Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

(7) HẠNH PHÚC CỦA MỘT NGƯỜI - (Hitori no kôfuku, 1926)

 CHÍN TRUYỆN NGẮN HUYỀN ẢO


Nguyên tác: Kawabata Yasunari
Dịch: Nguyễn Nam Trân

1- Lặng Thinh - 2- Nhặt Cốt – 3 - Chiếc Xe Tang – 4 - Thị Trấn Yumiura
5 - Những Con Rắn – 6 - Có Ông Trời – 7- Hạnh Phúc Của Một Người – 8 - Tuổi Mười Bảy - 9- Trăng

🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹

(7) HẠNH PHÚC CỦA MỘT NGƯỜI - (Hitori no kôfuku, 1926)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari

Dịch: Nguyễn Nam Trân



“Kính thưa chị,

Đã lâu em không viết thư thăm chị. Thế nào, lúc này chị vẫn được thường chứ ạ? Vùng Kii (1) giờ đây chắc trời đã khá lạnh phải không? Bên em thì mỗi ngày nhiệt độ xuống tới dưới 20 độ âm cho nên kính cửa sổ trong nhà đều mờ như kính mài cả. Em vẫn khỏe nhưng tay khô nẻ hết mà da bàn chân cũng bị nứt, đi đứng rất khó khăn. Dĩ nhiên là phải thế thôi. Mỗi buổi sáng, từ 5 giờ em đã dậy để thổi cơm, đun nước, lăng xăng hết việc này tới việc nọ cho đến 6 giờ là giờ ăn sáng. Cơm sáng xong, em phải thu dọn và rửa bát đĩa, mọi việc đều phải nhúng tay vào nước. Trường bắt đầu vào 9 giờ nhưng hôm nào em cũng bận việc nhà cho đến 8 giờ rưỡi. Trong mọi công việc, cái làm em khổ tâm nhất là phải lau chùi nhà cửa từ bên trong ra đến tận chuồng xí. Chị thừa hiểu là em lại bắt buộc dùng đến nước.

Trường tan vào khoảng 2 giờ rưỡi đến 3 giờ nhưng nếu hôm nào được cho về lúc 2 rưỡi thì em phải về tới nhà lúc 3 giờ, còn như được về vào lúc 3 giờ thì 3 rưỡi em đã phải có mặt, nếu không trong bữa cơm tối thế nào cũng bị mắng mỏ. Khi vừa về đến nhà em đã phải bắt tay vào việc quét dọn rồi chẻ cũi để đốt hôm sau. Có lúc gặp cảnh tuyết rơi bị gió thổi tung lên, ngay trước mắt cũng mù mịt không thấy gì cả. Tay cóng, chân buốt rất đau đớn. Thêm nỗi gió lùa tuyết giá vào bên trong cổ áo. Khi nhìn thấy máu tươi rịn ra từ những vết nứt nẻ trên bàn tay, nước mắt em không biết đã tuôn ra tự lúc nào. Chẻ cũi xong, em còn sửa soạn bữa cơm chiều nữa, chị ạ. Bữa ăn kết thúc vào khoảng 5 giờ rưỡi, em lại phải thu dọn hết chén bát rồi ru cho thằng bé Saburô ngủ. Thành thử cả ngày không tìm đâu ra chút thời giờ dành cho việc học.

Thêm một nỗi, chủ nhật là ngày đã định cho việc giặt giũ quần áo, đôi khi em phải giặt cả găng tay và tất đi chân của bố mẹ, và tất cả bằng nước lạnh. Nếu có thời giờ trống thì em còn phải ru thằng Saburô ngủ. Mỗi ngày mỗi em đều phải làm cho đủ bổn phận như thế nhưng đến khi xin tiền mua ít học cụ thì bị mắng lên mắng xuống. Đến trường mà thiếu đủ thứ đồ dùng, em lại bị thầy giáo quở phạt, mấy lúc sau này thành tích của em tụt hẳn và em có cảm tưởng thân thể của mình cũng suy nhược.

Ngay Tết năm nay, mỗi ngày em vẫn phải quần quật việc nhà. Bố mẹ ăn uống thỏa thích nhưng suốt ba ngày xuân, họ chỉ cho em có mỗi quả quít, nói chi đến ngày thường vì đó là chuyện tự nhiên. Mùng hai Tết,chỉ vì em lỡ tay để cơm cháy một chút mà họ đã dùng đũa sắt cời than đánh vào đầu em đến độ cong cả đũa. Vì cái vụ đó mà sau này, nhiều khi em cảm thấy nhức đầu kinh khủng.

Nhớ lại ngày xưa em mới lên 6 và còn chưa biết gì, đã bị người cha tàn nhẫn như quỉ sứ rứt ra khỏi vòng tay che chở của ông bà và đưa qua cái xứ Mãn Châu (2) giá rét này để rồi phải chịu cảnh khổ cực trên 10 năm nay. Em tội tình gì mà phải trở thành một đứa trẻ bất hạnh như thế này? Mỗi ngày em cứ phải ăn gậy hay bị đánh bằng cái ống điếu dài như cách người ta đối xử với một con thú hoang trong khi em không nghĩ mình đã làm gì sai trái đến mức đó.

Những gì chị nghe được từ mẹ (kế) đều là chuyện bịa đặt. Nhưng thôi, em chỉ còn gần một tháng nữa là sẽ tốt nghiệp nhà trường. Lúc đó, em sẽ bỏ lại đằng sau cái gia đình kinh hoàng này để trở về Ôsaka, ngày thì làm việc vặt trong hãng, tối thì chuyên tâm học bổ túc lớp đêm.

Kaachin (Chị Kachiko) của em, ráng giữ gìn sức khỏe nghe! Cho em gửi lời kính thăm ông bà mình ở Kumano. Em chào chị.”

             ***

Anh đã giật lấy bức thư này từ trong tay Kachiko và đọc nó. Trong khi anh đọc, Kachiko chỉ ngồi im một chỗ.

-Đàn ông con trai mà cũng bị bắt làm những việc này à?

-Em cũng tưởng không ai sai khiến con trai làm công việc như vậy.

-Té ra họ cũng bắt cả đàn ông con trai làm những việc đó?

Anh lập đi lập lại cùng một câu nói. Trong đó diễn tả hết sự đồng tình của anh đối với cậu bé.

-Thời ở Mãn Châu, họ cũng đối xử với em như thế sao?

-Em còn chịu cảnh tệ hơn.

Đây là lần đầu tiên anh hiểu được tâm sự Kachiko. Năm 13 tuổi, nàng đã một thân một mình bỏ Mãn Châu để quay lại Kishuu (2). Cho đến lúc này, anh chỉ biết nàng là một cô gái vô cùng can đảm.

-Giờ em tính thế nào?

-Em sẽ lo cho nó đi học. Dù em có ra sao cũng mặc nhưng nó phải được đi học.

-Vậy thì gửi ngay lộ phí và gọi nó về đây.

-Bây giờ chưa được đâu anh. Nó mà lấy xe hỏa thì sẽ bị bắt ở một nhà ga dọc dường. Không thôi cũng sẽ bị bắt khi lấy tàu hay phà. Mùa xuân năm nay khi nó xong cao đẳng tiểu học, bố đã có ý định bán nó. Trước đây, đối với em, ngày nào bố cũng hăm he là tao đem mầy đi bán cho coi. Em nghĩ phải đợi đến lúc đó mới gửi tiền cho người mua mà chuộc nó về.

-Như vậy thì càng không ổn. Nếu nó bị bán bên Mãn Châu, mình làm sao biết nó sẽ bị dắt đi đâu và thành ra thế nào!

-Đành phải thế thôi. Chớ để nó đi, giữa đường bị bắt và gửi trả lại thì chắc họ sẽ giết nó mất.

Nói xong, Kachiko cúi gầm mặt xuống.

Kachiko là người con gái đã ở cạnh anh và trông nom bệnh tật cho anh từ một năm nay. Anh đã nẩy sinh tình quyến luyến và không muốn rời nàng. Thế nhưng anh đã có vợ, nếu có tình cảm luyến ái sâu đậm hơn hiện tại đối với Kachiko, anh chỉ sẽ đem nỗi khổ đến cho nàng.Tuy vậy, anh đã đi đến chỗ quyết tâm là cho dù có những rào cản xã hội, cho dù anh phải đưa đẩy Kachiko vào cảnh bất hạnh, anh không thể nào có thái độ khác hơn. Vừa lúc đó thì cô lại nhận được bức thư của đứa em trai. Bức thư đó đã khiến anh lạnh cả gáy (3) Thế ra là ở một vùng đất xa xôi ấy, nàng từng sống một cuộc đời còn cơ cực hơn cả đứa em và Kachiko đã phải tìm đường thoát thân để sinh tồn. Không lẽ bây giờ mình lại khiến cho cô phải chào đón một tương lai bất hạnh khác hay sao? Nghĩ đến đó, tình cảm của anh bỗng khựng lại một chỗ. Hơn nữa, bệnh anh chỉ mới trên đường hồi phục thôi mà.

Chính lúc đó, anh bỗng nghĩ đến chuyện tự mình đi Mãn Châu và đoạt lại đứa em cho Kachiko từ tay người mẹ ghẻ. Thế rồi anh sẽ giúp cho nó được cắp sách đến trường.

Anh chợt vui lên. Nếu lo lắng và chăm sóc cậu em, anh sẽ có thể tiếp tục giữ được liên lạc với Kachiko. Ngoài ra, anh chứng tỏ được đã dùng sức mình để đem lại hạnh phúc cho một thiếu niên. Trong cuộc đời, chỉ cần đem được hạnh phúc đến cho một người thì mình cũng đã hạnh phúc rồi.

Dịch ngày 19/5/2019

(Trích Tập 6 Truyện ngắn trong lòng bàn tay)


(1) Mãn Châu trong thập niên 1930 bị xem như một thuộc quốc của Nhật. Người Nhật di dân sang bên đó rất nhiều.

(2) Kishuu (Ký châu): tên chữ của vùng Mie-Wakayama, thuộc trung bộ Nhật Bản. Cũng gọi là Kii, một bán đảo.

(3) Nguyên văn là “lạnh má”.

* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com

.........................


 nguồn lấy từ www.erct.com


2 nhận xét:

  1. " Sunshine penetrates leaves, dew drops leave branches. Human life is so fragil, but happiness clutch up all you"

    Trả lờiXóa
  2. hạnh phúc là điều đơn giản nhất

    Trả lờiXóa

Texas đối mặt với mưa lũ lịch sử, hàng nghìn người sơ tán khẩn(Khánh An-Báo Giao Thông)

Mưa lũ ở mức lịch sử đã cuốn trôi nhiều xe cộ, nhà cửa và ngập lụt trên diện rộng tại bang Texas, Mỹ khiến hàng nghìn hộ dân phải sơ tán ...