lạnh lẽo khi tôi bước ra khỏi ga xe điện tại bến Wapping ở Đông London.

Dưới ánh sáng vàng vọt của đèn đường, tôi thay đôi giày thể thao và mang vào đôi ủng lấm bùn bẩn. Những người đi theo hướng ngược chiều với tôi thì đang trên đường đi làm trong trang phục công sở, nhìn chằm chằm khi tôi xỏ đôi găng tay nhựa vào tay.

Nơi làm việc buổi sáng của tôi đang đợi tôi vào, nên tôi rẽ xuống một con hẻm hẹp và cẩn thận đi xuống bước thấp bước cao, trơn trượt với tảo sông xanh.

Hôm nay tôi đi 'lội bùn'.

Lịch sử lâu đời

Nếu bạn đang băng qua một trong những cây cầu đông đúc của London và nhìn xuống, bạn có thể nhận thấy rằng độ cao của sông Thames thay đổi đáng kể trong ngày: thủy triều của dòng sông có thể lên xuống tới 7m.

Khi thủy triều rút, bạn sẽ thấy mọi người nháo nhào bước xuống những bậc thang, thang dây và đường trượt tàu ẩn khuất để lê bước nặng nề dọc bờ sông. Đó là những 'người lội bùn' - và họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn lịch sử của sông Thames bằng cách nhặt các đồ vật và đồ tạo tác nằm trong bùn của sông.

Đi bộ dọc theo bờ sông Thames ở trung tâm London không phải là sở thích của mọi người - việc này lạnh lẽo, bẩn và lầy lội, đúng là 'lội bùn'.

Trong lịch sử, lội bùn không phải là điều mong muốn trong đời. Thuật ngữ này xuất hiện vào thời Vua George (từ 1714 đến khoảng 1830-37) và thời Nữ hoàng Victoria (1837-1901), khi sông Thames là một trong những tuyến chính để vận chuyển hàng hóa vào thành phố.

Lúc đó, đôi bờ sông đâu đâu cũng là hình bóng âu sầu của những người lội bùn mà hầu hết là phụ nữ và trẻ em nghèo 'dậy từ lúc gà chưa gáy' để đi làm bất cứ khi nào nước rút.

Khi nước ròng, họ sẽ lội xuống bùn để lấy những cục than, những đoạn dây thừng hoặc bất cứ thứ gì khác mà những người lái thuyền bất cẩn đã đánh rơi xuống nước.

Lội bùn chủ yếu xảy ra ở London vì ít thành phố cảng nào có những bờ sông rộng, lộ thiên, nơi họ có thể lội xuống để làm việc. Ngoài ra, bùn của sông Thames là loại yếm khí - có hàm lượng oxy rất thấp - nên là điều kiện lý tưởng để bảo quản các chất hữu cơ mà nếu không bị bùn lấp là có thể bị thối rữa.

Mặc dù có nguồn gốc khiêm tốn, lội bùn đang được khôi phục lại.

Việc khám phá sông Thames chưa bao giờ dễ dàng hơn thế: bất kỳ ai muốn tìm cảm hứng thì chỉ cần theo dõi hashtag 'mudlarking' trên Twitter, Instagram hoặc Facebook.

Chương trình Khám phá sông Thames - gồm một nhóm các nhà sử học và tình nguyện viên - tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn đến bờ sông, nơi "các hướng dẫn viên là chuyên gia sẽ chỉ ra các di chỉ khảo cổ học hấp dẫn mà bình thường không thể thấy được, như bẫy cá của người Saxon và các cầu tàu từng dẫn đến cung điện Tudor, và đảm bảo cho khách luôn an toàn và tuân thủ các quy tắc của Cảng vụ London," Josh Frost, nhà khảo cổ cộng đồng kỳ cựu của Chương trình Khám phá sông Thames, cho biết.

Mặc dù những tour này là cách giới thiệu rất thú vị về lội bùn chung với nhau, nhưng hầu hết người lội bùn là những người đơn độc và thường chỉ có một mình, nhìn chằm chằm vào đá dưới chân.

Tình cờ thấy báu vật

Một trong những cuốn sách bán chạy nhất một cách bất ngờ vào năm 2019 là 'Lội bùn: Bị mất và Tìm thấy trên sông Thames' của Lara Maiklem, người tình cờ biết đến hoạt động lội bùn.

"Một ngày nọ, tôi đang ở trên đỉnh một trong những cầu thang trên sông nhìn xuống bờ và tôi quyết định đi xuống," bà viết. "Vì lý do nào đó, đến lúc đó, tôi vẫn cho rằng bờ sông là chỗ cấm, có lúc lộ ra, có lúc chìm trong nước. Tôi tìm thấy món đồ đầu tiên của mình vào ngày hôm đó, một đoạn ngắn thân ống đất sét, và tôi trở thành nghiện việc lội bùn luôn."

Câu chuyện của tôi cũng tương tự. Hồi nhỏ, tôi luôn thích đóng vai một nhà khảo cổ học, tôi mơ ước trở nên giàu có bằng cách tìm ra kho báu mất tích của Vua John bị chìm dưới sông.

Một ngày nọ, rất lâu sau khi lẽ ra tôi phải từ bỏ ảo tưởng như vậy, tôi đọc được trên mạng về lội bùn. Tôi chạy xuống sông Thames và đào được kho báu đầu tiên của mình: một cái ống điếu bằng đất sét bị bể mà ai đó ở thế kỷ 18 đã hút lần cuối.

Nay thì người ta có thể nhìn thấy tôi ở dưới cầu London Bridge tìm kiếm đồ gốm La Mã; ở Rotherhithe tìm kiếm các di tích công nghiệp; và đi quanh khu Putney tìm kiếm di chỉ tiền sử. Niềm vui của việc lội bùn là bạn không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra hoặc ở đâu.

Sông Thames là một trong những địa điểm khảo cổ vĩ đại nhất và lớn nhất trên thế giới, và toàn bộ lịch sử của nước Anh có thể được kể lại từ những món được tìm thấy bên bờ sông.

Nhiều hiện vật trong Bảo tàng London có nhãn ghi nguồn gốc của chúng là 'Tìm thấy ở sông Thames'.

Ngay cả khi nhìn lướt qua dòng sông cũng sẽ thấy những mảnh gốm vỡ, mảnh thủy tinh và những mảnh kim loại bị vặn xoắn, và những người lội bùn đã tìm thấy mọi thứ, từ răng của voi ma mút, đèn La Mã cho đến những chiếc nhẫn thời Tudor.

Do thiếu kinh phí khảo cổ trong vài năm qua, những con mắt nghiệp dư của những người lội bùn đã vô cùng hữu ích để tìm ra các cấu trúc mong manh nổi lên từ bùn đất với Chương trình Cổ vật Di động (PAS) vừa ghi nhận khám phá khảo cổ thứ 1.500.000 từ công chúng Anh.

"Điều cực kỳ quan trọng là người lội bùn phải báo phát hiện của họ cho Chương trình Cổ vật Di động theo các điều khoản trong giấy phép, bất kể trông nó có vẻ vặt vãnh hay tầm thường như thế nào đi nữa," ông Stuart Wyatt, viên chức liên lạc về các phát hiện ở khu vực London, người đánh giá và ghi lại các hiện vật mà những người lội bùn tìm thấy cho PAS, nói.

"Sông Thames đặc biệt có rất nhiều những hiện vật khảo cổ nhỏ có thể cầm đi được; không chỉ là số lượng mà chất lượng của hiện vật khiến cho những phát hiện trên sông Thames rất quan trọng. Các đồ tạo tác bằng chì, da và xương được bảo quản đặc biệt tốt, cho dù đó là chiếc trâm cài tóc bằng xương thời La Mã hay đồ chơi trẻ em bằng thiếc vào thế kỷ 17. Những di vật này thường bị mất trên mặt đất do môi trường đất bất lợi, nhưng đặc tính yếm khí của sông Thames đã giúp bảo tồn chúng."

Thú vui mạo hiểm

Tuy nhiên, lội bùn có thể là một thú vui mạo hiểm. Khi thủy triều lên, nước dâng cao rất nhanh. Bạn phải luôn nắm rõ về lộ trình của mình khi bạn đi lệch khỏi bờ sông.

Bùn cũng là một mối nguy hiểm khác: trong một những chuyến lội bùn đầu tiên của tôi, một người lội bùn có kinh nghiệm hơn đã kể cho tôi nghe ông đã từng rơi xuống một cái hố trong bùn như thế nào. Ông ấy may mắn có một cái xô để bám vào bò ra ngoài - mặc dù sau đó ông đi tàu điện ngầm về nhà thì hơi bẩn.

Nhưng chính bùn của sông Thames mới khiến việc lội bùn là đáng bỏ công sức.

Các lớp bùn đất có chứa các di vật thuộc mọi giai đoạn lịch sử và tiền sử của London. Liz Anderson, một người lội bùn có trang blog chuyên viết về những thứ cô khám phá được, đã từng lấy ra một chiếc lược La Mã 2.000 năm tuổi từ trong bùn.

"Chiếc lược làm bằng gỗ hoàng dương và điều tôi thích ở nó là kiểu dáng nó gần như giống hệt như những thứ này được dùng ngày nay," cô nói với tôi. "Nó cũng có bùn giữa các răng lược, trong đó gần như chắc chắn vẫn có trứng chấy La Mã ẩn nấp. Khi tôi tìm thấy nó, nó trong tình trạng tốt đến mức giống như nó mới bị rơi hôm qua."

Khi dòng sông uốn khúc qua trung tâm thành phố, những câu chuyện thú vị chưa được biết liên tục được phơi bày.

Trên một mảng nhỏ bờ sông ở đoạn Rotherhithe, đông nam London, bạn có thể nhìn thấy những viên gạch đỏ đổ nát nơi các tòa nhà bị không quân Đức san bằng trong Đệ Nhị Thế Chiến đổ xuống sông. Nằm cạnh những viên gạch đó là vô số đinh, vít rỉ sét còn sót lại từ thời mà Rotherhithe được biết đến là một nơi phá dỡ tàu, hồi thế kỷ 19.

Gần đó là một dãy giá đỡ cầu tàu bằng gỗ. Nhìn kỹ, bạn có thể nhận thấy trong đó có một cái hơi khác: thay vì mục nát từ bên ngoài, nó lại rỗng bên trong.

Trụ này không làm bằng gỗ mà là xương sườn cá voi.

Từ thời thập niên 1720, những con tàu săn cá voi đã chuyên chở chiến lợi phẩm mỡ cá voi của họ vào Bến Greenland, nơi mỡ cá voi được chuyển thành các loại dầu hữu ích. Xương cá voi được dùng trong nhiều sản phẩm, nhưng đôi khi, như ở đây, chúng được tận dụng nguyên con nếu các nhà thầu xây dựng thiếu gỗ.

Tất cả những thứ này đều nằm trên một đoạn bờ sông dài không quá 100m.

Tuy nhiên, lội bùn không phải chỉ hoàn toàn là để tìm kiếm những vật thể có hình có dạng từ dòng sông. Anderson trình bày một cách thơ mộng về những niềm vui bên bờ sông. "Ngay tức thì tôi quên đi bất kỳ lo lắng hoặc vấn đề nào mà tôi gặp phải trong vài giờ khi tôi tìm xuống bờ sông," bà nói.

"Ngay cả khi tôi không tìm thấy gì nhiều vào ngày hôm đó, tôi yêu sự yên bình mà dòng sông đem đến - động vật hoang dã, chim chóc, tàu thuyền đi qua, âm thanh, cách ánh sáng phản chiếu trên mặt nước, cảnh quan thay đổi ở bất kỳ khúc nào của bờ sông Thames mà tôi tình cờ đi lội bùn ngày hôm đó. Ngay cả trong những ngày giá lạnh, gió lớn hoặc ẩm ướt, việc này vẫn như làm hồi sinh sinh lực."

Nhưng vào một buổi sáng trong lành, khi bạn thức từ lúc gà gáy và gió lạnh thổi dọc theo sông Thames xám xịt và không có thứ gì lộ ra hết, khó mà giữ được tâm trạng vui vẻ.

Có một lần tất cả những gì tôi tìm thấy là một bao cao su đã sử dụng và một chiếc thắt lưng vứt đi. Nhưng khả năng sẽ phát hiện được nhiều thứ thú vị trên sông Thames tiếp tục thu hút người lội bùn quay lại.

Đối với Anderson, "phát hiện trong mơ là một công cụ đá lửa thời đồ đá mới. Nếu tìm thấy tiền xu và những thứ như thế sẽ rất tuyệt, nhưng bạn không thể nào tìm kiếm được thứ gì đó như công cụ đá lửa do độ tuổi của nó và mức độ đặc biệt để ra tìm và giữ được nó. Một số công cụ đá lửa được gia công và chế tác rất đẹp."

Càng lội bùn nhiều, bạn càng muốn tìm thấy nhiều hơn. "Nó gây nghiện," Maiklem cảnh báo. Nhưng tôi đã bị bọ cắn rồi - ngay cả khi tôi vẫn còn mơ tìm thấy kho vàng ở sông Thames.

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...