Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 14) – MỘT MÌNH QUA PHỐ

Sài Gòn ngày trở lại – Tranh: Thanh Châu

Bốn chữ này tôi mượn của Trịnh Công Sơn, không phải để âm thầm nhớ nhớ tên em nào, mà để nhớ lại một thời để yêu và một thời để chết.

Đó là thời của những năm sáu mươi, bảy mươi, thời của hai mươi năm nội chiến từng ngày, thời mà nằm ngủ trên giường, ngồi quán cà phê hay đi xe đò cũng chết huống gì ra mặt trận.

Thời đó, những người con trai mới lớn, vừa bước chân vào đời đã phải đối diện với cái chết, thì tổ quốc, tương lai…chỉ là những tên gọi mơ hồ, tuyệt vọng… chỉ có em, chỉ có tình yêu dù đơn phương, mới là tất cả.

Em là chút mầm xanh của cây đời đang gãy đổ. Em là đóa hoa súng trên mặt hồ lạnh lẽo. Em mong manh, nhưng quý hóa biết chừng nào.

Thì đúng là may mà có em, cuộc đời mới dễ thương, nếu không, Vũ Hữu Định trên đường ra biên giới khác nào tử tội ra pháp trường.

Một mình, đương nhiên là chỉ một người. Nhưng không phải một mình trên đường lớn rất triết của Tô Thùy Yên, cũng không phải một mình đứng giữa quãng chơ vơ  rất cô đơn của Trần Tế Xương. Lại càng không phải một mình mình một bơ thờ vịn cây cây ngã vịn bờ bờ xiu rất tuyệt vọng như trong ca dao.

Một mình qua phố, tuy mình ên, nhưng rất xôn xao vì còn có tên ai đó để nhớ, còn có ai tan trường về để lầm lũi bước theo sau.

Một mình có thể là anh học trò nghèo bụng lép kẹp nhưng hồn đầy mộng mơ, có thể là nhà tu dù đã tu qua chín kiếp nhưng vẫn chưa rũ hết mùi tục lụy, cũng có thể là một cô học trò lãng mạn đang fall in love viết nên bài thơ này:

 

Tôi đi trên đường nắng

Thương những buổi trưa vàng

Những bờ hoang xa vắng

Đôi tâm hồn lang thang

 

Kiếm tìm trên lối ngõ

Bàn chân yêu thương qua

Nhà ai in ngói đỏ

Trời xanh ôm mái nhà*

 

Chữ phố, đứng một mình, không có thành, không có khu  phía trước, cũng không có vắngxa phía sau, rất trơ trọi, nhưng có thế phố mới trở nên thân quen ấm áp. Phố bỗng trở thành một người bạn cùng bước song hành để cho ta rù rì tâm sự.

Mặc dù xe ngựa ồn ào, kẻ đi người lại bon chen, ta vẫn thấy phố thật vắng, thật yên, phố vẫn đi theo ta lặng lẽ như bóng với hình.

Kìa là những cột đèn, những ban công, những mái lầu, rồi tháp chuông và trên cao là mây trắng…

Phố có mùi hương, có thể là của hoa dã quỳ vàng rực, có thể là của hoa ngọc lan đài các, hay hoa sữa nồng nàn, và nếu trời đang mưa, ta có thể nghe ra mùi của hương nước mưa mát lạnh.

Vì đi chỉ để mà đi, cần gì phải ngang qua những con phố sang trọng với cửa hiệu sáng choang, hàng hiệu đắt tiền hay những ba những bảy xập xình…

Thế rồi, trên những con phố nghèo, bỗng dưng dưới một mái hiên hay một khung cửa nào đó, e ấp một mái tóc nghiêng nghiêng, mộng mơ một đôi mắt đuôi dài, thì dù lộn xộn, dù nhếch nhác đến đâu, ta vẫn thấy con phố bỗng trở nên giàu có sang trọng và sao mà nó lại sạch sẽ thơm tho đến như vậy.

Từ đây con phố có linh hồn, và ta bỗng trở nên chàng thi sĩ có thể làm thơ dù là thơ con cóc.

Vậy đó, cứ thế lửng thửng mà đi, vô tình mà bước, không cứ gì phải tìm ai, gặp ai, cứ đi như sông là phải chảy, mây là phải bay và mưa là phải rơi xuống.

Cái thời mới lớn của tôi đó, nó nhà quê, nó cả ngố làm sao! Nhưng dù đã xa thật xa, tận cùng trong quá khứ nhạt mờ, tôi vẫn thấy cậu ta bước đi chân không hề mỏi, mắt nhìn đâu đâu, tưởng chừng như đang lạc bước vào chốn thần tiên. Và khi trông thấy con gái bay nhiều quá, những cánh tay mềm như cánh chim**, cậu tưởng chừng cũng sắp bay lên. Ôi chao cậu muốn được ôm tất cả vào lòng chứ không chỉ  một riêng ai.

Tham lam quá phải không, nhưng có như vậy mới đáng để cậu ta một mình qua phố chứ.

 

26/9/2019

Khuất Đẩu

* thơ của Nguyễn thị Hoàng

** thơ của Hoàng Trúc Ly

 

 Mời Xem Khuất Đẩu :

 Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI – TÌNH GIÀ

 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...