Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Euro 2020: Vì sao nhân loại luôn sẵn sàng điên dại vì bóng đá ?

 TS Nguyễn Hữu Liêm

Gửi tới BBC từ San Jose, Hoa Kỳ

Một trong những trận đấu cổ nhất được ghi lại: Scotland gặp England (xứ Anh) ở sân Oval, London năm 1878. Scotland thắng 3-1.


Nhà bình luận thể thao Mỹ Lawrie Mifflin từng nhận xét trước trận chung kết của World Cup năm 1982:

"Một trận bóng đá cũng giống như là vở kịch ở hí trường, với câu chuyện lớn được kể qua phương cách trình diễn từ những màn diễn nhỏ, bao gồm kịch tính của những thanh niên vờn nhau trên sân cỏ, từng cặp quấn quýt lẫn nhau theo từng bước chạy, hiển lộ những kết cuộc bất thường."

Bóng đá (soccer hay football, fútbol) là hoạt cảnh đầy hương vị, đầy sinh động, chất đầy từng phút giây, mà những ai đã rơi vào màn kịch này thì khó mà thoát ra được.

Cho dù suốt cả trận bóng với kết quả không có một điểm phá lưới nào, trận chiến túc cầu vẫn cứ hấp dẫn. Cái khoái lạc của bóng đá là sự liên tục, không ngừng nghỉ của tác hành lừa bóng - mà vở kịch điêu luyện của các cặp giò cứ như đang ở bên bờ cho một kết quả ngoạn mục và không tiên đoán được.

Bóng đá có từ đâu và lúc nào?

Khởi thuỷ của bóng đá là trò chơi sút lưới bằng trái cầu - quả bóng da, nhồi lông gà vịt, của nhà Hán, Trung Hoa, ở thế kỷ III trước Tây lịch. Ở Nhật Bản, cũng ở thời kỳ này có một trò chơi tương tự.

Ở Tây phương thì bắt đầu từ Hy Lạp. Người Hy Lạp cũng từng có trò chơi thể thao cạnh tranh, gọi là "Episkyros" mà mỗi đội banh đã lên đến 27 cầu thủ. Đế quốc La Mã, trong thời cực thịnh ở những thế kỷ đầu sau Công nguyên, cũng chơi trò "Harpastum", với trái banh nhỏ hơn bây giờ, giữa một sân banh hình chữ nhật, có vẽ lằn thành hai phía ở giữa sân, và hai đội banh cố sút banh vào lưới goals của phe bên kia.

Người La Mã giới thiệu cái nghệ thuật lừa banh bằng chân, hay là đánh banh bằng đầu và ngực, và hoàn toàn không được sử dụng tay. Mỗi cầu thủ La Mã được huấn luyện nghệ thuật lừa banh bằng chân khác nhau, bằng những thủ đoạn ngoạn mục, có vẻ như lường gạt, đã được họ nâng cao đến trình độ xuất chúng. Chính cái thủ đoạn như là nghệ thuật của cách lừa banh và cướp hay cắp banh đã trở nên tính chất hấp dẫn đầy kịch tính của bóng đá.

Huyền thoại trái banh đầu lâu

Ở giai đoạn đầu Tây lịch, khi Đế quốc La Mã cai trị các đảo xứ Anh quốc ngày nay, họ đã đem món thể thao này đến với người bản địa. Nhưng với tất cả những gì của trò chơi Harpastum của La Mã, nó cũng chưa chính thức trở thành bóng đá như bây giờ.

Bóng đá hiện đại là sáng kiến của người Anh. Football, như người Anh gọi nó, bắt đầu khoảng thế kỷ III, bằng những trò của binh lính Anh mà có sách nói là đá đầu lâu của lính Đan Mạch.

Chuyện kể rằng, sau một trận đánh lớn mà quân đội Anh đánh bại quân Đan Mạch, họ chặt đầu một ông hoàng Đan Mạch bị bắt, và lấy cái đầu lâu đầy máu me, hai mắt trợn trừng của ông ta ra làm trái banh để mừng chiến thắng.

Trong tiếng Anh từ đó có câu "kicking the Dane's head", nhưng có những trang về lịch sử bóng đá cho rằng chuyện này không có thật, chỉ là truyền kỳ (Legend has it…)

Dù sao đi nữa, lịch sử bóng đá - ngoài tính chất nghệ thuật lườn léo, sút banh, cướp bóng bằng chân - cũng không thiếu phần man dại và bạo hành.

Từ lúc chiếc đầu lâu của ông hoàng Đan Mạch được sút vào lưới ở Anh cho đến nay, lịch sử bóng đá chưa bao giờ có cơ hội ngoảnh mặt nhìn lại quá khứ.

Ở thời đó, qua rất nhiều thế kỷ, người Anh đã chơi túc cầu như điên dại. Có những nơi, nhiều trận đánh hỗn loạn, có lúc cả trăm cầu thủ, đủ mọi thành phần, tràn ra sân để giành banh, suốt cả ngày cho đến tối. Bạo hành, kể cả giết nhau, xé xác đối thủ vì thua banh, trở thành cơm bữa.

Cái nạn hooligans ngày nay, so với chuyện giết chóc ngày xưa trong bóng đá, chỉ là trò đùa trẻ con mà thôi. Tình trạng bạo hành bóng đá này đã có lúc đến mức không chấp nhận được.

Năm 1331, vua Edward III đã ra chiếu chỉ cấm chơi túc cầu. Ở Scotland thì vua James I, năm 1424, đã tuyên bố ở nghị trường rằng, "No man shall play football" (Không ai được chơi túc cầu).

Khi bóng đá trở nên văn minh hơn

Tuy nhiên, tính chất man dại của túc cầu Anh rồi cũng được văn minh hóa lần đầu bằng quy luật của trò chơi, chính thức giới thiệu bởi đại học Eton và sau đó bởi đại học Cambridge, nay được gọi là quy tắc Cambridge. Thomas Arnold, một trưởng lão môn bóng Rugby, vào năm 1846, cũng đóng góp nhiều cho sự hình thành của quy tắc bóng đá thế giới hiện nay.

Khởi đầu, quy luật chơi bóng rất dễ dàng. Các cầu thủ có quyền đá thẳng vào cặp giò của đối thủ từ đầu gối xuống. Và phương pháp lừa banh bao gồm cả cách ôm banh dưới nách mà chạy, giống như môn rugby vậy.

Cho đến năm 1863, thì trò ôm banh dưới nách đã bắt đầu bị cấm. Đây chính là thời điểm mà túc cầu được phân biệt hẳn hòi ra khỏi trò rugby.

Bóng đá lăn ra toàn cầu

Tổ chức Bóng đá Thế giới đầu tiên được thành lập từ năm đó, 1863, và cho đến năm 1872 thì trận tranh tài mở màn cho lịch sử túc cầu thế giới được bắt đầu giữa Anh (England) và Scotland. Tổ chức này biến hóa theo thời gian, và cho đến năm 1925, thì số quốc gia hội viên đã lên đến 36.

Honduran airforce pilots and planes in 1969

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty

Chụp lại hình ảnh,

Honduras và El Salvador dùng phi cơ từ thời Thế Chiến II để dội bom lẫn nhau trong trận chiến ngắn vì mâu thuẫn bóng đá

Giải Bóng đá Thế giới Football World Cup đầu tiên được chơi năm 1930 (có nhiều giải World Cup khác của rugby, cricket).

Ngày nay, Liên đoàn Bóng đá Thế giới, Federation Internationale de Football Association, hay là FIFA, có đến 204 quốc gia hội viên. Thế là một trò chơi chiến tranh của dân La Mã, trộn với máu man dại và văn minh quy tắc của người ở đảo Anh thời cổ đại, ngày nay đã hớp hồn cả nhân loại, từ Tây sang Đông.

Thức ăn cho Mặt Trăng?

Tôi và bạn có thể hỏi, thế thì vì cái cơ sự gì, cho mục tiêu Tạo hóa nào, mà trò chơi bóng đá đang khích động và nắm lấy tim óc con người ngày nay?

Theo Geoge Gurjieff, một huyền nhân gốc Amernia vào tiền bán thế kỷ trước, đã nói theo ý của triết gia Đức, Martin Heidegger, rằng bóng đá, đối với nhân loại thời nay, là một sự "đánh trống lãng" đối với cuộc đời - nó là một thứ distraction from being - lãng quên với hiện hữu.

Trong cuốn Chuyện kể của Beelzebulb cho đứa cháu của George Gurdjieff, ông viết rằng:

"Cái lạ lùng của con người ngày nay là hắn sợ con chuột nhiều hơn là sợ cái chết của hắn".

Theo Gurdjieff thì người ta bây giờ không thể thấy được, cảm nghiệm tới vấn nạn cơ bản, cái lớn lao nơi số phận làm người. Hắn chỉ thấy và cảm nhận toàn là chuyện nhỏ nhặt, tào lao.

Theo đó thì bóng đá - với tất cả những năng lực vô bờ của nhân loại đang đổ vào đó - chẳng qua chỉ là một trò đánh trống lãng vào một chuyện vô bổ, tào lao, chẳng hay ho gì, thiếu thực chất, thuần cảm giác thân xác. Con người, qua sự bận tâm vào thú vui hồi hộp nhỏ bé của trò chơi đó lại càng minh định cái ý chí hiện sinh vô bổ, vô ích của hắn.

Cũng theo Gurdjieff, tất cả những năng lực được thoát ra từ các trận chơi này với cả tỷ linh hồn nhân loại - mà mỗi thân thể là một nhà máy phát nhiệt lượng từ xúc cảm - là chỉ để "nuôi Mặt Trăng," vốn đang trưởng thành bởi "thức ăn" đến từ khổ đau, cái chết, và năng lực tiêu cực của con nguời trên hành tinh đầy nước mắt này.

Gurdjieff nói rằng con người ta có cái bệnh của thói quen là ưa phung phí năng lực vào cảm giác. Từ rượu say, tính dục vì khoái lạc, hút sách, âm nhạc, văn chương kích thích bi đát, cho đến nghi thức tôn giáo đầy cảm tính.

Và nhất là chiến tranh. Tất cả đều là thể hiện cho ý chí phung phí năng lực của con người. Và ai gặt hái năng lực này? Thưa rằng, đó là Mặt trăng - Gurdjieff nói thế.

Cũng theo Gurdjieff thì bệnh lý say sưa bóng đá một cách hoang dại như bây giờ là hiện tượng điên loạn - hình như - của riêng giới đàn ông, thanh niên. Không như nam giới, người phụ nữ có thể giải hóa cái thói "thèm ăn" năng lực tiêu cực của Mặt Trăng bằng chu kỳ kinh nguyệt của họ - và do đó, họ được quân bình.

Còn đàn ông, thanh niên, vì không có cơ năng thân xác tự giải hóa năng lực tiêu cực và ẩn ức, họ bị làm nô lệ cho Mặt Trăng trên bình diện cảm xúc. Mỗi thằng đàn ông là một thằng điên trong nguyệt lực luna - họ là những lunatics (kẻ điên cuồng).

Đua xe máy - và chiến tranh - sau mỗi trận bóng đá

Có năm nào đó tôi về Việt Nam, sau nửa khuya, lúc đang ngủ say ở một khách sạn nhỏ ở trên đường Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, tôi đã bị đánh thức bởi một cuộc đua xe máy của giới trẻ.

AFF CUp

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Niềm vui bóng đá ở Việt Nam

Bước ra lan can, nhìn xuống đường, tôi thấy cả gần trăm xe máy, đua nhau chạy tối đa tốc lực, âm thanh máy nổ rú lên hoang dã, với tiếng kèn chát chúa, tiếng người la hét kinh hoàng, trộn lẫn là tiếng cổ võ, cười vang dội.

Thật là một cảnh tượng kỳ lạ, thất kinh, ngoạn mục. Tôi hỏi ra thì giới trẻ đang đua xe sau một trận bóng World Cup. Cả Sài Gòn bị hớp hồn và điên dại vì bóng đá. Một hiện tượng nhân loại lạ lùng.

Nếu không có dịch bệnh lan truyền và đòi hỏi giãn cách xã hội như hiện nay, chuyện đua xe máy nửa đêm sau các trận bóng đá chắc sẽ vẫn diễn ra ở khắp các thành phố lớn ở Việt Nam.

Bạn hãy thử tưởng tượng trong một đêm trăng tròn, đội bóng nước ta thắng sít sao một đối thủ Âu Châu để vào bán kết World Cup vào năm 2022. Cái gì sẽ xảy ra trên đường phố Sài Gòn - kể cả có lệnh giới nghiêm!

Mà không chỉ có Việt Nam, ở các cộng đồng người Việt, hay người Latino ở Mỹ cũng thế. Hễ đến mùa Euro hay World Cup, nếu ai đi ngang qua các quán café Việt Nam hay Mexican đều sẽ nghe tiếng hò reo của những đám thanh niên trước các trận bóng đá.

Chắc các bạn đã từng nghe đến cuộc "Chiến tranh Túc cầu" -The guerra del fútbol - kéo dài đúng 100 giờ năm 1969 giữa hai nước El Salvador và Honduras. Bom đạn, máu xương cuồng loạn đã xảy ra cũng một phần vì tranh chấp bóng đá giữa hai quốc gia.

Có lần, ở Sài Gòn, khi nghe tiếng rò heo cổ võ bóng đá, tôi đã ngửa mặt nhìn lên cao, cố tìm ra Mặt Trăng đâu đó giữa bầu trời mây mờ. Tôi hình dung mơ hồ thấy như rằng nàng Nguyệt đang mỉm cười khoái lạc để tiếp nhận, háo hức cuốn hút nguồn năng lượng từ tình cảm điên loạn của đám nhân loại điên rồ với bóng đá vốn đang cống hiến một cách vô thức và hoan hỷ cho Nàng từ Trái Đất.

Tôi lại nghĩ đến Gurdjieff và tự vấn: "À, thiên hạ luôn khao khát và điên rồ từ tranh chấp, thế nên, biết đâu cái điên loạn bóng đá thuần vô bổ này sẽ thay thế cái điên loạn đầy ngu xuẩn của chiến tranh!"


DungHoKhanh chuyển

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...