Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Phiếm Luận : LẠC ĐỆ TÚ TÀI - Đỗ Chiêu Đức

 GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG : 

                                      LẠC ĐỆ TÚ TÀI

                           Thi không ăn ớt thế mà cay !


Đó là câu lẫy của ông Tú Vị Xuyên : Trần Tế Xương, một "Tú Tài Rớt" khi đi thi Cử nhân mà ... Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy ! TÚ TÀI RỚT chữ Nho gọi là " LẠC ĐỆ TÚ TÀI " !
LẠC ĐỆ TÚ TÀI 落第秀才 là Tú Tài Thi Rớt. Ngày xưa, các thư sinh lưng dài vai rộng chỉ có nước chờ đợi thi đậu để được phát tích mà thôi :

Thập niên song hạ vô nhân vấn, 十年窗下無人問,
Nhất cử thành danh thiên hạ tri. 一舉成名天下知。

Có nghĩa :
Mười năm vùi mài kinh sử dưới song cửa sổ, không ai thèm hỏi tới, nhưng...
Hễ thi đậu nổi danh một cái là cả thiên hạ đều biết đến tên tuổi..

Nhưng, lại nhưng, số sĩ tử đi thi thì nhiều, mà số người đậu đạt lại rất ít. Khoa thi thì không phải năm nào cũng có, chỉ ba năm mới có một lần, nên số sĩ tử thi rớt thật nhiều. Ở cấp cao hơn, thì các sĩ tử nầy đều là những Tú Tài thi rớt mà người đời thường gọi là Lạc Đệ Tú Tài, kể cả Thi Tiên Lý Bạch đời Đường cũng đã từng là Tú Tài thi rớt. Ta hãy nghe ông than thở bằng bài thơ ngũ ngôn sau đây :


黃河三尺鯉, Hoàng Hà tam xích lý,
本在孟津居。 Bổn tại Mạnh Tân cư.
點額不成龍, Điểm ngạch bất thành long,
歸來伴凡魚。 Quy lai bạn phàm ngư !

Có nghĩa :
- Con cá chép ba thước của sông Hoàng Hà,
- Vốn dĩ ở đất Mạnh Tân (là nơi nổi tiếng về cá chép ngon). Nhưng vì...
- Nhảy không qua cửa Vũ Môn để thành rồng, nên đầu đập xuống dập trán (ĐIỂM NGẠCH 點額 là Cái chấm trên trán khi bị... té xuống !). Thôi thì ...
- Đành trở về làm bạn với những con cá bình thường của phàm trần vậy !.


Diễn Nôm :
Tấm thân ba thước sông Hoàng,
Mạnh Tân vốn dĩ thôn trang quê nhà.
Dập đầu cửa Vũ không qua ...
Thì thôi về với bạn già phàm phu !


Thi rớt nhưng vẫn còn cái ngông, cái ... cao ngạo hão của kẻ sĩ ngày xưa. Đáng lẽ ta đã thành RỒNG rồi, nhưng vì không qua được Vũ Môn bị... té xuống, nên đành phải mang đầu máu về đây để sống chung với lũ tầm thường các ngươi nữa mà thôi !

Sau đây, ta hãy nghe Bạch Cư Dị đời Đường cảm khái khi thi rớt :


把酒思閒事, Bả tửu tư nhàn sự,
春愁誰最深? Xuân sầu thùy tối thâm ?
乞錢羈客面, Khất tiền ký khách diên,
落第舉人心。 Lạc đệ cử nhân tâm !
月下低眉立, Nguyệt hạ đê mi lập,
燈前抱膝吟。 Đăng tiền bão tất ngâm.
憑君勸一醉, Bằng quân khuyến nhất túy,
勝與萬黃金。 Thắng dữ vạn hoàng câm !

Có nghĩa :
Chuốc rượu để xem như là không có chuyện gì cả (nhàn sự); Nỗi sầu của buổi tàn xuân và thi rớt, cái nào sầu hơn cái nào ? Thể diện nào còn dám mở miệng xin tiền giúp đỡ của bạn bè nơi đất khách (để có lộ phí về quê). Nỗi buồn thi rớt là nỗi lòng của kẻ hụt làm Cử nhân. Thường đứng chau mày lặng lẽ dưới trăng, hay ngồi bó gối trầm ngâm trước ngọn đèn khuya. May nhờ có bạn bè mời uống rượu để giải sầu, tình bạn nầy thật còn xứng đáng hơn là muôn vạn lượng vàng ròng nữa !

Diễn Nôm : 




Lòng sầu nâng chén như không,
Buồn nầy so với tàn xuân ai sầu ?
Xin tiền mặt mũi để đâu,
Cử Nhân lạc đệ còn sầu nào hơn ?
Dưới trăng mày ủ mặt hờn,
Bên đèn bó gối chập chờn đêm thâu,
Bạn bè chuốc chén giải sầu,
Ngàn vàng khó được tìm đâu kim bằng ?!


Thật cảm khái ! Thi rớt thẹn cả với trăng với đèn với bạn bè trong buổi tàn xuân nơi đất khách. May mà còn có những người bạn tốt chuốc chén mời rượu để giải sầu.. Kể ra Bạch Cư Dị cũng còn may mắn chán, trong khi Đỗ Mục thi rớt lại than rằng :


何人更憔悴, Hà nhân cánh tiều tụy,
落第泣秦京。 Lạc đệ khấp Tần Kinh.
Có nghĩa :
Còn ai tiều tụy võ vàng hơn là người thi rớt, vì ...
Khóc suốt trong kinh thành trong suốt thời gian thi rớt đó !
Tình cảnh quả thật xót xa thương cảm :

Còn ai tiều tụy võ vàng,
Trường An khóc suốt trên đàng về quê !...

Còn Cố Phi Hùng 顾非熊, con của Cố Huống, người nổi tiếng với "Lá đỏ đề thơ"; lăn lộn trong trường thi suốt 30 năm mà vẫn phải :

白首青衫猶未換, Bạch thủ thanh sam do vị hoán,
又騎羸馬出函關。 Hựu kỵ luy mã xuất Hàm Quan.

Có nghĩa :
- Đầu đã bạc cả rồi mà chiếc áo xanh của thư sinh vẫn chưa thay đổi (chưa thi đậu)..
- Lại vẫn phải cởi con ngựa ốm đói mà đi ra ải Hàm Quan.

Tuy thi rớt, nhưng văn tài của Cố Phi Hùng vang vội khắp kinh thành. Ông là bạn thơ của Giả Đảo, Vương Kiện, Chu Khánh Dư, Ung Đào ... Nên khoa thi năm Hội Xương thứ 5, đời vua Đường Võ Tông, nhà vua thấy bảng vàng không có tên ông, mới lệnh cho quan chủ khảo nộp bài thi của ông lên cho vua xét duyệt và đặc cách cho ông được đỗ Tiến Sĩ Cập Đệ ngoại bảng. Để lại một giai thoại lý thú cho các sĩ tử đời sau.
Còn LA NGHIỆP 羅鄴 trong bài Lạc Đệ Đông Quy 落第東歸 (Thi rớt về đông) thì la cà chần chừ không muốn về nhà chút nào cả ! Ta hãy nghe ông than thở giải bày :

年年春色獨懷羞, Niên niên xuân sắc độc hoài tu,
強向東歸懶舉頭。 Cưởng hướng đông quy lãn cử đầu.
莫道還家便容易, Mạc đạo hoàn gia tiện dung dị,
人間多少事堪愁。 Nhân gian đa thiểu sự kham sầu !

Có nghĩa :
- Năm năm màu xuân lại trở về, riêng ta luôn ôm ấp nỗi thẹn thùa.
- Gắng gượng đi về hướng đông nơi quê nhà mà biếng ngẩn đầu (chỉ cuối mặt, không dám nhìn ai vì thi rớt).
- Đừng bảo là đi về nhà thì rất dễ dàng ...
- Trên đời nầy có biết bao nhiêu chuyện khiến cho con người ta phải buồn rầu !

Diễn Nôm :
Mỗi năm xuân đến thẹn riêng ta,
Cuối mặt về đông hướng nẽo xa.
Chớ bảo hồi quê là chuyện dễ,
Việc đời buồn nản biết bao là !...

Đó là đời Đường, còn Lục Thế Minh 陸世明 của đời Minh thi rớt trở về, trên đường đi ngang qua một trạm kiểm soát, bị quan sở tại chận lại xét, nghi là thương buôn bắt đóng thuế. Lục Thế Minh tức cảnh làm một bài thơ tặng cho vị quan địa phương đó như sau :


  獻策金門苦未收, Hiến sách kim môn khổ vị thâu,
歸心日夜水東流。 Quy tâm nhật dạ thủy đông lưu.
扁舟載得愁千斛, Biển chu tải đắc sầu thiên đẩu,
聞說君王不稅愁! Văn thuyết quân vương bất thuế sầu !

Có nghĩa :
- Ta đi hiến kế sách ở cung vàng của nhà vua (đi thi), khổ nỗi nhà vua không nhận.(ý nói thi rớt).
- Nên lòng trở về quê của ta ngày đêm đều theo dòng nước chảy về đông.
- Chiếc thuyền nhỏ chở nặng mối sầu của ta như chở nặng cả ngàn đấu.
- Ta nghe nói là nhà vua đâu có thu Thuế SẦU bao giờ đâu !( Mặc dù mối sầu thi rớt nặng như cả ngàn đấu làm khẳm cả ghe ).

Diễn Nôm :
Hiến kế kim môn khổ chẳng thâu,
Ngày đêm theo nước chảy về mau.
Thuyền con chở nặng sầu ngàn đấu,
Nghe nói quân vương chẳng thuế sầu !

Người thi rớt thì thẹn thùa sầu thảm buồn khổ là thế, còn người thi đậu thì Tiền Khởi 錢起 trong Đại Lịch Thập Tài Tử 大曆十才 đã viết hai câu tặng một người bạn thi đậu như sau :

借問還家何處好, Tá vấn hoàn gia hà xứ hảo,
玉人含笑下機迎。 Ngọc nhân hàm tiếu hạ cơ nghinh.

Có nghĩa :
Dám hỏi về nhà chuyện gì là vui nhất đây, đó là ...
Người ngọc (bà xã) mĩm cười bước xuống khung dệt mà mừng đón !
Không như ...
ĐƯỜNG THANH THẦN 唐青臣 trong TÙY VIÊN THI THOẠI 隨園詩話 của Viên Mai 袁枚(1716-1797)đời nhà Thanh khi thi rớt về nhà :


不第遠歸來, Bất đệ viễn quy lai,
妻子色不喜。 Thê tử sắc bất hỉ.
黃犬恰有情, Hoàng khuyển kháp hữu tình,
當門臥搖尾。 Đương môn ngọa dao vĩ.
* Chú thích :
- LẠC ĐỆ 落第 : LẠC là Rơi, Rụng, Rớt... Nên LẠC ĐỆ là Thi Rớt.
- BẤT ĐỆ 不第 : ĐỆ là Thứ Bậc, là Xếp hạng. Nên Bất Đệ là Không được Xếp Hạng là KHÔNG ĐẬU. (Cũng như thi rớt!)
- THÊ TỬ 妻子 : là Vợ Con, nhưng chỉ có nghĩa là CON VỢ mà thôi. Vì THÊ TỬ là từ Kép dùng để chỉ Con Vợ, Bà Vợ, Bà Xã...
- KHÁP 恰 : là Phó từ có nghĩa :Vừa vặn, Đúng lúc. Nhưng ở đây KHÁP là Liên Từ là từ Nối dùng để nối một ý bất ngờ hoặc ngược lại, có nghĩa như là LẠI của ta, nên câu thơ "黃犬恰有情 Hoàng khuyển KHÁP hữu tình" có nghĩa : Con chó vàng LẠI có tình cảm (như con người).
- ĐƯƠNG MÔN 當門 : là Ngay trước cửa. Nên câu "當門臥搖尾 Đương môn ngọa dao vĩ. Có nghĩa : " Nằm vẫy đuôi ngay trước cửa !" (để mừng chủ về).

* Diễn Nôm :




Không đậu từ xa về,
Sắc mặt vợ ủ ê.
Con phèn tình vẫn thế,
Vẫy đuôi đón chủ về !

Đường Thanh Thần kể ra cũng còn sướng chán, vì còn có con chó vàng vẫy đuôi mừng rỡ, chớ Đỗ Cao 杜羔 thì còn tệ hại hơn nhiều. Năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, sau mấy lần thi rớt, năm nay lại lạc đệ trở về. Vợ của Đỗ Cao nghe tin bèn gởi cho chồng một bài thơ như sau :


  良人的的有奇才, Lương nhân đích đích hữu kỳ tài,
何事年年被放回? Hà sự niên niên bị phóng hồi ?
如今妾面羞君面, Như kim thiếp diện tu quân diên,
君若來時近夜來。 Quân nhược lai thì cận dạ lai !
Có nghĩa :
- Chàng của em (lương nhân) đích thực là có kỳ tài ! Nhưng ...
- Vì việc gì mà năm nào cũng bị nhà vua "cho về vườn" ?
- Nay thì mặt thiếp cũng đã thẹn vì mặt chàng rồi, nên ...
- Chàng có về thì hãy đợi đến gần đêm hãy về (cho đỡ mắc cở với bà con lối xóm !).

Diễn Nôm :
Chồng em đích thực có kỳ tài,
Sao lại năm nào cũng rớt đài ?
Mặt thiếp thẹn chai vì mặt ấy,
Có về xin hãy đợi đêm dài !

Về ban đêm cho "đỡ quê" với bà con lối xóm. Vừa mĩa mai lại vừa chua xót biết bao nhiêu !

Cùng ở chung một làng một xóm, nhưng người thi đậu kẻ thi rớt, hai thái cực đối chọi nhau một cách mĩa mai. Hãy nghe lời thơ của Cố Phi Hùng :


寂寞正相對, Tịch mịch chính tương đối,
笙歌滿四鄰。 Sanh ca mãn tứ lân.
Có nghĩa :
Yên lặng buồn hiu ngồi nhìn nhau, trong khi...
lối xóm bốn bề vang dội tiếng sanh ca ăn mừng.
Đúng là :
Buồn thiu lặng lẽ nhìn nhau,
Sanh ca bốn phía khác nào trêu ngươi !
và...
傍人賀及第, Bàng nhân hạ cập đệ,
獨自卻沾襟。 Độc tự khước triêm khâm.
Có nghĩa :
Người bên cạnh ăn mừng thi đậu, còn ta thì...
Tự mình ngồi đây mà lệ nhỏ ướt cả vạt áo.
Quả là :


Người đậu mừng chúc vui ca,
Riêng ta sầu thảm ướt tà áo xanh !
Nhưng mĩa mai chua xót và đau khổ nhứt là trường hợp của Lưu Hư Bạch 劉虛白 đời Đường. Hai mươi năm xưa, Bạch cùng với Bùi Viên 裴垣 là bạn đồng song cùng vùi mài kinh sử, nhưng khi ứng thí thì Viên chiếm ngao đầu, sau khi đậu Tiến sĩ thì đường công danh thẳng tiến, đến khoa thi năm nay, Bùi Viên được nhà vua chỉ định làm quan chủ khảo, trong khi Lưu Hư Bạch vẫn còn là một sĩ tử đi ứng thi. Đến ngày thi, Bạch làm một bài thơ gởi cho bạn đồng song ngày xưa và là quan chủ khảo ngày nay là :


  二十年前此夜中, Nhị thập niên tiền thử dạ trung,
一般燈燭一般風。 Nhất ban đăng chúc nhất ban phong.
不知歲月能多少, Bất tri tuế nguyệt năng đa thiểu,
猶著麻衣待至公! Do chước ma y đãi chí công !
Có nghĩa :
- Hai mươi năm trước cũng trong một đêm như đêm nay,
- Ta đã cùng chung đèn sách và cùng chung phong độ như nhau.
- Không biết là ngày tháng đã tiêu hao hết bao nhiêu rồi, mà...
- Ta vẫn còn mặc áo gai mà đối mặt với ông đây !
Diễn Nôm :
Hai mươi năm trước cũng đêm này,
Cùng sách cùng đèn đó với đây.
Ngày tháng vô tình đà biến đổi,
Aó gai ta thẹn với ông nay !

Trở lại với Vị Xuyên Tú Xương, ông cũng đã rất xót xa khi cứ thi rớt mãi, buồn bực nản chí đến đòi cả tự vẫn trong ngày thi rớt. Ta hãy nghe tâm sự chua cay của ông qua bài thơ "Hễ Mai Tớ Hỏng" sau đây :

Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay!
Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày!
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ
Thưng đấu nhờ trông một mẹ mày.
"Cống hỉ", "mét xì" thông mọi tiếng,
Chẳng sang Tầu cũng tếch sang Tây...

Nhớ ...
Ngày xưa, khoảng thập niên sáu mươi bảy mươi của thế kỷ trước, rất nhiều bạn bè của lớp Đệ Nhị cùng nhau học thi Tú Tài Phần Thứ Nhất (Tú tài 1). Ai đậu thì tiếp tục học thi Tú Tài Đôi, lên Đại Học. Còn bạn nào rớt thì phải xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ tòng chinh. Một anh bạn thi rớt đã cảm khái mà làm bài thơ sau đây :

Rớt Tú Tài anh đi Trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con.
Hòa bình trở lại nước non,
Anh về anh có Mỹ con anh bồng !

Nghe như là hài hước, nhưng thực ra lại vừa đắng cay vừa chua xót lẫy hờn !

Xin được khép lại LẠC ĐỆ TÚ TÀI là "Tú Tài rớt" ở đây. Hẹn bài viết tới !


杜紹德
Đỗ Chiêu Đức.

🌸🌸🌸🌸🌸🌸

Mời xem :PHIẾM VỀ : NHÀN,VÔ,BẤT,KHÔNG ( 3 Câu Hỏi và Bài Trả Lời 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...