Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Thằng Ngốc - Đinh Công Bình

 

THẰNG NGỐC

Tác giả: Đinh Công Bình

Thật ra, nó có tên do cha mẹ đặt thật đẹp. Phạm Bảo Long, con rồng quý
của bố nó. Nhưng cho tới bây giờ, cái tên mà nó được người ta gọi
nhiều nhất lại không phải là Long. Thay vào đó, nó đã trải qua rất
nhiều tên khác nhau mà người ta đặt ra để gọi nó: Ngu, Ngốc, Mát, Tưng
Tửng, Khờ, v.v… Chẳng hiểu tại sao người ta sàng đi, sàng lại rồi
ngừng ở chữ Ngốc! Ngay cả anh chị của nó cũng gọi nó là Ngốc. Trong
một lần bốc đồng, thằng Lân, anh nó, đã láo lếu đổi chữ “Bảo” trong
tên đệm của nó thành chữ “Ngoc”, thế là nó trở thành Phạm (Ngoc) Long!
Vài năm trôi qua, tiếng Việt của thằng Lân khá hơn, nên đã “đội mũ”,
“đeo kiếm” để “Ngoc” chính thức trở thành “Ngốc”. Ông bà Phan, bố mẹ
nó, mặc dầu cố tránh nhưng vì quen tai, lâu lâu cũng gọi nó là Ngốc.
Mà này, không những nó không giận mà ngược lại, nó có vẻ vui khi thấy
người xung quanh có những trận cười khi gọi nó là Ngốc. Nói cho bằng
đúng, trong trí khôn chậm chạp của nó, nó chả biết giận. Cho tới hôm
nay, trí khôn trong thân hình gần 30 tuổi của nó tương đương với trí
khôn của đứa bé 8, 9 tuổi.
Những mẩu đàm thoại hằng ngày giữa nó với anh chị hoặc bố me đều là
những câu đơn sơ, vô tội vạ. Những câu tiếng Việt “ba rọi”, ngây thơ
của nó có lúc đã trở thành những câu nói thật tức cười. Ông bà Phan
còn nhớ thời kỳ Lân, Lan, và nó mới học tiếng Việt, chúng nó thích
ngồi xem những băng truyện cổ tích Việt Nam. Một hôm ba anh em đang
xem phim với bố, tới đoạn nghe một nhân vật trong phim dùng chữ “cụ
ông”, “cụ bà”, thằng Lân thắc mắc hỏi bố hai chữ đó có nghĩa là gì.
Ông Phan ôn tồn:
- “Cụ” là một lời lễ phép được dùng khi nói chuyện với một người già,
một “old person”.
Lập tức, thằng Lân nhìn bố rồi nói một cách khôi hài:
- Cụ Bố.
Vừa lúc đó thì bà Phan từ trong bếp bước vào phòng khách, chưa kịp nói
gì thì thằng Ngốc đã đứng lên chỉ vào mẹ rồi nói lớn:
- Cụ Mẹ!
Bà Phan tá hỏa. Trợn trừng đôi mắt giận dữ:
- Chúa ơi, đứa nào dậy thằng Ngốc nói tục!
Anh em thằng Ngốc chẳng hiều tại sao mẹ giận. Riêng ông Phan thì vừa
ôm bụng cười vừa giải thích. Bà Phan thở phào nhẹ nhõm sau khi biết
rằng đó chỉ là một câu nói vô tội vạ, rất “ngố”, của thằng Ngốc.
Rồi thằng Ngốc cũng được cắp sách đi học. Cũng may mà nước Mỹ có
chương trình học tập cho những đứa trẻ như nó. Nếu gia đình ông bà
Phan không tỵ nạn sang đây thì chắc nó chẳng bao giờ được biết đến ghế
nhà trường. Nó cũng mang về những phiếu điểm và phần thưởng cuối năm
nhưng bố mẹ nó chỉ xem cho qua rồi bỏ sang một bên. Cũng may mà nó
không đủ khôn để nhận ra sự thất vọng của bố mẹ khi so sánh phiếu điểm
của nó với của Lân và Lan, chị nó. Cũng may mà nó không nghe, hay ít
nhất, không hiểu những lời than van của ông bà Phan khi nói về nó. Đối
với ông bà, thì thằng Lân và con Lan rồi đây sẽ là niềm hãnh diện, sẽ
là ông này bà nọ, sẽ có nhà cao cửa rộng, sẽ là đìểm để ông bà tựa
nương lúc tuổi già, còn thằng Ngốc thì chắc mãi mãi sẽ chỉ là một gánh
nặng mà họ sẽ không bao giờ có hy vọng trút bỏ được!
Ngày tháng trôi qua, thằng Ngốc cứ thế ăn no chóng lớn. Trí óc nó chậm
phát triển nhưng thân thể thì càng ngày càng nảy nở. Từ năm 14 tuổi nó
đã cao hơn các anh chị nó cả cái đầu. Nó chẳng làm được những việc lớn
nhưng ngược lại, rửa chén, quyét nhà, rửa xe, nói chung là những việc
lặt vặt không cần tính toán thì nó làm giỏi hơn cả Lân và Lan. Thằng
Ngốc lại chẳng mấy khi bị bệnh. Một trong những niềm vui của nó là đi
nhặt ống loong cho nhà thờ. Có những ngày mưa, nó ướt như chuột lột,
thế mà nó chả ốm đau gì cả! Rồi khác với các anh chị và những đứa trẻ
cùng tuổi, nó chẳng bao giờ đòi hỏi bố mẹ phải mua cho nó thứ gì. Đôi
giầy ba ta và vài bộ quần áo mua trong Wal-Mart hoặc mua lại trong chợ
bán đồ cũ cũng đã quá đủ. Thằng Ngốc chẳng màng tới những chuyện đã
xảy ra hôm qua hay những bất trắc có thể đến ngày mai. Nó sống hoàn
toàn cho hiện tại. Đó hình như cũng là mối đau đớn của bố mẹ nó.
Năm 19 tuổi thằng Ngốc “tốt nghiệp” trung học. Nó cũng đội mũ, mặc áo
ra trường như các anh chị. Nó thấy bố mẹ, nhất là mẹ, rươm rướm nước
mắt khi nó ôm mảnh bằng tốt nghiệp đến. Nó đâu có đủ trí khôn để phân
tách xem đó là những giọt nước mắt vui hay buồn. Nó đâu biết rằng ngày
Lân và Lan ra trường bố mẹ nó vui bao nhiêu thì sau buổi ra trường của
nó, bố mẹ nó buồn bấy nhiêu. Có lẽ buồn nhất là vì bố mẹ nó không thể
khoe với bất cứ ai là nó sẽ theo ngành gì và đã được trường nào nhận
cho học. Mai đây, nó sẽ làm gì để sống? Ông bà sẽ phải nuôi, phải hầu
hạ nó đến bao giờ? Khi ông bà về già, sau khi ông bà chết, thì ai sẽ
nuôi nó?
Sau ngày “ra trường”, để nó lanh quanh ở nhà cũng thấy uổng, ông Phan
bảo nó xuống tàu theo ông đi đánh tôm ở vịnh Mễ Tây Cơ. Nó không lái
tàu được, không vá lưới được, nhưng ông nhận thấy công việc nhặt tôm
và khuân vác thì nó làm bằng mấy người khác. Thêm vào đó, nó chẳng
phàn nàn và cũng chẳng đòi hỏi “tiền phần” như những người làm công
khác. Ngày qua ngày, nó chỉ biết ăn, ngủ, rồi nhặt tôm. Cuối tuần sau
khi bán tôm xong, bố nó chở nó đi ăn McDonald’s rồi cho nó năm đồng.
Nó cầm tiền về khoe mẹ rồi bỏ vào con heo đất để Chúa Nhật lại “mổ”
heo mang lên bỏ vào thùng từ thiện trong nhà thờ - cái thói quen mà mẹ
đã tập cho nó từ bé.
Đi biển với bố được năm năm thì trận bão Katrina thổi vào thành phố
nơi gia đình nó cư ngụ. Sau những ngày chạy bão, gia đình nó trở về
trong cảnh nhà tan tàu nát! Chẳng biết làm gì khác để sống, bố nó cố
sửa lại con tàu để đi làm hầu có tiền trang trải chi phí nhà cửa. Các
anh chị của nó đã thành công, cả hai đều đã lập gia đình, công việc
ngon lành, nhà lớn, xe hiệu nhưng khi bố hỏi mượn tiền để sửa lại căn
nhà hư hại thì cô cậu thoái thác. Năn nỉ mãi, cô cậu gởi về cho bố mẹ
được vài trăm bạc rồi im luôn! Nhìn lại những năm tháng ông bà hy sinh
bòn nhặt từng đồng để gởi cho cô cậu trang trải tiền ăn, tiền học,
tiền tiêu, tiền xe, tiền chưng diện… Ông bà thở dài, tự an ủi, thôi..
nước mắt chảy xuôi….
Với số tiền vay mượn và ít tiền giúp đỡ của chính phủ liên bang cùng
với công sức của ông và thằng Ngốc, sau gần một năm sửa chữa, con tàu
cũng ọc ạch chạy ra biển. Thôi, cứ sửa tạm để đi làm rồi khi có tiền
sẽ tu bổ lại những chỗ còn tạm dùng được. Ông Phan tự an ủi thế.
Thả mẻ chã đầu tiên được vài tiếng, mặc dầu biết là nó không lái tàu
được nhưng ông Phan cũng nhờ thằng Ngốc đứng cầm tay lái để con tàu
khỏi quay rồi ông và chú làm công ra phía sau kéo chã. Sóng khá lớn,
con tàu vật vã trên ngọn sóng làm cho việc kéo chã thật khó khăn. Gần
mười phút sau thì bọc tôm khổng lồ mới được đưa lên lơ lửng trên sàn
tàu. Nhìn bọc bôm cá to bằng nửa chiếc xe hơi, ông Phan vui ra mặt.
Vạn sự khởi đầu nan nhưng mẻ lưới đầu tiên mà trúng như thế này thì
đúng là tổ đãi! Sau chuyến này chắc ông sẽ trả được một phần nợ, sắm
sửa thêm được những thứ cần thiết, thậm chí ông có thể xẻo ra vài trăm
đô tặng riêng vợ để bà Phan có thể mua được vài bộ quần áo thay thế
cho những bộ đã bị bão cuốn đi. Hình dung khuôn mặt rạng rỡ của vợ khi
cầm tiền đi shopping, ông quên cả sóng gió, quên cả mệt.
Bình thường nếu không có sóng gió, và khi bọc tôm đã được treo lủng
lẳng trên sàn tàu, ông Phan chỉ cần cởi sợi dây cột đuôi bọc tôm thì
khối tôm cá sẽ tuôn ra thành một đống trên sàn tàu. Khổ nỗi sóng lớn
quá. Bọc tôm cứ lắc qua bên này, quật sang bên kia. Ông Phan cầm sợi
dây thừng đã cột sẵn trên bọc tôm, cố giữ để nó đừng vùng vẫy theo
ngọn sóng. Đang vật lộn với bọc tôm thì… ẦM, cây cần cẩu dùng để cẩu
bọc tôm bị gẫy. Nó gẫy ở ngay đoạn ông chưa có tiền sửa!
- Lạy Chúa tô..i…
Tiếng la thất thanh chưa dứt thì bọc tôm cá ngàn cân quật ông Phan vào
thành tầu. Đầu ông vẹo về một bên còn phần thân thể từ bụng trở xuống
thì bị kẹt bên dưới túi tôm cá - tựa như con voi đè lên con nai gầy.
Con tàu vẫn tiếp tục vùng vẫy. Cố gắng hết sức mà sau gần năm phút chú
làm công vẫn không thể cứu ông Phan ra khỏi núi tôm cá. Ngoài thằng
Ngốc ra thì chẳng ai có thể giúp chú trong lúc này. Chú làm công chạy
vào phòng lái, vội vã cột lại dây để tay lái khỏi quay rồi lôi thằng
Ngốc ra phía sau cứu bố nó. Bình thường nó đã khỏe hơn người nhưng hôm
nay, trong lúc khẩn cấp này, hình như sức mạnh của thằng Ngốc được
tăng lên gấp đôi. Nó hết đẩy rồi lại kéo bọc tôm để chú làm công tìm
cách giải thoát bố nó. Khoảng gần năm phút sau hai chú cháu mới lôi
được ông Phan ra khỏi đống tôm cá và khênh ông trong phòng lái. Ông
Phan vẫn bất tỉnh. Trong bộ quần áo ướt tanh mùi tôm cá, thân hình gầy
gò đen đủi của ông thoi thóp thở! Chú làm công đã liên lạc với Coast
Guard và máy bay cấp cứu đang trực chỉ về phía con tàu khốn khổ. Một
giờ sau thì ông Phan được trực thăng mang thẳng vào bệnh viện. Chú làm
công lái con tàu và mang Ngốc về đất liền cho mẹ nó.
Kể từ ngày đó, Ông Phan bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Hai cánh tay
ông còn cử động được nhưng chỉ cử động một cách rất yếu ớt. Ngay cả
việc dùng muỗng xúc cơm ông cũng phải nhờ đến bà Phan hoặc thằng Ngốc
giúp. Rồi ông bà không có bảo hiểm nên tiền bán chiếc tàu cũng chỉ đủ
trang trải ít chi phí trong vài tháng. Bà Phan bắt buộc phải trở lại
công việc cạy sò, lột tôm cho một hãng bào chế hải sản gần nhà nhưng
với số tiền thu nhập ít ỏi, cuộc sống gia đình ông bà vẫn thiếu trước
hụt sau. Vài trăm ngàn nợ bệnh viện chẳng biết bao giờ mới trả được?
Thông cảm với hoàn cảnh của ông bà Phan, bệnh viện đã cho ông bà cơ
hội trả góp mỗi tháng vài trăm đồng. Nhưng mặc dù vài trăm, với tình
trạng này, một ngày rất gần đây chắc ông bà Phan cũng đành phải chạy
nợ! Thằng Lân và con Lan có mang gia đình về thăm nhưng được khoảng
hai tuần thì cũng phải ai về nhà nấy.
Rồi thằng Ngốc lại có công việc mới. Sau vài tuần được mẹ chỉ dẫn, nó
đã giúp được mẹ đút cơm, thay tã, bế bố cho mẹ tắm rửa v.v... Những
lúc cần mua bình sữa, bó rau, cuộn giấy, mẹ nó viết vào tờ giấy, đưa
tiền rồi nhờ nó đạp xe ra tiệm tạp hóa ở đầu đường gần nhà mua cho bà.
Ông chủ tiệm tạp hóa biết nó từ bé và biết rõ hoàn cảnh hiện tại của
bố mẹ nó nên bao giờ cũng nhiệt tình giúp mỗi khi nó ra mua đồ. Bà
Phan thầm nghĩ, cũng may mà có thằng Ngốc, cũng may mà trời cho nó to
lớn có sức khỏe; bằng không, chẳng sao mà bà có thể lo cho ông Phan
như thế này được - nhất là những lúc phải bế ông từ chỗ này đến chỗ
khác. Ông bà Phan đã nhiều lúc tự hỏi không hiều vì nó quá khờ khạo,
quá Ngốc, hay vì nó thật tâm thương ông bà nên đã không nhận ra hoặc
không ghê tởm sự thối tha bẩn thỉu mỗi khi làm vệ sinh, thay tã cho bố
nó?
Ông Phan sống trong tình trạng này được ba năm thì sức khỏe yếu dần.
Mặc dầu vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng, ông thường xuyên bị lở loét, xưng
phổi, cao áp huyết, và những bệnh liên quan đến hô hấp. Gia đình hai
đứa con lớn, vì nhiều vấn đề, ít khi về thăm ông bà. Những kỳ vọng mà
ông bà đã đặt vào Lân và Lan mười mấy năm trước chắc sẽ không bao giờ
thành sự thật! Sự chu đáo của bà Phan và của thằng Ngốc có làm cho ông
vui nhưng cũng không thể nào xóa đi được sự tuyệt vọng mỗi khi ông
nghĩ về bệnh tật của mình! Ông biết bà Phan và thằng Ngốc, qua con mắt
trìu mến ngây thơ của nó, vẫn muốn ông hiện hữu trên đời này. Mặc dầu
vất vả trăm bề nhưng vợ ông và thằng Ngốc không bao giờ than van khi
phải giúp đỡ hầu hạ ông . Những năm tháng nằm liệt trên giường bệnh,
ông đã hiểu rõ và nhận ra đâu là nghĩa, đâu là hiếu. Ông nhận ra rằng
thằng Ngốc không phải là gánh nặng mà ngược lại nó là người con duy
nhất đã, đang, và sẽ gánh những gắnh nặng cho ông bà.
Trong một đêm trằn trọc, nằm ôn lại những ngọt bùi cay đắng của cuộc
đời, ông bà Phan nhận ra rằng trong cuộc đời gần 30 năm, họ chưa thấy
thằng Ngốc đòi hỏi bất cứ điều gì. Chưa bao giờ nó đòi hỏi ông bà, hay
những người chung quanh, phải như thế này, phải như thế nọ. Trong con
người bao dung, trong ánh mắt thơ ngây, nụ cười nhân ái, hình như có
lúc nó đã gián tiếp nói với ông bà rằng “con không phải là đứa trẻ
thông minh, lanh lẹ, như bố mẹ mong muốn. Nhưng con là con của bố, là
con của mẹ. Con không chọn để được sinh ra làm một thằng “Ngốc”, ngay
cả cái tên “Ngốc” cũng do người ta gán cho con chứ không phải do con
chọn. Vậy con xin bố mẹ thương và chấp nhận con như con thương và chấp
nhận bố mẹ…..” Ông bà Phan nhìn nhau ứa nước mắt. Phải rồi, cả đời,
thằng Ngốc đã cho nhiều hơn nhận. Nó cho mà không bao giờ đòi hỏi một
điều kiện. Tình yêu mà nó dành cho mọi người là một tình yêu tuyệt
đối, chân thật, không vụ lợi. Trong tim của thằng Ngốc chất chứa tình
yêu của vị thánh hiền. Nó đã dạy cho ông bà bài học tình yêu. Qua sự
bao dung của nó, người chung quanh, nếu để ý, sẽ nhận ra rằng, con
người khôn hay ngốc, sang hay hèn, đều có những nét đẹp (hoặc xấu) của
riêng họ.
Cuối cùng cái ngày đó cũng phải tới! Mẹ nó nhờ nó ngồi trên chiếc ghế
bên cạnh giường rồi đưa tay vào nâng đầu bố dậy để ông dễ thở. Ông
Phan biết là ông sắp từ bỏ những gì thân yêu nhất. Trong hơi thở mong
manh, ông nhìn bà Phan và nhìn thằng Ngốc trăn trối:
- Cám ơn em… cám ơn con! Anh…có…một điều muốn..nói…với em. Từ nay… em…
và….các con… đừng gọi…Long là… thằng… Ngốc… nữa… Gọi nó… là… Ngọc. Nó
là… viên… Ngọc quý!
Trong tiếng nức nở của bà Phan và trên cánh tay êm ấm của thằng Ngọc,
ông trút hơi thở cuối cùng.
Gia đình Lân và Lan vẫn chưa về đến nơi!

Hoa Huỳnh chuyển

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...