Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2021

Góc Việt Thi : Thơ của vua THÀNH THÁI - Đỗ Chiêu Đức

Góc Việt Thi : 

                             Thơ của vua THÀNH THÁI
Vua Thành Thái 成泰 (1879-1954) tên thật là Nguyễn Phước Bửu Lân, là vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1889 nhưng vì có khuynh hướng chống Pháp đô hộ nên bị trut phế năm 1907, đưa vào giam lỏng ở Vũng Tàu, đến năm 1916 thì bị đày qua đảo La Réunion (ở châu Phi) cùng một lần với vua Duy Tân. Mãi đến năm 1947, vua Thành Thái mới được về nước, nhưng chỉ được chính quyền thực dân cho phép sống tại Sài Gòn. Năm 1953, vua có ra thăm lại cố đô Huế, rồi mất vào năm sau.
         Năm 1902 nhà Vua được Pháp mời đến Hà Nội dự lễ khánh thành cây  cầu Paul Doumer (Long Biên), trong khi Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công xây cầu, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời rằng :"Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu". Vì nghe đâu xây cầu đã phải mộ hơn ba ngàn dân ta và nhiều người đã phải bỏ mạng khi xây dựng cây cầu đó, như bài vè lưu truyền trong dân gian :

                             Lập mưu xây được cây cầu,
                          Chế ra cái chụp để hầu bơm lên.
                             Bơm hết nước đến bùn đen,
                         Người chết như rạ, phải len mình vào.
                             Vỡ bơm nước lại chảy vào,
                        Chết thì mặc chết, ai nào biết không?!...

       Cám cảnh trước dân tình cơ cực, chết chóc; Mình làm vua mà không nói được gì lại phải giả vui mà dự lễ khánh thành, nên nhà vua đã làm nên bài thơ VÔ ĐỀ dưi đây :

    無題                               VÔ ĐỀ
武武文文著錦袍,     Võ võ văn văn chước cẩm bào,
朕為天子獨艱勞。     Trẫm vi thiên tử độc gian lao.
三杯紅酒群黎血,     Tam bôi hồng tửu quần lê huyết,
一盞青茶百姓膏。     Nhất trản thanh trà bách tính cao.
民淚落何予淚落,     Dân lệ lạc hà dư lệ lạc,
歌聲高也哭聲高。     Ca thanh cao dã khốc thanh cao.
休談此潰干戈靜,     Hưu đàm thử hội can qua tịnh,
禍福將來付爾曹。     Họa phước tương lai phó nhĩ tào !
               成泰                              Thành Thái
            阮福寶嶙                        Nguyễn Phúc Bửu Lân
Chú thích :
  - Gian Lao 艱勞 : là Gian nan lao nhọc; ở đây nhà vua mượn để chỉ cái tâm lý, tâm tình của mình lúc bấy giờ. GIAN LAO về mặt tinh thần chớ không phải thể chất.
  - Quần Lê 群黎 : là Quần chúng Lê dân, chỉ chung tất cả những người dân bình thường trong nước.
  - Bách Tính 百姓 : là Bá tánh, là Trăm họ, cũng chỉ chung tất cả nhân dân trong nước. 
  - Cao 膏 : Trái cây thực vật hay xương cốt động vật đổ nước nấu cho sắt lại thành nhựa, đó là chất CAO, như CAO HỔ CỐT là chất nhựa, thuốc dán được nấu bằng xương cọp... Ở đây BÁCH TÍNH CAO 百姓膏 : là chất nhựa được nấu thành bởi xương cốt của bá tánhl Ý chỉ : Đó là huyết lệ xương máu của nhân dân.
  - Hưu Đàm 休談 : là Nghỉ nói, Thôi nói, không nói nữa; là Đừng bảo là...
  - Hội 潰 : Có 3 chấm thuỷ 氵bên trái, nên có nghĩa là : Vỡ (đê), là Tan vỡ, nghĩa phát sinh là : Thua trận, là Bỏ chạy, là Dân bỏ người cai trị trốn đi...
  - Can Qua 干戈 : CAN là cái mộc để đở; QUA là ngọn giáo để đâm. Nên CAN QUA là Vũ khí dùng để đánh nhau, nghĩa phát sinh là Chiến tranh.
  - Nhĩ Tào 爾曹 : NHĨ là Danh xưng Đại từ Ngôi thứ 2; NHĨ TÀO là số nhiều, có nghĩa : Lũ chúng bây, các ngươi, các người. Ở đây chỉ các quan trong triều.

* Nghĩa Bài thơ :
                            VÔ ĐỀ
   - Tất cả quan văn quan võ đều xôn xao mặc áo gấm để dự lễ hội.
   - Riêng mình Trẫm là thiên tử đây cảm thấy xốn xang trong lòng.
   - Ba ly rượu đỏ (rượu Chát hay rượu Vang) như là máu của quần chúng lê dân.
   - Một chén trà xanh như được sắt từ cao cốt của bách tính trăm họ.
   - Dân rơi lệ nhưng sao lệ của ta cũng rơi theo,
   - Tiếng hát (chúc mừng) cất cao thì tiếng khóc (của dân) cũng cất cao.
   - Đừng bảo là sau lần thua trận bỏ chạy nầy can qua sẽ lặng yên...
   - Cái họa phước về sau trong tương lai sẽ phó thác trông nhờ vào lũ các ngươi đó !

     Sanh năm 1879, lên ngôi năm 1889, lúc mới chỉ có 10 tuổi. Khi dự lễ khánh thành cầu Paul Doumer năm 1902, nhà vua mới chỉ có 23 tuổi đời, còn rất trẻ, nhưng đã có khẩu khí của một đấng minh quân thương nước thương dân. Gian nan khổ hận vì lực bất tòng tâm, có lòng vì dân vì nước nhưng lại không có thực quyền. Đến nỗi thấy cảnh dân tình lao khổ làm thơ cảm thán cũng phải để là VÔ ĐỀ (Sao lại "Vô Đề" ? Chủ đề chẳng đã hiện rõ ràng từng câu từng chữ trong nội dung bài thơ rồi hay sao ?!). Mứng lễ khánh thành cây cầu đã giết hại biết bao con dân của mình, nên chi nhà vua thấy rượu nho màu đỏ như là màu máu của dân đã đổ ra; và chén trà màu xanh như là cao cốt của bá tánh lê dân đã thiệt mạng. Lệ của dân rơi khiến cho lệ của nhà vua cũng rơi theo, và tiếng hát chúc mừng càng cất cao thì tiếng khóc của con dân cũng vút theo lên cao. Đừng bảo rằng sau trận can qua chết chóc nầy rồi sẽ yên đâu, vì tương lai họa phúc biết đâu mà lường, tất cả chỉ còn trông chờ vào lũ các ngươi (là những quan văn quan võ áo mão sum suê kia, chớ ta là thiên tử nhưng lại chẳng có thực quyền gì cả !)
       Đau xót thay cho nhà vua trẻ có lòng vì nước vì dân nhưng đành phải bó tay ! Nhưng nhà vua vẫn không "yên thân" được với Thực dân Pháp, vì họ cũng rất tinh ý, nên chỉ 5 năm sau, 1907 nhà vua trẻ đã bị truất phế và bị đày vào Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay) để ngồi chơi xơi nước. Đến năm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

* Diễn Nôm :
                               VÔ ĐỀ   
                  
                    
                  Văn võ bá quan mặc cẩm bào,
                  Mình ta thiên tử chịu gian lao.
                  Rượu hồng tựa thể muôn dân huyết,
                  Trà đậm trông như bá tánh cao.
                  Dân lệ ướt mi ta cũng ướt,
                  Tiếng ca cao vút khóc càng cao.
                  Thôi đừng vọng tưởng can qua hết,
                  Họa phước về sau mặc chúng nào !
   Lục bát :
                  Văn văn võ võ cẩm bào,
                  Thân là thiên tử nghẹn ngào riêng ta.
                  Rượu vang máu của dân mà...
                  Trà xanh tựa thể như là cao dân.
                  Lệ rơi ta cũng như dân,
                  Tiếng ca như tiếng khóc ngân vút trời.
                  Can qua đừng tưởng yên rồi,
                  Tương lai họa phước trông vời các quan !
                                                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm             
 
        Trong khoảng thời gian bị an trí ở  Cấp  (Cap Saint Jacques), buồn vì lực bất tòng tâm không thể làm được gì cho non sông đất nước của mình . Trước cảnh trời nước mênh mông vẳng lại tiếng súng xa xa của  quân Pháp, nhà vua đã cám cảnh mà làm nên bài thơ SẦU TÂY BỂ CẤP như sau :
                           

                          Sống thừa nào biết có hôm nay,
                          Nhìn thấy non sông đất nước này.
                          Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ,
                          Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây.
                          Thanh xuân nghìn dặm mây mù mịt,
                          Bể Cấp tư bề sóng bủa vây.
                          Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc,
                          Dầu cho sắt đá cũng chau mày.

          Dưới đây là một bài thơ rất nổi tiếng và chứa đầy tâm huyết của nhà vua đối với hiện tình của đất nước, bài THĂNG LONG THÀNH HOÀI C sau đây :

  昇龍城懷古           THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

幾度桑滄幾度驚,     Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh,
一番回首一番情。     Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình.
牛湖已變三朝局,     Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục,
虎洞空餘百戰城。     Hổ động không dư bách chiến thành.
儂嶺浮雲今古色,     Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc,
珥河流水泣歌聲。     Nhị hà lưu thủy khấp ca thanh.
擒胡奪槊人何在?     Cầm Hồ đoạt sáo nhân hà tại?
誰為江山洗不平?     Thùy vị giang sơn tẩy bất bình?
              成泰皇帝                          Thành Thái Hoàng Đế
              阮福寶嶙                          Nguyễn Phúc Bửu Lân

Chú thích :
  - Ngưu Hồ Hổ Động 牛湖虎洞 : tức KIM NGƯU HỒ 金牛湖 là Hồ Trâu Vàng và BẠCH HỔ ĐỘNG 白虎洞 là Hang Cọp Trắng. Hai truyền thuyết về tiền thân của Hồ Tây. Trong Tụng Tây Hồ Phú 頌西湖賦 (bài phú ca tụng Tây Hồ) của Chương lĩnh hầu Nguyễn Hữu Lượng đọc trong lễ tế trời đất của vua Quang Toản năm 1801, có nhắc lại gốc tích Hồ Tây theo các truyền thuyết kể trên:
 
                Lạ thay cảnh Tây hồ!
                Lạ thay cảnh Tây hồ!
                Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,
                Nghe rằng đây đá mọc một gò.
                Trước Bạch Hổ vào ở đó làm hang, 
                Long vương trổ nên vùng đại trạch.
                Sau Kim Ngưu lại vào đây hóa vực,
                Cao vương đào chặn mạch hoàng đô... 

  - Nùng Lĩnh Nhị Hà 儂嶺珥河 : là Núi Nùng, Danh sơn chính khí của đất Thăng Long, và Sông Nhị tức Sông Hồng hiện nay. Đây là hai biểu tượng NÚI SÔNG của đất Thăng Long xưa.
  - Cầm Hồ Đoạt Sáo 擒胡奪槊 : Bắt giặc Hồ (HỒ 胡 : là Rợ Hồ, giặc từ miền bắc tràn xuống quấy nhiễu Trung Hoa. Ta mượn từ Hồ nầy để gọi chung các triều đại phương bắc tràn xuống xâm lược nước ta). Đoạt Sáo là cướp cây giáo của giặc. Câu thơ nầy lấy ý ở bài thơ "Tùng Giá Hoàn Kinh 從駕還京" của Trần Quang Khải với hai câu đầu là :

                   奪槊章陽渡,  Đoạt sáo Chương Dương Độ,
                   擒胡咸子關。  Cầm Hồ Hàm Tử Quan.

* Nghĩa bài thơ :
                        Thăng Long Thành Hoài Cổ
      Mấy lần tang thương biến đổi là mấy lần phải chịu cảnh kinh hoàng, nên mỗi lần quay đầu nhìn lại là mỗi lần lại xúc động tâm tình. Hồ Kim Ngưu đã trải qua thời cuộc của ba triều đại (Lý Trần Lê); Động Bạch Hổ cũng chỉ còn lại một cổ thành đã trải qua hàng trăm trận chiến. Trên đĩnh núi Nùng của đất Thăng Long mây còn vương màu chính khí của xưa nay; Tiếng nước chảy của sông Nhị Hà như tiếng ca tiếng khóc râm rang. Nào những ai "Cầm Hồ Hàm Tử, Đoạt sáo Chương Dương" nay ở nơi đâu ? Ai sẽ vì giang san nầy mà tẩy rửa đi sự bất bình ẩn ức ?!
      
     Hai câu cuối như là lời hiệu triệu gián tiếp, vừa nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc vừa thức tỉnh và kêu gọi những ai còn nặng lòng vì nước hãy đứng lên để rửa sạch những nỗi bất bình của dân tộc phải cam chịu bấy lâu nay. 

* Diễn Nôm :
                    THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
                  
                 Mấy lượt tang thương mấy hiễm kinh,
                 Mấy phen nhìn lại biết bao tình.
                 Kim Ngưu từng trải ba triều đại,
                 Bạch Hổ còn trơ một mảnh thành.
                 Nùng lĩnh mây lành kim cổ tựa,
                 Nhị Hà sông réo khóc ca thanh.
                 Cầm Hồ đoạt sáo người đâu tá ?
                 Ai giúp giang san rửa bất bình ?!
     Lục bát :
                 Tang thương kinh hiễm bao lần,
                 Quay đầu nhìn lại bội phần xót xa.
                 Trâu vàng ba lượt triều ca,
                 Bạch hổ trăm trận trải qua một thành.
                 Cổ kim mây phủ đĩnh Nùng,
                 Nhị Hà ca khóc theo dòng nước trôi.
                 Cầm Hồ đoạt sáo qua rồi,
                 Bất bình non nước ai người rửa cho ?!
                                                       Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm 
                 
       Bài thơ THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ 昇龍城懷古 nầy còn có một dị bản nữa, (theo Nguồn : Trương Chính, Đinh Xuân Lâm, "Ba bài thơ chữ Hán về Hà Nội," Tạp chí Hán Nôm, số tháng 1/1992) là của Phan Trọng Mưu 潘仲謀 (1853-1904) quê làng Đông Thái (nay là xã Châu Phong), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đậu tiến sĩ năm 1879. Bài thơ có nội dung như sau đây :
 
  昇龍城懷古           THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
此地繁華幾度經,      Thử địa phồn hoa kỷ độ kinh,
年年回首不勝情。      Niên niên hồi thủ bất thăng tình. 
牛湖已變三朝局,      Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục, 
龍肚空餘百戰城。      Long đỗ không dư bách chiến thành. 
濃嶺浮雲今古色,      Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc, 
珥河流水泣歌聲。      Nhị hà lưu thủy khấp ca thanh.
擒胡奪槊人何在,      Cầm Hồ đoạt sáo nhân hà tại ?
應為江山洗不平。      Ưng vị giang sơn tẩy bất bình.
               潘仲謀                              Phan Trọng Mưu

   

* Chú thích :
  - Ngưu Hồ 牛湖 : là Hồ Trâu (tức Hồ Tây) gắn liền với truyền thuyết con trâu vàng tìm mẹ.
  - Long Đỗ 龍肚 : là Bụng rồng. là cái Rốn của con Rồng, theo thuyết phong thủy xưa, thành Thăng Long được xây ngay vào rốn của một con rồng.

* Nghĩa bài thơ :
                               THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
      Mảnh đất nầy đã trải qua mấy độ phồn hoa rồi, nên mỗi năm quay đầu nhìn lại không khỏi xúc động tâm tình. Hồ Kim ngưu cũng đã biến đổi qua ba triều đại, và giữa cái rốn rồng chỉ còn trơ lại một mảnh thành đã trải qua hàng trăm trận chiến. Trên đĩnh núi Nùng của đất Thăng Long mây còn vương màu chính khí của xưa nay; Tiếng nước chảy của sông Nhị Hà như tiếng ca tiếng khóc râm rang. Những người "Cầm Hồ Hàm Tử, Đoạt sáo Chương Dương" nay ở nơi đâu ? Phải biết vì giang san nầy mà rửa đi nỗi bất bình.

     Bài thơ nầy đã được Trương Chính và Đinh Xuân Lâm diễn Nôm rất sát nghĩa và rất hay như sau đây :

               Chốn này trải mấy độ phồn hoa,
               Càng gẫm càng thêm nỗi xót xa.
               Long Đ thành trơ trăm trận đánh,
               Ngưu Hồ sóng vỗ mấy triều qua.
               Núi Nùng mây vẽ mầu kim cổ,
               Sông Nhị dòng trôi tiếng khóc ca.
               Cướp giáo bắt thù ai đó tá?
               Nên vì non nước tuốt gươm ra!

      So với bài thơ của vua Thành Thái thì khác nhau ở các câu 1, 2, 4 và 8, nhưng tựu trung thì ý nghĩa nội dung của bài thơ cũng như nhau. Rốt cuộc, bài thơ nầy là của ai, còn chờ các học giả, sử gia, nhà nghiên cứu soi sáng sau nầy. Trên "thivien.net" thì có cả hai bài của vua Thành Thái và của Phan Trọng Mưu, nhưng chưa có sự so sánh nhận xét nào cả.

                                                                                            杜紹德
                                                                                       Đỗ Chiêu Đức
                                                                                             Ghi lại 

🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸

Mời Xem : Góc Việt Thi : Thơ vua LÊ THÁNH TÔNG (7)
    





1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...