Đó là một câu khẳng định chắc như cây đinh đóng cái cột nhà. Gia phả là
gì?家譜 gia phả hoặc gia phổ là phả hệ của một dòng họ, gia đình, là cuốn
sách chép tên ông bà tổ tiên, con cháu của một dòng tộc nào đó. Người
Bắc Kỳ xưa rày ta nghe tới là thói “lũy tre làng”, có gia phả, có dòng
tộc nghiêm ngặc, có trưởng tộc, có nhà thờ tổ, mả tổ, thủy tổ và những
quy định ná thở với con cháu. Nhưng với dân Nam thì không có, hoặc có
hời hợt, hình thức Dân Nam Kỳ có câu cười Bắc Kỳ là “Tổ tiên đại bác
thụt chưa tới.” Chúng ta biết tổ tiên khai phá dựng lên Nam Kỳ Lục Tỉnh
là dân khai hoang, kêu là lưu dân. 流民lưu dân là dân phiêu lưu, dân đi
xa, dân bỏ làng quê gốc mà ra đi.
Đó là người Ngũ Quảng: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức
(Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi hiệp cùng người Minh Hương, đồng hóa người
Khmer, người bổn địa Stieng…mà trộn ra dân Nam Kỳ ngày nay.
Đó là dân nghèo rách nát, dân bị lưu đày, bị truy nã, bị
làng ruồng bỏ, gái chửa hoang, học trò thất chí, quan bị biếm chức,
người thích phiêu lưu, giang hồ lãng tử…
“Tới Cà Mau – Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?”
(Sơn Nam)
Xa hơn dân Ngũ Quảng là những người ở mạn Bắc di cư theo
chúa Nguyễn Hoàng vô Trung Kỳ mà Phạm Duy tả là ” Gió tiễn người về đến
quê hương câu ca giọng Hời.”
“Mộng ngoài biên giới mơ hồ
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ
Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma.”
Rồi thời chúa Nguyễn, lưu dân Việt từ Ngũ Quảng theo bà Ngọc Vạn vô Mô Xoài, Đồng Nai:
“Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.”
嘉定Gia Định là nơi đô hội, trù phú nhứt Nam Kỳ, có nghĩa là định cư nơi an ổn, phước lớn
Là những lưu dân tạo ra hợp chúng quốc Nam Kỳ, ông bà chúng
ta tạo ra một nền văn hóa đặc trưng riêng của Nam Kỳ mà nhìn lại có phần
khác ngoài Trung, đối lập với ngoài Bắc
Thí dụ Bắc ăn bánh chưng cắt 8 miếng hình trụ nhọn, Nam Kỳ
ăn bánh tét -tét ra khoanh tròn, Bắc Kỳ uống trà kêu uống chè, Nam Kỳ
kêu trà
Văn hóa Bắc là lũy tre làng bốn góc chôn chặc cái làng ở
giữa, làng nào sống kiểu làng đó, cấm giao lưu trai gái, có hương ước
ngặc nghèo, có thầy Lý hắc cám, có con Thị Màu lẳng lơ, có chị Dậu bế
tắc, có những người con gái chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi thả bè chuối
trôi sông.
Nam Kỳ khác Bắc phần nhiều. Nam sống mở, làng của Nam dựa vô
mé sông, giao lưu với làng khác bằng ghe xuồng, bằng những con lộ,
người Nam luôn mời khách xa xôi vô ở chung, giúp đỡ nhau cùng an cư vui
vẻ, gái làng thích lấy trai xa xứ và thương chồng đứt ruột đứt gan vì
cái quá khứ “trôi sông lạc chợ” đó.
“Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai,
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người quân tử lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về.”
Gái Nam Kỳ chịu chơi, dám theo người mình yêu, dám nhận hậu quả do tình yêu đó đem lại.
“Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Ví dầu tình có dở dang,
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp dzìa.”
Ông bà tổ tiên Nam Kỳ mình quá hãi hùng ở đất Bắc hắc ám nên vô Nam bỏ tục gần hết.
Họ không muốn con cháu họ phải sống cái cảnh mõ làng rùng rợn, phiên xử “hương ước” ở đình làng như ngoài Bắc.
Làng xóm Nam Kỳ không có hương ước, lệ làng. Làng Nam Kỳ là
làng mở, nhưng có những luật bất thành văn, mọi người phải tôn trọng,
làng Nam Kỳ tuân luật triều đình, tôn trọng quan chủ quận, tri huyện.
Thành ra gái Nam thất tiết thì bị gia đình xử bằng cách đuổi
ra khỏi nhà, nhưng đuổi là thủ tục thôi vì lén nhét tiền của cho nó đi
trốn khuất mắt một thời gian, hoặc đày nó xuống nhà sau cấm ló mặt lên
nhà trước trong một hai năm, hoặc ra vườn sau cất nhà mà ở. Hết thời
gian đó cô gái sống lại bình thường, con cháu máu mủ mình mà.
Nên ai làm phim làm cạo đầu bôi vôi, thả bè chuối trôi sông,
thả rọ heo xuống sông quăng người xuống giếng là không hiểu gì về văn
hóa Nam Kỳ. Tổ tiên Nam Kỳ chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ đó trong đầu
với con cháu mình.
Người Nam Kỳ không lập gia phả, vì sao?
Đừng bao giờ nói người Nam Kỳ là lưu dân dốt không biết chữ mà không lập gia phả.
Các bạn nghiên cứu thấy rằng Nho giáo Bắc Kỳ là đầu môi chót
lưỡi, tức thể hiện bằng cái miệng. Nho giáo Nam Kỳ thể hiện bằng cách
sống.
Có ai đó nói “Người Bắc cao đạo một cách ngây ngô, còn người Nam thì thực tế một cách trần trụi.”
Cái chữ trần trụi hơi quá, nhưng những quy tắc bất thành văn
ở Nam Kỳ nó vô hình dữ lắm nha. Thí dụ dân Nam Kỳ mời bạn ăn cơm, mà
bạn ăn hỗn trong mâm cơm quá, họ không nói, nhưng lần sau sẽ không mời.
Người Nam Kỳ luôn để khách tự giác và không nhắc.
Trong làng Nam Kỳ vẫn có người biết chữ Nho, sau là chữ Quốc Ngữ, nên biết chữ Quốc Ngữ được dạy ở Nam Kỳ đầu tiên.
Nhìn đền chùa, miếu mạo Nam Kỳ xưa đi, hoành phi câu đối rất nhiều, đó là bằng chứng.
Không viết gia phả vì thấy không cần thiết. Một xã hội mở thì không cần gia phả.
Xưa đất rộng người thưa, con cháu đi tứ tán, ở nhà toàn nhờ
láng giềng gần đó, có câu “Bán họ hàng xa mua láng giềng gần.”
Là dân gốc lưu dân, dân Nam muốn xóa bỏ quá khứ hãi hùng từ Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Cách xưng hô “anh Cả” ở Bắc so với “anh Hai” ở Nam là điển hình.
Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao người Nam gọi “anh Cả”,
“chị Cả” (người con trưởng, theo cách gọi miền Bắc) là “anh Hai”, “chị
Hai”?
Nhiều người giải thích rằng thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng dân ở
Bắc vào khai phá vùng đất Phương Nam, rằng trong đoàn quân Nam tiến lúc
đó, hầu như không có ai là “anh Cả”, vì đi mở cõi thì nguy hiểm, theo
tục Bắc phải để người con trưởng ở lại để phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc
mộ phần tổ tiên; những người ra đi đều là con thứ.
Nói vậy không trúng.
Có những gia đình họ ôm cả nhà cả dòng họ của họ vô Nam kìa.
Chuyện anh hai ở Nam Kỳ là chuyện đặc trưng, không thể giải
thích là ông cả cọp gì đó mà sợ nên Nam Kỳ tránh “Anh Cả”, vậy chứ ông
Hương Cả thì sao? Nam Kỳ có Hương Cả trong ban hội tề.
Đơn giản người Nam cố tình làm cho khác Bắc Kỳ khi bỏ cả, chỉ gọi người lớn là anh hai, chị hai
Bỏ chữ cả là một dạng dứt áo, cắt đứt với hương ước, lũy tre làng, với họ tộc kinh hoàng kiểu Bắc Kỳ.
Ông Hương Cả trong Nam đâu có quyền hành gì, chỉ tượng
trưng, và là cả duy nhứt trong Nam, có lẽ là một chút hoài vọng.
Người Bắc thừa tự là con trưởng, nhưng thừa tự, cúng kiếng
trong Nam là con trai út. Nam Kỳ rất thực tế, thằng út lúc nào cũng trẻ
trung, nó sẽ gánh vác gia đình ở mức hăng hái, thằng hai thì già chát,
nhỏ hơn cha mẹ không nhiều gánh gì nổi.
Câu “Giàu út ăn nghèo út chịu”cũng của Nam Kỳ đưa ra.
Thằng út giữ hương hỏa trong nhà, nhưng vẫn không hạ bệ thằng anh hai nha.
Bằng chứng là trong những ngày giỗ chạp, cúng kiếng tổ tiên,
đám cưới thì ông anh hai vẫn đứng ra tế lễ, thằng út đứng sau lưng anh
hai.
Trong họ tộc thì người thứ hai vẫn mang tiếng người đứng
đầu, đám cưới thưa gửi là ông bác hai hết thảy, ông này chết thì ông bác
ba lên thế.
Nhưng anh hai làm lễ thôi, anh hai không có quyền xen vô
chuyện cúng kiếng của thằng út như cúng lớn, cúng nhỏ, cúng ra làm sao.
Nam Kỳ chia quyền hết là ở đây.
Ngày nay Nam Kỳ thực tế luôn ở kiểu chia bàn thờ, anh hai giỗ cha, út giỗ mẹ, tới ngày tụ lại hai nhà vui vẻ.
Không gia phả, không họ tộc, không có khái niệm nhà thờ tổ,
nhưng Nam Kỳ mặc định nhà thằng Út là nhà thờ tổ, tức là nhà nào mà cha
mẹ, ông bà chết và thờ là nhà tổ
Ông nào giữ hương hỏa có nghĩa vụ làm đám giỗ, không có
quyền chỉ trỏ, ra lịnh này nọ nghĩa vụ với con cháu như tộc trưởng ngoài
Bắc.
Con cháu trong Nam sướng là vậy, cứ về ăn đám giỗ, giàu mua đồ nhiều, nghèo mua đồ ít, không ai dám nói.
Với bản chất trọng người sống, kỉnh người chết ở mức tượng
trưng, việc cúng kiếng Nam Kỳ cũng khác. Thường giữa nhà người Nam đặt
cái bàn thờ 九玄七祖 “Cửu Huyền Thất Tổ” tức “7 đời tổ tiên trên chín tầng
trời .”
Nhưng thực ra người miền Nam cúng giỗ chỉ 3 đời tới ông cố bà cố thôi,hết 3 hoặc 4 đời là không cúng kiếng gì nữa
Có câu五代埋神主 “Ngũ đại mai thần chủ” (Đến 5 đời thì chôn thần
chủ), tức đem bài vị chôn hoặc đốt, nhập lại làm một gọi là “Cửu huyền
thất tổ”, và giỗ chung tượng trưng
“Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ
Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha.”
Cái đình Nam Kỳ rất chan hòa, vui vẻ, là nơi dân làng tụ hợp
lại cúng Thành Hoàng rồi ăn uống vui chơi, coi hát bội, nó như một cái
sân khấu.
Gánh hát về đình là niềm vui bất tận của người Nam Kỳ.
Nam Kỳ không có thằng mõ tay chưn của lý trưởng, không có cảnh phạt vạ kiểu Thị Màu.
Trong cái làng Nam Kỳ, có nhà việc là chổ làm việc của làng, tra án ở đó, không mang vô đình như Bắc Kỳ.
Coi “Con nhà nghèo”, bà Cai Hiếu đòi đóng gông Ba Cam thì
Hương Quản đáp lại “Tôi đang tra án nó, mà thủa nay làng tôi có gông đâu
mà đóng.”
Là gốc lưu dân, không viết gia phả, không lập họ tộc, không lập lũy tre làng, không có ông lý trưởng hét ra lửa.
Để ý coi đi trong đám giỗ Nam Kỳ luôn cúng một mâm ngoài sân
nhà, đó là mâm cúng lề, cúng những người khai hoang bỏ mình hồi xưa,
sau 1975 CS kêu “mâm chiến sĩ.”
Tất cả các miếu, am, và bàn thông thiên Nam Kỳ đều có cúng mấy hủ muối, gạo và nước, có nơi cúng bó củi.
Đó là cúng tổ tiên gốc lưu dân của mình hồi xưa.
Người Nam Kỳ cúng lề, cúng đất, cúng cô hồn.
Cúng tổ tiên Nam Kỳ chung là ngày 25 tháng Chạp, khi con
cháu tụ về dẫy mả, tảo mộ, họ sẽ làm mâm cơm cúng ở nhà, thường là nấu
cháo gà cháo vịt.
Tục thờ ông bà ở Nam Kỳ rất đơn giản, chỉ ba bốn đời, nhưng không được bỏ bàn thờ tổ tiên.
Đồ Chiểu chửi rằng “Sống làm chi theo quân tả đạo-Quăng vùa hương đạp bàn độc thấy lại thêm buồn.”
Xưa Nam Kỳ có cái bàn thờ và giường thờ.
Người Pháp qua, đem qua Nam Kỳ cái tủ chén đứng kiểu thời
Louis XVI, không cao không thấp, trước tiên là ở xứ Thủ Dầu Một, sau thợ
Gò Công sáng tạo đóng cái tủ thờ dựa trên nguyên lý ráp mộng đi khung
của tủ kiểu Pháp, nhưng cải tiến theo phong tục Nam.
Từ đó cái tủ thờ này là đặc trưng Nam Kỳ Lục Tỉnh, hiệp cùng tranh kiếng nữa, ra cái hồn tổ tiên Nam kỳ mình.
Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có đoạn:
“Vùng Gia Định …. đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo
đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời.
Người tứ xứ. nhà nào tục nấy…..Gia Định có vị trí nam phương dương minh,
nên người khí tiết trung dũng, trong nghĩa khinh tài….”
Đó là tánh hiếu khách, hào phóng, không câu nệ hình thức, sống thực dụng.
Dân Nam Kỳ hay đờn ca xướng hát, làm ra đờn ca tài tử và cải lương vang danh, hệ thống bài lý nhiều nhứt Việt Nam.
Người Nam Kỳ trọng tôn giáo, nhưng kiểu của họ.
Đạo Phật vô Nam biến thể, phải trộn với tín ngưỡng dân gian.
Dân Nam Kỳ không phải là những tín đồ Phật giáo thuần thành.
Các phái Phật trong Nam đều là biến thể, chùa trong Nam không lớn.
Công giáo trong Nam Kỳ xưa khác ngoài Bắc, Nam không có các
giáo xứ, người Công giáo Nam Kỳ hòa nhập,thế tục. Người Công giáo Nam Kỳ
luôn ít hơn Công giáo Bắc Kỳ.
Sông rạch và đồng bằng tạo cho dân Nam Kỳ tánh khẳng khái,
bộc trực, ít chịu cúi lòn, kém thủ đoạn trong chánh trị, nhưng tràn trề
tình thương, biết nhìn người khác, biết cúi mình xuống tha thiết với
Quốc Gia.
Dân Nam Kỳ không những nói ngay mà hay nói lớn tiếng, thiếu trau chuốt, đôi lúc bổ bả.
Không lập gia phả, nhưng con cháu sống làm sao phải ra dáng
con người, sống không làm tủi nhục tổ tiên, sống thẳng, sống có ích,
sống không để tiếng nhơ cho tổ tiên, dòng họ
Người Nam Kỳ dạy con cháu cũng theo kiểu mở.
Biên cái tục này là để răn mình.
Biết cái hay cái tệ của mình để nhìn lại bản thân mình.
Và tính cho ra cách thức tồn tại của xứ sở mình trước thời cuộc.
Trang Nam Kỳ – 南圻
Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021
Người Nam kỳ không lập Gia Phả – Trang Nam Kỳ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?
Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa