Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Một Chút “Già Đời” - Lê Trung Ngân


 Trãi nghiệm sự đời, tôi thấy hình như hầu hết chúng ta chẳng bao giờ thực sống. Vì lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai tươi sáng, hay nói cách khác: Ta sống cho tương lai. Ta nghĩ rằng mình phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Rồi đến khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại nhớ về quá khứ, hay nói cách khác ta sống cho quá khứ! Hừm! Mâu thuẩn thật! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú! Tóm lại, hầu như ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại: Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75! Vậy tại sao ta không nghĩ ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải.... nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!

Còn đối với các vị phụ nữ thì cũng có khi gạt gẫm mình chút đỉnh (tôi nói có khi hơi quá mong các vị lượng thứ) như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng đã nhiều tuổi rồi thì nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch, mỡ máu vẫn cứ mỡ máu... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sẵn của nó, không cần hỏi han ta, không cần biết ta có “chịu” không!
Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Từ ngày "thế giới phẳng" thông qua internet, ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với người nhà nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện với mọi người bên cạnh thì nhiều khi đã lỡ nhịp!
Hiểu ra những điều tầm thường đó, nên tôi nghĩ mình nên biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà ta không có thì giờ cho tuổi tác nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ, vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy tuổi tác mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Từ ngày biết thương "cơ thể" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho cơ thể của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt (nhưng tôi lại thích ăn chay, nó nhẹ bụng). Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá! Tôi biết một người bạn mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương ông quá, mua toàn sữa “ngoại” (ngoại đây là ngoại nhập, chứ không phải sữa bà ngoại) mắc tiền cho uống! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá ông ấy nghèo một chút còn hay hơn! Mắm ruốc kho quẹt, rau muống luộc mà tốt, miễn ông ăn thấy ngon, thấy sướng! Tôi cũng biết cho cơ thể của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào cơ thể nhất là tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được!
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp!
Về vận động, theo quan niệm lão khoa, đối với người cao tuổi nếu tập luyện cường độ quá lớn sẽ làm tăng quá trình oxy hóa, sản sinh ra nhiều gốc tự do thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa. Hơn nữa, việc vận động quá sức sẽ dễ gây tổn thương đến một số cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, vận động nhẹ nhàng có thể hạn chế được những điều trên, tăng sức đề kháng, kích thích sản sinh chất bổ trợ miễn dịch, tiêu diệt các tế bào đột biến có nguy cơ thành tế bào ung thư. Bên cạnh đó, tập luyện cũng là cách xua tan stress, tạo tinh thần phấn chấn, vui vẻ bắt đầu cho ngày mới. Một thói quen là thường tập thể dục lúc sáng sớm. Tập thể dục quá sớm khi mặt trời chưa xuất hiện, nhiệt độ còn thấp không hề tốt cho sức khỏe mọi người nói chung, đặc biệt là người cao tuổi. Thời điểm này đang có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ so với khi đang ngủ dễ khiến cơ thể người cao tuổi gặp lạnh đột ngột làm các mạch máu co lại và tăng trương lực quá mức dễ bị tai biến mạch não. Không những thế, sương mù thường rất độc hại cho cơ thể, đặc biệt là làn da, sẽ khiến da trở nên khô và rất dễ bị dị ứng. Bởi vậy, không nên tập thể dục khi trời còn quá sớm. Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!
Nên nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Trời cũng lạ, người có tuổi thì tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Còn đầu óc cứ sắc sảo hoài thì ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe được, không thì đóng lại; mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy được, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực hành được: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!”
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là mắt xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chính cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện đời phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách nhìn cũng đã khác, cách thể hiện đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.
Những người có tuổi sau khi về hưu trải qua một loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do nếp sinh hoạt thay đổi, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế. Một số người trong số đó khó thích nghi được với giai đoạn khó khăn này nên mắc hội chứng về hưu, với tâm trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ cáu gắt, nổi giận. Thứ hai là tâm lý tự nhiên của người có tuổi là thường sợ ốm đau, bệnh tật, sợ chết. Như chúng ta biết, lão hóa là một quá trình tự nhiên không thể cưỡng lại được, lão hoá làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với các yếu tố gây bệnh như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, các stress. Thực tế hiện nay, con cháu trong độ tuổi đi làm ít quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Hằng ngày, ngoài đi làm công sở, nhiều người lại đi làm thêm ngoài giờ, đi học nâng cao trình độ, chăm sóc gia đình nhỏ của mình… Do đó, họ chưa có thời gian nhiều chú ý, hỏi han người có tuổi ở nhà. Trong khi đó, các cháu nhỏ ngoài việc đi học cả ngày, học thêm buổi tối, ngoài giờ… về nhà lại chơi điện tử hoặc tham gia các lớp ngoại khóa theo độ tuổi, không còn thời gian để nói chuyện, tâm sự với ông bà.. Không ít người “đổi tính” cũng bởi điều đó, tệ hơn có khi bị “lú lẫn tuổi già”. Nhiều người có tuổi sống trong gia đình ba, bốn thế hệ nhưng vẫn cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình bởi không dung hòa được mối quan hệ với cháu con. Trong hoàn cảnh đó, sự quan tâm, tình yêu thương, sự độ lượng bảo ban đối với con cháu chính là liều thuốc tốt nhất. Niềm vui của người có tuổi là quây quần bên con, bên cháu thì đang bị cuộc sống hiện đại “cướp” mất. Nói vậy, chứ người có tuổi thường rất cô đơn nên ta cần có những thú vui giải trí để đầu óc thoải mái.
Tập luyện dưỡng sinh, yoga với nhiều phương pháp khác nhau có tác dụng là thư giãn tâm hồn, tập trung tư tưởng, giữ tâm thân an lạc, loại bỏ nhiễu ý đồng thời cũng áp dụng các cử động để tăng cường sức mạnh cơ bắp, uyển chuyển trơn tru xương khớp. Khiêu vũ, múa đôi cũng đang được nhiều người ưa thích, vừa để thư giãn tâm hồn trong điệu nhạc và cũng dẻo dai đôi chân, uyển chuyển thân hình, giảm béo, hạ huyết áp, đường huyết, cholesterol. Sử dụng máy vi tính, smart phone, tablet giúp ta tìm đọc nhiều loại sách quý, hiểu biết diễn biến nhiều sự việc xảy ra khắp nơi trên thế giới, giúp liên lạc với bạn bè qua những lá thư điện tử và vào các trang mạng xã hội để giao lưu với bạn bè. Người có tâm hồn văn học nghệ thuật thì làm thơ, viết lách, chơi một nhạc cụ nào đó hoặc tham gia nhóm ca hát tại các điểm hát với nhau, vui ngày tháng với bạn bè, quyến thuộc. Hoặc đi câu cá, đánh cờ, chơi domino, ô chữ và nhiều thú vui nhẹ nhàng bổ ích khác. Tham gia các công tác từ thiện giúp đỡ người có nhu cầu, thăm viếng bệnh nhân tại bệnh viện hoặc các vị lão niên khác chẳng may kém sức khoẻ đang sống tại viện dưỡng lão. Tổ chức tham quan di tích, du lịch, đi để phong cảnh quê hương hoặc du lịch xứ lạ để biết thêm phong tục tập quán đất nước quê người. Làm vườn, trồng cây cảnh, vun tưới mấy luống rau thơm cũng là thú tiêu khiển thanh nhã, thoải mái mà lại tạo thêm cảnh quang đẹp mắt cho ngôi nhà.
Càng có tuổi trí óc thường cũng hay xáo trộn và hay quên. Nếu không thường xuyên tham gia các hoạt động giải trí thì có thể sẽ rơi vào tâm trạng buồn phiền, gắt gỏng, biếng ăn mất ngủ, sức khoẻ suy dần. Cho nên, người có tuổi hãy lấp đầy khoảng trống thời gian với các sinh hoạt trò chơi hữu ích để tránh nhàm chán và có lợi tới sức khỏe.
Rồi còn một chuyện nhỏ mà lớn là chuyện vợ chồng. Vợ chồng đến với nhau từ hai cá thể riêng biệt. Vì thế nếu không trò chuyện, sẻ chia buồn vui cùng nhau mỗi ngày sẽ không thể hiểu để cảm thông và yêu thương nhau hơn. Khi có tuổi, càng trò chuyện khắng khít với nhau hơn. Sự hài hước giúp tình cảm vợ chồng thêm gắn kết. Bởi thế, hãy luôn suy nghĩ tích cực, học cách cười đùa và thư giãn cùng người bạn đời. Tình yêu sẽ không thể lớn dần theo thời gian nếu hai người ở bên nhau lúc nào cũng bí bách, khó chịu. Sự thoải mái khi ở bên nhau là tối cần thiết để vợ chồng xây dựng "tổ ấm" dài lâu. Biết lắng nghe là cách thể hiện sự tôn trọng cũng như hòa hợp với bạn đời. Và đây cũng là "chìa khóa vàng" của những cặp đôi hạnh phúc, sống với nhau đến "đầu bạc răng long". Ai cũng mong muốn tìm được người bạn đời hoàn hảo, nhưng thay vì đi tìm kiếm một bóng hình như thế (làm sao có), hãy học cách để một người không hoàn hảo như mình luôn cố gắng để hoàn thiện mình trước mắt bạn đời. Hãy chia sẻ niềm vui với bạn đời theo cách nồng nhiệt nhất hay theo một cách rất riêng của mình. Và khi mình coi hạnh phúc của bạn đời là hạnh phúc của chính mình, ta mới biết trân trọng người đang "đầu gối tay ấp" với mình. Trong cuộc sống không có ai hoàn hảo, sẽ có lúc ta hoặc bạn đời mắc lỗi. Và nhất là khi có tuổi thì hay cau có, cố chấp những sơ suất của bạn đời. Tôi chứng kiến nhiều cặp vợ chồng ra toà ly dị ở tuổi đã cao. Khi đó, sự cảm thông, sự tha thứ là "liều thuốc" để cứu tình yêu của hai người qua những sóng to gió lớn.
Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả! Tóm lại, chấp nhận mình là mình, chấp nhận hoàn cảnh của mình và từ bi với mình một chút. Có lẽ như vậy hay hơn cho mình.

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...