Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 80 : NGŨ

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 80 : 

                                                       NGŨ

 Đó là hai câu thơ trong phần mở đầu của Truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du đã dùng để giới thiệu về tài âm nhạc của Thúy Kiều. NGŨ ÂM 五音 là 5 cung bậc âm giai của âm nhạc cổ điển Trung Hoa : Cung, thương, giốc, chủy, vũ 宫、商、角、徵、羽. Ngoài ra còn có dây vũ dây văn như cụ Nguyễn Du đã viết sau đó :

                                   So vần dây VŨ dây VĂN,
                          Bốn dây to nhỏ theo vần CUNG THƯƠNG . 

        Theo thứ tự ABC, sau Ngũ Âm là NGŨ BÁ 五霸 . Ngũ Bá là chúa của năm nước chư hầu cuối đời nhà Chu, trong thời Đông Châu Chiến Quốc kế tiếp nhau xưng bá để đứng đầu chư hầu, đó chính là : Tề Hoàn Công 齊桓公、Tấn Văn Công 晋文公、Tần Mục Công 秦穆公、Tống Tương Công 宋襄公、và Sở Trang Vương 楚莊王. Trong thời Ngũ Bá đời sống của dân chúng lầm than, sinh linh đồ thán như lời của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã cho Chủ Quán nói với Lục Vân Tiên là :

                                     Ghét đời NGŨ BÁ phân vân,
                               Chuộng bề dối trá, làm dân nhọc nhằn.

      Đến như NGŨ CÚNG 五供  thì được phân chia thành hai loại là : Ngũ Cúng Khí 五供器 và Ngũ Cúng Phẩm 五供品. Ngũ Cúng Khí gồm có Một cái lư hương, một cặp chưn đèn và một cặp bình cắm hoa; Còn Ngũ Cúng Phẩm là : Hương, Hoa, Đèn, Trà, Quả. Như trong Truyện Kiều, khi biết Thúy Kiều có ý định đi tu, thì Hoạn Thư đã "Thôi thì thôi cũng chìu lòng, Để cho khỏi lụy trong vòng bước ra, Sẵn Quan Âm Các vườn ta, cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh". Cho nên hôm sau khi :

                                   Tâng tâng trời mới bình minh,
                          Hương hoa, NGŨ CÚNG, sắm sanh lễ thường.
                                  Đưa nàng đến trước Phật đường,
                             Tam qui, NGŨ GIỚI, cho nàng xuất gia.
 Trong bốn câu thơ trên, ta lại gặp từ NGŨ GIỚI 五戒 là Năm giới cấm của nhà Phật . Đó chính là : Sát 殺、Đạo 盜、Dâm 淫、Vọng 妄、Tửu 酒。Có nghĩa là : Không sát sanh 不殺生, Không trộm cướp 不偷盗、Không tà dâm 不邪淫、Không nói dối, nói quá 不妄語、và Không uống rượu 不飲酒。

      Trong cơ thể con người thì có Ngũ Tạng Lục Phủ 五臟六腑, NGŨ TẠNG là Tâm Can Tì Phế Thận, là Trái tim, lá gan, lá lách, buồng phổi và hai quả cật.  Ngũ Tạng còn được gọi là NGŨ NỘI 五內 thường dùng để chỉ lòng dạ hay tấm lòng, như trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử khi vợ chồng chuột đã hòa thuận với nhau :

                                  Bổ trong NGŨ NỘI đã an,
                          Vợ chồng lục vị thập hoàn uống chung .

          Còn TAM HOÀNG NGŨ ĐẾ 三皇五帝 là những ông vua theo truyền thuyết của Trung Hoa Cổ Đại. Vì là truyền thuyết nên tên hiệu và cách gọi các vị vua nầy mỗi sách mỗi khác đi chút ít. Nhưng tựu trung thì TAM HOÀNG là :
         
      - Thiên Hoàng Toại Nhân Thị 天皇燧人. Toại Nhân là ông vua tìm ra cách lấy lửa để nấu chín thực phẩm, được tôn xưng là Thần Lửa.
      - Địa Hoàng Thần Nông Thị 地皇神農氏. Thần Nông là ông tổ của nghề nông và nghề thuốc.
      - Nhân Hoàng Phục Hi Nữ Oa Thị 人皇伏羲女媧氏 Phục Hi là ông vua chế ra Bát quái và chữ viết; Bà Nữ Oa là người luyện đá vá trời.

      Còn NGŨ ĐẾ thì theo Lã Thị Xuân Thu và Hoài Nam Tử là :

     - Huỳnh Đế, Chuyên Húc, Thái Hạo (Phục Hi), Thiếu Hạo và Viêm Đế. 
        黄帝、顓頊、太昊(伏羲)、少昊、炎帝.

 Nhưng theo "Sử Ký Chính Nghĩa" thì NGŨ ĐẾ là :

     - Đông phương Thanh Đế Linh Uy Ngưỡng, Nam phương Xích Đế Xích Tiêu Nộ, Tây phương
       Bạch Đế Bạch Chiêu Củ, Bắc phương Hắc Đế Hiệp Quang Kỷ, Trung ương Huỳnh Đế Hàm
       Khu Nữu. 東方青帝靈威仰,南方赤帝赤熛怒,西方白帝白招矩,北方黑帝協光紀,中央黃帝含樞紐.

        Trong tác phẩm "Sãi Vãi" của cụ Nguyễn Cư Trinh khi cho ông sãi luận về chữ "Thương" có câu :
                    ... Thêm bịnh nầy không cãi, sãi có bịnh hay thương.
                        Sãi thương Đấng TAM HOÀNG; Sãi thương ngôi NGŨ ĐẾ.
                        Thương vì hiếu vì đễ; thương vì đức vì tài...
       
       Cũng trong tác phẩm "Sãi Vãi" của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho ông Sãi luận về chữ GHÉT thì có câu :
                      Đọc Ngu thơ ghét đảng Tứ hung,
                      Coi Tống sử ghét bầy NGŨ QỦY.

      NGŨ QUỶ 五鬼, theo sách Cửu Quốc Chí thời Nam Đường 南唐, bọn người chuyên quyền khuynh đão triều chính gồm Phùng Diên Tỵ, Phùng Diên Lỗ, Nguỵ Sầm, Trần Giác và Tra Văn Huy 馮延巳, 馮延鲁、魏岑、陈觉、查文徽, tất cả 5 người bị người đương thời gọi là NGŨ QUỶ. Đến đời Bắc Tống thì có đại thần Vương Khâm Nhược, Đinh Vị, Lâm Đặc, Trần Bành Niên và Lưu Thừa Khuê 王钦若、丁谓、林特、陈彭年、刘承珪 chuyên quyền nham hiểm hãm hại người ngay, đó là NGŨ QUỶ của đời Bắc Tống.
  Đọc "Tam Tự Kinh 三字經" ngay những câu đầu ta đã đọc thấy :

                   竇燕山 有義方,   Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương,
                 教五子 名俱揚.   Giáo NGŨ TỬ, danh câu dương.
    Có nghĩa : 
                   Nhà họ Đậu ở đất Yên Sơn, có phương pháp tốt;
                   Dạy ra năm người con, đều là những nhân vật nổi tiếng.

      Nhà họ Đậu là chỉ ông Đậu Vũ Quân 竇禹鈞 người ở đất Yên Sơn trong đời Ngũ Đại, vì có phương pháp tốt nên dạy ra 5 người con trai đều đỗ đạt thành danh. Năm người con đỗ đạt của ông còn được ví như là 5 cành quế, gọi là NGŨ QUẾ như trong truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai của ta có câu :

                      Đông hàng lông phượng gót lân,
                     Kìa nhà NGŨ QUẾ nọ sân bát đồng.
  NGŨ TỬ là 5 người con trai, nhưng Ngũ Tử cũng là tên viết gọn lại cuả NGŨ TỬ TƯ theo "Lã Thị Xuân Thu 呂氏春秋" và "Sử Ký 史記" của Tư Mã Thiên có tích như sau :

        NGŨ TỬ TƯ 伍子胥 (khoảng 484 trước Công Nguyên), người nước Sở, tên thật là VÂN , nhưng vì là dị âm của chữ VIÊN, nên người đời sau quen đọc là NGŨ VIÊN, tự là TỬ TƯ, sau sang nước Ngô, được phong ở đất THÂN, nên còn gọi là NGŨ THÂN TƯ 伍申胥. Ông nội là Ngũ Cử 伍舉, nổi tiếng trung trực ở thời Sở Trang Vương; cha là Ngũ Xa 伍奢 được Sở Bình Vương 楚平王 phong là Thái Tử Thái Phó, phụ trách dạy học cho Thái Tử Kiến. Sau Thái Tử bị Phí Vô Kỵ 費無忌 hãm hại vu cho có ý đồ mưu phản, Sở Bình Vương đổ tội cho Ngũ Xa, bắt giam ông lại và cho triệu hồi hai người con rất giỏi của ông là Ngũ Thượng 伍尚 và Ngũ Tử Tư định sẽ giết luôn một thể. Ngũ Thượng nói Tử Tư rằng :"Em tài giỏi hơn ta, gắng sống mà báo thù cho cha, còn ta, ta sẽ chết theo cha cho tròn hiếu đạo". Ngũ Xa thấy Tử Tư không hồi kinh, bèn nói rằng :"Vua tôi Sở Bình Vương từ nay về sau sẽ ăn không ngon ngủ không yên với thằng con nầy của ta đó !".
      Năm Châu Cảnh Vương thứ 23 (522 TCN), Ngũ Tử Tư trốn sang nước Ngô, trong khi khắp nơi đều có dán hình và treo thưởng để truy nả ông. Khi đến Chiêu Quan là ải địa đầu giữa Ngô và Sở nên được canh giữ rất nghiêm nhặt. Biết không thể nào qua được cửa ải nầy nên Ngũ Tử Tử vô cùng lo lắng, trằn trọc trăn trở suốt đêm không sao chợp mắt được, đến sáng sớm hôm sau thì đầu đã bạc trắng. Theo "Đông Châu Liệt Quốc Chí 東周列国誌" thì Ngũ Tử Tư đã gặp một người bạn ở đây tên là Đông Cao Công 東皋公, vốn là học trò của danh y Biển Thước. Đông Cao Công đã nhờ một người bạn tên Hoàng Phủ Nột 皇甫訥 có tướng mạo giống như là Ngũ Tử Tư đi qua ải, cho quan binh giữ ải đuổi theo, thừa cơ lộn xộn Ngũ Tử Tư với cái đầu bạc trắng khó ai nhận ra lẻn trốn qua khỏi ải. Nhưng khi phát hiện ra Hoàng Phủ Nột không phải là Ngũ Tử Tư, quan binh tiếp tục truy lùng và đuổi theo. Khi chạy đến Lư San bên một dòng sông lớn ở sát biên giới, Ngũ Tử Tư đang lo lắng không biết làm sao để qua sông. Thời may có ông lão ngư phủ chèo thuyền đến đưa ông ta qua bên kia sông. Ngũ Tử Tư vô cùng cảm động và biết ơn mới cởi bảo kiếm trên lưng xuống tặng cho ông lão ngư phủ, nói rằng :"Đây là bảo kiếm của Sở Trang Vương tặng cho ông nội của ta, giá đáng ngàn vàng, nay ta tặng cho ông để báo đáp ơn ông đã đưa ta qua sông". Ông lão đánh cá cười bảo rằng :"Sở Vương vì muốn bắt ông đã treo giá năm vạn thạch lương thực và chức Đại Phu. Ta đã không tham tiền thưởng và quan tước, lý nào lại tham cây gươm báu của ông sao ? Ông hãy giữ lấy nó mà đi lập nghiệp !"
      Sau khi trốn khỏi nước Sở, vẫn còn sợ người theo truy sát, nên Ngũ Tử Tư ban ngày vẫn phải tìm nơi ẩn náu, ban đêm mới dám tìm đường mà đi. Cứ ngày trốn đêm đi lâu dần thành bệnh, bên mình lại hết chi phí, khi đến được kinh thành nước Ngô thì đành phải lê lếch thổi tiêu để ăn xin giữa chợ. Tích nầy lại cho ta một thành ngữ trong văn học cổ là "Ngô Thị Xuy Tiêu 吴市吹簫" (Thổi tiêu trong chợ của nước Ngô) hay "Xuy Tiêu Khất Thực 吹簫乞食"(Thổi tiêu để xin ăn). Hai thành ngữ nầy thường dùng để chỉ những người thất cơ lở vận hoặc lang thang đói rách khi chưa gặp thời.  
 Châu Kính Vương năm thứ 5 (515 TCN), Ngũ Tử Tư kết giao với Chuyên Chư và Yếu Ly mưu sát Ngô Vương Liêu, phò Công Tử Quang lên ngôi, đó chính là Ngô Vương Hạp Lư 吳王闔閭. Mùa đông năm Châu Kính Vương năm thứ 14 (506 TCN), tháng 11 Hạp Lư trọng dụng Ngũ Tử Tư phong làm nguyên soái cùng với Tôn Võ lãnh binh phạt Sở. Tháng 4 năm sau đánh chiếm kinh đô đất Dĩnh của nước Sở, lúc bấy giờ Sở Bình Vương đã chết, Sở Chiêu Vương lên thay phải bỏ kinh đô chạy qua nước Tần lánh nạn. Ngũ Tử Tư không tìm được Sở Chiêu Vương bèn quật mộ của Sở Bình Vương lên, lôi xác ra đánh ba trăm roi để trả thù cho cha và anh. Sự việc nầy sử gọi là "Quật Mộ Tiên Thi 掘墓鞭尸" (Đào mả lên đánh xác chết) để chỉ sự trả thù một cách căm hờn tàn độc không khoan nhượng.
     Châu Kính Vương năm thứ 24 (496 TCN) Trong trận đại chiến với nước Việt, Ngô Vương Hạp Lư bị trúng tên vào ngón chân cái, độc phát không trị được, trước lúc lâm chung dặn con là Phù Sai 夫差 phải báo thù cha, đồng thời phong Ngũ Tử Tư làm Phụ Chính Đại Thần với tước vị Tướng Quốc Công. Với sự phò tá của Ngũ Tử Tư chỉ hai năm sau Phù Sai đánh bại nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn 越王勾踐 đầu hàng. Ngũ Tử Tư đề nghị giết Câu Tiễn và xóa sổ nước Việt, nhưng Phù Sai không nghe theo, lại nghe theo lời sàm tấu của Bá Phủ tha cho Câu Tiễn về nước và xa lánh Ngũ Tử Tư. Câu Tiễn về nước tuyển dâng người đẹp Tây Thi cho Phù Sai, rồi sau đó thay giường nệm bằng giường gai và luôn luôn treo một túi mật ngay trước mặt để luôn luôn phải "Nếm Mật Nằm Gai" (gốc chữ Nho là "Ngoạ Tân Thưởng Đảm 臥薪嘗膽) để không quên được sự phục thù rửa hận.
         


      Năm Châu Kính Vương thứ 36 (484 TCN), sau nhiều lần bực mình vì sự can ngăn của Ngũ Tử Tư, Phù Sai ban kiếm để Ngũ Tử Tư tự vẫn. Trước khi chết, Ngũ Tử Tư đã rất căm phẫn mà căn dặn người nhà "Móc cặp mắt của mình treo ở thành đông, để cho chính mắt mình nhìn thấy quân Việt tràn vào tiêu diệt nước Ngô". Phù Sai nghe nói rất giận, lệnh truyền lấy túi da có hình chim cú mèo bó xác Ngũ Tử Tư rồi quăng xuống sông Tiền Đường. 
      Năm thứ 3 đời Châu Nguyên Vương (473 TCN) Việt Vương Câu Tiễn đánh chiếm Ngô Thành là kinh đô của nước Ngô. Ngô Vương Phù Sai thua chạy về núi Cô Tô, mấy lần phái sứ nghị hòa, nhưng Câu Tiễn không chịu, cuối cùng Phù Sai đành tự sát. Tương truyền, trước khi hưu gươm để tự sát, Phù Sai đã lấy vải trắng buộc chặc hai mắt của mình lại để khỏi phải hổ thẹn khi gặp lại Ngũ Tử Tư ở dưới suối vàng.

          Theo tác phẩm thơ Nôm Hoài Cổ Khúc của ta có câu :

                                  Xót thân khóc tủi buồn thầm,
                            Tiếng tiêu NGŨ TỬ, khúc cầm Ưng Môn.
            
        Còn trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu thì khi chàng Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm đẩy xuống sông cũng nhờ có ngư ông cứu mạng :

                                  Nhớ xưa trong núi Lư San,
                           Có ông ngư phủ đưa chàng NGŨ VIÊN.
 
         Trong "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi cũng có sử dụng thành ngữ "Ngọa Tân Thưởng Đãm" với hai câu sau :
                             
                     ...Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy nắng mưa,
                        NẾM MẬT NẰM GAI, há phải một hai sớm tối...

        Cuối cùng là một cái NGŨ mà ai cũng thích cả, đó chính là NGŨ PHÚC 五福. 
        Theo lệ thường dân gian thì NGŨ PHÚC là : Danh 名、Lợi 利、Thọ 壽、Kiện 健、Thiện chung 善終。Có xuất xứ từ chương Hồng Phạm của Kinh Thư 源自《書經·洪範》:「Nhất viết THỌ, nhị viết PHÚ, tam viết Khang Ninh, tứ viết Du Hảo Đức, ngũ viết Khảo Chung Mệnh 一曰壽、二曰富、三曰康寧、四曰攸好德、五曰考終命。」Có nghĩa : Một là Sống thọ, hai là Giàu sang, ba là Khỏe mạnh bình an, bốn là Có tiếng tốt, năm là Già chết an lành. Đến đời Đông Hán do những điều cấm kỵ, Ngũ Phúc được đổi thành :「Thọ 壽、Phú 富、Quý 貴、An Lạc 安樂、Đa Tử Đa Tôn 多子多孫」。Cho đến hiện nay bà con người Hoa vùng Chợ Lớn đến ngày Tết vẫn còn viết bốn chữ "NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門" để dán trước cửa nhà, và một trong những câu Liễn Tết mà ta thường gặp là :

                  Mai khai NGŨ PHÚC,   梅 開 五 福,
                  Trúc báo Tam Đa.       竹 報 三 多.
    Có nghĩa :
         - Hoa mai nở 5 cánh như mang đến 5 cái phước cho gia đình (như đã nêu trên).
         - Một chi nhỏ của nhánh trúc thường có 3 lá, như điềm báo mang đến 3 cái nhiều (Tam Đa) mà người ta thường mong mỏi. Đó là: Đa Phúc, Đa Thọ, Đa Nam Tử 多福,多寿,多男子 : Nhiều phước, nhiều thọ, nhiều con trai.

                   
      Trong văn học cổ, truyện thơ Nôm khuyết danh "Hoa Điểu Tranh Năng 花鳥爭能" của ta, Dương Liễu Hoa đã thay Mẫu Đơn mà kể lể : 

                   ...Còn nhiều phú quý vinh hoa,
                 Kiêm toàn NGŨ PHÚC chúa ta hơn người !

      Xin được kết thúc thành ngữ điển tích về chữ NGŨ ở đây.

      Hẹn bài viết tới !

                                                                                                 杜紹德
                                                                                             Đỗ Chiêu Đức

🍁🍁🍁🍁🍁🍁🍁


1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...