Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Sydney Trần: Mười Nguyên Nhân Hoa Kỳ Thất Bại Trong Cuộc Chiến với COVID-19



 Hoa Kỳ đã thảm bại trong việc bảo vệ người dân của mình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tuy có dân số chỉ chiếm ít hơn 5% dân số thế giới, nhưng Hoa Kỳ lại có hơn 25% tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu. Nước Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và số người tử vong (hơn 20 triệu ca nhiễm với hơn 350,000 người tử vong).
Theo báo Los Angeles Times, hiện nay tại Cali, người chết chồng chất tại các nhà xác. Bệnh nhân nằm kín các hành lang bệnh viện, và các nhân viên y tế đều cạn kiệt sức lực và tinh thần trước cảnh dịch bùng phát.
Tình hình càng ngày càng tệ. Cứ 10 phút lại có một bệnh nhân COVID chết ở quận Los Angeles. Đến nỗi các bác sĩ, y tá, và nhân viên cấp cứu đang lâm vào một hoàn cảnh bi đát. Họ phải chọn người nào và ở mức độ nào để cứu sống.
Tại sao một quốc gia tiên tiến hàng đầu như Mỹ mà lại để cho tình trạng đại dịch trở nên tệ hại đến vậy?
Theo nghiên cứu và nhận xét cá nhân, người viết sẽ liệt kê 10 nguyên nhân chính.
Chú thích: Nội dung phức tạp của mỗi nguyên nhân cần được đào sâu, khai triển thêm; nhưng công việc đó nằm ngoài phạm vi và mục đích gợi ý của bài viết. Người đọc có thể dễ dàng truy thêm tài liệu của nguyên nhân nếu cần.
10 Nguyên nhân của sự thất bại

1. Thiếu Lãnh đạo
Nguyên nhân chính, quan trọng nhất và bao trùm nhất của thất bại phải nói là do sự thiếu lãnh đạo từ Donald Trump và chính quyền của ông ta. Từ lúc đầu, Trump đã lãng phí nhiều tuần lễ, không chịu bắt tay vào việc đối phó với nạn dịch. Ông đã cố bám vào một niềm tin hão huyền rằng virus sẽ tự nhiên "biến mất".
Đến bây giờ mà các chương trình kiểm tra và truy dấu người tiếp xúc bị nhiễm Covid vẫn không đầy đủ. Đi ngược lại các khuyến cáo của các bác sĩ và khoa học gia, Trump khuyến khích các tiểu bang “mở cửa” hoạt động trở lại. Ông ta chọn những con số thống kê thích hợp để chứng tỏ rằng tình hình đại dịch tại Mỹ không đến nỗi quá lo ngại.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Bob Woodward ngày 19 tháng 3, Trump nói “Tôi muốn luôn luôn xem nhẹ nạn dịch”. “Cho đến giờ, tôi vẫn muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của nó, vì tôi không muốn tạo ra hỗn loạn”.
Giải pháp cần thiết nhất để phòng ngừa lây nhiễm Covid như đeo khẩu trang cũng bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Theo các nghiên cứu, và được chứng minh từ các quốc gia trong vùng Đông Á Châu, thì chỉ việc đeo khẩu trang thôi cũng có thể làm giảm đáng kể sự lây lan của COVID-19.
Tiếc thay việc đeo khẩu trang cũng bị chính trị hóa. Trump đã nhất định không chịu đeo khẩu trang nơi công cộng cho đến ngày 11 tháng 7, hơn ba tháng sau ngày CDC có lời chính thức khuyến khích mọi người phải đeo khẩu trang để chống lây nhiễm.
Khẩu trang chỉ là một ví dụ điển hình. Người đọc sẽ thấy vấn đề thiếu lãnh đạo của chính quyền Trump xuất hiện gần như ở mọi nơi trong bài viết này.
2. Xem thường các chuyên gia
Kể từ trước khi đắc cử, Trump đã bác bỏ hoặc xem nhẹ uy tín của các chuyên gia. Ngay cả sau khi Hoa Kỳ có lệnh báo động về Covid-19, ông vẫn xem thường nó.
Vào năm 2018, Trump cho đóng cửa văn phòng đặc biệt của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chuyên lo chuẩn bị cho những trận đại dịch có thể xảy ra. Các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa của Covid-19 vào tháng Giêng, nhưng Trump không xem trọng nên không tham dự những cuộc họp của các cơ quan này.
Bộ trưởng bộ Y Tế Alex Azar cũng đưa ra lời khuyên tương tự, và hai lần bị phớt lờ.
Cho tới khi Mỹ có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, ông Trump vẫn khẳng định rủi ro sức khỏe đối với người Mỹ là thấp.
Ngày 25/02, bà Nancy Messonnier – một quan chức cấp cao của CDC nói với các phóng viên rằng virus corona có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng ở Mỹ và có tác động nghiêm trọng tới đời sống hằng ngày. Ông Trump đã gọi ngay cho Bộ trưởng Y tế Azar trên đường trở về từ chuyến đi tới Ấn Độ và phàn nàn rằng bà Messonnier đang làm khủng hoảng thị trường chứng khoán.

3. Thiếu chuẩn bị và không có sự phối hợp của liên bang
a. Cẩm nang ứng phó đại dịch
Cẩm nang ứng phó đại dịch được truyền từ thời Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Donald Trump là một trong những tài liệu và kế hoạch quan trọng của quốc gia.
Cẩm nang dài 69 trang gồm có các quyết định huy động các cơ quan và những công tác cần thực hiện khi nước Mỹ phải đối đầu với một thảm họa y tế sức khỏe. Tài liệu này nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang cần phải điều phối sớm các phản ứng để bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Chính quyền Trump đã hoàn toàn không sử dụng cẩm nang này.[i]
b. Khẩu trang, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), và máy trợ thở (Ventilator)
Ngày 13 tháng 3, các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã viết thư kêu gọi Trump sử dụng ”Đạo luật Sản xuất Quốc phòng “để bắt đầu sản xuất thêm các thiết bị cần thiết để đối phó đại dịch như khẩu trang, thiết bị bảo vệ cá nhân và máy trợ thở.
Đạo luật này cho phép tổng thống chỉ định các doanh nghiệp có khả năng sản xuất “dụng cụ khan hiếm và quan trọng” và buộc họ phải sản xuất thêm.
Mặc dù Trump tuyên bố vào ngày 18 tháng 3 rằng ông đang xúc tiến thi hành đạo luật nhưng ông không muốn buộc các công ty sản xuất thêm khẩu trang, máy thở hoặc thiết bị bảo vệ cá nhân. Cho đến ngày 27 tháng 3, Trump mới thông báo rằng ông đã "buộc General Motors chấp nhận, thực hiện và ưu tiên các hợp đồng sản xuất máy trợ thở cho liên bang."
Hơn một tháng trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo các quốc gia về khả năng thiếu PPE. Thông điệp này được Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nhấn mạnh:
“Theo đánh giá của WHO, nhu cầu PPE cao gấp 100 lần so với bình thường và giá cao hơn 20 lần”, trung tâm báo cáo.
Mặc dù chính phủ liên bang có thể tăng cường cung cấp PPE và sử dụng sức mua của mình để mua với giá rẽ hơn, họ đã không làm vậy. Với lượng thiết bị quá ít so với nhu cầu, nhiều tiểu bang đã phải tự tìm kiếm vớt vát mua lại từ các trên thị trường mở.
c. Lệnh đóng cửa và cách ly
Chính quyền Trump đưa ra các hướng dẫn đóng cửa và cách ly tương đối lỏng lẻo. Họ yêu cầu dân Mỹ "lắng nghe và làm theo" các hướng dẫn từ chính quyền địa phương và tiểu bang. Nhưng các hướng dẫn từ các tiểu bang rất khác nhau. Một số thống đốc đợi đến tháng 4 mới ra lệnh đóng cửa. Một số ít thống đốc khác, bao gồm các thống đốc của Arkansas, South Dakota và Iowa, thì quyết liệt chống lại việc đóng cửa hoàn toàn.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công Cộng Mailman của Đại học Columbia đã dự đoán rằng nếu Hoa Kỳ, vào tháng Ba, thực hiện các biện pháp cách ly chỉ trước một tuần, gần 36.000 người có thể đã không tử vong.[ii]
Bản nghiên cứu này đã được đúc kết từ các tài liệu về sự di chuyển của người dân và sự lây lan của virus từ hàng trăm quận trong nước Mỹ.
Ông Jeffrey Shaman, một trong những tác giả của bản nghiên cứu và là giám đốc của Chương trình Sức khỏe và Khí hậu của Đại học Columbia nói: “Nếu không kịp thời can thiệp, virus sẽ phát triển rất mạnh. Nó sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Trung bình một người bị nhiễm sẽ lây cho hai người."
Trump đã bác bỏ nghiên cứu này,và gọi nó là một “thủ đoạn chính trị” (political hit job).
4. Phản khoa học
“Nó (nạn dịch) sẽ biến mất,” Trump nói vào ngày 27 tháng 2. “Một ngày nào đó - như một phép màu - nó sẽ biến mất.”
Mặc dù bị nhiễm và được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm tại bệnh viện quân đội Walter Reed, Trump vẫn gọi các khoa học gia của chính phủ liên bang và ông bác sĩ Fauci là “ngu ngốc,” là một “thảm họa.” [iii]
Trump cáo buộc các bác sĩ và những bệnh viện đã tăng độn tổng số ca tử vong liên quan đến COVID để “kiếm thêm tiền”.[iv]
Hôm 23-3, ông Trump một lần nữa ca ngợi thuốc chloroquine (thuốc chống sốt rét) như một thần dược điều trị Covid. Ông nói : "Đây là quà tặng từ Thượng Đế nếu nó hiệu nghiệm".
Nghe lời ông ca tụng, một cặp vợ chồng ở tiểu bang Arizona đã ăn một muỗng chloroquine phosphate. Rốt cuộc ông chồng thì chết còn bà vợ thì phải nhập viện.
Trong buổi họp báo ngày 23/4, Trump ngây ngô đặt câu hỏi:
“Tôi thấy các loại chất khử trùng có thể giết chết virus chỉ trong một phút. Vậy có cách nào chúng ta có thể tiêm chúng vào trong người để tẩy uế không?”
Công ty Lysol và các bác sĩ đã phải nháo nhào can ngăn. Nhà Trắng phải chấm dứt các cuộc họp báo hàng ngày sau khi các các cố vấn của Trump thấy ông bị mất uy tín. Nhưng sau đó Trump cứ tiếp tục dùng Twitter để đưa tin thất thiệt.
Cho đến nay, Trump vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tụ họp thường xuyên với hàng nghìn người, mặc kệ sự phản đối của nhiều thống đốc.
Bất chấp khuyến cáo của giới chức y tế về các cuộc tụ họp trong nhà, Nhà Trắng vẫn tổ chức khoảng 20 buổi họp mặt trong mùa lễ hội cuối năm. Tối 9/12, Tổng thống Donald Trump đã tiếp đón 200 khách mời chào mừng lễ Hanukah thường niên của người Do Thái.
5. Chính trị hóa nạn dịch
a. Chính sách ngừa dịch của mỗi tiểu bang
Chính sách y tế của mỗi tiểu bang còn tùy thuộc vào khuynh hướng đảng phái của tiểu bang đó.
Các chính sách này có ảnh hưởng đến thời gian và thời hạn của lệnh lưu trú tại gia, lệnh cấm tụ tập và nhiệm vụ đeo khẩu trang.
Thái độ của người dân cũng bị ảnh hưởng từ đảng phái và chính sách của từng tiểu bang. Những người sống ở các tiểu bang Dân Chủ có nhiều khả năng chịu mang khẩu trang, tuân theo lệnh ở nhà hoặc cách ly hơn những người sống ở các tiểu bang theo đảng Cộng Hòa.[v]
Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao của Trump, nói với Fox News rằng ông thật thấy "kinh tởm" khi các chính trị gia cố gắng sử dụng Covid-19 để ghi điểm chính trị trong năm bầu cử.
Tuy vậy, chính Trump là người đưa sự phân biệt đảng phái vào công cuộc chống đại dịch.
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào tháng 9, Trump lại nói số người tử vong vì Covid-19 phần lớn chỉ gia tăng ở "các tiểu bang màu xanh" (theo đảng Dân Chủ.)
Trump nói tiếp: “Con số tử vong của Hoa Kỳ thực sự đang ở mức rất thấp. Nhưng một số tiểu bang theo đảng Dân Chủ, được quản lý bởi đảng Dân Chủ, lại có con số tử vong cao.”
"Nếu loại bỏ các tiểu bang màu xanh, chúng ta sẽ ở mức mà tôi không nghĩ rằng bất kỳ nước nào trên thế giới có thể đạt được" [vi]
b. Kêu gọi giải phóng
“Giải Phóng Minnesota,” “Giải Phóng Michigan,” “Giải Phóng Virginia,” là ba khẩu hiệu được Tổng Thống Trump tweet ra hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Tư.
Đồng thời, Trump cũng không quên tấn công Thống Đốc Andrew Cuomo (Dân Chủ) của tiểu bang New York, vì những chỉ trích của ông này về sự chậm trễ tiếp cứu của chính quyền liên bang.
Cho đến nay người ta vẫn thấy hàng ngàn người biểu tình, đội mũ đỏ, cầm cờ, và biểu ngữ có tên Tổng Thống Trump xuống đường tại các tiểu bang như Ohio, Texas, North Carolina, Kentucky, Virginia, và Michigan để phản đối lệnh cách ly.
Các cuộc xuống đường này còn quy tụ thêm các nhóm bảo thủ ủng hộ việc thu hẹp chính quyền, chống chích ngừa, và ủng hộ quyền sử dụng súng.
6. Thiếu phương tiện kiểm tra Covid
Cho đến nay, thất bại rõ ràng nhất của chính phủ là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng để thử nghiệm Covid-19 cho mọi người. Kiểm tra là chìa khóa để đối phó với đại dịch vì càng có nhiều tài liệu về các đợt bùng phát của dịch, các chuyên gia y tế càng ứng phó tốt hơn.
Thay vì kêu gọi thử nghiệm nhiều hơn, Trump đã kêu gọi Hoa Kỳ nên thử nghiệm ít hơn. Ông đã nhiều lần đổ lỗi cho việc gia tăng con số nhiễm bệnh là vì Hoa Kỳ thử nghiệm nhiều quá.
Ông nói: "Nếu bây giờ chúng ta ngưng kiểm tra Covid-19 thì chúng ta sẽ có ít hoặc gần như không có ca nhiễm nào" [vii]
Dĩ nhiên ai cũng biết rằng ít thử nghiệm hơn chỉ có nghĩa là ít phát hiện những ca nhiễm hơn, chứ không phải là ít có người nhiễm bệnh.
7. Quan niệm sống tự do hay là chết
Người Mỹ thích tụ tập trong nhà và họ rất ghét bị cách ly. Theo nghiên cứu thì tỷ lệ lây nhiễm virus từ người bị nhiễm bệnh trong nhà cao hơn khoảng 19 lần so với ngoài trời[viii].
Tuy nhiên nhân sinh quan về cuộc sống tự do của người Mỹ rất mạnh. Sau vài tháng bị cô lập, họ cần phải đi chơi, đi ăn, tụ họp.
Vào tháng Tám, cuộc họp mặt Mô Tô Sturgis lần thứ 80 tại tiểu bang Nam Dakota đã thu hút hàng trăm ngàn người. Trong mười ngày họp mặt, những người tham dự kéo về ngồi chật quán rượu và các buổi trình diễn ca nhạc, hầu hết không ai giữ khoảng cách hay đeo khẩu trang.
"Chúng tôi sẽ cưỡi Harleys đến tham dự, và sau đó chúng tôi ... sẽ bị nhiễm bệnh và chết. Nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy thực sự sung sướng trong một phút. "
Tuy phần đông người Mỹ không có triết lý sống liều mạng như vậy. Nhưng nhìn chung quanh, chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp mà người ta vẫ tiếp tục đi gym, đi ăn hoặc họp mặt tiệc tùng cuối tuần.
8. Dân số nhà tù
Nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những nơi mà hàng chục năm nay đã chật cứng người. Đó là những nhà tù.
Số người bị giam tại Mỹ hiện nay là khoảng 2.3 triệu người, con số này đã tăng gấp bảy lần kể từ những năm 1970.
Nếu dựa trên dân số, nước Mỹ giam giữ khoảng 5 đến 18 lần nhiều hơn các nước dân chủ Tây phương khác[ix]. Nhiều nhà tù ở Mỹ bị chật cứng và vượt quá sức chứa, khiến tù nhân không thể cách ly được. Xà phòng thường thì khan hiếm. Nạn nhiễm lây tràn không thể nào tránh khỏi.
9. Viện dưỡng lão
Tuy các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn của Mỹ chỉ chứa ít hơn 1% dân số, nhưng tính đến giữa tháng 6, số người chết tại các viện này đã chiếm 40% tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ. [x]
Hơn 50.000 người già và nhân viên đã thiệt mạng. Ít nhất là 250.000 người lân cận cũng bị nhiễm bệnh.
Những con số nghiệt ngã này không chỉ phản ánh cái tác hại lớn lao mà COVID 19 đang gây ra đối với người cao tuổi, mà nó còn có ảnh hưởng đến sự chăm sóc của người già.
Trước đại dịch, cứ bốn viện dưỡng lão thì có ba viện thiếu nhân viên. Đến nay thì cứ năm viện thì bốn viện không có khả năng kiểm soát nhiễm trùng.
Từ lâu, ¼ những nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão thường là người di dân. Các chính sách giảm người nhập cư của chính quyền Trump đã làm tăng thêm sự thiếu thốn nhân lực tại các nơi này.
10. Y tế công cộng và bệnh viện
Hệ thống y tế công cộng của Hoa Kỳ đã bị thiếu hụt trong nhiều thập kỷ. Sau khi được điều chỉnh theo lạm phát thì ngân sách hàng năm của CDC dành cho việc chuẩn bị khẩn cấp cho sức khỏe người dân (khoản tiền dành để đối phó với đại dịch và các thảm họa khác) đã giảm hơn một nửa từ 1.4 tỷ đô la trong năm 2002 xuống còn 675 triệu đô la vào năm 2020.[xi]
Ngân khoản dành cho việc chuẩn bị cho các bệnh viện còn bị giảm với tốc độ nhanh hơn - 62% - từ 723 triệu đô la năm 2004 xuống còn 275.5 triệu đô la vào năm 2020.
Các bệnh viện Hoa Kỳ hoạt động dựa trên tiêu chuẩn “Just-in-Time” (JIT). Tóm lược ngắn gọn nhất của JIT là: “Đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”.
Giải thích JI một cách nôm na hơn là: khi nào cần mới làm.
Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, các sản phẩm thường được làm ở các quốc gia có sức lao động rẽ. Khoảng một nửa số khẩu trang trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, một số được sản xuất ở tỉnh Hồ Bắc. Khi khu vực đó trở thành trung tâm của đại dịch thì nguồn cung cấp khẩu trang bị xuống cấp trong lúc nhu cầu của nó thì tăng vùn vụt.
Vào tháng Tư, 4/5 y tá cho biết là họ không có đủ thiết bị bảo vệ cá nhân.[xii]
Kết
Như đã nói từ đầu, nguyên nhân chính, quan trọng nhất và bao trùm nhất của sự thất bại của nước Mỹ trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là sự thiếu lãnh đạo từ Donald Trump và chính quyền của ông ta.
Khi phải đối phó với đại dịch, người lãnh đạo cần tập hợp được quần chúng. Người lãnh đạo phải nói lên sự thật, phải nói rõ ràng và có chính sách nhất quán.
Thay vào đó, Trump liên tục mâu thuẫn với các chuyên gia y tế, với các cố vấn khoa học và với chính ông.[xiii]
Một mặt ông ta nói “không ai nghĩ là đại dịch có thể xảy ra” nhưng một mặt ông lại nói “từ lâu tôi đã cảm thấy nó là một đại dịch, tôi cảm thấy vậy trước khi người ta gọi nó là đại dịch.”[xiv]
Cả hai tuyên bố không thể đúng cùng một lúc, và trên thực tế không có tuyên bố nào đúng cả.
Trump là một người góp phần vào thảm trạng đại dịch COVID 19 hiện nay. Ông ta không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về sự thất bại trong công cuộc chống dịch của nước Mỹ, nhưng ông ta là trung tâm của sự thất bại đó.

1 nhận xét:

Lá thư cuối cùng của nhà văn Albert Camus viết cho bà Maria Casares (văn Việt )

N  guyễn Vạn An   dịch Đây là lá thư ông Albert Camus (giải thưởng Nobel văn chương) viết cho bà Maria Casarès, ngày 30 tháng 12 năm 1959, đ...