Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

ĐỢI HAY KHÔNG ĐỢI

  Biết bao nhiêu người thua bởi chỉ một chữ “ĐI” trong cuộc đời.

        Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc. Khi gặp được thì vị thiền sư đã hỏi ông rằng:

“Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.

        Lúc đó Thân Loan trả lời:

       “Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia”.

        Vị thiền sư nói:

        “Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”.

       Thân Loan nghe xong liền nói:

      “Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”.

       Vị thiền sư nghe xong liền nói:

       “Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ”.

       Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi. Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”:

        Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

        Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi:

1 - Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

2 - Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

3 - Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

4 - Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

5 - Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được thanh xuân.

        Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy!

        Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.

(Sưu tầm từ TQĐ)

       Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ đến việc nhập môn trong Đạo Cao Đài. Theo luật qui định, nếu một người nào đó muốn nhập môn vào Đạo Cao Đài làm môn đệ Đức Chí Tôn, người có trách nhiệm ở Cơ quan Hành Chánh Đạo phải lập tức tổ chức buổi lễ nhập môn cho vị nầy ngay, nếu chần chờ đợi có dịp thận lợi hay đợi ngày lễ Đàn mới tổ chức thì lỡ họ qui vị sớm hơn mà không trở thành môn đệ của Thầy thì trách nhiệm thuộc về ai? Khi về Thiêng liêng ai là ngườnhận hậu quả trước Thầy Mẹ và các Đấng.

        Tài liệu có ghi lại trong lịch sử thành lập Thánh Thất Đa Phước Đà Lạt. Năm 1938, thời gian 12 năm sau ngày khai Đạo Cao Đài, Hội Thánh đã bổ nhiệm Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh (Trần văn Ngọ) từ tỉnh Long An đi lên Đà Lạt nghiên cứu xem có thể nào tìm cơ sở để truyền mối Đạo của Thầy lên vùng đất mới nầy không.

        Lúc bấy giờ, đa số dân sống trong khu vực Tánh Linh và Lâm Viên hầu hết là người từ miền Trung Việt, lên làm công nhân cho Pháp tại các mỏ đá hay sở trồng trà Cầu Đất. Sau đó, vua Bảo Đại ban hành dụ số 10 cấm hẳn việc truyền Đạo ra miền Trung. Tình huống lúc nầy thật là khó khăn cho việc truyền giáo. Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh vừa cầu nguyện Ơn Trên phò hộ, vừa bạo gan đi tiếp xúc với các viên chức địa phương để bộc bạch ý muốn xin được giúp đỡ cho Đạo Cao Đài. Gia đình đầu tiên ông đến là ông Nguyễn văn Chất, Chánh Tuần Kiểm (thường gọi là ông Chánh Cao) và vợ là bà Lê thị Nhân.

        May mắn thay, ông Chất và vợ là bà Lê thị Nhân chẳng những hứa giúp nhiệt tình cho Đạo mà còn muốn xin được nhập môn theo Đạo Cao Đài.

        Khi nghe ông bà muốn nhập môn, Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh liền tổ chức ngay buổi lễ nhập môn ngoài sân vi đèn nhang nghi ngút trước nhà của ông bà Chánh Tuần Kiểm. Hai vợ chồng ông đã chân thành quì hứa hướng lên tri cao trước sự chứng kiến của Lễ sanh Ngọ, xin giữ trọn lời minh thệ cho đến chết. Ông Chất về sau được bầu cử vào chức vụ Chánh Trị Sự Hương Đạo Đa Lợi.

         Từ đó, Đà lạt lập thêm Hương Đạo Tân Lạc, ông Chánh Tuần Kiểm giúp lập thêm Hương Đạo Xuân An, rồi hai Hương Đạo nữa được thành lập là Mỹ Thành và Phước Thành. Những ngày Sóc Vọng, đồng đạo khắp nơi qui còn tụ tại nhà ông Nguyễn văn Chất để cúng kiến và học Đạo.

        Thật là huyền diệu thay mà không có chữ ĐỢI/.

Hồ Xưa sưu tầm và bổ túc_________________________________________





1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...