Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

ĐẠO PHẬT NHƯ TÔI HIỂU Tăng quốc Kiệt

 Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, tôn giáo ấy là Phật giáo - Albert Einstein -

Nhớ lời học giả Nguyễn Hiến Lê mà tôi coi như thầy, ông dạy: muốn hiểu rõ điều gì thì nên viết về điều đó, vì nó giúp ta có cơ hội tìm hiểu sâu xa hơn, tôi mạo muội viết về một đề tài không dễ là Phật học.
Tôi xin nói rõ tôi không phải là một phật tử đã qui y tam bảo, tôi chỉ nhìn đạo phật từ bên ngoài, ở chỗ đứng của một học giả (chứ không phải học thật!) và ráng theo lời đức thế tôn mà làm lành lánh dữ, để cho thân tâm được an lạc.
Tôi viết đầu tiên cho chính tôi, để có quên thì xem lại, thứ nữa xin gởi đến độc giả chưa hiểu về những điều cơ bản của đạo phật, đọc để khỏi mất thì giờ tìm hiểu như tôi. Khi viết, tôi cố gắng giản dị hoá để người đọc dễ hấp thu, nên phải lược bỏ nhiều chi tiết, vì đạo phật quá cao thâm, không dễ gì đạt được chính kiến nếu không bỏ công tu tập và tinh tấn rèn luyện.

Vì sao đức Phật đã bỏ cung vàng điện ngọc để đi tu?

Theo Phật, chúng sanh đều mê lầm cho đời là vui vì có ngủ dục lạc:
     

     1/ Tài (tiền).
     2/ Sắc (đẹp).
     3/ Danh (Vọng).
     4/ Thực (Ăn ngon).
     5/ Thuỵ (Ngủ kỉ).
Trái lại, Phật thấy đời sống là bể khổ, có 8 thứ khổ mà 4 thứ mọi người đều biết là sanh, lão, bệnh, tử, thêm vào đó là :
- Ái biệt li: phải xa lìa người thân yêu là khổ.
- Oán thán hội: phải gặp hoài kẻ thù mình không muốn gặp là khổ.
- Cầu bất đắc: muốn mà không đạt được.
- Ngũ ấm thạnh khổ: sinh ra đủ thứ bịnh tật.

Cứu cánh của việc tu là để làm gì ?

Tu là để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, để đạt được niết bàn, còn gọi là chốn vô sinh, để khỏi phải đầu thai trở lại một trong sáu nẻo luân hồi gọi là lục đạo.
       Có 3 thiện đạo: cõi trời , cõi người, atula.
       Có 3 ác đạo: súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục. 
Cõi trời, ví dụ như nơi ở của Phạm Thiên (Brahma), Đế Thích (Indra), là 2 nhân vật đã khẩn cầu đức Phật ở lại thế gian để dạy chúng sinh cách đạt được giải thoát, các chư thiên ở cõi trời, vẫn chưa thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, phải tu tiếp mới thoát ra được.
Atula, dịch nghĩa là Phi thiên (một chức thần) có khi hạnh phúc hơn loài người, ở vị trí các chư thiên cấp thấp, sống trên núi tu di (Méru), có khi đau khổ hơn loài người, là loài chống lại các chư thiên.
Trong luân hồi, sinh ra làm người là cơ hội quí báo để tu hành giúp đạt giác ngộ.
Bài giảng đầu tiên của đức Phật ở vườn Lộc Uyển là tứ diệu đế, tức 4 chân lí cơ bản của giáo pháp nhà Phật, cùng với thập nhị nhân duyên, là do chính đức Phật đã khám phá ra, còn về luân hồi, nghiệp báo, đã có trước khi đạo Phật ra đời gốc từ Ấn Độ giáo.

     1/ Khổ đế: chân lí về sự khổ. 
Trong kinh Chuyển Pháp Luân, Phật dạy: này các tì kheo, đây chính là khổ thánh đế, sinh là khổ, bịnh là khổ, thân ái biệt li là khổ, chết là khổ, oán ghét mà phải gặp nhau là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ.
     2/ Tập đế: chân lí về sự phát sinh của khổ, là do ham muốn, là gốc của luân hồi.
     3/  Diệt đế: chân lí của sự diệt khổ.
     4/  Đạo đế: con đường dẫn đến diệt khổ bằng bát chính đạo.
Sự không hiểu tứ diệu đế gọi là vô minh.
Con người được tạo ra do 5 uẩn, là 5 yếu tố bao gồm toàn bộ thân tâm, ngoài ngũ uẩn ra, không có cái gì khác gọi là cái ta, tất cả đều là vô thường (sự vật không bao giờ tịnh, mà luôn chuyển động, luôn biến đổi), điều này được các nhà khoa học hiện đại ghi nhận là bản chất của toàn thế gian không có ngoại lệ
Đức Phật dùng năm hình ảnh sống động để mô tả bản chất phù du, huyền ảo của 5 uẩn:
     Sắc như khối bọt.
     Thụ như bong bóng nước.
     Tưởng như ảo ảnh.
     Hành như cây lục bình ruột xốp.
     Thức như ảo tưởng.

A/ Về vật chất có:

      1/ Sắc, chỉ sự nhận biết mình có thân và 6 giác quan, gọi là lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), thân do bốn thứ tạo thành: đất, nước, gió, lữa . Đất là phần đặc của cơ thể, như xương, thịt, cơ, da, gân… Nước: máu, huyết, mồ hôi, nước tiểu. Gió: hơi thở.
Lữa: thân nhiệt.

B/ Về tinh thần có :

      2/ Thụ: toàn bộ cảm giác, dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính.
     
 3/ Tưởng: là nhận biết các khác biệt của âm thanh, cảm giác, màu sắc, mùi vị kể cả nhận biết ý thức ta đang hiện diện.
      4/ Hành là những hoạt động tâm lí, sau khi có tưởng, ví dụ: đánh giá, chú ý, ưa thích, ghét bỏ...
     
 5/ Thức bao gồm 6 dạng ý thức, liên hệ tới 6 giác quan.
Ngũ uẩn là 5 ràng buộc mà chỉ có Phật hoặc A la hán mới không bị dính mắc.

Nhân đây xin nói qua về lục căn 6 giác quan đối tượng của 6 lục trần.

Lục căn                                                                                Lục trần
Mắt (nhãn).                                                                           Sắc (để thấy)
Tai (nhĩ).                                                                              Thanh (để nghe)
Mũi (tĩ).                                                                                Hương (để ngữi)
Lưỡi (thiệt).                                                                          Vị (để nếm)
Thân.                                                                                    Xúc (tiếp xúc )
Ý (Khả năng suy nghĩ)                                                         Ý (suy nghĩ) 
Vì lục căn (nội thân) tiếp xúc với lục trần (ngoại cảnh ) luôn luôn có sức mê hoặc, để lục căn không bị lục trần cám dỗ, ta phải giử cho tâm được thanh tịnh.
Theo hoà thượng Thích Thanh Từ, khi thiền thì phải định (thiền định) ở lục căn, nhìn thấy chân tâm, chớ để lạc qua lục trần. lấy ví dụ, ta thấy một bé gái, chớ nghĩ lan man, em bé này dể thương quá, chắc lớn lên sẽ trở thành một cô thiếu nữ đẹp, v.v…, ví dụ khác, thấy một đoá hoa đẹp, đừng nghĩ đến chuyện hái hoa tặng người yêu.
Trong Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh có đoạn: viễn li điên đảo vọng tưởng.Thực tập thiền định thì phải xa lìa điên đảo vọng tưởng, phải định ở lục căn, tránh lạc qua lục trần.

Thập nhị nhân duyên

Là một giáo lí quan trọng nhất của đạo Phật, nguyên lí này chỉ rỏ, mọi hiện tượng tâm lí, vật lí tạo nên đời sống, đều nằm trong các mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng 12 yếu tố, các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong luân hồi, các nhân duyên (nhân : nguyên nhân chính, duyên : điểu kiện phụ ) gồm:


A/ Đời sống trước đây:
        1/ Vô minh: sự không hiểu tứ diệu đế (khổ, tập, diệt, đạo), không hiểu khổ là tính chất căn bản của đời sống.
        2/ Vô minh sinh hành, tức hành động tạo nghiệp, gồm 3 dạng: thân, khẩu, ý. Hành động có thể tốt, xấu, hay trung tính. (Xin mỡ dấu ngoặc ở đây, nghiệp quan trọng ở chổ nếu có ý xấu, dẫu chưa thực hiện, hoặc chưa nói ra lời tàn nhẫn, cũng bị nghiệp xấu. Ví dụ: người có ý sát nhân, dẫu chưa giết người, vẫn bị nghiệp xấu, trái lại, một bác sĩ, lúc nào cũng nghĩ và làm chuyện cứu người, giúp đời, gặp phải trường hợp bịnh khó ngoài khả năng, thiếu kiến thức để bịnh chết, thì không bị nghiệp xấu. Lấy một thí dụ khác, đang lái xe, có con sóc chạy băng qua đường, cán chết con sóc, vì vô tình thì không bị nghiệp xấu, vì không có ý giết nó).


B/ ĐIều kiện và nguyên nhân sinh thành đời sống sau này.
        3/ Hành sinh thức: làm nền tảng cho đời sống mới, thai đi vào bụng mẹ, sự lựa chọn cha mẹ dựa theo hành tốt xấu qui định.
        4/ Thức sinh danh sắc, là toàn bộ tâm lí, vật lí, của một bào thai mới, do ngũ uẩn tạo thành.
        5/ Danh sắc sinh lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
        6/ Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là xúc.
        7/ Xúc sinh thụ, là cảm nhận của con người với thế giới bên ngoài.


C/ Kết quả trong đời sống này:
        8/ Thụ sinh ái: tham ái là lòng ham muốn, phát sinh từ vô minh.
        9/ Ái sinh thủ: là điều cá nhân muốn chiếm đoạt cho riêng mình.


D/Đời sống tương lai:
        10/ Thụ dẫn đến hữu: là toàn bộ điều ta còn gọi là tồn tại, sự sống v.v..
        11/ Hữu dẫn đến sinh: một cá nhân mới xuất hiện.
        12/ Do sinh nên có lão tử, vì có sinh thì có diệt

Đoạn thập nhị nhân duyên nói trên dựa theo tự điển Phật học

Bát chính đạo

Trong phần trước, chúng ta đã nói đến tứ diệu đế, trong đó có nói đến đạo, là con đường phải theo để diệt khổ, gồm 8 nhánh:
       1/ Chính kiến: biết rõ ràng, xác đáng về tứ diệu đế và giáo lí vô ngã ( Không  có một cái ngã trường tồn, bất biến,nhất quán, tồn tại độc lập, nằm trong sự vật, như vậy không có cái tôi, chỉ có tập hợp của ngũ uẩn,mà ngũ uẩn thì luôn luôn thay đổi, vì vậy cái tôi chỉ là một sự giả hợp gắn liền với cái khổ)
      2/ Chính tư duy: suy nghĩ, suy xét về ý nghĩa không sai lầm của tứ diệu đế.
      3/ Chính ngữ: không nói dối, nói phù phiếm.
      4/ Chính nghiệp: tránh phạm giới luật.
      5/ Chính mệnh: tránh các nghề nghiệp sác sinh như đồ tể, thợ săn, bán vũ khí, bán thuốc phiện làm hại người v.v..
      6/ Chính tinh tấn: phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu.
      7/ Chính niệm: tinh giác trên ba phương diện: thân, khẩu, ý.
      8/ Chính định: tập trung tâm ý để đạt đến 4 định xuất thế gian hay 4 xứ tức 4 cái tâm thức mà phép tu thiền có thể đạt đến của vô sắc giới.

Tứ vô lượng tâm: 

Chúng ta thường nghe người phật tử nói từ, bi, hỉ, xả, vậy ý nghĩa của các từ này là gì ?

     1/ Tâm từ: là cái làm cho tâm êm dịu, đối lại là sân hận, oán ghét, bực mình. Không phải là tình thương có liên quan đến nhục dục, đây chỉ là lòng thành thật, ước mong cho tất cả chúng sinh được an lành vui vẻ.

     2/ Tâm bi: làm cho ta rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái làm xoa dịu nổi khổ của người, muốn giúp người thoát khỏi cảnh khổ.
     3/ Tâm hỉ: lòng hoan hỉ trước hạnh phúc của người khác, đối lại là lòng ganh tị. 
     4/ Tâm xả: theo sát nghĩa là nhận định vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, đây là tình trạng bình thản của tâm.

Người phật tử phải thực hành ngũ giới và lục độ.

A/
 Ngũ giới là năm điều răn:
     1/ Bất sát: không sát sanh.
     2/ Bất đạo: (như đạo tặc) không trộm cắp, lấy của người khác.
     3/ Bất tà dâm, chỉ một vợ, một chồng.
     4/ Bất vọng ngữ: không nói càn, nói dối, bịa đặt, không vu oan giá hoạ cho ai.
     5/ Bất ẩm tửu: không uống rượu, vì say sưa làm mất trí khôn, làm càn, gây tai vạ.

B/ Lục độ: giúp ta ra khỏi bến mê.
     1/ Bố thí: gồm tài thí, giúp người bằng tiền của, cơm gạo, pháp thí, dem tài trí thuyết phục người ta làm điều lành.

     2/ Trì giới: giữ vững năm điều răn, ngừa điều ác từ thân, khẩu, ý.

     3/ Nhẩn nhục: để trị sự tức giận, nóng nảy.
     4/ Tinh tấn: nổ lực để làm điều lành.
     5/ Thiền định: chuyên tâm lên điều gị để khỏi tán loạn ra điều khác.
     6/ trí tuệ bát nhã, soi rõ hết thảy, thông đạt các lẽ.


Còn nhiều điều quan trọng khác về đạo Phật như: Tánh Không, Vô Thường, Vô ngã, Sắc và không, nhưng bài viết này đã khá dài, sẽ nói đến ở một dịp khác.


Có người đã qui y tam bảo, vào chùa làm công quả nhiều năm, vẫn than thở sao chưa tìm được an lạc trong tâm hồn. Không thể nào tìm thấy an lạc thật sự khi ở chùa thì ganh tị với người, về nhà thì cằn nhằn chồng, không vừa ý con.
Khi tu trước hết phải học kinh sách (văn tự bát nhã), sau đó phải chiếu kiến là dùng trí tuệ để soi xét cho rõ chuyện mình làm, hầu đạt đến thật tướng bát nhã để thành đạo.

Hoà thượng Thái Hư có dạy rằng: nếu chỉ thuộc kinh sách, mỗi ngày tụng niệm, thì chỉ đạt đến văn tự bát nhã, nhưng muốn qua sông mà chỉ ngồi dưới thuyền, không dùng chèo bơi, tức không dùng chiếu kiến bát nhã, thì không thể nào qua sông được, tu hoài như vậy thì trọn đời chẳng đạt được điều gì hết, chẳng bao giờ sang được bờ bên kia (đáo bỉ ngạn), dẫu có tu mấy mươi năm cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu, cứ ở mãi dưới thuyền cho tới khi thuyền mục cũng không rời khỏi bến mê.


MONTREAL 2/ 2021

 Tăng Quốc Kiệt

 

 

Tài liệu tham khảo:

 

1- Phật giáo nhìn toàn diện. Phạm Kim Khánh dịch.

2- Phật giáo, Trần Trọng Kim.

3- Phật giáo triết học, Phan Văn Hùm.

4- Từ điển Phật học (ban biên dịch đạo uyển)

5- Bát nhã tâm kinh(bài giảng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ)

6- Đức Phật và Phật pháp.

7- Bouddha: Karen Ármstrong.

8- Maha Bát nhã đa la mật đa tâm kinh (bản dịch Trần Trọng Kim)

                                      (bản dịch Tuệ Sỹ)

9- Vũ trụ trong một nguyên tử, Đa lai lạt ma-14

      Trần Uyên Thi dịch.

10- Lược sử Phật giáo.( A short history of Buddhism) Edward Conze


Dung Ho Khanh chuyển

 

 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...