Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

KIÊN TÂM ĐỂ SỐNG ĐỘC LẬP (Bài số 5 trong Phúc Ông Trăm Truyện )

 KIÊN TÂM ĐỂ SỐNG ĐỘC LẬP

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi     



Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Đối với người sống độc lập, nếu muốn đạt được mục tiêu trọng đại nhất này và lưu truyền lại cho con cháu hay thế gian mai sau, phải luôn kiên tâm, trì chí duy trì sống độc lập, không được chểnh mảng giây phút nào.

“Cái này là chuyện nhỏ”, “Chỉ có chừng độ này thì sao cũng được, bất tất phải lưu tâm để ý”, “Không phải là không có lưu tâm, nhưng chỉ là hai hay ba cái trong 100 cái, nếu có sai lầm gì, sau này cũng bù trừ lại được”, có người nói những lời trên để tự tha thứ, khoan hồng những lỗi lầm cho lời nói, việc làm của mình. Kế đến họ bẻ cong khí tiết, chí hướng của bản thân. Có thể nói đó là những người không có kiên tâm, trì chí để sống độc lập.

Ngày xưa có một võ sĩ ở phiên Kyushyu (1), ông rất thích trà đạo (2). Trà đạo là thú vui của ông, 365 ngày của năm không có ngày nào mà ông không uống trà đạo.

Có một thời kỳ, phiên có bổn phận phải đi đến chầu Tướng quân ở Edo theo định kỳ. Khi đi ông mang tất cả dụng cụ cần thiết của trà đạo. Mỗi ngày khi đến quán trọ trên đường Tokaido đến Edo, không màng đến mệt nhọc của hành trình trong ngày, vội vã đi nhóm lửa sắp xếp dụng cụ và nơi làm trà đạo. Nếu không có ai đối ẩm, ông vẫn một mình thưởng thức trà, giống như ngày thường ở nhà ông vậy. Dù trên đường xa từ Kyushyu đến Edo, chiều nào cũng làm trà đạo không bỏ qua ngày nào.

Có lẽ các võ sĩ khác cùng đi theo ông ai thấy cũng cho là phiền phức nên khuyên ông ta: “Có cái thú vui trà đạo không phải xấu, nhưng thật bất tiện khi đi đường bận rộn, sao không chờ đến Edo rồi thong thả thưởng thức có hơn không?” Người võ sĩ thích trà đạo ngồi yên lặng điềm đạm trả lời: “Các ông lo lắng cho tôi, tôi rất cảm ơn, nhưng một ngày trong lúc đi đường cũng là một ngày của cuộc đời con người.”

Tóm lại có thể nói cái chí hướng về trà đạo của người võ sĩ ở phiên Kyushyu rất là sâu đậm, ông một mực kiên tâm và trì chí sống với cái chí này trong suốt cả cuộc đời ông.

Bản thân tôi cũng có một chuyện tương tự nhưng kết quả thì khác. Sự thật là một thất bại do không kiên tâm.

Khoảng 15 năm về trước, ông bạn Oura Jyuntaro ở trường đại học Keio đã tặng tôi một cái nghiên mài mực bằng đá lấy được ở khe núi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Tôi rất yêu thích cái nghiên mực này, lúc nào cũng để bên mình không cho người trong gia đình đụng tới. Trong suốt 15 năm ngày nào tôi cũng tự rửa xem như bảo vật quý nhất đặt trong phòng sách.

Nhưng vào năm trước không nhớ vào tháng nào, sửng sốt đến nỗi quên cả ngày tháng. Vào một ngày trong khi đang tập trung suy nghĩ để viết gì đó, bỗng thấy nghiên mực dơ nên vừa nghĩ ngợi chuyện khác vừa gọi người giúp việc: “Đem rửa gấp nghiên mực giúp tôi”. Nói xong lại thêm: “Tôi rất quý trọng nghiên mực này, hãy rửa cẩn thận”. Vì chăm chú suy nghĩ nên vừa nói vừa trao nghiên mực chứ không nhìn biết người giúp việc là ai.

Một lúc sau người giúp việc tới quỳ phục bên cạnh bàn làm việc nói: “Tôi rửa nghiên mực ở nhà bếp vô tình đụng vào cái tô nghiền hạt nên nó vỡ mất rồi”. Lúc đó tôi đã bắt đầu tỉnh lại sau khi đã chăm chú suy nghĩ nên sửng sốt khi nghe kết quả “động trời” này. Nhưng có la mắng người giúp việc cũng không ích lợi gì nên chỉ thốt: “Thật không thể tưởng nổi” rồi thôi.

Thật lòng mà nói, trong khi chăm chú trong công việc khác, vô ý trao vật yêu thích nhất không cho ai đụng đến trong 15 năm dài cho người khác, và vì một lần sai lầm lần đầu tiên mà vật yêu quý bị vỡ. Chung quy không phải lỗi lầm của người giúp việc nhưng do lơ đãng, mất chú ý của người chủ. Nguyên nhân là do kiên tâm, trì chí kém cỏi, lơ lỏng trong giây lát gây ra.

Nếu thật sự trân trọng vật yêu thích trong nhiều năm dài tại sao không tự mình rửa. Thường ngày luôn trân trọng nghiên mực, tại sao chỉ trong chốc lát lại quên, không phải do bản thân mình ngu ngốc là gì?

Có thể nói nguyên nhân là do tập trung suy nghĩ về đề tài hay cách viết vào lúc đó, nhưng phải nói kết quả như trên là do mất chú ý (lơ đễnh) hay mất phán đoán sáng suốt thường ngày là đúng hơn. Sau khi tự hỏi tự đáp vấn đề, cuối cùng người chủ nghiên mực không có lời bào chữa, chỉ biết tự hổ thẹn lấy mình.

Câu chuyện trên chỉ đơn giản về chuyện một nghiên mực, được hay mất cũng không đáng để vui hay buồn, nhưng mọi việc của con người có nhiều việc rất giống chuyện nghiên mực nói trên.

Những người theo Tây học, hấp thụ giáo dục từ nhỏ, ra sức học, lúc tốt nghiệp ra trường quyết ý từ nay khi bước vào cuộc sống thực tế, tự lấy mình làm trọng, ít nhất phải sống độc lập trong sinh hoạt gia đình và xã hội. Lời nói, cử chỉ thật là khí phách, cao thượng.

Tuy nhiên, các đấng nam nhi chủ trương sống độc lập này sau trưởng thành vào làm việc ở quan trường (cơ quan hành chánh nhà nước) hay trong giới thương mại. Quan trường có những thói quen riêng, sự tình riêng của quan trường. Giới thương mại cũng có vô số thói quen, cách làm cổ xưa.

Tiến bên phải thấy có chướng ngại nên tránh sang phía trái, nhưng bên này cũng không được như ý. Dần dà đến tuổi 30, kết hôn lập gia đình theo lời khuyên của người khác. Trong sinh hoạt gia đình hay giao thiệp bên ngoài, cái thiếu thốn nhất là tiền bạc. Tiền dùng cho sinh kế gia đình và giao thiệp không được như ý, dần dà chịu ảnh hưởng của thế gian, trôi theo dòng nước đục. Nếu không mất hết tinh thần độc lập đã có thì cũng cho rằng: chỉ thỏa hiệp chừng đó sẽ không gây hại đến tinh thần sống độc lập của mình, rồi đành chịu bẻ cong mình, cái này cái kia cũng nhắm mắt bỏ qua, đôi lúc tự mình gạt lấy mình. Trường hợp xấu hơn, viện cớ “bây giờ chỉ bẻ cong một, sau này làm thẳng lại mười cũng không có gì xấu” để tự mình bẻ cong nguyên tắc của mình. Những người như vậy không phải ít. Thật là đáng tiếc!

Có người sau khi du học nhiều năm ở nước ngoài, khí thế khi trở về Nhật Bản rất hùng tráng, ai thấy cũng cho rằng những thanh niên này hiểu ý nghĩa thật sự của sống độc lập là gì. Nhưng không ai ngờ, chẳng bao lâu các thanh niên này bị nhuộm các thói quen, cách làm trong nước, trở thành con người có thân xác, tinh thần yếu đuối, không có lòng vị tha, chẳng khác gì với nhiều người khác. Những thí dụ này tôi đã thấy nhiều trong thực tế.

Do đó, người đàn ông khi lập chí, trước tiên định hướng cho mình dĩ nhiên là quan trọng, nhưng một khi đã quyết định phương hướng cho mình rồi không nên thay đổi, phải kiên tâm một mực theo cái chí đã quyết định là việc quan trọng hơn.

Câu chuyện võ sĩ ở phiên Kyushyu thích trà đạo là thí dụ của trường hợp lòng kiên tâm vững bền, tiếp tục lâu dài. Còn thí dụ cái nghiên mực của tôi là thí dụ lòng kiên tâm bị đứt giữa chừng, là thí dụ của thất bại. Mặc dù chỉ là hai câu chuyện nhỏ, nhưng nếu suy ngẫm kỹ tự nhiên sẽ hiểu thấm ý nghĩa từ hai câu chuyện này.

Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2021

Nguồn: Truyện số 5 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của
Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

Chú thích:

(1) Phiên là vùng đất của lãnh chúa trước thời Minh Trị, toàn quốc gồm khoảng 305 phiên. Vào ngày 14 tháng 7 năm Minh Trị thứ 4 (29/8/1871) chính phủ bỏ phiên lập tỉnh. Ban đầu có 3 phủ 302 tỉnh. nhưng vào tháng 10~11 cùng năm tu sửa lại còn 3 phủ 72 tỉnh. Đến năm 1889 (Minh Trị thứ 22) tu sửa còn 3 phủ 43 tỉnh. Phiên Kyushyu cách rất xa Edo, ở đảo ở phía nam đảo Honshyu của thành phố Edo, Tokyo ngày nay.
(2) Trà đạo: nấu nước sôi, pha trà và cùng khách thưởng thức.

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...