Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

ẨM THỰC THƯỢNG LƯU HÀ THÀNH NGÀY TẾT : CÀ ĐĨA NÉN (Li Li Nghệ)

Tôi gọi là món thượng lưu vì trong đời tôi chỉ thưởng thức một lần, chắc không khi nào được nếm lần nữa.

Năm 1968 , mẹ tôi thuê gian phòng trọ của một người gốc Hà Nội giàu có. Chủ nhà ở một Villas kề bên thuộc ngoại ô Bắc Nha Trang.
Vì ở nông thôn lên thành, tôi học muộn 2 năm, tết 1969 tôi đã 11 tuổi vẫn còn lớp ba. Gần tết bác gái chủ nhà, tôi nhớ năm ấy bác đã 55 tuổi, nhờ tôi một việc , dẫn tới 3 cái vại lớn, miền trung tôi gọi là những cái lu. Bác dỡ nắp vại và nói:
-Cháu nhấc hộ bác mấy viên đá.
Tôi nhìn vào trong, một mùi thơm ngào ngạt bốc lên từ một loại nước vàng óng. Mùi và màu na ná nước lon Bò Húc bây giờ.
Ngập dưới nước là những viên đá chẻ mỗi chiều khoảng 20 phân nặng khoảng 30 kg , đè lên một vĩ tre. Bác vừa nhìn tôi nhấc ba viên đá ra và dịu dàng nói:
-Cẩn thận đó cháu, không khéo vỡ vại mà dập chân đó cháu.
Tôi gồng tay cẩn thận nhấc hết 3 viên đá ra xếp lên bàn gỗ cạnh bên xong , theo lời bác gỡ vỉ tre . Ngạc nhiên hết mức , từ dưới nổi lên những quả cà dĩa ( bác gọi là cà đĩa).Thứ này nhà tôi thường luộc dầm với nước mắm ăn cơm.

Thấy tôi trố mắt ,bác cười hiền dịu và từ từ giảng giải:
-Đây gọi là cà nén đó cháu. Ở quê bác các nhà giàu, địa chủ làm nhiều vại, họ dùng nước này để làm nước chấm thay mắm cho nhân công và tá điền đó cháu. Cháu nếm thử cho biết, dùng thìa múc ra.
-Thìa là cái gì hả bác?
Bác ngửa mặt cười nhẹ , với tay sang cái sóng chén lấy đưa tôi cái muỗng canh. Tôi múc nếm thử , vị mằn mặn, ngọt ngọt , chua chua và thơm mùi như nước chanh muối. Ngon chứ!
-Nhưng sao gọi là nén hả bác? Lần này bác cười tươi , lộ cả hàm răng nhuộm đen bóng, nhìn tôi âu yếm :
-Ừ nhỉ, nén thì trong này cháu gọi là đè í mà. Bác vẽ cho cháu cách làm nhé. Cà đĩa rửa sạch, xếp vào vại cách miệng vại 3 tấc, đậy vỉ tre, dùng đá nén. Nấu nước muối để nguội rồi châm vào ngập đá .Tuần đầu cứ ba ngày mở nắp vớt bọt bèo cho đến khi không thấy bọt nổi lên, giáp năm thì nước dùng đã ngon, múc bớt ra ăn thì phải châm nước khác vào, quan trọng là cà luôn bị nén không trồi lên, giữ vệ sinh để không bị váng đen.
Rồi bác chỉ tay vào từng vại nói: cái này 1O năm , chín năm, tám năm. Trước đôi mắt ngạc nhiên của tôi, sao mà lâu vậy!? Bác vừa dùng vá mà bác gọi là muôi vừa thong thả múc vừa nói dịu dàng:
"Để ăn thì lúc nào ăn cũng được, nhưng để ngon thì càng lâu càng ngon cháu ạ. Ngon nhất là 15 năm, cái này chỉ mới 10 năm. Giá loại 15 năm thì mỗi cân ngang với 3 cân thịt lợn, loại này chỉ ngang 2 cân thôi cháu ạ. Bác trai dùng để tặng khách quý, vào dịp tết thôi, bác trai mới điện về bảo bác phải tặng người này người nọ...

Lúc đó đầu tôi thoáng nghĩ đúng là kỳ lạ. Thời đó thịt heo rất đắt , tết đến nhà tôi chỉ mua nổi hai cân để làm bánh tét và kho nồi măng kèm trứng luộc thôi! Sao loại cà dĩa rẻ ăn hàng ngày có gì mà mắc thế! Nghĩ vậy nhưng tôi không dám nói ra.Bác vớt ra khoảng 30 trái , chừng một lít nước , rồi đậy vĩ và nhờ tôi chèn đá lại. Bác nói thêm nhà bác thích dùng nước này nêm nếm và làm nước chấm rau muống . Bác lại cười nhẹ nhưng có vẻ buồn :
-Bác thích rau muống cũng có phần để nhớ quê đó cháu.
Xong việc bác nói cảm ơn tôi , tôi quay về nhà thuê cũng chỉ cách 10 mét, qua một cái sân xi măng.
Chiều 30 tết , con gái thứ hai của bác , bạn cùng lớp của tôi bưng một đĩa có hai quả cà, nói với mẹ tôi vẻ trịnh trọng:
-Mẹ nói cuối năm biếu bà quả cà.
Tôi thoáng thấy mẹ tôi nhíu mày, có vẻ không vui nhưng cũng nhận và đáp:
-Nói mẹ , bác cám ơn!
Cô bạn bước về vài bước chợt quay lại nói:
-Cháu quên , mẹ dặn thái thật mỏng nhé bà, mỏng hơn thái thịt luộc thường ăn.
Tôi nghĩ thầm :cái nhà này làm gì mà quan trọng ba cái quả cà dữ dzậy!

Chiều muộn ngày 30 , bên mâm cúng tất niên đơn sơ, mẹ tôi cũng đem xắt mỏng nửa trái. Cả nhà tôi ai cũng ngạc nhiên quả là ngon hơn cả thịt heo, thứ thịt mà thời thiếu thốn chúng tôi thấy là ngon nhất. Hồi đó tôi có cảm giác đang ăn một miếng thịt nạc, dai như thịt nạc luộc chứ không dòn, giống vị ngọt của thịt ngâm nhạt muối lẫn vị chua nhẹ thoáng thanh tao.

Tôi có nói với mẹ:" Bác gái nói 2 quả đó bán bằng hai ký thịt heo đó mẹ. Nhà bác chỉ dành làm quà biếu tết thôi mẹ".Tôi thấy mẹ tôi gật đầu, thoáng chớp mắt.

Không biết bây giờ Hà Nội có còn món cà nén 10 năm ấy không, nhưng theo suy luận chắc không ai còn để dành lâu như vậy.

Mà nếu có chăng nữa, ắt bây giờ tôi mua ăn cũng không thể ngon bằng như mỗi lần tôi hình dung trong hồi tưởng. Bởi vì hai quả cà nén ngày xưa đó như đã nén cả tấm lòng nhân hậu mẹ người bạn tôi, một phụ nữ Hà Thành thanh lịch trong cư xử và khéo léo về gia chánh
Tôi đã đăng bài này vào dịp tết năm ngoái, nhưng năm nay trong những phút chờ đón giao thừa, theo dõi hoạt động đón giao thừa tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; tự dưng tôi nhớ đến bà, có lẽ bà đã qua đời vì tính đến nay bà đã 106 tuổi. Tôi đăng lại như tỏ tấm lòng tưởng nhớ và biết ơn bà; không chỉ truyện quả cà mà còn nhiều việc khác khi gia đình tôi sống cạnh gia đình bà 8 năm.

LLN 2018


 Blog Bốn Phương

1 nhận xét:

ỚT HIỂM - Thơ Anh Khờ Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài Xướng ỚT HIỂM Ớt hiểm con con quả thật cay! Mằn sơ chút xíu... đỏ môi mày Sưng mồm xé lưỡi... thôi thì chạy... Nóng mặt phình mang... ch...