Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

CÁT BỤI PHẬN NGƯỜI -Dạ Vũ Nguyên Minh và Thơ Họa Của Các Thi Hửu


CÁT BỤI PHẬN NGƯỜI

Ôm bầu vú mẹ khóc ngày sinh,
Cát bụi trần ai tạo vóc hình.
Mấy cuộc thơ đàn trêu Dạ Vũ,
Đôi bờ kiếp phận buốt Nguyên Minh.
Dòng Hương chẳng níu câu thề nguyện,
Đỉnh Ngự đành vương bước viễn trình,
Lặng lẽ bên đời nương nẻo ý,
Mai về nhẹ thếch nhục và vinh.
 Dạ Vũ Nguyên Minh


HỌA: CÁT BỤI HUỜN * CÁT BỤI

Xuống thế mê trần uổng kiếp sinh,
Bao năm xác bỏ trở vô hình.
Tranh giành vay ác tâm phiền lụy,
Đấu đá tạo hờn dạ bất minh.
Vật chất cuối cùng huờn bụi ngụp,
Hồn linh nguyên bổn trở đăng trình.
Con người sống mấy niên cho đủ,
Bác ái từ bi phổ sáng vinh.
HỒ NGUYỄN (28-11-2021)


  Họa :HỒNG TRẦN

Hồng trần trường dạy nghiệp hồi sinh
Phụ mẫu cho ta một dáng hình
Khí chất Chơn Thần trao Phật Mẫu
Chí Tôn thương trẻ chiếc Quang-Minh
Chơn Linh gìn giữ trau thân thể
Tập tánh sửa đời bợn xác vinh
Mấy chốc qua mau đời sắp mãn
Siêu thăng Cựu Vị sáng hành trình…
Yên Hà
28/11/2021


 

Họa :Ý THỨC CUỘC ĐỜI

Chỉ là cát bụi buổi sơ sinh
Cha Mẹ cho ta đủ dáng hình
Mơ ước danh đời soi rạng rỡ
Cầu mong thân phận chớ u minh
Mưa sa vẫn đến bờ tâm nguyện
Nắng táp luôn đi hướng lộ trình
Ý thức cuộc đời cần phấn đấu
Để còn thấy được ánh quang vinh

songquang 20211128


 

 Họa :XONG MỘT KIẾP NGƯỜI

Tiếng khóc ban đầu thuở mới sinh,
Thương thân,nghiệp quả đã thành hình!
Mưa dồn gió dập, chăng màn tối,
Nắng lụn mù sa, lấp ánh minh
Dẫu biết...hoài mơ niềm viễn vọng,
Cũng đành dấn bước cuộc hành trình
Miệng cười, giã biệt khi rời thế,
Trả lại trần gian những nhục vinh...

Thanh Hòa  (28/11/2021 )


 Họa :CUỘC SỐNG & NHÂN SINH

Cuộc sống muôn loài lẽ tử sinh!
Trần gian Tạo hóa đã sanh hình
Tâm hồn thiện mĩ ngời nhân tính
Nghĩa cử chân thành rạng ánh minh
Ước vọng anh hùng khai bản lĩnh
Hoài mong chính nghĩa đọng chương trình
Tình yêu thể hiện đời tôn kính
Đạo lí chu toàn mãi hiển vinh…

Đức Hạnh
29 11 2021


Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 14) – MỘT MÌNH QUA PHỐ

Sài Gòn ngày trở lại – Tranh: Thanh Châu

Bốn chữ này tôi mượn của Trịnh Công Sơn, không phải để âm thầm nhớ nhớ tên em nào, mà để nhớ lại một thời để yêu và một thời để chết.

Đó là thời của những năm sáu mươi, bảy mươi, thời của hai mươi năm nội chiến từng ngày, thời mà nằm ngủ trên giường, ngồi quán cà phê hay đi xe đò cũng chết huống gì ra mặt trận.

Thời đó, những người con trai mới lớn, vừa bước chân vào đời đã phải đối diện với cái chết, thì tổ quốc, tương lai…chỉ là những tên gọi mơ hồ, tuyệt vọng… chỉ có em, chỉ có tình yêu dù đơn phương, mới là tất cả.

Em là chút mầm xanh của cây đời đang gãy đổ. Em là đóa hoa súng trên mặt hồ lạnh lẽo. Em mong manh, nhưng quý hóa biết chừng nào.

Thì đúng là may mà có em, cuộc đời mới dễ thương, nếu không, Vũ Hữu Định trên đường ra biên giới khác nào tử tội ra pháp trường.

Một mình, đương nhiên là chỉ một người. Nhưng không phải một mình trên đường lớn rất triết của Tô Thùy Yên, cũng không phải một mình đứng giữa quãng chơ vơ  rất cô đơn của Trần Tế Xương. Lại càng không phải một mình mình một bơ thờ vịn cây cây ngã vịn bờ bờ xiu rất tuyệt vọng như trong ca dao.

Một mình qua phố, tuy mình ên, nhưng rất xôn xao vì còn có tên ai đó để nhớ, còn có ai tan trường về để lầm lũi bước theo sau.

Một mình có thể là anh học trò nghèo bụng lép kẹp nhưng hồn đầy mộng mơ, có thể là nhà tu dù đã tu qua chín kiếp nhưng vẫn chưa rũ hết mùi tục lụy, cũng có thể là một cô học trò lãng mạn đang fall in love viết nên bài thơ này:

 

Tôi đi trên đường nắng

Thương những buổi trưa vàng

Những bờ hoang xa vắng

Đôi tâm hồn lang thang

 

Kiếm tìm trên lối ngõ

Bàn chân yêu thương qua

Nhà ai in ngói đỏ

Trời xanh ôm mái nhà*

 

Chữ phố, đứng một mình, không có thành, không có khu  phía trước, cũng không có vắngxa phía sau, rất trơ trọi, nhưng có thế phố mới trở nên thân quen ấm áp. Phố bỗng trở thành một người bạn cùng bước song hành để cho ta rù rì tâm sự.

Mặc dù xe ngựa ồn ào, kẻ đi người lại bon chen, ta vẫn thấy phố thật vắng, thật yên, phố vẫn đi theo ta lặng lẽ như bóng với hình.

Kìa là những cột đèn, những ban công, những mái lầu, rồi tháp chuông và trên cao là mây trắng…

Phố có mùi hương, có thể là của hoa dã quỳ vàng rực, có thể là của hoa ngọc lan đài các, hay hoa sữa nồng nàn, và nếu trời đang mưa, ta có thể nghe ra mùi của hương nước mưa mát lạnh.

Vì đi chỉ để mà đi, cần gì phải ngang qua những con phố sang trọng với cửa hiệu sáng choang, hàng hiệu đắt tiền hay những ba những bảy xập xình…

Thế rồi, trên những con phố nghèo, bỗng dưng dưới một mái hiên hay một khung cửa nào đó, e ấp một mái tóc nghiêng nghiêng, mộng mơ một đôi mắt đuôi dài, thì dù lộn xộn, dù nhếch nhác đến đâu, ta vẫn thấy con phố bỗng trở nên giàu có sang trọng và sao mà nó lại sạch sẽ thơm tho đến như vậy.

Từ đây con phố có linh hồn, và ta bỗng trở nên chàng thi sĩ có thể làm thơ dù là thơ con cóc.

Vậy đó, cứ thế lửng thửng mà đi, vô tình mà bước, không cứ gì phải tìm ai, gặp ai, cứ đi như sông là phải chảy, mây là phải bay và mưa là phải rơi xuống.

Cái thời mới lớn của tôi đó, nó nhà quê, nó cả ngố làm sao! Nhưng dù đã xa thật xa, tận cùng trong quá khứ nhạt mờ, tôi vẫn thấy cậu ta bước đi chân không hề mỏi, mắt nhìn đâu đâu, tưởng chừng như đang lạc bước vào chốn thần tiên. Và khi trông thấy con gái bay nhiều quá, những cánh tay mềm như cánh chim**, cậu tưởng chừng cũng sắp bay lên. Ôi chao cậu muốn được ôm tất cả vào lòng chứ không chỉ  một riêng ai.

Tham lam quá phải không, nhưng có như vậy mới đáng để cậu ta một mình qua phố chứ.

 

26/9/2019

Khuất Đẩu

* thơ của Nguyễn thị Hoàng

** thơ của Hoàng Trúc Ly

 

 Mời Xem Khuất Đẩu :

 Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI – TÌNH GIÀ

 

Chuyện xưa, Chuyện Nay : Cáo Tồn


 
Câu chuyện này trong tập truyện của cụ Lãng Nhân, đoạn liên quan đến bài thơ Cáo Tồn như sau:
“Gần đây, Lãng Nhân thốt nhiên lâm trọng bệnh, trong mấy ngày liền chơi vơi giữa hai cõi, được các bằng hữu đến thăm hỏi ân cần, xiết bao cảm kích. Khi bệnh đã thuyên giảm chợt nhớ lại một chuyện: "Ba mươi năm trước đây, ông Trần Tán vốn tin vào tướng số, những tưởng tháng tám năm ấy thì từ trần vì bệnh hậu bối, hay đâu sau lại qua khỏi, có làm bài thơ Cáo Tồn, thay vì Cáo Phó, xin nhắc lại như sau:
 
Bướu mọc cùng thêm ruột xót đau
Chẳng thà vui trước khỏi nhơ sau
Sinh ra đất Việt làm tôi Pháp
Lỡ tại nhà Nho học chữ Tàu
Kiếp nặng chửa tan kềnh một giấc
Đời thừa còn góp sống năm châu
Đã qua tháng tám mà không chết
Thầy số năm xưa cũng lắc đầu!”.
 
Chuyện nay
 
Cáo Tồn là một lời bố cáo (thông báo) cho làng nước biết " Tôi còn sống đây!  "
Người xưa cáo tồn là lời cảm ơn, lời tự trào ... vv, thay vì viết thư cảm ơn thì nhà nho hồi xưa làm thơ; các nhà nho học chơi chữ với nhau là vậy. Nhưng cũng chỉ có một lần cho vui thôi. Sau ông Trần Tán không còn ai Cáo Tồn.
Ngày nay, ít còn ai biết cáo tồn là gì; tuy nhiên, cũng có những kẻ Cáo Tồn bằng cách khác. Bà con để ý sẽ thấy nhiều kẻ "cáo tồn", đó là những kẻ hạ tiện, bất tài... nhưng vẫn muốn cho mọi người biết "tao còn sống đây". Lũ này cáo tồn bằng cách "chọc cho thiên hạ chửi" qua các bài viết, việc làm đi ngược lại lòng dân, nôm na là "lội ngược dòng".
 
Lão Báng

Góc Đường Thi : THANH BÌNH ĐIỆU - Lý Bạch


Mùa xuân năm Thiên Bảo thứ 2 (743) đời vua Đường Huyền Tôn. Lúc bấy giờ hoa Mộc Thược Dược cuả xứ Dương Châu cống nạp vào trong cung đã nở rộ; trong cung gọi tên là hoa Mẫu Đơn với bốn màu rực rỡ là trắng, hường, đỏ, tía. Thiên tử di giá đến đình Trầm Hương cùng Dương Quý Phi thưởng ngoạn với một đám Lê viên tử đệ cùng múa ca hát xướng. Nhà vua cảm khái bảo rằng :" Trước phi tử đẹp như hoa và trước hoa đẹp như tranh thế nầy, sao ta lại cứ hát những bài nhạc cũ thế kia. Hãy mau truyền Lý học sĩ đến để viết nên những ca khúc mới cho hợp người hợp cảnh !" Trưởng nhóm nhạc của Lê Viên là Lý Qui Niên tuân chỉ đi tìm, nội thị cho biết là Lý Học sĩ đã ra phố Trường an để uống rượu rồi. Lý Qui Niện vội vả dắt theo một đoàn tùy tùng đi tìm Lý Bạch. Khi về đến cung, Bạch vẫn còn say ngất ngưỡng, nhưng trước khung cảnh Trầm Hương Đình rất nên thơ với phi tần giai lệ, với danh hoa khuynh quốc, nên mặc dù còn ngây ngất men say, Bạch cũng cất bút viết ngay ba bài Thanh Bình Điệu nổi tiếng sau đây :


             清平調 (其一):      THANH BÌNH ĐIỆU (kỳ 1):

        雲想衣裳花想容,    Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
               春風拂檻露華濃。    Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
        若非群玉山頭見,    Nhược phi quần ngọc sơn đầu kiến,
               會向瑤台月下逢。    Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng !

                                       (其二):                 (kỳ 2):


        一枝紅豔露凝香,   Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
               雲雨巫山枉斷腸。   Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
        借問漢宮誰得似?   Tá vấn Hán Cung thùy đắc tự ?
               可憐飛燕倚新妝。   Khả lân Phi Yến ỷ tân trang !

                            (其三):                   (kỳ 3):


    名花傾國兩相歡,   Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
           長得君王帶笑看。   Trường đắc quân vương đái tiếu khan.
    解釋春風無限恨,   Giải thích xuân phong vô hạn hận,
           沉香亭北倚欄杆。   Trầm hương đình bắc ỷ lan can !


Chú thích :

  - THANH BÌNH ĐIỆU 清平調 : Là một điệu trong Nhạc Phủ, là khúc hát thịnh hành ở đời Đường. Trong quyển thứ 80 của "Nhạc Phủ Thi Tập" liệt vào "Cận Đại Khúc Từ". Sau đời Đường "Thanh Bình Điệu" được dùng làm tên cho một loại Từ (gọi là Từ Bài 詞牌).
  - Tưởng 想 : là Nghĩ đến, ở đây có nghĩa là : Mường tượng như...
  - Hạm 檻 : là Lan can, là Vòng rào quanh hoặc trước lâu đài.
  - Lộ Hoa Nùng 露華濃 :(Hoa Mẫu Đơn) vương vài hạt sương lóng lánh càng làm nồng đậm thêm vẻ tinh hoa đẹp đẽ.
  - Quần Ngọc 群玉 : Theo truyền thuyết thần thoại Trung Hoa, bà chúa tiên Tây Vương Mẫu ở trong dãy núi có rất nhiều ngọc, gọi là núi Quần Ngọc; Ở trong câu dùng để chỉ nơi tiên ở.
  - Dao Đài 瑤台 : Theo truyền thuyết đó là cung điện của Tây Vương Mẫu ở, còn gọi là Cung Dao Trì.
  - Lộ Ngưng Hương 露凝香 : Hạt sương vương như làm ngưng đọng lại mùi hương của hoa Mẫu Đơn đang nở.
  - Vân Vũ Vu Sơn 雲雨巫山 : Vân Vũ 雲雨 : là Mây Mưa, có mây mới có mưa và mưa xuống là nhờ có mây, nên mây và mưa không thể tách rời ra được. Từ Mây Mưa còn chỉ sự ân ái giữa nam nữ với nhau do tích Vu Sơn Thần Nữ 巫山神女 như sau :
    Theo thần thoại Trung Hoa, con gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Vương đi chơi ở Cao Đường, mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là "Đản vi triêu vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨"(Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi chiều). Nên... VÂN VŨ VU SƠN chỉ sự ân ái quấn quít lấy nhau giữa trai gái trong yêu đương mê mẫn.

                              - Khả Lân 可憐 : là Đáng thương, là Khá thương thay...
  - Phi Yến 飛燕 : là Triệu Phi Yến, là sủng phi của Hán Thành Đế đẹp nhất trong cung nhà Hán lúc bấy giờ.
  - Danh Hoa Khuynh Quốc 名花傾國 : DANH HOA là Hoa đẹp nổi tiếng, ở đây chỉ hoa Mẫu Đơn. KHUYNH QUỐC là Nghiêng nước, chỉ người đẹp Dương Qúy Phi có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành theo như bài "Giai Nhân Ca 佳人歌" của Lý Diên Niên đời Hán có hai câu :"Nhất cố khuynh nhân thành, Tái cố khuynh nhân quốc 一顧傾人城,再顧傾人国". Có nghĩa : "Quay nhìn môt cái nghiêng thành, nhìn thêm một cái nữa nghiêng nước". Chỉ người đẹp thật đẹp.
  - Trầm Hương Đình 沉香亭 : là Đình Trầm Hương nằm ở Long Trì phía đông của Hưng Khánh Cung, nay là công viên Hưng Khánh trong thành phố Tây An.

* Nghĩa bài thơ :                                    
                              THANH BÌNH ĐIỆU (Bài 1)
      Y thường cuả nàng mường tượng như mây trời, dung mạo của nàng thì ngỡ như là hoa mẫu đơn vừa chớm nở. Trong gió xuân hây hẫy thổi qua song trông càng rực rỡ nồng thắm hơn như đoá hoa còn vương vài hạt sương lóng lánh. Nếu chẳng phải là tiên nương gặp gỡ nơi đầu núi Quần Ngọc, thì cũng là hội ngộ với ai kia ở dưới ánh trăng thơ mộng của chốn Dao Đài !

                                        (Bài 2)
     Đẹp rực rỡ như một cành mẫu đơn màu hồng còn ngậm hơi sương thơm tho, khiến cho Thần nữ của núi Vu Sơn cũng phải đau lòng đứt ruột chào thua. Dám hỏi trong cung Hán ngày xưa ai người còn dám sánh, chỉ tội nghiệp cho nàng Triệu Phi Yến mới trang điểm và thay đổi xiêm y xong cũng phải thẹn thùng.

                                        (Bài 3)
    Hoa đẹp nổi tiếng và người đẹp nghiêng nước nghiêng thành cả hai đều vui vẻ như nhau, để cho đấng quân vương mãi mãi mĩm cười mà nhìn ngắm cho thỏa thích. Cứ tựa vào lan can phía bắc của Đình Trầm Hương mà ngắm hoa và người đẹp thì gió xuân sẽ giải toả được hết tất cả những sầu hận còn ẩn ức ở trong lòng !

    Khéo phỉnh nịnh và tâng bốc người đẹp cùng đấng quân vương đến thế là cùng. Có những cái phỉnh nịnh thật đáng ghét nhưng cũng có những cái phỉnh nịnh rất khéo léo dễ thương. Nhưng dù sao thì vẫn là những lời phỉnh nịnh, cứ suốt ngày phải nặn óc moi tim để tìm những lời hay tiếng đẹp để làm vừa lòng giai nhân, và nhất là phải làm vừa lòng đấng quân vương thì chẳng còn thú vị gì ở trên đời nữa cả. Nên chi cuộc sống với tước Hàn Lâm Học Sĩ của Lý Bạch ở kinh thành kéo dài không quá ba năm thì Lý đã xin với nhà vua cho mình về quê để ngao du tứ hải mà không màng đến việc cố bám víu lấy đất Trường An để được thăng quan tiến chức, nhất là lại được ở bên cạnh của nhà vua. Quả là cái ngạo khí của một Thi Tửu, Thi Tiên có khác !
                     
* Diễn Nôm :
                    THANH BÌNH ĐIỆU (1)

                  Mây ngỡ xiêm y hoa ngỡ mày,
                  Gió xuân sương thấm má hồng say.
                  Không là Quần Ngọc non tiên thấy,
                  Cũng chốn Dao Đài gặo gỡ ai !

                           Bài (2)
                  Một cành hoa đẹp ngậm sương thơm,
                  Mưa móc Vu Sơn cũng dỗi hờn.
                  Dám hỏi Hán cung ai dám sánh,
                  Thương nàng Phi Yến mới soi gương.

                           Bài (3)
                  Người xinh hoa đẹp vẹn đôi đàng,
                  Thỏa ý quân vương ngắm chẳng màng.
                  Giải hết gió xuân không hận oán,
                  Đình Trầm Hương bắc tựa lan can !

      Ba bài Thanh Bình Điệu của Lý Bạch đã quyện chặc hoa mẫu đơn đẹp đẽ với người đep Dương Thái Chân làm một thể; Hoa đẹp như người và người đẹp tức là hoa đó, cả hai đều được hưởng ân sủng của đấng quân vương. Bài (1) Phác họa không gian như hòa quyện hoa và người và như đang ở chốn Bồng lai Tiên cảnh, núi Quần Ngọc, cung Dao Trì. Bài (2) Đưa vào thời gian lãng mạn tình tứ xa xưa với tích Vu Sơn Thần Nữ, rồi đến người đẹp Triệu Phi Yến của Hán cung. Bài (3) Dẫn về thực tại của phía bắc Đình Trầm Hương, nơi mà nhà vua và Qúy Phi đang thưởng ngoạn hoa đẹp trong gió xuân để xóa hết những mối sầu ẩn ức.  
    

  Ba bài nhạc phủ xưa THANH BÌNH ĐIỆU đã được Nhạc sĩ Tào Tuấn Hồng phổ theo thể nhạc hiện nay và được các ca sĩ nổi tiếng Đài Loan Hồng Kông là Đặng Lệ Quân, Vương Phi và Đồng Lệ hát . Mời mở các web. dưới đây để thưởng thức :
                 




 Hẹn bài viết tới ! 

                                                                                         杜紹德
                                                                   Đỗ Chiêu Đức
 1. Bài  Kính Họa của Nguyễn Đắc Thắng                                                                               

THANH BÌNH ĐIỆU
1.
Nhìn mây ngộ tưởng dáng giai nhân
Ngọn gió xuân nồng rạng mẫu đơn
Quần Ngọc đền Tây mơ gặp gỡ
Diêu Trì dưới nguyệt thỏa tình ân
2.
Một cánh hoa hồng ngậm hạt sương
Mây mưa thỏa thích mộng Vu Sơn
Hán Cung cảm khái ngầm tư lự
Phi Yến ngỡ ngàng lại điểm gương
3.
Hoa sắc, thành nghiêng đẹp rỡ ràng
Vua nhìn sảng khoái tiếng cười vang
Gió xuân nhẹ thổi tan trầm uất
Đứng tựa lan can tỏa dặm đàng
Nguyễn Đắc Thắng

2/ Bài Kính Họa của Hồ Nguyễn

Bài 1:
Xiêm y mây ngắm tưởng nhung mày,
Gió ngẩn nhìn sương thấm má say.
Quần Ngọc non tiên nay mới thấy,
Dao Đài động chốn gặp giờ ai?

Bài 2:

Hoa đón giọt ngà sương mỉm thơm,
Ghen tương mưa đã vội thêm hờn.
Hán cung xem có ai đem sánh,
Nàng Phi Yến lén vội soi gương.

Bài 3:
Hoa với nàng xinh đẹp cả đàng,
Quân vương thích thú luận không màng.
Giải thi kết thúc êm hòa vẹn,
Triều phất cờ hồng ngắm dựa can.
HỒ NGUYỄN (07-12-2021)




 


Mời Xem : VỀ BÀi "ỨC ĐÔNG SƠN " Của LÝ BẠCH

Sự thật đáng kinh ngạc về các sinh vật dưới biển sâu

 Nếu đã từng đến thăm một thủy cung hoặc xem một chương trình của David Attenborough, bạn sẽ biết rằng đại dương chứa đầy những sinh vật kỳ lạ và thần bí dường như đến từ một hành tinh khác.


Những sinh vật  đại dương vô cùng hấp dẫn, một số loài sống trong bong bóng chất nhầy, một số khác sử dụng việc đi tiểu như một hình thức giao tiếp, hay có những loài luôn mở một mắt khi ngủ… Hãy cùng khám phá những sự thật kinh ngạc về những sinh vật sống dưới đáy đại dương

Cá ếch có thể đi lại trên vây của chúng. Vây ngực của loài cá này rất độc đáo và có thể được sử dụng để chạy nước kiệu dưới đáy đại dương.
Cá vẹt ngủ trong một cái kén bảo vệ làm bằng chất nhầy của chính mình để che giấu mùi hương khỏi những kẻ săn mồi. 

Cá voi Beluga là một trong những sinh vật tốt bụng nhất ở biển, chúng đã được biết đến bằng việc nhiều lần giải cứu người chết đuối bằng cách đẩy họ lên mặt nước, giống như cá heo. Các nhà nghiên cứu cũng đã quan sát thấy chúng có ngôn ngữ riêng và được đặt biệt danh là "những con chim hoàng yến của biển cả". 
Nếu một con cá mập bị mất một chiếc răng, nó sẽ luôn mọc lại, ở bất kỳ độ tuổi nào. Điều này là do răng cá mập là một loại vảy, và về mặt khoa học nó hoàn toàn không phải là một chiếc răng. 
Cơ thể một con cá voi xanh có thể nặng tới 173 tấn, riêng lưỡi của chúng có thể nặng tới 8 tấn, nặng hơn một con voi. 

Cua có những chiếc râu trông như lông ở chân chứa các chồi vị giác, những thứ này giúp chúng tìm kiếm những món ăn ngon và chọn lọc thức ăn để đưa vào miệng.
 

Tôm hùm giống như thằn lằn biển vì chúng có thể mọc lại móng vuốt hoặc mắt bị mất khi chiến đấu với kẻ thù. Tuy nhiên, phần phụ mới có thể phát triển nhỏ hơn.
Hệ thống tiêu hóa của hải sâm làm sạch đại dương bởi chúng ăn bất cứ thứ gì bị mắc kẹt dưới đáy đại dương, và sau đó chúng xổ ra cát sạch. 

Cá Hermaphrodite là loài lưỡng tính, sinh ra với khả năng thay đổi giới tính của mình, nếu cần thiết, một con cá cái sẽ trở thành cá đực để cải thiện cơ hội sinh sản của chúng.
Cá thiên thần "chung thủy" đến mức ngay cả khi một con chết, đối tác sống sót sẽ không giao phối với bất kỳ ai khác trong suốt phần đời còn lại của mình. 

Cá croaker được đặt tên một cách khéo léo vì nó có thể tạo ra tiếng kêu kỳ lạ, âm thanh này được tạo ra bởi các túi khí rung động bên trong cơ thể chúng.
Nhiều loài cá xương có nhiều hơn một bộ lỗ mũi. Lỗ mũi của chúng không phải để thở mà chỉ để ngửi, cho phép chúng phát hiện những kẻ săn mồi dễ dàng hơn. Vì vậy, chúng có càng nhiều lỗ mũi càng tốt.
Mặc dù lợn biển có bề ngoài tương tự như cá heo và cá voi, nhưng chúng thực sự có quan hệ họ hàng gần với voi hơn.

Cá heo trắng là một trong những loài sinh vật tốt bụng nhất dưới biển. Chúng được cho là đã cứu những người bị chết đuối bằng cách đẩy họ lên mặt biển. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát loài sinh vật này và thấy rằng chúng có ngôn ngữ riêng nghe như những tiếng kêu the thé hoặc chiêm chiếp. Chúng thậm chí còn được đặt biệt danh là "hoàng yến của biển cả".   

 
 Sứa là một vài trong số những loài sinh vật cổ xưa nhất vẫn còn trên Trái Đất cho tới ngày nay. Nó tồn tại trước cả khủng long và đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng trên Trái Đất.





Những chú cá đá thực sự đáng sợ như vẻ ngoài của chúng. Chúng có chứa độc tố cao và nọc độc của chúng có thể giết người. Đây cũng là nọc độc đau đớn nhất nếu trải qua.
Cá nắp hòm không có khung xương giống như những loài cá khác. Nó gần như được tạo nên từ một khung xương hình hộp có miệng, mắt và vây gắn bên ngoài.
Cá mèo gây chú ý bởi một chiếc miệng rất lớn. Nếu như con người có khoảng 9.000 nụ vị giác thì nó có tới 27.000 nụ vị giác.

15/10/2021
Tổng hợp    
 
DAMHo chuyển 

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

CUNG ĐÀN LẠC DÂY,ĐỪNG THẮC MẮC - Thơ Thu Hà

 
 
CUNG ĐÀN LẠC DÂY
 
Ngày xưa khi gởi tiếng yêu
Cớ sao chẳng nói những điều chia xa
Để giờ buông bỏ tình ta
Quên luôn câu hứa giao hòa ngàn năm
 
Người ơi! Bóng nhỏ lặng thầm
Nhớ về phương ấy lệ dầm ướt mi
Bây giờ trên mỗi bước đi
Tôi nghe như thể dẫm ghì chông gai
 
Ngày xưa ai hứa yêu ai
Bảo rằng sẽ mãi bên nhau chẳng rời
Thế nay sao vội quên lời
Để cho nỗi nhớ rã rời trong tôi
 
Biết mình chẳng đặng chung đôi
Cớ sao lại hứa trọn câu đá vàng
Để giờ người lại phụ phàng
Bỏ tôi ở giữa ...cung đàn lạc dây!!!
 
Thu Hà 
 

 
ĐỪNG THẮC MẮC
 
Đừng thắc mắc tại sao thơ tôi viết
Toàn chuyện buồn dang dỡ với trái ngang
Bởi tình kia giờ như ánh trăng tan
Rơi rớt mãi bụi tàn nơi vô tận
Đừng thắc mắc tại sao tình lận đận
Người đi rồi hờn giận để mà chi
Cuộc tình mình giờ cách trở phân ly
Tôi ở lại tay ôm ghì nỗi nhớ
Đừng thắc mắc tại sao tình trắc trở
Lời thơ buồn muôn thuở viết về nhau
Lòng rất đau khi kỉ niệm hôm nào
Cứ vương vấn ngạt ngào trong tim mãi!!!
Thu Hà
 
 
🍃🍃🍃🍃🍃🍃🍃🍃🍃 
 

Nhựa sinh học có thể tự hủy trong vài ngày


 Các nhà khoa học ở Đại học California, Berkeley, tìm ra cách khiến nhựa phân hủy hữu cơ tiêu biến dễ dàng hơn chỉ với nước ấm.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm 21/4, các nhà khoa học thêm phân tử đặc biệt vào nhựa làm từ axit polylactic (PLA) và polycaprolactone (PCL). Những hợp chất này thường được sử dụng trong nhựa phân hủy hữu cơ. Phân tử đặc biệt mà họ dùng là enzyme có khả năng làm tan rã nhựa và biến đổi thành axit lactic khi gặp điều kiện phù hợp.

Các enzyme được bọc trong polymer, sau đó đặt vào sợi nhựa. Chúng không làm thay đổi kết cấu của vật liệu, dùng như nhựa polyester thông thường. Quá trình phân hủy xảy ra khi nhựa tiếp xúc với nước và nhiệt độ cao.

Trong điều kiện phân hủy công nghiệp, nhựa PLA chứa enzyme tan rã trong vòng 6 ngày ở 50 độ C. Đối với nhựa PCL, tiếp xúc với nhiệt độ 40 độ C trong vòng hai ngày là đủ để quá trình phân hủy diễn ra. Phương pháp này có thể phân hủy sinh học tới 98% nhựa thành phân tử nhỏ và không để lại vi nhựa.

“Mọi người giờ đây đã sẵn sàng chuyển từ nhựa dùng một lần sang polymer phân hủy sinh học, nhưng thực chất điều đó tạo ra nhiều vấn đề hơn giá trị mang lại”, giáo sư Ting Xu, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. “Về cơ bản, chúng tôi đang đi đúng hướng. Chúng tôi có thể giải quyết vấn đề kéo dài khi nhựa dùng một lần không thể phân hủy sinh học”.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy polyester đã biến đổi không thể phân hủy ở nhiệt độ thấp hoặc thời gian ẩm ướt quá ngắn. Điều đó có nghĩa một chiếc áo làm từ vật liệu này sẽ không bị ảnh hưởng nếu giặt bằng nước lạnh hoặc khi thấm mồ hôi. Vật liệu nhựa mới có thể tồn tại ở nhiệt độ phòng trong 3 tháng mà không bị phân hủy. Nước ấm sẽ thúc đẩy quá trình bắt đầu.

Xu và cộng sự hiện nay đang tìm hiểu cách ứng dụng phương pháp với những loại nhựa khác cũng như kiểm soát tốt hơn mức độ phân hủy sinh học để nhựa phân hủy một phần và phần còn lại có thể tái chế thành nhựa mới.

 

Đài Loan là cục xương khó nuốt - Nguyễn Quang Dy (Bauxite Vietnam)

“Kẻ nhân nhượng cho cá sấu ăn với hy vọng nó sẽ ăn thịt mình cuối cùng” (an appeaser is someone who feeds a crocodile hoping it will eat him last – Churchill).

Gần đây, câu hỏi Trung Quốc có đánh chiếm Đài Loan không và bao giờ, làm giới nghiên cứu đau đầu và dư luận lo ngại, nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, và các giả thuyết vẫn chưa rõ ràng. Trong thế giới “hậu chiến tranh lạnh” (Mỹ-Xô) hay “chiến tranh lạnh kiểu mới” (Mỹ-Trung), yếu tố “bất định” (uncertain) và “khó lường” (unpredictable) ngày càng tăng, làm cho điều chỉnh chiến lược thời Trump và thời Biden vẫn chưa hoàn chỉnh.

Trung Quốc muốn gì

Cố Tổng thống Nixon trước khi mất đã ví Trung Quốc như “Frankenstein”. Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và quyết đoán không chỉ vì ý chí của chính họ, mà còn được Mỹ và đồng minh khuyến khích và nhân nhượng (appeasement). Qua mấy đời tổng thống Mỹ, họ đã ngộ nhận về Trung Quốc và theo đuổi chủ trương “can dự” (engagement). Trong khi Obama “tránh rủi ro” (risk aversion) thì Biden “mập mờ chiến lược” (strategic ambiguity).

Hai năm qua, Mỹ đã sa vào khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 làm tám mươi vạn người chết, và khủng hoảng chính trị mà đỉnh điểm là vụ chiếm nhà Quốc hội (6/1/2021). Tập Cận Bình đã tranh thủ thời cơ củng cố quyền lực, mà đỉnh điểm là “nghị quyết lịch sử” được Trung ương 6 thông qua, không chỉ khẳng định quyền lực của Tập như “Hoàng đế Trung Hoa”, mà còn tăng cường áp lực ở Biển Đông và eo biển Đài Loan để nắn gân Mỹ.

Tại cuộc họp Trung ương 6 (khóa 19), với sự hỗ trợ của Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư, Tập Cận Bình đã áp đảo được tiếng nói phản kháng và kiểm soát được tình hình. Nhưng theo nhà bình luận chính trị Ngụy Kinh Sinh 魏京生 (24/11/2021), thì đó chỉ là tuyên truyền bên ngoài, còn bên trong tranh luận rất gay gắt. Vụ 500 ý kiến phản đối đã đẩy đấu tranh quyền lực bên trong “cái hộp đen” Trung Quốc lên cao trào mới. Nói cách khác, Tập Cận Bình muốn nâng một tảng đá nhưng tảng đá đó lại đập vào chân ông ta, nên tiến thoái lưỡng nan.

Các chuyên gia cho rằng Tập Cận Bình đã chuẩn bị hậu trường để trở thành “Hoàng đế Trung Hoa” một khóa nữa (vào năm 2022), nên ông có thể muốn chinh phục Đài Loan làm viên ngọc cho “vương miện của mình”. Nếu chiến tranh lạnh kiểu mới kèm theo “chiến tranh nóng” thì Đài Loan là nơi dễ xảy ra nhất. Tuy xung đột là rủi ro, nhưng Tập Cận Bình cho rằng lúc này là cơ hội tốt nhất, hơn là chờ mười năm nữa. (Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson, Mikio Sugeno, Nikkei Asia, September 10, 2021).

Trong một cuốn sách mới xuất bản, David Shambaugh (George Washington University) đánh giá lại năm [nhân vật] lãnh đạo đã dẫn dắt Trung Quốc từ 1949 đến nay. Đó là Mao Trạch Đông (1949-1976), Đặng Tiểu Bình (1979-1989), Giang Trạch Dân (1989-2002), Hồ Cẩm Đào (2002-2012), và Tập Cận Bình (2012-đến nay). Tuy chặng đường dẫn Tập Cận Bình đến khóa thứ 3 có vẻ rộng mở, nhưng đằng sau hậu trường, những người chống đối suy nghĩ khác. (China Leaders: from Mao to now, David Shambaugh, Polity Press, October 2021).

Chính sách của Tập Cận Bình đang gây tranh cãi. Khi Đại hội 20 càng gần, thì căng thẳng về chính trị ngày càng cao. Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Đảng đã thanh trừng lực lượng cảnh sát, an ninh, viện kiểm sát, và trấn áp những nhà tư bản lớn (như Jack Ma). Nhiều người coi “nghị quyết lịch sử” mới được thông qua là một bước cốt yếu để đưa Tập Cận Bình vào “ngôi đền của Đảng”. Trong khi người Trung Quốc lo lắng về Tập Cận Bình tập trung quá nhiều quyền lực, thì các lãnh đạo trẻ hơn thất vọng vì thiếu chuyển giao quyền lực.

Mỹ và đồng minh muốn gì

Theo Elbridge Colby (nguyên Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Trump), Trung Quốc đã dành 25 năm qua để xây dựng quân đội hiện đại nhằm đánh chiếm Đài Loan, nên họ có thể hành động vào năm 2025. Để tránh xung đột, Mỹ phải hành động nhanh hơn và ưu tiên giúp Đài Loan tăng cường năng lực quốc phòng để răn đe Bắc Kinh. Mỹ cần thay thế chủ trương “mập mờ chiến lược” bằng cam kết mạnh hơn với Đài Loan. (The Fight for Taiwan Could Come Soon, Elbridge Colby, Wall Street Journal, October 27, 2021).

Đô đốc Philip Davidson (nguyên Tư lệnh vùng Indo-Pacific) cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng chiếm Đài Loan trước năm 2027, và không có bằng chứng nào cho thấy họ định “đánh úp” (sneak attack). Trung Quốc hy vọng gây áp lực ngày càng mạnh về ngoại giao, kinh tế, và quân sự với Đài Loan sẽ giúp Quốc Dân Đảng (thân Bắc Kinh) giành thắng lợi trong bầu cử tổng thống vào năm 2024. Nhưng, nếu Phó tổng thống Lại Thanh Đức (thân Mỹ) thắng thì Trung Quốc có thể buộc phải chọn giải pháp quân sự. (Taiwan is safe until at least 2027, but with one big caveat, Derek Grossman, Nikkei Asia, November 10, 2021).

Sau cuộc gặp Mỹ-Trung đầy kịch tính ở Anchorage (19/3), hai bên đều muốn giảm nhiệt bằng một cuộc gặp cấp cao. Tiếp theo điện đàm giữa Biden và Tập (9/9), Jake Sullivan (cố vấn an ninh quốc gia) gặp Dương Khiết Trì (phụ trách đối ngoại) tại Thụy Sỹ (26/10) để thu xếp cuộc gặp cấp cao (15/11). Hội đàm kéo dài ba tiếng rưỡi, tuy trao đổi nhiều chủ đề khác như thương mại và nhân quyền, nhưng Đài Loan vẫn là chủ đề nóng nhất.

Tuy trước mắt (bên ngoài) hai bên có vẻ hạ nhiệt vì Biden và Tập là “bạn cũ”, nhưng về lâu dài (bên trong) mâu thuẫn vẫn còn nguyên. Trong khi Biden nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập “một số đảm bảo thông thường” để tránh hiểu lầm dẫn đến xung đột ngoài ý muốn, Tập Cận Bình không có một thỏa hiệp đáng kể nào (Biden and Xi Discuss Taiwan Trade and Human Rights: Live Updates, New York Times, November 16, 2021).

Gần đây, quan điểm về Trung Quốc của Úc đã thay đổi nhiều và phân hóa sâu sắc. Theo Peter Jennings (ASPI Executive Director), “bảo vệ Đài Loan là sống còn đối với an ninh của Úc”, và “còn quá sớm để chịu đầu hàng Trung Quốc”. Nhưng Huge White (Lowy Institute) lại cho rằng phải tránh chiến tranh vì cái giá của chiến tranh cao hơn nhiều so với phải sống dưới trật tự khu vực do Trung Quốc dẫn đầu. Đó là một quan điểm trái chiều (Too soon to be waving the White flag on China, Peter Jennings, ASPI, November 24, 2021).

Paul Keating (cựu Thủ tướng Úc) cũng cho rằng lập trường chính thức của Úc không nên giúp Đài Loan vì đó là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc. Keating không chỉ ngộ nhận về “nhân nhượng”, mà còn bi quan về sự thay thế. Nhân nhượng được đề xuất nhằm tránh xung đột, tuy trong trường hợp Đài Loan không dễ xảy ra (Paul Keating may be the Grand Appeaser but is he wrong? Simon Cotton, Lowy Interpreter, 24 November 2021).

Đài Loan và Biển Đông

Trong bối cảnh đó, Đài Loan và Việt Nam vẫn lo ngại “lịch sử sẽ lặp lại” nếu Mỹ-Trung thỏa thuận riêng sau lưng họ. Đó có thể là lý do Việt Nam vẫn chưa vội nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược”, nhưng là lý do để Nhật và Việt Nam nâng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng lên một “cấp độ mới”. Tại cuộc gặp cấp cao ở Tokyo (23/11) giữa Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Thủ tướng Việt Nam Pham Minh Chính, hai bên đã ra tuyên bố chung “cực lực phản đối những ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng tại khu vực”.

Theo một báo cáo của CNAS (26/10), Trung Quốc có thể chiếm đảo Ba Bình (Taiping hay Pratas) tại Biển Đông và biến nó thành một tiền đồn. Mỹ không chỉ cần bảo vệ Đài Loan, mà còn phải ngăn xung đột leo thang ra ngoài Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể chơi trò “chọi gà” (chicken game) với Trung Quốc tại Ba Bình, nhưng thiếu Nhật hỗ trợ thì Mỹ và Đài Loan yếu thế, làm Lầu Năm Góc khó xử (In Taiwan war game, few good options for US to deter China, Dan Lamothe, Washington Post, October 26, 2021).

Trong cuốn sách “Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific (do Alexander Vuving chủ biên và APCSS xuất bản (9/2020), Vuving lập luận rằng Biển Đông tuy có thể gặp nguy hiểm, nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như Giáo sư Graham Allison cảnh báo, vì Biển Đông theo luật chơi “chọi gà” (chicken game) chứ không theo luật chơi “thế lưỡng nan của người tù” (prisoner’s dilemma) . Nói cách khác, nếu Đài Loan cũng theo luật chơi “chọi gà” như Biển Đông thì cũng có thể tránh được “bẫy Thucydides”.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa Đài Loan. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần trước (1995-1996) Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực, buộc Trung Quốc phải xuống thang. Tổng thống Thái Anh Văn đã tuyên bố, “Đài Loan đứng trên tuyến đầu của cuộc tranh chấp toàn cầu giữa nền dân chủ và nền độc tài. Nếu Đài Loan thất bại, thì đó sẽ là một thảm họa cho hòa bình và dân chủ (Taiwan and the Fight for Democracy, Tsai Ing-wen, Foreign Affairs, November/December 2021).

Kurt Campbell (Asia-Pacific Coordinator) phát biểu tại Institute of Peace (19/11) đã nhấn mạnh, “Ấn Độ là một đối tác chủ chốt” (a key fulcrum player) trên trường quốc tế và “Việt Nam là một quốc gia thiết yếu” (a critical swing state) tại Indo-Pacific. Ấn Độ và Việt Nam đứng đầu danh sách các nước thiết yếu sẽ định hình tương lai Châu Á”. Lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần làm quen, và chia sẻ tầm nhìn chiến lược thực sự”. (India and Vietnam will define the future of Asia, says Kurt Campbell, Ken Moriyasu, Nikkei, November 20, 2021).

Theo Derek Grossman (RAND’s senior defense analyst), trong khi chính quyền Joe Biden có thể tiếp tục đà tích cực trong quan hệ song phương với Việt Nam, thì vẫn chưa rõ Hà Nội muốn điều gì cụ thể từ Washington để giúp họ đối phó với Bắc Kinh một cách hiệu quả. Trong khi cố gắng cân bằng giữa hai siêu cường, Việt Nam tuy muốn tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng nhưng còn ngại “đối tác chiến lược” với Mỹ. (What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021).

Thay lời kết

Tóm lại, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thâu tóm Đài Loan vì “lợi ích cốt lõi”, kể từ khủng hoảng Kim Môn, Mã Tổ (1958) đến khủng hoảng eo biển Đài Loan (1995-1996). Trong khi Trung Quốc trỗi dậy thành một siêu cường, thì Đài Loan cũng đã phát triển thành một cường quốc hiện đại bậc trung. Đài Loan là một cục xương khó nuốt hơn nhiều so với Hong Kong, không chỉ vì nó có tiềm lực kinh tế và quân sự đáng kể, mà còn được Mỹ, Nhật và các nước đồng minh khác bảo vệ, vì những lợi ích sống còn trong khu vực.

Nếu Mỹ quyết tâm bảo vệ Đài Loan thì phải tăng cường khả năng “răn đe kết hợp” (integrated deterrence), và điều chỉnh chủ trương “mập mờ chiến lược” để giúp Đài Loan đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc. “Mập mờ chiến lược” không đem lại “ổn định chiến lược”, mà chỉ duy trì “khoảng lặng trước một cơn bão”. Washington đã điều chỉnh chiến lược dưới thời Trump, và nay tiếp tục điều chỉnh chiến lược dưới thời Biden. Nhưng quá trình điều chỉnh chiến lược của Washington để đối phó với Bắc Kinh đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh.

Bắc Kinh gia tăng sức ép với Đài Loan chủ yếu để nắn gân Mỹ và củng cố quyền lực của Tập. Nếu muốn đánh úp Đài Loan họ không cần “rung cây dọa khỉ” như “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship). Biden gặp Tập (15/11) trước khi Mỹ có Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS). Đã mười tháng qua, nhóm đặc nhiệm liên ngành của Ely Ratner vẫn chưa soạn xong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Trong ván cờ lớn Mỹ-Trung, hai bên vẫn đang chơi cờ thế (hedging) tại eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Tài liệu tham khảo

1. What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021

2. Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson, Mikio Sugeno, Nikkei Asia, September 10, 2021

3. China Leaders: from Mao to now, David Shambaugh, Polity Press, October 2021

4. In Taiwan war game, few good options for US to deter China, Dan Lamothe, Washington Post, October 26, 2021

5. The Fight for Taiwan Could Come Soon, Elbridge Colby, Wall Street Journal, October 27, 2021

6. Taiwan is safe until at least 2027, but with one big caveat, Derek Grossman, Nikkei Asia, November 10, 2021

7. Biden and Xi Discuss Taiwan Trade and Human Rights: Live Updates, New York Times, November 16, 2021

8. India and Vietnam will define the future of Asia, says Kurt Campbell, Ken Moriyasu, Nikkei Asia, November 20, 2021).

9. Too soon to be waving the White flag on China, Peter Jennings, ASPI, November 24, 2021

10. Paul Keating may be the Grand Appeaser but is he wrong? Simon Cotton, Lowy Interpreter, November 24, 2021

11. Taiwan and the Fight for Democracy, Tsai Ing-wen, Foreign Affairs, November/December 2021

N.Q.D.

27/11/2021

GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy. Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến Lời truyền ...