Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Ảnh về Saigon 150 Năm Trước

 

Những bức ảnh quý về Sài Gòn hơn 150 năm trước

LÊ NGUYỄN

Inline image

Trong lịch sử phát triển của thành phố Sài Gòn vào thời Pháp thuộc, Émile Gsell là một trong những người đầu tiên để lại một di sản nghệ thuật độc đáo gồm nhiều tấm ảnh ra đời cách nay hơn 150 năm. Ông cũng là người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào lãnh vực thương mại trong một thành phố vừa mới trở thành thuộc địa của Pháp. Nhờ có ông, ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của một Sài Gòn với cảnh vật và những con người sống cách chúng ta nhiều thế hệ.

Gsell sinh ngày 30 tháng 12 năm 1838 tại Sainte-Marie-aux-Mines (Haut-Rhin, Pháp), là con của một người làm nghề in trên vải. Khoảng những năm đầu thập niên 1860, ông nhập ngũ và tham gia các hoạt động quân sự tại Nam Kỳ. Niềm đam mê nhiếp ảnh của Gsell gây được sự chú ý của một sĩ quan Pháp là Trung tá Ernest Doudart de Lagrée, người cầm đầu cuộc thám hiểm sông Mekong vào năm 1866.

Trong chuyến thám hiểm khởi sự từ tháng 6-1866, Gsell đã được de Lagrée trưng dụng để chụp lại hình ảnh khu đền Angkor hoang phế và bộ ảnh này đã góp phần đưa tên tuổi Gsell đến với công chúng lúc bấy giờ. Tháng 10-1866, Gsell trở về Sài Gòn, mở một xưởng nhiếp ảnh cùng một cửa hiệu ảnh, trưng bày những bức ảnh của khu đền Angkor và nền văn minh Khmer. Sau bộ ảnh Angkor, Emile Gsell thực hiện nhiều bức ảnh về thành phố Sài Gòn và vùng phụ cận, với cảnh quan và sinh hoạt của người Sài Gòn trong những năm đầu tiên trở thành thuộc địa của Pháp.

Đây có lẽ là bức ảnh đầu tiên về phần mộ Giám mục Bá Đa Lộc (Lăng cha Cả) do Emile Gsell chụp năm 1866, cách nay 155 nămCon kênh đào được lấp vào thập niên 1880, trở thành đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ)Một lính mả-tà dẫn giải 2 phạm nhân (1866)Một đám cưới ở Sài Gòn năm 1866

Vào nửa đầu năm 1873, Gsell quay lại Angkor, cùng với nhà thám hiểm Louis Delaporte đi khắp Campuchia và bộ ảnh ông chụp trong dịp này được tặng thưởng huy chương trong cuộc đấu xảo quốc tế tổ chức tại Vienne (Áo) năm 1873. Cuộc đấu xảo này kéo dài từ 1-5 đến 31-10-1873 và Gsell đã trưng bày hai album ảnh, một về phế tích Angkor, một về phong tục tập quán của người Việt Nam và người Campuchia. Tháng 4-1875, Gsell tham gia chuyến công tác do Brossard de Corbigny dẫn đầu, dừng lại Huế, song ông không được phép chụp ảnh hoàng thành và những con người ông đã gặp tại đây. Cuối năm 1875, ông đến Hà Nội rồi theo một chiếc tàu nhỏ ngược sông Hồng, chụp nhiều bức ảnh về vùng đất này, trưng bày tại Sài Gòn và được rao bán từ năm 1876 bởi Auguste Nicolier, một người bán hóa chất cùng dụng cụ nhiếp ảnh tại Sài Gòn.

Tuy nhiên, chuyến đi này đã đánh đổi bằng cả sinh mạng của Emile Gsell. Sơn lam chướng khí trên hành trình ở miền Bắc khiến ông mắc bệnh sốt rét và qua đời vào ngày 16-10- 1879. Sau năm 1879, nhà nhiếp ảnh Otto Wegener tiếp tục công việc thương mại của Gsell, sử dụng bộ ảnh của ông vào đầu thập niên 1880 rồi chuyển quyền sử dụng cho Vidal (còn được biết dưới cái tên Salin-Vidal), người đã bán những bức ảnh của Gsell dưới cái tên Vidal và Salin-Vidal cho đến ngày ông ta qua đời vào năm 1883.

Bên cạnh những bức ảnh về cảnh vật tại miền Nam vào nửa sau thập niên 1860 và thập niên 1870, Emile Gsell đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm độc đáo về con người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, trong đó không thể không kể đến những bức ảnh đầu tiên về một số nhân vật nổi tiếng trong xã hội đương thời như: Thông ngôn Petrus Trương Vĩnh Ký, Phủ Đỗ Hữu Phương, Lãnh binh Huỳnh Công Tấn (và gia đình), Đốc phủ Tôn Thọ Tường, Chánh sứ Lê Tuấn, Phó sứ Nguyễn Văn Tường nhân việc vào Sài Gòn ký hòa ước Giáp Tuất 1874.

Petrus Trương Vĩnh Ký lúc còn trẻ


Lãnh binh Huỳnh Công Tấn (1837-1874) và vợ con. 
Cậu bé trong ảnh có nhiều khả năng là Huỳnh Công Miên (1862-1899), con trai ông Tấn, lớn lên được du học ở Pháp, về làm Huyện dưới quyền Đốc phủ sứ Trần Bá Lộc. Không lâu sau, ông từ quan, sống một đời ngang tàng, hay ra tay nghĩa hiệp, người đương thời có làm bài “Vè cậu Hai Miêng” để ca ngợi ông
Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường (1825-1877), những năm cuối đời

Tổng đốc Đỗ Hữu Phương lúc còn trẻ (1841-1914), còn ở ngạch Phủ (Phủ Chợ Lớn)

Phó sứ Nguyễn Văn Tường, trong thời gian vào Sài Gòn để thảo luận với Pháp về hòa ước Giáp Tuất 1874Hai ông Phan Tôn và Phan Liêm. 

Chú thích ảnh không ghi rõ ai là Phan Tôn, ai là Phan Liêm, song theo tập quán chú thích ảnh từ trái sang phải, có khả năng Phan Tôn là người ngồi bên trái, người kia là Phan Liêm

Song độc đáo nhất có lẽ là tấm ảnh Gsell chụp hai anh em Phan Tôn và Phan Liêm, con trai cụ Phan Thanh Giản vào năm 1873. Theo bộ Đại Nam thực lục, tháng 10 Âm lịch năm 1873, quân Pháp tấn công thành Hà Nội, người điều khiển cuộc phòng ngự là Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và qua đời, con trai là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Chiếm được thành, thực dân Pháp cho giải vào Sài Gòn nhiều quan lại cao cấp bị bắt giữ trong thành như Khâm phái Phan Đình Bình, Bố chánh Vũ Đường, Đề đốc Đặng Siêu, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm. Song sách Đại Nam thực lục đã không đề cập đến hai người con trai của cụ Phan Thanh Giản cũng bị bắt và giải vào Sài Gòn trong dịp này, có lẽ vì hai ông không có chức vụ gì quan trọng tại Hà Nội.

Khi được tin hai ông Phan Tôn và Phan Liêm có mặt ở Sài Gòn, Emile Gsell đã được phép đến tiếp xúc và chụp ảnh hai ông. Sau khi hòa ước Philastre – Lê Tuấn – Nguyễn Văn Tường được ký kết vào tháng 1 Âm lịch năm 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn cõi Nam kỳ Lục tỉnh, Pháp trao trả những quan chức Việt bị bắt cho triều đình Huế. Hai anh em Phan Tôn, Phan Liêm tiếp tục được triều đình bổ nhiệm làm quan. Riêng Phan Liêm (còn có tên Phan Thúc Thanh), theo một hồi ký của Hộ bộ Thượng thư Huỳnh Côn, triều Duy Tân, được kể lại tên tờ tạp chí Revue Indochinoise năm 1915, vào thập niên 1890, ông còn là thầy dạy học của vua Thành Thái.

Đến nay, những bức ảnh đầu tiên của Emile Gsell chụp về con người và sinh hoạt của vùng đất Sài Gòn vào hai thập niên 1860 và 1870 đã trở thành di sản quý của những người Việt Nam yêu lịch sử, muốn nhìn lại hình ảnh và sinh hoạt của cha ông chúng ta đã trải qua cách nay hơn 150 năm.

(Tất cả ảnh trong bài đều được chụp bởi Emile Gsell)


Dam Ho chuyển

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...