Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

NHỚ TẾT NGÀY XƯA - Tản văn của Mạc Văn Trang - (Tểu Blog )

Cứ Tết đến, những kỷ niệm Tết xưa từ ngày thơ bé lại hiện về, gợi nhớ nao nao…Xin kể lại cái Tết của nhà mình vào trước cách mạng 1945.

Mình nhớ sâu đậm nhất là cái Tết vào năm 1944 (Giáp Thân) lúc mình 6 tuổi, “tuổi ta" là 7 tuổi. Sau đó là cách mạng 1945, rồi chiến tranh, không bao giờ còn cái Tết như ngày xưa nữa.

Trước Tết chừng một tháng đã thấy không khí rạo rực rồi. Trong nhà thấy ai cũng nói đến Tết. Trẻ con được sắm quần áo mới, không được cả bộ thì cũng được cái áo hay cái quần mới. Rồi cắt tóc hay cạo đầu mới. Mẹ, Dì hai rồi các thím, các chị thì nhuộm lại răng cho đen nhánh. Mình cứ tò mò xem nhuộm răng thế nào. Hoá ra thuốc nhuộm người ta đã quết sẵn vào những miếng lá nón bằng ngón tay trẻ con; buổi tối, các bà, các chị súc miệng, lau răng khô rồi dán thuốc vào răng, sáng hôm sau bóc miếng lá nón ra, răng đen nhánh. Nhưng phải ăn cháo cả ngày, đến hôm sau mới dám ăn cơm, để giữ cho thuốc nhuộm bám chắc. Tài thật, thế mà răng đen bền rất lâu. Cùng với đó là chuẩn bị mua trầu, cau, vỏ, lọ bình vôi cho đầy đủ để Tết ăn trầu cho ấm người, má hồng, môi đỏ…

Trẻ con rất tò mò thấy những người lạ gánh hàng Tết đi bán rong dọc làng, chủ yếu là vàng, hương, trầu, cau, vôi, vỏ, hạt tiêu … Hay nhất là mấy người thợ “rum", đi nhuộm thuê quần áo, chủ yếu là nhuộm yếm và các thắt lưng. Các bà thì thắt ‘bao tượng" đũi giản dị thôi. Nhưng các chị, các cô thì thích mặc yếm đào, áo mớ ba mớ bảy và thắt lưng ba bốn màu. Các màu ưa nhất là màu xanh lá mạ, màu đỏ tía hay hoa đào, màu vàng, màu mận chín... Chị Vượng còn có bộ dây “xà tích” bằng bạc để đeo cùng với mớ thắt lưng, khi đi, vừa thấy màu sắc thắt tung tẩy, vừa nghe tiếng “xà tích” lanh canh… Ra Tết, Hội làng, các chị, các cô mới thích diện, nhất là nhún cây đu cho thắt lưng rực rỡ tung bay và tiếng “xà tích" leng keng"...

Trước ngày cúng ông Công ông Táo, Bố dẫn mấy anh em đi TẢO MỘ. Bố vác cuốc, anh Trân hơn mình 4 tuổi thì cầm cái cái liềm với mồi rơm giữ lửa, mình cầm mấy thẻ hương. Trời gió rét mà 3 bố con cứ đi chân đất ra cánh đồng.

Bố dẫn đến mộ Ông nội ở bên kia đê, là ngôi mộ xa nhất, rồi giải thích tại sao lại để mộ Ông ở đây… 

Mộ Ông cỏ mọc um tùm. Bố lấy cuốc khua khua vào đám cỏ và bảo, có rắn rết thì nó chạy đi. Bố bảo anh Trân lấy liềm cắt cỏ trên mộ. Mộ Ông không xây gạch, không có bia như bây giờ. Mộ chỉ là một mô đất tròn tròn, cao nhô lên và có một cục đá xanh cắm ở bên để đánh dấu. Bố lấy cuốc vạc cỏ ở chung quanh mộ và đánh mấy vầng cỏ đắp vào chỗ lõm trên mộ…

Ngắm ngôi mộ sạch sẽ, tươm tất, mới mẻ, bố mới lấy 3 nén hương, châm mồi lửa thắp lên, cắm trên mộ và khấn vái. Hai anh em cũng làm theo bố. Bố giải thích là mời Ông về ăn Tết với con cháu.

Sau đó về Đống Con Cá rồi Đống Con Phượng sửa sang mộ của Cụ ông, Cụ Bà rồi mộ hai Bà… Tất cả đến 7-8 ngôi mộ.

Xong việc tảo mộ đến DỌN DẸP nhà cửa. Phải lấy cái chổi rơm mới, buộc vào đầu sào để quét mạng nhện trên mái nhà, vách nhà… Rồi lau dọn Bàn thờ gia tiên. Đồ thờ bằng đồng, bằng gỗ phải đem cọ rửa, lau khô và sắp đặt y như cũ… Mâm “ngũ quả” cũng toàn cây nhà lá vườn đơn sơ thôi. Bố chỉ bảo cho các con trai làm từng việc; còn Mẹ và con gái lo các thứ chuẩn bị gói bánh chưng và mâm cỗ cúng tất niên.

Ngày xưa chuẩn bị cho cái Tết từ nửa năm trời. Mấy nhà vào loại trung nông như nhà mình thường hẹn nhau đụng một con lợn, thường chọn con lợn ỷ, được nuôi cẩn thận, gần Tết vỗ béo, cho ăn nhiều cám, ít bèo...Rồi gà phải thiến trước 5-6 tháng; măng, mộc nhĩ phải phơi, cất gác bếp; lá dong gói bánh chưng trồng ngoài vườn, phải chăm sóc trước mấy tháng… Cái mo cau để bó giò xào, giò thủ cũng để sẵn trên gác bếp, đem ngâm nước cho mềm ra…

Trong nhà xong rồi thì dọn dẹp ngoài sân, vườn, cổng ngõ. Tất cả phải gọn gàng, sạch sẽ, kẻo năm mới bà con đến chúc Tết, người ta cười cho, có mà rông cả năm!

Nhà cửa tươm tất rồi, Bố mới dẫn mấy anh em ra bụi tre, chọn cây tre cao, thẳng, làm CÂY NÊU. Cây tre được róc nhẵn nhụi, chỉ để mấy cành lá trên ngọn, trên đó treo một mảnh vải điều, Bố viết mấy chữ Nho, mấy tua sợi xanh, đỏ, tím, vàng, mấy cái chuông, khánh nhỏ. Cây Nêu dựng lên, anh em có vẻ thích lắm: Cây Nêu nhà mình có khi cao nhất nhì trong xóm, và khoái chí thấy tấm vải điều, mấy sợi tua ngũ sắc cùng với cành lá tre bay phất phơ, tiếng chuông khánh kêu leng keng…

Tiết mục hồi hộp nhất là sáng 30 Tết MỔ LỢN. Trong xóm đã nghe tiếng lợn nhà ai kêu “éc ec"... rồi. Nhà mình cũng sắp mổ lợn. Ngày xưa trẻ con xúm đến xem mổ lợn, giã giò, gói bánh chưng... lại được khuyến khích: Này lũ trẻ, phải nhìn cho kỹ, sau này có cái ăn còn biết làm cho ra tấm ra miếng…

Con lợn ỷ chừng 60 cân hơi, mổ ra chắc được hơn 40kg cả xương lẫn thịt, chia 4 phần. Nhà mình đông người ăn “một góc”. Các nhà khác lại chia đôi, tức là ăn “một khoé" (⅛). Mấy đứa trẻ con tranh nhau cái bong bóng lợn. Người lớn phải phân giải: nhà thằng Trân nuôi lợn, lại ăn một góc nên nó được cái bong bóng. Nói vậy, nhưng cả đám trẻ xúm lại đem cái bóng lợn vào bếp, lấy tro nóng nhồi, bóp rồi rửa sạch, thổi phồng lên và ra tung, ném chơi với nhau….

Lạ nhất là món Tiết canh, lòng lợn. Mấy người lớn, “hãm" rồi “đánh" tiết canh thế nào mà nhà ăn một góc lợn được 2 bát, nhà ăn một “khoé" được một bát… Rồi những thứ đậu rang lên giã ra trộn với các thứ lá và tiết để dồi vào bộ lòng lợn. Lòng luộc xong cũng được chia phần như chia thịt.

Bố bỏ thịt vào cái nia, lọc xương ra, bảo để ninh măng. Thịt nạc thăn lọc ra, bảo chú Đạt với anh Vượng (anh cả) giã lấy cái giò nạc; thịt vai, mông thái ra ướp hạt tiêu, nước mắm để gói bánh chưng. Bố đã tính, thái 40 miếng thịt to đều nhau để gói 20 cái bánh chưng; mấy miếng thịt vụn để gói bánh chưng con cho mỗi đứa trẻ một cái.

Bố với anh cả Vượng làm mấy cái giò lụa, giò sỏ, giò xào rồi gói bánh chưng. Xế chiều mới bắc bếp luộc bánh ở góc sân. Trẻ con hồi hộp ngồi vây quanh nồi bánh, vừa sưởi ấm, vừa tiếp củi, vừa nướng ngô, khoai ăn với nhau và háo hức mong ngóng chiếc bánh chưng con.

Trong khi đó Mẹ, Thím Đạt, chị Sen (dưới anh cả Vượng) cùng với chị Vượng thì lo thịt gà, nấu cỗ làm cơm cúng tất niên. Vậy là mâm cúng tất niên chỉ có xôi, gà, thịt ba chỉ luộc và các món nấu, chưa có bánh chưng và các món giò…

Rượu thì cô Kham lấy chồng ở làng Hóp, chuyên nấu rượu, đem cho một vò. Cô Mùi lấy chồng ở Đồn Phao (Phả lại) chuyên làm nước mắm thì đem cho một hũ mắm ngon...

Nhưng bọn trẻ chưa được ăn. Người lớn thì đi gội đầu bằng nước nóng đun với cây Mùi già; trẻ con bị lôi ra góc sân tắm với loại nước thơm đó, rét run cầm cập...

Bố với chú Đạt cúng xong thì trải chiếu ra sân gạch, sắp ba mâm, vì cả nhà mình đã 10 người, cùng với bốn mẹ con thím Nhiên và vợ chồng chú Đạt, lúc đó cùng ở quây quần trên mảnh vườn của Ông Nội để lại. Cỗ 30 Tết cả nhà đông vui, lại có xôi, thịt gà, lòng lợn, thịt lợn luộc, các món xào nấu...Chỉ có Bố, Chú, các anh mới được ăn tiết canh, uống rượu. Nhưng với trẻ con, cỗ Tết thế này cũng ngon ơi là ngon...

Ăn cơm xong thấy anh Vượng, anh Trân lấy vôi ra vẽ ở góc sân một cái cung lắp mũi tên, bắn ra ngoài. Bốn góc sân đều vẽ như vậy. Anh Vượng bảo, các mũi tên chĩa ra bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc để trừ ma quái không dám vào nhà.

Bọn trẻ con chầu chực phải tối lâu lâu, bánh con mới được vớt ra, mỗi đứa một chiếc. Nhưng bánh nóng, nhũn quá, phải ngâm vào nước, nắn cho vuông, treo lên, sáng hôm sau mới được ăn… 

Sáng Mùng một cả nhà ai cũng hồi hộp, dậy sớm xem anh Vượng, anh Trân đốt pháo. Có 2 bánh pháo tép, đốt lên nổ đì đẹt, mùi khét khét, thơm thơm, xác pháo màu hoa đào, bay tung tóe trên sân trước cửa nhà. Để thế mới đẹp. Năm mới không được quét sân, quét nhà, hót của đổ đi!

Trẻ con được người lớn lôi ra rửa mặt bằng nước mùi thơm, đun lên pha nóng, mặc quần áo mới, ăn bánh chưng con và sướng nhất được mấy xu mừng tuổi... 

Thấy bố đặt bánh chưng và mấy thứ lên bàn thờ, thắp hương khấn vái, rồi bảo anh Trân với mình theo Bố ra lễ Đình làng. Mấy bà thì chuẩn bị đi lễ Chùa... 

Lần đầu tiên mình được mặc áo the (chưa có khăn xếp), nhưng được đi guốc theo Bố đi lễ. 

Sân Đình cắm đầy cờ Thần, bay phấp phới. Dân làng đã khá đông, chúc tụng nhau râm ran.

Bố giải thích về Thành hoàng làng có hai vị. Đệ nhất Thành hoàng là Tiến sĩ Tuấn Lương, Ngài làm quan đời Lý, khi nhà Trần lên, Ngài chạy về làng, lúc ấy là xóm Trại hẻo lánh bên sông để ở ẩn, rồi mở lớp dạy chữ cho dân làng, bảo ban dân làng mở mang làm ăn… Đệ nhị Thành hoàng là một tướng nhà Trần, đánh quân Tàu xâm lược trên sông Bạch Đằng, tử trận, trôi về bờ sông bên làng, đùn lên thành đống mối. Làng chôn cất Ngài ở Đống Nhất…

Buổi trưa Mồng một Lễ cúng gia tiên mới đúng là Tết, có đủ bánh chưng, giò nạc, giò thủ, giò xào, các món xào, nấu … Cơm cúng là cơm gạo Dự, cơm mới sôi lên ở dưới bếp đã thơm lừng cả nhà. Thường gia đình trung nông trở lên, nhà ai cũng cấy một - hai sào lúa Dự (giống như lúa Tám thơm) để ăn vào những dịp Giỗ, Tết. (Từ khi vào HTX thì giống lúa này tuyệt chủng, vì năng suất thấp).

Mọi người đã bàn đến cỗ cúng trưa Mùng ba hóa vàng, đây cũng là bữa cỗ to, kết thúc “ăn Tết". Rồi bàn đến “Vào Đám" mùng 6 tháng Giêng, giã bánh dày đi Hội… Thấy các bà, các chị bảo, năm nay Phường Chèo mãi đâu sẽ về diễn Quan Âm Thị Kính. Người thì bảo Quan Âm Thị Kính, năm kia xem rồi. Người khác lại bảo thì xem phường này diễn có hay không? Phường trước, con Thị Màu già quá, nhưng nó hát hay, diễn lẳng ơi là lẳng… Người khác lại bảo, sao bảo diễn vở Trương Viên hay Phạm Tải Ngọc Hoa… Xem ra các bà, các chị thuộc hết các vở chèo, nhưng cứ diễn đi, diễn lại, mỗi phường một khác nhau, vẫn hay…

Rồi con trai, con gái làng này lại đi sang các làng khác xem Hội của nhau. Đúng kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi"...

Nay nghĩ lại thấy, đời sống dân làng mình khá đồng đều, nên Tết cả làng rất vui. Làng có chừng 150 gia đình; có ba nhà xứng đáng là Địa chủ (họ giỏi làm ăn nhiều đời, chứ chả dám gây ác với dân làng; chuyện hách dịch thì có); có chừng 7 nhà Phú nông (cũng làm ăn giỏi, căn cơ); chừng 30 nhà Trung nông như nhà mình. Số còn lại ở mức nghèo khác nhau, nhưng ít người bị đói. Năm đói 1945, làng mình chỉ chết đói có hai người; một người già và một anh tên là Ất, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đêm đi bẻ trộm ngô mãi bãi sông, về ngã xuống mương nước chết rét…

06/2/2021
MVT


1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...