Luc Montagnier, nhà khoa học người Pháp đạt giải Nobel năm 2008 do phát hiện virus HIV qua đời ngày 9/2 ở tuổi 89.
Ông Montagnier và nhà khoa học Francoise Barre-Sinoussi là đồng chủ nhân giải Nobel năm 2008 cho công trình nghiên cứu tại Viện Pasteur ở Paris. Cải hai phân lập thành công virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người. Thành tựu này thúc đẩy tiến trình xét nghiệm HIV và đặt nền móng cho nhiều loại thuốc kháng virus để ngăn chặn căn bệnh thế kỷ.
Ông Montagnier sinh ngày 18/8/1932 tại thành phố Chabris, là con độc nhất của Antoine và Marianne (Rousselet) Montagnier. Cha ông là một kế toán, mẹ ông làm nội trợ. Trả lời phỏng vấn của The International Herald Tribune lúc sinh thời, Montagnier cho biết cha ông, người có một phòng thí nghiệm nhỏ tại gara xe của gia đình, là nguồn cảm hứng để ông trở thành nhà khoa học và "giải thích thế giới thông qua khoa học".
Tiến sĩ Luc Montagnier vào năm 1998. Ảnh: NY Times
Ông Montagnier lấy bằng tiến sĩ về virus học tại Đại học Paris. Quá trình phát hiện virus HIV của ông bắt đầu ở Paris, vào ngày 3/1/1983. Khi ấy, ông là người đứng đầu Đơn vị Ung thư Virus tại Viện Pasteur. Montagnier và các đồng nghiệp nghiên cứu trên một mảnh hạch bạch huyết được lấy từ người đàn ông 33 tuổi mắc bệnh AIDS.
Tại thời điểm đó, giới y khoa chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh AIDS, không có xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng căn bệnh do một loại retrovirus kích hoạt. Đây là virus chui vào DNA của tế bào vật chủ, kiểm soát, đảo ngược cách thức hoạt động của các virus thông thường. Từ mẫu bệnh phẩm này, nhóm của tiến sĩ Montagnier tìm ra thủ phạm gây ra AIDS là một retrovirus mới, chưa từng thấy trước đây. Họ đặt tên nó là LAV.
Nghiên cứu mang tính bước ngoặt được đăng trên tạp chí Science ngày 20/5/1983, lưu ý cần phân tích sâu hơn để chứng minh LAV gây ra bệnh AIDS. Trong bài phát biểu nhận giải Nobel năm 2008, tiến sĩ Montagnier cho rằng HIV lợi dụng những yếu tố khác để tiến triển thành AIDS. Ông nói: "HIV là nguyên nhân chính, nhưng cũng có nhiều thành phần hỗ trợ (như bệnh nhiễm trùng, vi khuẩn và hệ miễn dịch suy yếu)". Quan điểm này trái ngược với các chuyên gia về AIDS cùng thời.
Sau nghiên cứu về HIV, tiến sĩ chuyển sang những thí nghiệm phi truyền thống, gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Năm 2009, ông xuất bản công trình trên tạp chí tự sáng lập cho rằng DNA phát ra bức xạ điện từ. Theo ông, DNA của một số loại vi khuẩn tiếp tục phát xạ sau khi người bệnh đã khỏi. Donald P. Francis, lãnh đạo phòng thí nghiệm AIDS tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết: "Ông ấy luôn gây tranh cãi, nhưng tôi dành sự tôn trọng lớn nhất cho ông và các đồng nghiệp".
Thục Linh (Theo NY Times, AFP
R.I.P
Tiếc rằng nhà khoa học này mất sớm quá
Trả lờiXóa