Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Trả Tôi Về Những Ngày Xưa - Lê Trung Ngân

 

Mấy tuần nay, hai đứa cháu nội nghĩ hè nên đi lên nhà dì tụi nó ở Tân Lập chơi, khi về nhà lại hai cháu luôn miệng nhắc về cuộc chơi ở nhà dì rất vui vẻ. Tôi chợt nghĩ: Đúng là ba mẹ tụi nó tính toán cũng hay vì ở với tôi là nhà phố chật chội nên các cháu không được các trò chơi cần sân rộng để chạy nhảy, vui đùa. Nhớ lại, tôi hay đăng trên Facebook những bài về thời còn trẻ con nhưng được like và comment nhiều. Cũng lạ là những like, comment đó lại rơi vào các bạn tuổi không còn trẻ và bài của tôi làm mọi người nhớ về ngày xưa da diết. Hình như cũng có nhiều người cùng tâm trạng này, nên họ chia sẻ những trang chuyên đăng tải hình ảnh tinh nghịch của trẻ con ngày xưa, với những status như: “Ai biết trò này chắc cũng đã U40 trở lên”, “Xin trả tôi về những ngày xưa nhỏ bé”, “Cảm ơn đời vì đã cho tôi một tuổi thơ không có Internet”…
Có lẽ với bất kỳ ai, tuổi thơ luôn là tuổi hồn nhiên vô tư, gắn với nhiều kỷ niệm thân thương nhất. Với tôi, dẫu đã trải qua những năm tháng rời xa quê, tận hưởng những cuộc sống nơi phố thị thì mỗi lần bắt gặp những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa nơi chốn làng quê, lòng tôi luôn bồi hồi rạo rực nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu một lần mình đã đi qua. Thuở đó, hàng ngày chúng tôi chỉ có một buổi học trên lớp, buổi còn lại lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng phải vất vả, hầu hết phải phụ giúp cha mẹ làm những công việc vặt, đứa thì chăn trâu, cắt cỏ, đứa thì tìm kiếm rau về cho heo ở cánh đồng gần đó... Vì vậy mà chúng tôi có nhiều thời gian gặp gỡ, hẹn hò nhau. Ngày đó thường thì lũ trẻ con chúng tôi tụ tập nhau ở cuối xóm, nơi có khoảng đất rộng rợp bóng tre xanh. Đó là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân dã, sôi động và thú vị, nào là ú tim, pháo đất, bịt mắt bắt dê, đánh bi, nhảy dây... Vốn là một đứa trẻ thích tò mò, hiếu động, tôi đã lần lượt tham gia vào trò chơi nhưng ú tim vẫn là trò chơi mà tôi yêu thích nhất bởi sự hồi hộp, tò mò.
Ngày xưa đó có gì mà “lôi kéo” nhiều người muốn trở về, hoặc là luôn tràn đầy trong tâm thức bao kỷ niệm khi ai đó vô tình khơi gợi. Theo tôi, ở đó là không gian bao la của những trò chơi chỉ tuổi thơ xưa mới có. Là những buổi tắm ao, lặn hụp dưới đìa, móc sình đất chọi nhau chí chóe. Giờ mà chơi trò này chắc nhiều đứa trẻ không dám, vì cho rằng nó dơ bẩn. Các cháu thời nay thích nghịch nước, nhưng các cháu chỉ quen được đi bơi ở những hồ bơi nhân tạo hoặc bãi tắm khi du lịch biển. Là trò chơi ống thụt, lấy một nhánh trúc chừng 5 tấc làm súng và vo giấy ướt thành viên tròn, hoặc tìm những trái bố có hình tròn, vừa với đầu súng để làm “đạn” bắn. Có đứa bị bắn đau rồi… đổ quạu, chạy đi méc người lớn, thế là tan tành cuộc vui. Là những buổi chiều mát mẻ long nhong ngoài sân, bãi đất trống quanh nhà tìm cỏ đuôi gà để đá. Loại cỏ này giờ hiếm hoi quá. Bây giờ, thỉnh thoảng khi về quê, ruộng đất thênh thang với những mô đất đầy cỏ dại nhưng vẫn tìm không ra loại cỏ đuôi gà để rủ bọn trẻ hái và chơi trò ngày xưa mà ông, bà tụi nó hay chơi. Rồi thì tụi nhỏ chúng tôi lấy tàu lá chuối rọc bỏ lá hai bên, chừa lại tàu lá, mà phải chừa đoạn to, chắc để khi chơi, súng không bị “lặt lìa”. Sau đó lấy dao xắn vào tàu chuối thành những cái ngàm đều nhau, để bật nó lên, rồi vuốt xuôi sẽ nghe “phặt, phặt”. Chỉ thế là tụi nhóc có được cây súng bằng tàu lá chuối chơi mê mệt.
Dây thun bây giờ hình như chỉ để cột đồ trong mấy tiệm hàng xén chuyên bán đồ bỏ vào bọc. Chứ hồi xưa, dây thun đủ thứ công dụng. Búng thun là trò mà gần như đứa trẻ nào cũng từng chơi: hai đứa ngồi hai đầu, lấy ngón trỏ búng sợi dây thun sao cho hai mí thun chồng lên nhau, đứa nào búng sợi thun của mình chồng lên trước thì thổi cho hai cọng rời ra, thế là thắng cuộc; thổi không rời thì bên kia thổi và tất nhiên ai thổi được tách hai sợi thun thì chiến thắng thuộc về bên đó. Chả hiểu ai phát minh ra những trò chơi… ngộ vậy, nhưng nó lại là tuổi thơ thú vị của nhiều người. Dây thun còn là “tài sản” của nhiều đứa. Hồi đó làm gì mua đồ nhiều đến mức có dây thun cả đống trong nhà như giờ. Tiền mua quà bánh, tụi tôi lén má mua dây thun để dành, những cọng thun đủ màu đỏ, vàng, xanh. Tích cóp được nhiều thì đem ra thắt thành sợi dài, đan xen màu với nhau trông rất đẹp. Thắt thun cũng có nhiều kiểu, thắt dây đơn, dây đôi, dây ba. Đứa nào có sợi dây thun thắt dày cộm, dài thòng lòng thì được nể nang lắm. Dây thun còn để chơi trò nhảy dây, quay dây mà bọn con gái, con trai gì cũng tham gia được.
Chơi u hấp, chơi keo, bắn đạn, nắn đất chơi “nu na nu nống”, hái lá xoài xắt nhỏ làm đồ ăn và lá mít thì làm tiền để chơi trò bán quán… Rất nhiều trò chơi trẻ con ngày ấy có thể đã chìm vào ký ức sâu thẳm của nhiều người.
Cũng có lần nỗi ám ảnh cuộc chơi theo đuổi tôi vào cả giấc mơ. Có lần đang lúc nửa đêm tôi ngủ bỗng giật mình nảy lên sợ hãi, người ướt đẫm mồ hôi, ú ớ bởi trò chơi ú tim. Lúc đó má tôi ôm tôi vào lòng vỗ về an ủi và căn dặn: “Con hư lắm! không nghe lời má. Lần này má tha, lần sau con không được ra khỏi nhà, không được chơi những trò chơi đó nữa, không nghe lời má sẽ cho roi”.
Thế nhưng sự lôi cuốn, hấp dẫn của những trò chơi, của những tiếng reo hò, lũ trẻ hàng ngày chạy qua cổng nhà tôi, chúng gọi nhau í ới... lại làm tôi không thể nào giữ được lời hứa với má. Thế là tôi lại tiếp tục tham gia và, cứ thế theo thời gian những trò chơi tiếp tục diễn ra ở nơi đó cho đến khi chúng tôi lớn hơn, việc học cũng nhiều hơn nên không còn nhiều thời gian dành cho những trò chơi đó nữa...
“Xin trả tôi về những ngày xưa trẻ dại”, “Cảm ơn đời vì đã cho tôi một tuổi thơ không có Internet”…, đôi khi đó chỉ là những hoài niệm để… nhớ. Cuộc sống vốn dĩ như một dòng trôi, “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” như lời một triết gia đã nói. Sự tiến bộ của thời đại 4.0 này tất nhiên làm cuộc sống chúng ta thoải mái, tiện nghi, dễ chịu hơn. Thế nhưng, có những không gian bát ngát xanh, rộn rã tiếng cười của thời tuổi thơ như ngày xưa quả thật khó tìm lại được… Tôi cảm thấy mình dù sao đi nữa cũng hạnh phúc rất nhiều vì đã có một thời được vui sống trong một khung cảnh làng quê bình dị với những trò chơi dân dã ngày ấy... Có thể giờ đây nhiều thú chơi con trẻ đã đổi thay nhưng những kỷ niệm đó luôn sống mãi trong tôi và theo tôi đi suốt cuộc đời như một điều bình dị, thân thương nhất.

Le Trung Ngân

1 nhận xét:

Thơ Ngô Kế Đang : VIỆC CHÚNG TA CẦN, LẠ LẪM , NHỮNG NGƯỜI CON (T4.2024/ 6 )

1./ VIỆC CHÚNG TA CẦN   Xâm nhập mặn đến nay hơn tháng Dân ở đây chán , ngán vô cùng Cảnh đời đói nước chưa từng Máy thì nhỏ giọt, thằn lằn ...