Ngày xưa mẹ tôi nghèo, gia đình mẹ phải đi vùng kinh tế mới. Ba tôi là giáo viên mới ra trường nhận nhiệm sở vùng xa rồi quen mẹ tôi. Lúc lấy ba tôi, mẹ không được gia đình bên nội chấp nhận. Ba tôi vì thương mẹ nên chịu từ bỏ cuộc sống giàu sang thành thị để về quê sống với mẹ tôi. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Ba mẹ tôi luôn dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, nhất là câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm” mà tôi luôn ghi nhớ nằm lòng.
Theo thời gian, khi mẹ tôi bắt đầu có chúng tôi, ông bà nội tôi dần nguôi giận và cho phép gia đình tôi đến thăm viếng ông bà và các cô chú (ở chung với ông bà) mỗi lần giỗ, Tết. Tuy vậy, có lẽ vì ở xa, ít gặp, tình cảm giữa gia đình nội và chúng tôi không được thân thiết cho lắm.
Một năm vào ngày Tết, ba tôi dẫn tôi là con gái lớn lên thành phố thăm ông bà nội. Mẹ tôi ở quê trông các em tôi vì thời bấy giờ, phương tiện đi lại còn rất khó khăn và tốn kém.
Đó là năm tôi lên chín tuổi. Sau ba ngày Tết ở nhà ông bà, tiếng là ông bà nội của mình, nhưng vì không ở gần nên tôi rất sợ ông bà. Ông bà có kêu tôi mới dám lại gần, còn thì không dám sà vào lòng ông bà mà nhõng nhẽo, hay có những cử chỉ bày tỏ sự yêu thương như con của các chú, các bác. Trong lúc ba và tôi đang ngồi sắp xếp quần áo trên chiến giường nhỏ trong một góc phòng để chuẩn bị ngày mai ra về thì bà nội tôi vào phòng. Bà nội nói bà bị mất chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng. Bà hỏi tôi có lấy chiếc đồng hồ đó không thì cho bà xin lại, nếu tôi muốn tiền bà sẽ cho tôi tiền, nhưng tôi hãy trả lại cho bà chiếc đồng hồ đó vì đó là kỷ niệm ông tặng bà nên bà rất quý nó.
Sau đó, các chú, các cô tôi cũng kéo vào phòng. Mọi người thay phiên nhau hỏi tôi có lấy chiếc đồng hồ đó không. Tôi giải thích cho cả nhà biết là tôi chưa từng nhìn thấy chiếc đồng hồ đó và cũng không biết nó mất ở đâu, nhưng mọi người đều tỏ vẻ nghi ngờ tôi. Chú tôi bắt tôi đứng lên khoanh tay, nhìn thẳng vào mặt chú và thề rằng tôi không lấy. Tôi làm theo lời chú. Nhưng nỗi sợ hãi và xấu hổ làm cho tôi bật khóc!
Để làm vui lòng bà nội, thậm chí ba tôi cũng hỏi tôi là có lỡ lấy thì hãy trả lại bà. Tại sao chính ba tôi mà cũng không tin tôi? Tôi uất nghẹn và cảm thấy ngộp thở, tưởng như mình có thể ngất đi được. Sau đó, sẵn đang soạn đồ vào giỏ, ba tôi giũ tung giỏ ra từng thứ một trước mặt mọi người và cả lộn trái hai túi áo của tôi ra cho mọi người coi nữa.
Trong đầu tôi lùng bùng những câu hỏi… Tại sao không ai tin tôi? Tôi đã nói sự thật mà không ai tin tôi? Ngay cả ba tôi. Những điều ba mẹ dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm” tôi luôn ghi nhớ. Chúng tôi tuy nghèo nhưng luôn ngoan ngoãn, học giỏi, chưa bao giờ làm điều gì cho ba mẹ phải buồn lòng. Đáng lý ra ba phải biện hộ cho tôi mới đúng chứ? Tại sao ngay cả ba cũng không tin con?
Trong lòng tôi, một điều gì đó đang rạn nứt, đó là niềm tin vào những người mà tôi thương yêu. Nỗi sợ, nỗi đau, nỗi tủi nhục trong lòng đứa bé chín tuổi vô cùng sâu đậm, cho đến bây giờ tôi còn hình dung rõ mồn một những suy nghĩ của mình khi đó.
Nhưng sáng hôm sau, trước khi ba tôi và tôi đến chào ông bà nội để về quê, tôi thấy trên tay bà nội đeo chiếc đồng hồ vàng. Phải! Chiếc đồng hồ mà bà nội đã làm tình làm tội tôi cả buổi tối đang nằm trên tay bà. Ba tôi cũng ngạc nhiên nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ mà nghẹn ngào không nói nên lời.
Bà nội tôi cười giả lả:
– Lúc rửa tay, bà bỏ quên trên kệ trong phòng tắm. Tối qua lúc đi tắm bà tìm lại được. Già rồi nên lẩn thẩn!
Bà nội chỉ nói đến thế. Già rồi nên lẩn thẩn!
Tôi chờ đợi ở bà nội một điều gì hơn thế nữa. Một lời xin lỗi cho riêng tôi, cho những nỗi đau, nỗi xấu hổ mà cả buổi tối qua tôi đã chịu đựng! Nhưng không, bà nội chỉ nói đến thế!
Trên suốt chặng đường về nhà, ngồi trên xe đò, tôi lặng yên không nói với ba tôi một lời. Mãi khi xuống xe, đi bộ về gần đến nhà, ba mới nắm lấy tay tôi khẽ nói:
_Ba xin lỗi con!
Chỉ chờ có thế, bao nhiêu nỗi đau, nỗi uất nghẹn trong lòng tôi như được bật ra. Tôi hộc lên một tiếng nấc rồi oà lên khóc, khóc thoả thuê như chưa bao giờ được khóc.
Phạm Mỵ Hạ Châu (TC.DA MÀU )
giá trị cao đấy
Trả lờiXóa