Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

HUYỀN VŨ - Nhà Báo Làm Đẹp Văn Chương Thể Thao

Nhà Báo Làm Đẹp Văn Chương Thể Thao

*Phan Thanh Tâm



Tuy không phải là mũi tên vàng nước Việt, là vua sân cỏ, là cầu thủ có
cú sút độc, chạy mau, lừa đẹp, giao banh khéo hay thủ môn có bàn tay
nhựa bắt banh như để nhưng tên tuổi Huyền Vũ đã vang danh một thời với
môn thể thao đá banh và đươc coi như linh hồn của các trận cầu.

Chỉ nghe qua đài phát thanh thôi mà cả triệu người, trước tháng 4/75
từ thành thị cho đến thôn quê khắp miền Nam, già trẻ, lớn bé, trai
gái, ai ai cũng có dịp say sưa theo dõi cảc trận đá banh quốc tế ở cầu
trường Tao Đàn hay Cộng Hòa. Đó là nhờ tài của vua đá nói số một làng
báo Saigon. Chẳng những vậy, ký gỉả Huyền Vũ còn làm đẹp và làm giàu
văn chương thể thao. Ông đã có công dịch những từ thể thao ngoại quốc
và đưa những từ trong lãnh vực quân sự vào môn đá banh để trận đấu qua
radio thêm phần hào hứng và hồi hộp.

Chính giọng nói oang oang, dồn dập, hối thúc, không ngắt quãng, có lúc
la thật lớn cùng với âm vang òa vỡ cuả cả vạn khán giả đã như có một
ma lực cuốn hút khiến người nghe ở khắp nơi, trong nhà ngoài ngõ cho
đến quán hàng, thôn xóm, không hẹn mà cùng một lượt la lên,vừa chưởi
thề ỏm tỏi, vừa vung tay múa chân loạn xạ như có mặt quanh sân cỏ.
“Tam Lang đa trái banh thọc sâu xuống cánh trái, Nguyễn Văn Tư như mũi
tên xé gió; thoát xuống, xuống nữa, xuống nữa, xâm nhập vùng cấm địa,
gây rối hàng ngũ địch, nguy hiểm, nguy hiểm dứt mau như chớp. Thủ môn
Nam Hoa phóng người cố đấm banh qua sà ngang; nhưng zô, zô …, banh đã
tung lưới, phá màn trinh bạch của đội khách. Tả biên Tư, đã không bỏ
lỡ cơ hội bằng vàng, san bằng cách biệt, chỉ trong mấy phút phù du”.

Những cụm chữ “một con én không làm được mùa xuân, cơ hội bằng vàng,
san bằng cách biệt, tung lưới phá màn trinh bạch, gây rối hàng ngũ
địch, phóng người nhanh như cắt đấm banh qua sà ngang, mũi tên vàng
nước việt, vua phá lưói, mở tỷ số, như mũi tên xé gió, tràn xuống như
nước vỡ bờ, xâm nhập vùng cấm địa, dứt mau như chớp nhưng banh ra
ngoài trong gang tấc, trong mấy phút phù du, bàn tay nhựa, bắt banh
như để, thọc sâu xuống thành trì kiên cố, xuyên phá, chận đứng, lách
người qua hàng phòng vệ, đá móc banh xẹt chui vào lưới, phá vỡ thế
công” đã mô tả rõ mồn một các pha gay cấn dang diễn ra ở cầu trường.
Nhờ giọng nói trời cho, với nhửng cụm chữ do ông sáng tạo đã mê hoặc
cả miền Nam, khiến họ hình dung ngay trận đấu, lúc thì khẩn trương,
lúc thì chậm lại; nhưng lúc nào cũng thấy gay go, chờ đợi một đột
biến.

Ngoài lối nói, cách diễn đạt của ký giả Huyền Vũ có sự hiểu biết sâu
rộng về môn đá banh đã giúp ông phân tích cặn kẽ đấu pháp của mỗi đội.
Chẳng những vậy, ông còn nắm vững tên tuổi các cầu thủ gạo cội cùng
tài nghệ của mỗi ngưòi, kể cả các cầu thủ ngoại quốc. Điều này chứng
tỏ ông chuẩn bị kỹ lưỡng và tôn trọng người nghe trước khi mở máy phát
thanh. Thính giả tuy xa cầu trường mà thấy như đang có mặt quanh sân
cỏ. Ông đã tạo ra một cảnh tượng ảo đầy sống động, hữu ích, vui nhộn
và thích thú. Bu quanh chiếc radio “coi” đá banh bằng tai là một dịp
bạn bè họp mặt bàn tán, ăn nhậu và chửi thề. Cứ mỗi lần nghe “đá mạnh
vào nhưng banh ra ngoài” hay thủ môn chưa kịp trở tay, banh đã chui vô
lưới là cầu thủ bị thiên hạ la lối chửi rủa. Hay dở gì cũng bị chửi.
chửi trỗng không, chửi vô tội vạ.

Do đâu ông Huyền Vũ có thể lay động, thu hút cả triệu thính giả khiến
mọi người đồng hứng khởi như vậy? Giọng đàn ông miền Nam dễ nghe, rổn
rảng pha chút âm hưởng miền Trung Phan Thiết đầy vẻ quen thuộc, gần
gũi và những điều ông học đươc từ sách báo thể thao của Pháp; nên mỗi
lần có đá nói trên radio do chính ký giả Huyền Vũ đảm trách là thiên
hạ háo hức theo dõi. Có người còn mang theo radio transistor dù đã có
mặt ở cầu trường để vừa coi vừa nghe cho đã khi ông nói về những đường
banh ngoạn mục và những lời bình luận hay hết xẩy của ông. Ông diễn tả
Vinh lừa banh đẹp như một nghệ sĩ. Đức điềm đạm, chuyền banh vừa tầm,
mở nẻo, tạo cơ hội cho đồng đội làm bàn. Tam Lang, Pier phá banh giỏi,
chận đứng các đợt tấn công của địch.

Không ai thay thế nổi


Một nhân sĩ trong làng văn Việt Nam, ông Bình Nguyên Lộc trong thư đề
ngày 23/3/1986 gởi cho ông Huyền Vũ có đoạn viết, “Hùm chết để da,
người đi xa để lại danh tiếng. Toàn dân miền Nam đều nhớ tiếc anh với
những tường thuật tại chỗ vô cùng hào hứng và sôi động. Hiện giờ có gì
trục trặc thì dân Saigon hô lên “nguy hiểm, nguy hiễm”. Đó là một lối
nhắc nhở đến anh vậy. Chẳng có ai đủ khả năng thay anh hết. Những kẻ
thay thế anh tường thuật dở ẹc, chán quá trời”. Ký giả Lô Răng thì
nói rằng mỗi lần nhậu, dân miền Nam khi cụng ly thường hô “dzô, dzô”.
Đó là âm hưởng sống động quen thuộc của Huyền Vũ ngày nào còn vọng
lại. Lối dùng chữ của ông đã thực sự đi vào đời sống dân gian. Nó linh
hoạt. Nó gợi hứng phát ra khi có những pha công phá gay cấn trên sân
cỏ.



Ký giả Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm Ất Mão 1915, ở miền Trung Phan Thiết. Bản tính thích đá banh và điền kinh nhảy xa.
Trước khi làm ký giả thể thao cho đài phát thanh Pháp Á (Radio France Asie) năm 1951 ông làm trọng tài cho Tổng Cuộc Túc Cầu Nam Việt. Ông là sĩ quan đồng hoá. 

Cấp bậc cao nhất khi giải ngũ là Đại Úy. Huyền Vũ là bút hiệu. Đó là tên của một vị sao trong số 28 vị sao chánh; có  nghĩa là đi đến đâu là có sự đổi mới đến đó. Quốc Bảo thủ môn nổi tiếng một thhời của đội tuyển Việt Nam là một trong sáu người con trai của ông. Ông còn có hai người con gái. Nhờ làm ký giả thể thao ông đã đi khắp miền Nam và hầu hết thủ đô các nước trên thế giới.
 Năm 1951 ông khởi sự làm trực tiếp truyền thanh; buổi chót vào năm 1974.

Trong cuốn “Tôi làm ký giả thể thao” xuất bản năm 1988, ông kể lại
rằng nhân một chuyến ra Huế ghé quán Lạc Sơn, trước chợ Đông Ba, một
nơi anh em thể thao gặp nhau giống như quán Thanh Thế ở Saigon, chủ
quán vừa cười vừa nói với ông: “ phải bắt đền anh mới được vì mỗi lần
anh trực tiếp truyền thanh là anh em giựt chân, giựt tay đá gãy ghế,
gãy bàn của tôi”. Môt kỷ niệm làm ông cảm động nhất là khi ông gặp ba
ông lão ở Thất Sơn vô sân Tao Đàn coi đá banh. Sau khi trực tiếp xong
một trận đấu, ông chuẩn bị đến toà soạn báo Saigon Mới để viết bài cho
kịp số báo ngày hôm sau, bỗng có bàn tay đặt lên vai ông: chào ông.
Ông quay lại. Nhận ra người đó là một cụ già , búi tóc và chòm râu đã
điểm sương.

Ông cụ chỉ hai cụ khác đứng cạnh và nói: anh em chúng tôi ở vùng Thất
Sơn, thường nghe ông trực tiếp qua máy radio chạy pin. Hôm nay có dịp
lên Saigon nhằm có trực tiếp nên chúng tôi mua vé vô coi; cố tìm gặp
cho biết ông. Chúng tôi đã lựa chỗ ngồi ngay sau lưng ông. Cảm động
vì mối tình của thính giả ở xa dành cho mình, ông ngỏ lời cảm tạ.
Nhưng cuộc đối thoại không thể kéo dài, Ông buộc lòng phải kiếu từ về
toà sọan. Ban biên tập đang chờ bài đưa cho ban sắp chữ. Cho đến nay
cứ mỗi lần nhớ lại ông thấy lòng áy náy vì không có nhiều thời giờ với
ba lão ông. Giá mà mời được ba cụ một buổi cà phê hay hàn huyên lâu
dài hơn?

Cho đời biết tay


Người viết bài này trong thời gian làm báo ở Saigon thường gặp nhà báo
chuyên về thể thao Lê Ngọc Hiển, Tấn Quỳnh; nhiều nhất với anh Phan
Như Mỹ (qua đời ). Còn với ông Huyền Vũ thì chỉ quen
biết thôi. Thế nhưng, sau khi sang Mỹ, khoảng đầu thập niên 1980, tôi
vừa mới điện thoại, ông đã vồn vã hỏi: sao bồ có gì vui không? Tiếng
“bồ” quá hay. Nó xóa ngay xa cách tuổi tác, thân sơ. Ông còn vui vẻ
nhận lời viết cho tôi một bài về tinh thần thể thao để đăng trong đặc
san Việt Nam Ký Sự do tôi phụ trách xuất bản mùa hè năm 1983. Báo bao
gồm nhiều vấn đề nói về người Việt Nam và nước Việt Nam sau tám năm bị
nhuộm đỏ. Tác giả là những nhà văn và nhà báo sống khắp nơi trên thế
giới. Việt Nam Ký sự (VNKS) tên của một tổ hợp của khoảng 30 nhà báo
chuyên bán ký sự cho các báo ở Saigon trước 1975.

Qua Mỹ có nhiều dịp liên lạc với ông, tôi thấy ông quả thật là một nhà
báo thể thao chánh hiệu con nai vàng. Nói và làm y chang. Những điều
ông viết không phải là những lời nói suông. Trong bài Nuôi Dưỡng Tinh
Thần Thanh Niên Hải Ngoại gởi cho tôi, ông viết: “tinh thần thể thao
gồm đức khiêm nhường và cầu tiến trong chiều hướng thắng không kiêu,
bại không nản; tính cởi mở, hỷ xã, hiếu bạn”. Do đó, sau 1975 tuy đã
trên 60 tuổi, để làm gương cho giới trẻ ông vừa đi làm cho hãng Noland
về Data Processing. vừa đi học bán thời gian trong suốt 8 năm ở Đại
học CNU (Christopher Newport University, Virginia). Năm1988, ông tốt
nghiệp bằng Cử Nhân về Political Science.
Nhằm vinh danh nhà báo thể thao số một của Việt Nam, ngày 28/8/1999
giới cầm bút ở Hoa Thịnh Đốn trong đó có Lê Thiệp (qua đời năm 2013),
Giang Hữu Tuyên (qua đời năm 2004), Phạm Trần, Thiên Ân, .. đã tổ
chức một "Ngày Huyền Vũ" đê nhắc lại những đóng góp của lão ký giả
Huyền Vũ cho nền thể thao miền Nam trước đây, nhất là bộ môn bóng
tròn. Ký giả Nguyễn Thiên Ân, người được đài phát thanh VNCH Saigon
trước 1975 chỉ định theo ông học hỏi để thành một Huyền Vũ thứ hai,
nhưng sau 11 năm làm cho đài Saigon, 11 năm cho BBC và gần 18 năm cho
VOA cũng thừa nhận rằng cho đến nay không có ai trực tiếp truyền thanh
về đá banh hấp dẫn bằng nhà báo nói vang danh một thời này.
Ký giả Huyền Vũ thọ 91 tuổi mất ngày 24 tháng 8 năm 2005 tại Virginia.

Phan Thanh Tâm
California, June 2021

Hoa Huỳnh chuyển


1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...