Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Trẻ Con Xưa Và Nay: Ai Khổ Hơn?

Trẻ Con Xưa Và Nay: Ai Khổ Hơn?

Tôi có 2 đứa cháu nội: Đứa lớn 10 tuổi đã học lớp 3. Đứa nhỏ mới 5 tuổi còn học mẩu giáo. Nhìn sinh hoạt hằng ngày của hai cháu, tôi thường có ý nghĩ: "Trẻ con chúng mày thời nay sướng, thời xưa của ông bà khổ lắm". Về chuyện ăn uống nào là đủ thứ thức ăn, sữa uống bổ dưỡng theo lứa tuổi. Ngủ thì có điều hòa. Bệnh thì đủ bác sĩ chuyên khoa, thuốc men nội ngoại. Chơi thì đủ thứ đồ chơi từ thô sơ đến đồ chơi điện tử (cái kho trong nhà tôi để dành chứa các vật dụng ít xài thì nay nạp đầy đồ chơi trẻ em). Ba mẹ các cháu khi đi uống cà phê dắt các cháu theo cũng có “vườn chơi” ở quán cà phê. Giải trí thì smart TV, iPad cho chúng thưởng thức các phim hoạt hình, các bài hát tuổi thơ. Như vậy so với thời tôi còn nhỏ thật là một trời một vực. Chắc nhiều vị cùng thời với tôi cũng nghĩ vậy.
Rồi ngẫm nghĩ sâu xa hơn, suy cho cùng tận thì tôi thấy mình nghĩ sai và vị nào có cùng ý nghĩ như trên về con cháu của mình thì làm ơn nghĩ lại đi. Thời xa xưa thiếu thốn thật, nhưng chưa chắc trẻ con thời xưa đã khổ bằng đám trẻ thời nay đâu.
Thời xưa, chuyện học hành của lũ trẻ như tôi lúc đó nhàn hạ lắm. Học ít vô cùng, mà chơi nhiều hơn. Trẻ em ngày xưa, chỉ học một buổi, sáng hoặc chiều trong ngày, chương trình học cũng rất nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Hồi ấy, hiếm thấy đứa nào bị cận thị hay gù lưng, vẹo xương sống vì phải vác theo những chiếc cặp nặng trịch hay còng lưng ngồi làm bài tập liên miên. Cặp sách chỉ có vài quyển vở được bao bằng giấy báo, giấy bìa màu xi-măng, sang lắm là giấy gói quà loại mỏng và sách học, cái túi viết bằng vải đựng thước kẻ, viết chì, gôm và viết lá tre, thêm cái bình mực không đổ nữa là quá đầy đủ. Phương tiện đến trường chủ yếu của tụi nhỏ chính là xe “căng hải” (hai cẳng – đi bộ) mà ít đứa nào có dép. Mà trường đâu có gần nhà, phải năm bảy cây số. Do đó, cả đám gần nhà vì cùng xóm thường chờ nhau, xúm xít dàn hàng năm hàng ba, vừa dắt nhau đến trường vừa cười đùa ríu ran. Hiếm lắm mới có chuyện ba mẹ dắt con hay anh chị lớn chở em nhỏ bằng xe đạp đến trường. Học ít vào giờ chính khóa, nên bọn trẻ có rất nhiều thời gian để phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, hoặc tụ tập đi chơi cùng nhau. Bọn trẻ ngày xưa thường chơi những trò chơi dân dã, không tốn tiền và luôn cần thật nhiều người cùng tham gia chơi, càng đông càng vui. Chỉ cần một khoảng sân rộng, vài ba hòn đá, đồng mê chì, dây thun, cục cu li…. là đủ để lũ nhóc chơi đủ trò từ bắn bi, đánh đáo, cò quan hay bịt mắt bắt dê cũng đủ để những tiếng cười giòn tan vang lên. Những trò chơi phổ biến của các bé trai hồi đó là thả diều, đánh quay, bắn cu li; còn các bé gái đặc biệt yêu thích trò là nhảy dây và chơi chuyền đũa. Chỉ với những sợi dây thun bé xinh, các bé gái có thể tết thành những sợi dây dài miên man để chơi các kiểu khác nhau, đơn giản nhất là nhảy dây theo vòng tròn với nhịp độ nhanh – chậm linh hoạt để các bạn khác nhảy qua, phức tạp hơn là kiểu nhảy theo bậc, người chơi phải nhảy đúng bài và độ cao tăng dần, từ đầu gối đến khuỷu tay rồi kiễng chân… Tinh thần tập thể, đoàn kết (nói cho oai, chứ chủ yếu là rủ nhau đi chơi hoặc bảo vệ nhau những lúc bị ba mẹ phát hiện, đánh đòn) và kỹ năng sống của bọn trẻ hồi ấy rất tốt. Tối đến là đám trẻ như bọn tôi chạy như giặc ra đường. Một khoảng sân trống chơi trò đuổi bắt, một góc chơi trốn tìm, góc khác thì cò quan, banh đũa, nhảy dây, song phi… Đường xá thời đó tối đến là vắng hoe, dựng gạch đá banh giữa đường thi thoảng lắm mới có chiếc xe chạy qua. Chơi xong, về tới nhà là đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê toá lã, mệt nhưng vui. Sau này lớn lên, chính những trò chơi tuổi thơ lại là chất keo gắn kết những đứa trẻ năm xưa mỗi khi có dịp gặp lại nhau. Hơn thế nữa, trẻ con thời xưa chơi toàn là những môn vận động nên sức khỏe đứa nào cũng tốt. Có dính tí mưa, tí gió máy, thậm chí đá bóng sứt chân, dẫm phải mảnh thủy tinh thì cũng vài ngày là liền.


Còn ngày nay, việc học quả thực là một gánh nặng, không chỉ với các em nhỏ, mà còn chính cả với phụ huynh. Chương trình học kín mít hai buổi, rồi học thêm buổi tối, cuối tuần… liên miên mà có khi bài vở vẫn chưa hoàn thành hết. Chương trình học, với nhiều ông bà, ba mẹ quả thực là “khủng khiếp”, vì nhiều ba mẹ có học cao cũng không “nhai” nổi bài vở của con. Cứ nhìn vào chiếc cặp đến trường, đeo đến xệ vai vì đầy các loại sách vở của tụi nhỏ ngày nay thì hiểu. Chúng phải nỗ lực thế nào để hoàn thành chương trình học. Học ban ngày chưa đủ, tan trường, nhiều trẻ ngày nay lại phải theo học các lớp học thêm để theo kịp kiến thức. Nhiều khi, bọn trẻ về nhà khi trời đã tối mịt. Tiếng cười cũng thưa dần do những mệt mỏi, áp lực từ việc học. Kỹ năng sống, khả năng giao tiếp của trẻ nhỏ vì thế cũng kém hơn, và điều này, thật tréo nghoe, lại làm nảy sinh ra những khóa học mới về kỹ năng sống vào thời gian trống.
Với lịch “chạy show” kín đặc như thế, cộng với việc giao thông phức tạp, xã hội người xấu thì nhiều, người tốt thì ít nên không tin ai. Do đó, các bậc cha mẹ không thể để con đến trường một mình mà luôn đưa đón con tận nơi, hoặc cùng lắm thì để con đến trường bằng hệ thống xe đưa rước của nhà trường. Ngày nay, không hiếm chuyện nhiều cô cậu đã học cấp 3 mà vẫn chưa biết đi xe đạp, vẫn phải để ba mẹ đưa đón hàng ngày. Có lần mưa lớn ngập đường, tôi chứng kiến một cảnh tượng rất là “phản cảm”: Người mẹ ốm yếu dắt xe gắn máy mất lửa chết máy loạng choạng trên đường ngập, trên xe là “ông con” to đùng khoảng 70 kg chẳng ít mang khăn quàng đỏ đeo ba lô to phình “quíu chân” sợ bị ướt nước ngập. Trẻ con thời nay tối đến là ngồi chết dí trong nhà, nếu không phải è cổ học hết môn trên lớp tới môn phụ đạo, thì cũng cắm mặt vào Iphone, Ipad, Smart phone chơi điện tử hoặc xem hoạt hình. Hàng xóm láng giềng thì ít được giao lưu, trẻ con chỉ biết duy nhất ông bà, ba mẹ hoặc cùng lắm thì họ hàng, bạn cùng lớp. Lớn lên, những ký ức tuổi thơ của chúng sẽ là gì đây? Thi thoảng ba mẹ cho ra công viên chơi, lỡ gặp hôm trái gió trở trời thì y rằng mũi họng lại thậm thịch. Nhẹ thì sổ mũi, viêm họng, nặng thậm chí còn viêm phổi. Vì sức đề kháng của trẻ con thời nay kém rất xa so với trẻ con thời xưa một phần vì chúng ít vận động, một phần vì ở các đô thị không khí đều ô nhiễm nặng.
Cũng vì việc học hành ngày xưa không mấy nặng nề, nên nghỉ hè là nghỉ hè đúng nghĩa. Hiếm khi khái niệm “học phụ đạo hè” tồn tại trong những tháng nghỉ ngơi của bọn trẻ. Ba tháng hè, trẻ con thời xưa thường được vui chơi xả láng với đủ thứ trò chơi mà bọn trẻ nghĩ ra được như tắm suối, bắt chuồn chuồn, thả diều…. Trẻ con thời xưa chạy đâu cũng có chỗ chơi. Đường phố bình yên, ba mẹ có thả con ra đường chơi cả tối cũng chẳng cần lo lắng nhiều. Cha mẹ thời ấy cũng vất vả làm việc, bận rộn chẳng kém thời nay, nên những tháng hè, bọn trẻ thường tụ tập tự chơi với nhau, thậm chí tự học cách xoay sở chuyện cơm nước, tự chăm sóc mình khi ba mẹ vắng nhà.
Còn ngày nay? Có cảm giác, kỳ nghỉ hè của trẻ em càng lúc càng ngắn hơn. Có hàng nghìn lý do để ba mẹ rút ngắn kỳ nghỉ hè của con mình, nào là phải học các môn năng khiếu như múa hát, mỹ thuật, nào là phải học thêm (học trước chương trình năm học mới) ở nhà cô giáo hoặc trung tâm để năm học mới không bỡ ngỡ… Thế là, ba tháng hè chỉ còn là lý thuyết, trên thực tế, nhiều trẻ chỉ được nghỉ khoảng 2 tuần, và hoàn toàn xa lạ với những trò chơi mà thế hệ xưa từng mê mẩn. Và có vẻ, ba mẹ ngày nay còn bận rộn hơn nữa, khi cứ đến kỳ nghỉ hè của con, dù đã rất ngắn rồi, nhà nhà vẫn cuống cuồng chuyện tìm lớp cho con và tìm chỗ gửi con, vì không thể an tâm để chúng ở nhà một mình. Trẻ con ngày nay được cưng chiều hơn rất nhiều, và nhiều ba mẹ với quan điểm: Con chỉ việc học, tất cả việc khác đã có bố mẹ lo, đã biến chúng thành những chú “gà công nghiệp”. Một ngày không có lớp để học, không có người kè kè chăm sóc thì ba mẹ không an tâm, đó là một vấn đề lớn với trẻ em ngày nay.
Trẻ con thời nay biết chơi ở đâu? Công viên thì xa, lắm tệ nạn. Đường xá thì xe cộ chạy suốt ngày, vỉa hè bị chiếm dụng, ra đường ngay ngáy lo bị bắt cóc. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ chui vào trung tâm thương mại, siêu thị, đi một vòng ăn cái xúc xích, ngắm ít quần áo, chơi game rồi về. Trẻ con thời nay tí tuổi đầu mà cái gì cũng biết. Iphone của mẹ, Ipad của ba mở liền tay, tự tìm vào Youtube, tự tìm phim ngồi xem vài tiếng.
Trẻ con thời xưa ngốc đặc. Đầu phố có ông mua được cái truyền hình Denon Perfectvision đen trắng có chân, cả xóm kéo đến xem cải lương mỗi tối thứ bảy. Ông chủ truyền hình già rồi nên đi ngủ sớm, dặn lũ trẻ xem xong thì tắt truyền hình dùm ông. Cả lũ ngốc xem xong không biết tắt thế nào, cứ ngồi đực ở đó đến khuya ba mẹ sang gọi mới về.
Có một chuyện thú vị là bọn trẻ con ngày xưa… ở dơ hơn trẻ con bây giờ nhiều lắm! Chúng có thể ăn uống rất linh tinh vớ vẩn những thứ như quả ổi, trộm me, trộm xoài nhà hàng xóm rồi chén ngay khi còn vắt vẻo trên cây. “Sang” hơn là các món vặt vãnh như cà rem, kẹo kéo, ô mai, đá nhận si rô … mà chả mấy khi phải nghĩ ngợi mấy đồ ăn đấy có an toàn hay không. Ước mơ của mọi đứa trẻ khi xưa là được mẹ cho vài cắc, hoặc gom mớ ve chai trong nhà bán đi để đổi lấy những thứ quà vặt hấp dẫn kia.
Ngày nay, trẻ con được ba mẹ chăm sóc rất kỹ lưỡng, không bao giờ có chuyện ăn uống mấy thứ từng là “đặc sản” với thế hệ trước. Cha mẹ ngày nay thường chỉ cho con ăn hoa quả, đồ ăn vặt kiểu phô mai, xúc xích, yaourt… mà phải thứ nhập khẩu cho đủ “chất”, hoặc cùng lắm là cho bọn trẻ ăn thức ăn nhanh và các loại nước ép, trà sữa, nước ngọt, tốn kém hơn rất nhiều.
Chuyện tắm của trẻ con ngày xưa và ngày nay cũng khác nhau. Như trẻ con ngày xưa, bọn trẻ ngày nay cũng rất thích việc dầm mình trong những cơn mưa rào bất chợt, thích được chạy nhảy trong mưa và hất tung những giọt nước của trời lên người mình. Với trẻ con ngày xưa, mỗi trận mưa rào đổ xuống mùa hè là một lần vui như hội. Không ai bảo ai, mỗi đứa đều nài nỉ bố mẹ cho được tắm mưa, rồi sau khi được phép thì liền ào ngay ra đường, nơi có những “chiến hữu” đang đợi sẵn. Chúng bày đủ mọi trò chơi dưới mưa. Hết rượt đuổi nhau trong mưa, ném bùn đất vào nhau, xây lâu đài, hoặc đào những hố nhỏ rồi đào kênh dẫn cho nước chảy vào… Nhưng ngày nay, thường thì các ba mẹ, dù từng có một quá khứ chinh phục ao hồ sông suối, lội bùn tắm mưa, khó có thể chấp nhận rủi ro về sức khỏe cũng như sự sạch sẽ của con mình mà thả rông cho chúng chơi với nước mưa. Và việc để cho lũ trẻ chạy rong trên nền đất sình lầy, dưới cơn mưa lạnh lẽo có lẽ là không tưởng. Làm sao những ông bố, bà mẹ nuôi con theo khoa học dám để con trầm mình dưới làn nước ào ào như thác đổ, khi mà có biết bao nhiêu thứ dơ bẩn đang ẩn mình trong đó? Để an toàn, bọn trẻ ngày nay sẽ được chơi nước trong những bể bơi nhân tạo, biển nhân tạo được kiểm soát chất lượng nước cũng như có người trông nom. Hiếm thấy đứa trẻ thời nay được tắm mưa thoải mái, hay nhảy òm xuống ao, hồ nào đó mà tập bơi, đùa nước.
Nhưng trẻ con thời xưa được ba mẹ dạy kỹ năng sống rất tốt. 5, 6 tuổi là biết dọn mâm phụ ba mẹ, biết xới cơm, biết tự tắm rửa, tự đánh răng. Bố mẹ đi làm cả ngày, ở nhà tự chăm sóc bản thân, không mè nheo.
Trẻ con thời nay Iphone biết mở, nhưng đôi giày không biết buộc dây. Đi học lớp 1 mà cơm vẫn chưa tự xúc. Đọc vanh vách các kiểu tóc hợp mốt, nhưng tóc thậm chí còn không biết chải, biết buộc.
Trẻ con thời xưa được bố mẹ mua cho món quà gì thi coi như báu vật.
Trẻ con thời nay dư thừa vật chất, đồ chơi mới dùng được 3 bữa là vứt, đòi cái mới hơn.
Trẻ con thời xưa đến Tết mới có quần áo mới mặc. Quý lắm, ôm bộ quần áo đi ngủ, mặc mãi không chịu thay.
Trẻ con thời nay quần áo đẹp mặc quanh năm. Tết đến có mặc đồ mới hay cũ cũng chẳng quan trọng nữa.
Trẻ con thời xưa thiếu thốn, nhưng cuộc sống luôn đầy màu sắc và những niềm vui đi theo suốt cuộc đời.
Trẻ con thời nay năng động hơn, thông minh hơn, đẹp hơn, nhưng học hành cũng vất vả hơn, hiểu biết về giá trị cuộc sống cũng thấp hơn.
Có thể thấy, dù thiếu thốn về vật chất nhưng đời sống tinh thần của trẻ con ngày ấy có thể khiến thế hệ trẻ bây giờ phải thèm thuồng, và nhiều người lớn xót xa: Ước gì họ có nhiều thời gian, và không gian hơn, dành cho tuổi thơ của con mình.

Ai nói trẻ con thời xưa khổ hơn nào? 

Lê Trung Ngân

🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾

Mời Xem :Trả Tôi Về Những Ngày Xưa - Lê Trung Ngân

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...