Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

VÔ KỴ HỌC LÁI XE & VÔ KỴ HỌC BẮN CUNG - BS HỒ ĐẮC ĐẰNG

 

1/ VÔ KỴ HỌC LÁI XE
 
Vô Kỵ bây giờ đã trưởng thành, quyền cước điêu luyện, tâm thần sảng khoái, tánh tình khoan thai, điềm đạm. Hai thầy trò ngoài chuyện võ nghệ còn hay ngồi thiền với nhau. Vui nhiều. Một hôm thầy nó gọi nó vào.
– Vô Kỵ này. Ở đời không chỉ có đánh võ và tham thiền. Nếu đánh võ mà không có tham thiền thì cả 2 bên dễ bị gãy sườn, dập lách lắm. Ngoài đời dập lách nhiều lắm. Con phải xuống núi để dạy cho người ta vừa đánh võ vừa đỡ địch thủ kiểu múa Tango thì ai ai cũng vui, không còn ai thắng ai bại nữa. Ngoài đời thì rộng, chân con thì ngắn, đi bộ thì không biết bao giờ mới đến người ta được. Phật hồi xưa, ổng làm gì có xe. Ổng tà tà đi bộ, đôi khi đến chỗ người cần ổng giúp thì người đó đã chết mất rồi. Bây giờ mình có xe, mình đi được để đến giúp người khác. Con phải biết lái xe.
– Thưa thầy – Vô Kỵ nói – Con thấy lái xe dễ ợt. Con thấy mấy đứa con nít, mấy bữa trước còn mang tã, ngậm núm vú, mấy bữa sau tuyên bố với mẹ nó là nó 16 tuổi rồi nó muốn lái xe. Thế là bà mẹ phải bứt đầu, bứt tai đi mua cho nó một chiếc xe nhỏ cho nó lái, nó chạy phăng phăng, dễ ợt thưa thầy.
– Nầy Vô Kỵ. Chạy phăng phăng không hẳn là dễ. Chạy phăng phăng rồi vô phòng cấp cứu, đôi khi vô thẳng nhà xác là thường đó con. Chạy phăng phăng mà an toàn trên xa lộ mới là cái nghệ thuật của lái xe. An toàn cho mình và an toàn cho người mới là cái khó. Một kiểu Tango đó Vô Kỵ ạ. Lái nhường, lái nhịn là lái Tango. Con phải nhớ cái nầy.
Vô Kỵ: Thưa thầy, con thì thích cái gì nhanh. Đối với thầy, gió thổi nhè nhẹ trên mặt thầy là thầy đủ vui rồi. Con thì gió phải thổi bay tóc ra sau như khi con chạy xuống dốc núi thì con mới khoái. Lái xe mà cứ lái 5 dặm/giờ thì ai mà chịu được thưa thầy.
– Vô Kỵ này. Thầy không bảo là con phải chạy chậm luôn luôn. Đức Phật, ngồi yên một chỗ, chẳng nhúc nhích gì hết mà ổng cũng đủ vui rồi. Con còn ở đời. Con phải lái xe. Lái nhanh cũng được, lái chậm cũng được. Tùy lúc. Lái nhanh chẳng sao cả. Với một điều kiện.
– Điều kiện? Điều kiện gì thưa thầy? Đường phải không có ổ gà? Trời phải không có bão có tuyết? Phải không có sương mù khói phủ? Con sẽ rất cẩn thận.
– Vô Kỵ ơi. Con còn nông cạn quá. Mắt con sáng, phản xạ con nhanh, thời tiết tụi nó báo con biết trước từ 3–4 ngày trước thế mà tai nạn chết người vẫn xảy ra hằng ngày đó thôi. Tại sao con biết không?
– Xin thầy chỉ giáo.
– Tại vì không có cái thắng (phanh) tốt. Vậy đó con, người đời, xe của họ cái gì cũng tốt hết: máy mạnh, chạy nhanh ; đèn sáng, thấy rõ ; cảnh đẹp, mùi thơm 2 bên đường thì nhiều ; vui nhộn không thiếu ; chỉ thiếu có một cái thắng (phanh) tốt.
Con người ta có “3” cái xe: xe Thân, xe Khẩu (miệng) và xe Ý.
Cái thắng (phanh) của “xe Ý” là cái yếu nhất của người đời. Nếu con chưa thông thạo võ nghệ của thầy dạy thì con phải kiểm tra cái thắng nầy thật kỹ đấy. Một ý nghĩ bất thiện nảy ra là phải có đèn đỏ chớp lên trên dashboard của con.
Kế đến, là cái thắng của “xe Thân”. Cái nầy con đã thuần thục với kinh nghiệm học võ vừa qua. Con không còn có thể làm cho người khác, vật khác đau được nữa. Tụi Mỹ nó gọi “Do no harm to others and to yourself”. Con đã đạt đến cái thắng này qua học võ.
Kế đến là cái thắng của “xe Khẩu”. Cái thắng này ít người để ý lắm! Nó không có đèn đỏ trên dashboard. Thắng này nếu nó không ăn, không chạy thì cũng ít ai hay biết. Nó (Khẩu) xuất “ra” đều đều, làm ai cũng đau, ai cũng giận mà mình vẫn không hay. Con nhớ trong Bát chánh đạo có một cái gọi là Chánh ngữ. Cái miệng của người ta ngộ lắm Vô Kỵ ạ. Miệng người ta có 2 chức năng: một là để Ăn, hai là để Nói. Ăn thì ai cũng biết. Vô Kỵ, con có nhớ lúc thầy dạy võ cho con những năm đầu, thầy đã dạy con ăn không?
– Vâng thưa thầy. Con còn nhớ là con muốn ăn chay vì con thương tất cả thú vật. Con không muốn tụi nó phải chết để con được sống. Chính thầy đã dạy con phải biết ăn trong Chánh niệm, và biết ăn trong một tâm thức biết ơn. Eating in mindfulness and gratitude.
– Vô Kỵ, con giỏi lắm. Đó chỉ mới có một chức năng của miệng thôi: Ăn. Còn cái chức năng kia là Nói. Con có biết là thầy trước khi học võ, thầy làm nghề gì không?
– Thưa thầy, con thấy thầy hay dạy con về tinh bột, đường, mỡ, chất đạm (protein), có vẻ thầy là một nhà khoa học sinh vật học?
– Thầy thuốc, Vô Kỵ ạ. Thầy là một thầy thuốc. Thầy chỉ dạy cho bệnh nhân về dinh dưỡng là mấy cái thức ăn này. Đức Phật là một thầy thuốc (y vương), dạy người đời về cái chức năng thứ hai của cái miệng, là cái xuất “ra”: Lời Nói. Cái “vô” là đồ ăn, cái ra là “lời nói”. Mấy cái ra này mới là cái ngộ nhất đấy. Cái “vô” mà sai quấy, nó chỉ hại cho một người thôi, người ăn. Cái “ra” mà lạng quạng là nó hại người khác không kể xiết được. Nhiều khi đại chiến xảy ra cũng chỉ vì mấy cái xe không có thắng này.
– Làm sao có một cái thắng tốt thưa thầy?
– Thắng tốt cho Ý: tham thiền. Thiền định là con quán chiếu cái ý của con, từng giây phút. Bông hoa thơm con cũng hay mà như cứt bò con cũng biết. Tùy con, nếu con thấy cứt bò là thơm thì con cứ theo, chẳng ai cản con được cả. Làm sao con biết cái ý nào của con là cứt bò?
– Xin thầy chỉ dẫn. Nhiều khi con cũng khoái cứt bò. Ra chợ mua Cow manure về bón hoa, tốt đáo để.
– Cứt bò kiểu đó không sao cả. Cũng tốt thôi vì hoa của con nở, người khác cũng được thơm lây. Cái cứt bò “ý” là khi nào con thấy ai cũng là cứt bò hết thì chính con là cứt bò đấy. Con nhớ chuyện Tô Đông Pha và sư cụ tham thiền với nhau thầy kể con khi xưa?
– Làm sao thắng cái Khẩu (miệng) này, thưa thầy? Con đọc Chánh ngữ trong Bát chánh đạo dài dài mà sao lâu lâu con cũng còn nói mấy cái mà con không được hài lòng lắm…
– Chẳng hạn?
– Thưa thầy, nói láo thì con không còn nói láo được nữa rồi. Nhưng mà đôi khi trong một cuộc nói chuyện với nhiều bạn khác, khi có người nào đó nói về một vấn đề gì đó thì con cũng hào hứng chen vào với những mẩu chuyện tương tợ để kể cho cả nhóm nghe! Nghĩ lại mà mắc cỡ. Tại sao mình lại cũng “quơ đũa cả nắm” theo họ cho vui vậy nhỉ. Vui cái giống nhau. Vui mình cũng giống bạn mình, cùng nghề, cùng sở thích, cùng xã hội. Con cứ ngẫm nghĩ rồi mắc cỡ cho cái miệng hay nói theo của mình. Con thấy con không phải là con nữa. Một mình thì con là con mà vô một nhóm “phe ta” thì con lại mất con. Mất mình. Làm sao bỏ được tật nầy, thưa thầy?
– Giỏi, giỏi lắm, Vô Kỵ con. Con biết mắc cỡ sau khi con nói mấy cái đó là con giỏi lắm đó. Nhiều người khác không thấy, không biết mấy cái mắc cỡ đó và tiếp tục cái tật “nói theo” này suốt đời họ. Muốn còn đi lại với mấy người như vậy, con phải tập cái tâm con cho nó mạnh. Dĩ nhiên, con phải có một cái thắng thứ thiệt, đạp một cái là đứng lại, là dừng lại ngay. Dừng lời nói.
– Tập cái thắng? Cái thắng nầy tập được? – Vô Kỵ tò mò hỏi thầy.
– Dĩ nhiên, cái gì trên đời nầy cũng tập được hết. Không có ai sanh ra, 2 tuổi vừa mới biết đi đã biết cưỡi xe đạp 1 bánh, 2 tay cầm 8 cây dùi cui quăng lên trên trời mà không cây nào rơi xuống đất, miệng lại thổi kèn harmonica. Đó là tập thân. Tham thiền là tập ý. Tập nói là tập thắng.
– Xin thầy dạy con tập Nói.
– Có 3 người giữ cửa. Miệng của con có 3 anh chàng giữ cửa: 1) Có thật không? (Is that true?). 2) Có tử tế không? (Is that kind?) và 3) Có cần thiết không? (Is that necessary?)
Nếu sau khi duyệt xét 3 cửa đó mà thoát hết thì cái lưỡi của con nó nói được. Đó là Chánh ngữ.
Vô Kỵ con, có nhiều người cho rằng lời nói là một cái huyền diệu mà Thượng đế ban bố cho loài người. Con phải cẩn thận. Huyền diệu thì cũng có thật mà tai hại thì cũng không thiếu. Lời nói là một công cụ (tool). Nó có thể làm một vết thương lành lại mà nó cũng có thể làm cho người khác đau thêm. Mà con thì đã qua cái ngưỡng cửa không còn muốn làm cho bất cứ ai hay vật nào đau nữa. Do vậy cái Khẩu (miệng) xuất “ra” của con, con phải có một cái thắng thật tốt.
Khi mà thắng con tốt rồi, thì chạy nhanh, chạy chậm không thành vấn đề. Dĩ nhiên, chạy chậm dễ dừng, chạy nhanh phải thấy xa. Nghe thầy nói nãy giờ, con học được cái gì về lái xe?
– Thưa thầy, xe con có 3 cái thắng mà cái thắng con phải dùng nhiều nhất là cái thắng của Miệng (Khẩu): Đó là lời nói. Nói sao cho người vui, nói sao cho người thanh thoát.
– Đúng vậy Vô Kỵ. Để thầy kể cho con nghe chuyện Mẹ của thầy dạy thầy thế nào nhé. “Nầy con, hễ có nói thì nói Pháp. Còn không thì tốt nhất là đừng nói”.
 
HĐĐ.

 2/ VÔ KỴ HỌC BẮN CUNG - BS HỒ ĐẮC ĐẰNG
 
Vô Kỵ đánh võ thì giỏi, tánh tình thì điềm đạm mà cái gì có dính dáng đến võ khí là nó sợ nhất. Nó không còn có một tâm thức nào làm người khác, vật khác đau nữa, nói chi là bắn với giết. Vì vậy khi hắn nghe thầy bảo thầy sẽ dạy nó bắn cung, hắn từ chối ngay tức khắc.
– Vô Kỵ nầy. Cái tư tưởng không bao giờ làm người khác đau của con quí báu vô cùng. Còn cái nghệ thuật bắn cung của thầy dạy đây chẳng những không bao giờ làm ai đau mà lại, nếu con thực hành đúng, nó sẽ làm cho mọi người vui.
Trước hết, con phải thấm nhuần vài nguyên tắc căn bản của cái nghệ thuật nầy. Hai nguyên tắc chánh:
1/ Thứ nhất: Bắn để đúng, không phải để được.
Người đời thường hiểu lầm cái nầy. Bắn cái gì là để được cái đó. Bắn con nai thì muốn con nai ngã xuống để lấy về ăn nhậu, khoe khoang. Bắn cho được là lấy vô. Bắn cho đúng là cho ra. Ai đi săn tìm hạnh phúc cho mình sẽ chỉ lấy vô được khoái lạc (excitement). Ai đi săn tìm hạnh phúc cho người sẽ tạo ra, cho ra hạnh phúc cả mình lẫn người.
– Thầy nói có lý, con có đọc đâu đó một tác giả Mỹ nói cái chi đó tương tự như vậy “In life, happiness is not a goal. Happiness is a by-product”, “The more you are looking for ít, the farther away it will evade you.”
– Con giỏi thật, đọc mà nhớ được mấy cái lặt vặt nầy. Thầy khen con đấy. Đó là phu nhân của một cựu tổng thống Mỹ, bà Eleanor Roosevelt.
2/ Thứ hai: Tâm thức khi bắn cung. Tâm thức của thân hữu, không bao giờ của thù nghịch.
Với 2 nguyên tắc nầy, thầy mới có thể dạy con cái nghệ thuật gần như thất truyền nầy. Người ta bây giờ cũng hay học bắn, bắn súng. Súng đạn không bao giờ ứng dụng được 2 nguyên tắc nầy của cung tiễn.
Vô Kỵ bắt đầu tò mò hơn. Từ khinh thường cung tiễn vì ý tưởng của bạo lực, vũ khí đến cái tò mò của tâm thức trong bắn cung.
 
ĐỨNG
– Nầy Vô Kỵ. Đứng ở đây có 2 khía cạnh: Tư thế đứng cho vững của thân thể, con giỏi rồi, như lúc học võ, đứng lại như ngũ giới, có 5 cái không làm. Một khía cạnh khác là dừng lại. Tâm con chậm lại, dừng lại. Con còn nhớ một tâm nhanh là một tâm bệnh ; một tâm chậm là một tâm khỏe mạnh; một tâm dừng lại là một tâm ngộ.
Hiện tại thầy đang dạy con ở cái chặng thứ hai nầy: chậm lại. Dừng hẳn lại là Ngộ đó con.
– Chừng nào mới Ngộ thưa thầy? – Vô Kỵ tò mò nhiều nên thiếu kiên nhẫn.
– Vô Kỵ con, đừng có nóng lòng, mong đợi một cái gì hết. Ngay cả mong đợi giác ngộ. Để yên cái giác ngộ đó. Chẳng có ai tranh đua đến trước, giữ chỗ sắp hàng như tụi Mỹ sắp hàng từ 3 giờ sáng để chờ bán hạ giá sau lễ Tạ ơn tháng nầy (After Thanksgiving sale).
 
NẮM
– Vô Kỵ. Cái nắm nầy là cái thứ 2 của 4 tác động của bắn cung: Đứng, Nắm, Ngắm và Buông.
Luôn luôn phải nắm cung bằng tay trái. Thầy biết con thuận tay trái. Sẽ dễ cho con tập. Sẽ dễ cho thầy dạy.
“Quái lạ, ai thuận tay nào, nắm tay ấy, sao lại phải nắm bằng tay trái nhỉ?” Vô Kỵ tự hỏi. Thầy nó biết ý, mới giải thích:
– Vô Kỵ nầy. Não bộ của người có 2 bán cầu não. Một phải, một trái. Hai cái làm việc hỗ trợ nhau nhưng luôn luôn có một bên mạnh hơn (dominant). Người thuận tay trái, bán cầu não bên phải mạnh hơn. Người nào thuận tay phải thì bán cầu não bên trái mạnh hơn.. Hơn nữa Vô Kỵ con phải biết, còn có vấn đề tâm lý nữa.
“Não trái, não phải mà dính đáng đến tâm lý mình?” Nó lại càng tò mò hơn nữa.
– Thần kinh học sau nầy khám phá ra cái nầy. Bán cầu trái thì thiên về phân tách, đo lường, lý luận và thắng với thua. Bán cầu phải thì lại khác, nó thiên về cảm nhận, tổng hợp, bao dung và từ bi! Đại khái như kiểu Nam tả, Nữ hữu của Á đông mình. Đừng có lộn với câu Tả trọng, Hữu khinh nhé, Vô Kỵ. Cái Tả trọng, Hữu kinh nầy là do người đặt ra, không phải thiên nhiên khoa học. Thầy chỉ dạy con cái thiên nhiên thôi. Chỉ cần nhớ bán cầu và tâm lý của mỗi bán cầu não.
– Làm sao họ khám phá ra mấy cái nầy, thưa thầy?
– Từ bệnh. Mấy thầy thuốc họ theo dõi tâm lý của mấy bệnh nhân trước và sau khi bị TBMMN (tai biến mạch máu não). Chính thầy đã nhận xét và thấy cái chuyện nầy có thật. Mấy ông bị bại xuội bên trái, tức là bị nhũn não bên bán cầu não phải. Trời đất ơi, mấy ổng trước bệnh khó một, sau khi bị TBMMN, khó gấp 3 lần. Cãi vã, kèn cựa, cãi chầy cãi cối. Mấy bà vợ chịu không nổi, Trái lại mấy người bị bại bên phải thì hiền lại hẳn. Hết cãi cọ, lý luận, trách móc như trước khi bệnh. Hiền hẳn lại, Người nhà ai cũng nhận thấy. Tại sao? Bán cầu não bên trái của mấy người nầy bị nhũn. Mà bên trái là tranh luận đó! Mấy bác sĩ hospitalist (chỉ làm việc trong bệnh viện thôi, không theo dõi bệnh nhân như PCP (Primacy Care Physician) nên họ không để ý mấy cái vụ tâm lý thay đổi nầy. Họ không biết bệnh nhân trước khi mấy bệnh nhân nầy nhập viện. Ra viện, họ cũng không theo dõi lâu dài. Giao lại cho PCP.
– À ra vậy – Vô Kỵ vỡ lẽ nhưng vẫn còn thắc mắc – Tại sao mấy cái khái niệm trái phải của bán cầu não lại liên hệ với nắm cung tay nào?
– Bao dung và từ bi. Đó là lý do để nắm cung tay nào. Cái tay hướng cung về đâu. Cái tay đó phải được điều khiển bởi cái tâm bao dung và từ bi. Cái tâm của bán cầu não phải.
Vô Kỵ ngẫm nghĩ, trầm tư. Nó đâu có ngờ tay nào cầm cung có tầm quan trọng như vậy. Chỉ nhắm. À ra vậy. Nhắm với lòng từ bi, bao dung, ôn hòa mới gọi là nhắm đúng. Không phải bắn trúng thôi là đủ.
 
NHẮM
– Cái nầy mới là cái chủ chốt đấy Vô Kỵ. Nhắm một cái đích. Một mục tiêu.
– Còn xa gần thì ra sao, thưa thầy?
– Giỏi, hỏi như vậy. Không phải gần mà dễ. Thiên hạ chỉ quan tâm đến mấy mục tiêu xa, khó thấy, mà quên mấy cái mục tiêu gần. Nhìn xa mà quên nhìn gần là lọt xuống ổ gà không hay đó con. Đời sống mỗi bước chân trước mặt là quan trọng hơn cái mục tiêu xa vời. Con vô trường học để ra trường kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ là đã được định rồi. Mỗi ngày đến lớp, đến bệnh viện để học là một công chuyện dài và lặn lội. Mục tiêu xa lâu lâu nhìn một cái là đủ. Mục tiêu gần phải nhìn hằng phút giây. Tỉnh thức trong mỗi bước đi: nhìn gần.
 
MỤC TIÊU DI ĐỘNG
– Mục tiêu nó di động thì sao, thưa thầy?
– Mục tiêu nào cũng di động hết. Nghệ thuật bắn cung trong đời là mấy cái “di động” nầy. Cái ý muốn mục tiêu luôn đứng một chỗ là làm cho xạ thủ luôn luôn thất vọng. Mục tiêu trong đời sống là di động, là vô thường. Con phải biết hòa hợp cái nhắm của con vô cái di động nầy để hòa hợp với vũ trụ. Hòa hợp, harmony là một cái chung của một xạ thủ tài giỏi và một nhạc sĩ điêu luyện. Một lời nói, một tiếng nhạc mà hòa hợp nó sẽ làm lành lòng người. Súng đạn cũng bắn, tụi nó không được cái nầy. Súng đạn cũng cần nhắm nhưng không bao giờ hàn gắn cái gì cả. Chỉ tăng hận thù.
 
NHẮM CUNG VÀ NHẮM MẮT
– Trời đất, thưa thầy. Thầy giỡn sao chứ? Mở mắt, đèn sáng đây còn bắn không trúng, nói gì nhắm mắt – Vô Kỵ kinh ngạc.
– Vô Kỵ con. Cái nầy mới là cái tuyệt vời của cái nghệ thuật nầy. Mục tiêu ở bên ngoài mà người đời thường nhắm thì con không cần học thầy. Ai cũng dạy con được. Đó là nhắm vào sự được thua, thắng bại, là đời. Cái thầy dạy là nhắm vào bên trong. Mà khi cái nhắm nhìn nầy mà chánh rồi thì cái mục tiêu của con nó đã ở trên đầu mũi tên của con rồi, trước khi con giương cung.
 
BUÔNG
– Thưa thầy, thầy chưa dạy giương cung – Vô Kỵ nhắc thầy nó.
– Cái nầy không cần dạy. Với sức lực dẻo dai mạnh mẽ của cánh tay mặt của con, con dư sức giương cung. Bây giờ con nhắm cung đã thuần thục, nhắm vào nội tâm; đứng đã điêu luyện, đứng trên tư thế của huynh đệ, từ bi, chỉ còn có cái cuối cùng là buông tên nầy.
– Thưa thầy, buông tên dễ ợt, kéo mới khó chứ – Vô Kỵ cãi lý với thầy nó.
– Vô Kỵ nầy. Cái nầy là cái khó nhất đấy con. Ai mà đứng đúng rồi, nhắm đúng rồi, mục tiêu đã ở rõ trong nhìn đúng thì đã đến trình độ thực hành cái tác phong cuối cùng nầy: buông tên. Buông tên là buông xả. Mũi tên đã đến đích trước khi rời tay con. Nhắm mắt, mục tiêu di động mà con đã bắn trúng hồng tâm là vì vậy. Thân an tịnh, tâm từ bi, tự tại, nhắm mắt nhìn vào trong thì tên tự nó bay đến hồng tâm, con thì buông xả. Có đích, có tên mà không có xạ thủ là vậy.
Vô Kỵ hân hoan đảnh lễ thầy.
 
BS.HĐĐ
 
Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc Đằng là người bạn cùng khóa với tôi tại Y khoa Đại học đường Saigon (1962-1969) vừa có loạt bài viết rất thú vị về chuyện “Vô Kỵ Học Võ” đã được post trên trang này và được rất nhiều bạn bè chia sẻ. Anh tiếp tục có bài Vô Kỵ Học Lái Xe cũng rất độc đáo. Và hôm nay là bài “Vô Kỵ học bắn cung” với Đứng, Nắm, Nhắm, Buông… rất tuyệt vời.
Xin chia sẻ cùng các bạn.
Cảm ơn Hồ Đắc Đằng.
Đỗ Hồng Ngọc
 
PS Đa tạ Đèn Biển (Võ Quang), người đã chịu khó gõ Word từ bản viết tay “chữ bác sĩ” đọc không ra của Hồ Đắc Đằng.

FB Vui Phan Le 


Ảnh từ Google

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...