Ở chợ Plateau thành phố Abidjan (thủ đô cũ của xứ Côte d Ivoire, Phi Châu) ai cũng biết ông già viết mướn đó. Người ta gọi ông là “l écrivain chinois” (ông Tàu viết mướn).
Xứ
Côte d Ivoire - thuộc vùng Phi Châu Da Đen - ngày xưa là thuộc địa của
Pháp. Dân bản xứ đi học bằng tiếng Pháp. Và vì họ gồm nhiều bộ tộc, mỗi
bộ tộc nói một thổ ngữ, nên họ phải dùng tiếng Pháp để hiểu nhaụ Về sau,
khi đã độc lập rồi, trường vẫn dạy bằng tiếng Pháp và ngôn ngữ chánh
trong dân gian vẫn là tiếng Pháp. Những người ít học hay thất học thì
nói “tiếng bồi”, nghĩa là tiếng Pháp không đúng văn phạm. Mấy bà buôn
bán ở chợ Plateau nói trên thuộc vào thành phần nàỵ Nhiều bà có con cái
“đi làm ăn” ở Pháp hay ở Bỉ, lâu lâu cần xin gì hay cần nhắn gì, họ phải
nhờ người khác viết cho cái thơ.
Ngoài ra, có nhiều người cần viết đơn từ thưa gởi nhưng không đủ trình độ để viết đúng từ ngữ hành chánh nên nhờ viết dùm.
Do đó mới có cái nghề viết mướn.
Ở
khu chợ Plateau, trước đây, chỉ có một người đàn ông trung niên người
bản xứ làm nghề này. Anh ta hành nghề dưới hàng hiên khu phố nhìn qua
chợ, nằm cách chợ một con đường. Chỗ hắn ngồi là một bức tường nhỏ nằm
giữa hai cửa hàng bán radio của người libanais.
“Dụng
cụ” của anh ta là cái máy đánh chữ loại xách tay đặt trên bàn gỗ nhỏ.
Anh ta ngồi trên ghế thấp vừa tầm với cái bàn, nhưng vì anh ta lớn con
chân dài nên khi đánh máy anh ta phải cho hết hai chân xuống dưới bàn
đưa thẳng về phía trước lòi ra một khúc, trông giống như anh ta ôm cái
bàn vào lòng ! Còn “khách hàng” thì hoặc đứng hoặc ngồi xổm cạnh hai bàn
chân to xù mang dép Nhựt của hắn, tỉ tê kể những gì mà họ muốn để trong
thư. Anh ta gõ máy bằng hai ngón tay nhưng gõ khá nhanh, khách kể đến
đâu hắn gõ theo đến đấy.
Đánh
xong thơ, khách hàng đưa cho hắn mảnh giấy nhỏ trong đó có ghi rõ địa
chỉ của người nhận thơ, hắn lấy trong ba lô để dưới chỗ hắn ngồi một
phong bì có dán tem sẵn, đánh máy địa chỉ, cho thơ vào rồi le lưỡi liếm
keo dán lạị. Người khách hàng chỉ còn có cho thơ vào thùng thơ đứng ở
góc đường gần đó.
Dĩ nhiên, khi hắn tính tiền, hắn tính cả tiền giấy, phong bì, tem…
Thơ
gởi đi Pháp hay đi Bỉ đều cùng một giá. Cho nên đã thành lệ, sau vài
câu chào hỏi, khách hàng cứ đặt tiền trước lên bàn rồi đợi hắn sửa bộ
kéo bàn vào lòng với cái máy đánh chữ lúc nào cũng “ ngậm “ sẵn một tờ
giấy, là bắt đầu tỉ tê kể lể…
Còn
đơn từ thì hắn dùng phong bì không có tem, bởi vì khách hàng mang tay
đến nộp thẳng cho cơ quan liên hệ. Loại “đơn từ” này, hắn vẫn lấy bằng
giá với “thơ nhà”, bởi vì, theo hắn giải thích, viết cho hành chánh khó
gấp mấy lần viết cho thân nhân. Bớt con tem nhưng thêm nhiều công suy
nghĩ !
Một
hôm, có ông già Á Đông – ốm nhom, già khú – đi lang thang với điếu
thuốc trên môi, ngang qua đó nghe tiếng đánh máy lọc cọc nên tò mò đứng
lại nhìn. Đợi anh đen làm xong công việc, ông già mới chào hỏi làm quen.
Anh đen rất ngạc nhiên vì ông ta nói tiếng Pháp rất trôi chảy rành rọt,
không giống những người á đông mà anh đã từng gặp hay quen biết. Ông
già ghé đít ngồi lên bệ thềm gần đó, hỏi:
- Ông làm nghề gì vậy?
Anh đen nhăn răng cười:
- Viết thơ dùm người ta, người ta trả tiền. Ông không thấy bà hồi nãy cầm phong bì đi sao?
- Thấy. Nhưng mà hồi nãy hai người nói với nhau bằng thổ ngữ nên tôi không hiểu.
Ngừng một chút, ông già lại hỏi:
- Làm ăn có khá không?
- Ố! Cũng tạm được.
Hắn chỉ qua bên chợ:
-
Khách hàng của tôi là mấy bà buôn bán ở bên kia. Họ không biết chữ, mà
con cái họ thì đi làm công bên Pháp bên Bỉ hết. Thành ra, ngày nào cũng
viết dùm vài cái thơ, lai rai… Với lại ở xứ này, người ta hay thưa gởi
kiện cáo lắm nên có công việc làm hoài!
Rồi hắn nhìn ông già từ đầu đến chân:
- Còn ông? Ông làm nghề gì ở đây?
- Già quá đâu có ai mướn. Ở không, đi lang thang.
Anh đen lại nhìn ông già ra vẻ tội nghiệp:
- Rồi lấy gì sống?
- Sống nhờ con. Con gái ở nhà làm nem. Thằng em nó đạp xe đi bán. Khá chật vật!
- Ông người Tàu hả?
- Không. Tôi người Việt Nam.
Nói
xong, ông già thở dài. Tội nghiệp cho cái xứ Việt Nam của ông ! Nhược
tiểu đến mức độ mà người dân khi ra ngoại quốc cứ bị thiên hạ gọi là
người Tàu !
Ông già đưa bao thuốc lá mời anh đen:
- Hút một điếu chơị
- Cám ơn. Tôi không biết hút thuốc.
Ngừng một chút, anh ta hỏi:
- Nhà ông ở đâu?
- Ở tuốt trên Cocody, gần nhà thờ.
- Xa quá há. Rồi ông đi bằng gì xuống đây? Xe buýt hả?
- Đi bằng xe đạp. Đạp xuống thì dễ, đạp về leo dốc mới mệt !
Anh đen lại nhìn ông già một lúc, mới nói:
- Ông nói tiếng Pháp rành quá mà không đi làm việc cũng uổng.
- Già như tôi thì còn làm được gì?
- Tuổi tác ăn nhập gì, trình độ văn hoá mới cần chớ !
Ông già hít mấy hơi thuốc, suy nghĩ. Một lúc sau ông hắng giọng rồi hỏi:
- Ông thấy tôi làm cái nghề viết mướn được không?
Anh đen nhăn răng cười hớn hở:
- Được chớ! Được chớ!
Rồi đề nghị:
- Ông cứ ngồi kế bên đây ! Đừng ngại gì hết! Cả khu Plateau chỉ có một mình tôi làm nghề này. Có thêm ông càng vui.
Thấy dễ dàng quá, ông già đứng ngẩn ra, chưa kịp nói lời nào thì anh ta nói tiếp:
- Vậy, sáng mai ông đem máy đánh chữ ra nghen.
- Tôi không có máy đánh chữ. Tôi viết tay được không?
Giọng anh đen hơi xìu xuống:
- Ồ… cũng không sao. Cứ ra đây đi, rồi tính.
Ông
già mừng rỡ, bắt tay anh đen, nói “Cám ơn ! Cám ơn ! Ông tốt bụng
quá!”, rồi đi xăng xớm về chỗ để xe đạp trước ngân hàng gần đó, mở khoá
lấy xe phóng lên đạp đi mà nghe như vừa được bơm vào người thêm nhiều
sinh lực!
Mấy
hôm sau, ông già xin được của hội nhà thờ một cái bàn và ba cái ghế
bằng nhôm loại xếp được để đi pique-nique. Ông mua một mớ giấy viết thư,
phong bì, tem, bút bi rồi đạp xe đạp chở bàn ghế đến ngồi cạnh anh đen,
hành nghề viết mướn. Buổi sáng đó, trước khi rời nhà, ông lẩm bẩm:”Bữa
nay đúng là một ngày đẹp trời!”…
Ông già ngồi đã ba hôm, chẳng có một ai đến nhờ viết” Khách hàng “ cứ nhờ anh đen. Thấy vậy, anh ta an ủi:
- Đừng buồn. Từ từ rồi sẽ có khách. Tại ông không có máy đánh chữ nên người ta không biết đó thôi.
Một hôm, có hai bà cùng đến một lúc. Anh đen tiếp một bà rồi nói với bà kia:
- Nếu bà gấp thì bước qua ông đồng nghiệp của tôi đây, ổng giúp cho. Ổng viết tay, nhưng cần gì ! Viết tay hay đánh máy cũng vậy thôi ! Điều cần thiết là viết làm sao cho người đọc hiểu.
Bà
khách ngần ngừ một lúc rồi bước qua ngồi lên cái ghế xếp trước mặt ông
già. Như thông lệ, bà ta đặt tiền lên bàn rồi bắt đầu kể lể bằng thứ
tiếng Pháp không có văn phạm. Ông già ngồi chống càm, lắng tai nghe.
Thấy ông viết mướn không viết gì hết, bà khách ngừng kể, lấy làm lạ nhìn ông:
- Sao ông không viết?
- Thưa bà, tôi đang nghe bà kể đây.
Bà ta chỉ anh đen:
-
Sao kỳ vậy? Ông làm không giống anh này! Với anh ta, khi tôi bắt đầu
nói là anh ta bắt đầu gõ. Còn ông thì không nhúc nhích gì hết!
Ông già phì cười, giải nghĩa chầm chậm:
-
Xin lỗi. Tôi phải nghe bà kể hết những gì bà muốn nói cho người con của
bà, rồi tôi mới sắp xếp câu văn để viết. Bà biết không, viết thư phải
viết cho mạch lạc thì người con của bà mới hiểu được hết cái ý của bà,
bà hiểu không?
Bà khách ngần ngừ rồi gật đầu. Ông già đốt điếu thuốc, nói tiếp:”Bây giờ, xin bà kể lại. Từ từ kể lại, tôi nghe”.
Bà khách liếc nhìn ông rồi nhìn vội xuống hai bàn chân của bà, thấp giọng kể…
Bà
khổ lắm, buôn bán ế ẩm, con dâu mang bầu đứa thứ năm gần sanh mà cứ đau
rề rề, mấy đứa cháu nội đi mót khoai mót củ nhưng không đủ ăn, bà đã
gởi ba cái thơ xin tiền thằng con, xin nó thương vợ thương con của nó
nheo nhóc, chắc thơ đã đi lạc nên không thấy hồi âm, bà khổ lắm, không
biết thằng con ở bên Pháp còn sống hay đã bị cái gì rồi… Bà khách ngừng
kể, kéo ống tay áo lên lau nước mắt.
Nghe
xong, ông già viết mướn, chừng như xúc động, làm thinh hít mấy hơi
thuốc dài. Bà khách len lén nhìn ông rồi lại nhìn xuống chân của bà, hai
bàn chân cùi đày nằm trong đôi dép cao su rách bươm lấm lem bùn đất. Bà
đợi.
Suy
nghĩ một lúc, ông già mới lấy giấy viết. Lâu lâu, ông ngừng lại nhìn xa
xăm qua chợ nằm phía đối diện như để tìm chữ tìm câu. Rồi lại cúi đầu
viết tiếp.
Viết xong, ông hỏi:
- Bà cần tôi đọc lại không?
Bà
khách chớp chớp mắt, lắc đầu. Bà đưa cho ông địa chỉ của người con, ông
chép lên phong bì đã dán tem, cho thơ vào dán lại rồi trao cho bà
khách. Bà cầm thơ lật qua lật lại nhìn như thiếu tin tưởng, rồi đứng lên
làm thinh đi về hướng thùng thơ đứng ở góc đường. Ông già nhìn theo,
lòng nghe chơi vơi như chính ông đang đi gởi thơ cho thằng con…
Ngày
nào ông già viết mướn cũng mang đồ ra ngồi cạnh anh đồng nghiệp đen,
nhưng không phải ngày nào ông cũng có khách. Lâu lâu, có dư người thì
anh đen “ đẩy “ qua cho ông. Anh ta nói đùa:” Đồng nghiệp mà! Phải giúp
nhau chớ! “ Ông cười chua chát:”Cám ơn! Cám ơn! Nhờ lòng tốt của anh mà
tôi cũng vớt vát được một hai người”.
Một hôm, anh đen bỗng hỏi:
- Hồi trước ông làm gì ở Việt Nam?
- Buôn bán.
Ông không muốn nói hồi đó ông là chủ hai nhà thuốc tây, khá giàu.
- Rồi tại sao ông đi qua đây vậy?
- Tại làm ăn không được. Tại… tại nghèo.
Ông
không muốn nói “cách mạng” đã tịch thâu tài sản của ông, gia đình ông
sống cầu bơ cấu bất ở vùng kinh tế mới, vợ ông chết ở trên đó, ông và
hai đứa con trốn về thành phố sống chui như bầy chó hoang, ăn nhờ ở đậu …
- Bộ ông có quen ai bên nầy hả?
Đến đây thì ông già không giấu diếm gì hết:
-
Đâu có. Tôi đâu có quen ai. Tôi nghe nói Nhà Nước Côte D Ivoire dễ dãi
và tốt bụng nên tôi viết đại một lá thơ dài gởi thẳng cho ông Tổng
Thống, trong đó tôi kể hết hoàn cảnh bi đát của tôi. Tôi viết mà không
có hy vọng gì hết.
- Ồ… Tại ông không biết chớ Tổng Thống Houphouet của tụi này rất bình dân và thương người lắm!
-
Bây giờ thì tôi biết. Bởi vì sau bức thơ của tôi, tôi nhận được visa và
luôn vé máy bay cho ba cha con tôi nữa. Chuyện thật khó tin.
-
Gì mà khó tin? Tổng Thống tụi này hay làm những “cú” ngoạn mục như vậy
lắm! Chắc ông viết thư cũng phải hay lắm nên mới làm xúc động “Le Vieux”
(Ông Già).
Ở Côte d Ivoire, dân chúng thương Tổng Thống Houphouet nên khi nói chuyện với nhau họ gọi ông là “ Ông Già “ một cách trìu mến.
-
Hồi đó tôi viết giống như tôi muốn than thở với một người nào đó để cho
vơi nỗi thống khổ của mình, chớ đâu dè. Nhận được giấy tờ, tôi như trên
trời rớt xuống!
Đến
đây, ông già không nói rằng ông đã bán mấy chiếc nhẫn cất giấu từ sau
trận nhà nước đánh tư sản, để chạy lo vô hộ khẩu của người bà con xa,
rồi chạy lo chiếu khán xuất cảnh, v.v…
Ông chỉ nói:
-
Hồi qua đến phi trường Abidjan, cha con tôi không biết đi đâu ở đâu.
Tôi phân trần với chánh quyền sở tại, họ điện thoại gọi hội “Anciens d
Indochine”. Nhờ hội này giúp nên tụi tôi mới có căn nhà nhỏ ở Cocody và
chút vốn làm nem đi bán dạo, sống lây lất tới bây giờ…
- Tôi nghe nói người Việt Nam tỵ nạn ở Pháp ở Mỹ nhiều lắm. Bộ ông không có bạn bè bà con định cư ở các xứ đó sao?
- Có chớ.
- Sao ông không viết thơ cho họ? Kẻ đi trước giúp người đi sau là sự thường mà.
Ông thở dài, hít mấy hơi thuốc rồi mới nói:
- Tôi có viết thơ chớ. Chỉ viết thăm thôi và báo tin rằng tôi đã đến Côte d Ivoire. Nhưng không thấy ai trả lời hết.
- Có lẽ không đúng địa chỉ chăng.
- Đúng chớ! Nếu không đúng nó phải được trả về, bởi vì tôi có ghi rõ địa chỉ người gởi mà. Hồi ở Việt Nam người thân của họ cho tôi địa chỉ và tin tức, nói họ bây giờ ổn định và khá lắm.
- Ờ… sao vậy há?
- Chắc họ sợ tôi xin tiền…
Ông cười khẩy một tiếng nghe như ông muốn khạc ra một cái gì chận ngang cổ họng, một cái gì vừa cay đắng vừa nhờm tởm. Ông
nhớ lại hồi thời “vàng son”, bạn bè bà con của ông tới lui nhà ông ăn
nhậu hà rầm, trong số đó có nhiều người đã được ông giúp đỡ cưu mang.
Vậy mà bây giờ…
Ông hít một hơi thuốc thật sâu rồi nhả khói ra từ từ làm khoảng trống trước mặt bị mờ đi, giống như ông muốn xoá bỏ trong đầu hình ảnh của mấy thằng bạn bè mấy người bà con mà ông vừa nhớ lại…
Anh
đồng nghiệp da đen suy nghĩ một lúc lâu rồi nghiêng người qua vỗ vai
ông vài cái nhè nhẹ, một cử chỉ an ủi tầm thường như vậy mà ông già viết
mướn bỗng thấy nó đẹp vô cùng. Ông xoay người qua bắt tay anh đen,
không nói gì hết, nhưng ông chắc chắn rằng anh bạn đó hiểu là cái cám ơn
của ông già Việt Nam lưu vong…
Một
hôm, bà khách hàng đầu tiên của ông già viết mướn mang biếu ông hai
trái xoài Caméroun (loại xoài xứ Caméroun ngon nổi tiếng vùng Phi Châu
Da Đen) vừa cười vừa nói:
-
Tôi cám ơn ông. Nhờ cái thơ của ông mà thằng con của tôi hồi tâm. Nó
gởi tiền về, kèm theo một cái thơ dài. Nó nói nó đọc thơ của ông nó khóc
quá! Nó lạy lục xin tôi tha tội cho nó. Nó nói là nó có vợ và một con ở
bên Pháp nhưng nó thề sẽ gởi tiền về đều đặn để nuôi tụi này… Tôi vui
quá! Vui quá!
Bà
ta nói một hơi, nói thứ tiếng Pháp “ba xí ba tú”, nhưng trong giọng nói
nghe đầy xúc động. Nói xong, bà kéo ống tay áo lên lau nước mắt.
Ông
già nhớ lại cách đây hơn mươi bữa, bà cũng kéo áo lên lau như vậy sau
khi kể lể sự buồn khổ của bà. Thì ra, cái vui cái buồn vẫn giống nhau ở
giọt nước mắt!
Ông già mỉm cười:
- Tôi viết mướn, bà trả tiền, có gì đâu mà bà cám ơn?
- Không nhờ cái thơ của ông, không biết tụi này còn khổ sở đến đâu. Cám ơn ! Cám ơn!
Nói xong, bà đi trở qua chợ. Ông già đưa một trái xoài cho anh đen:
- Anh cầm lấy để chia vui với tôi!
Anh ta cầm trái xoài trên tay nhìn ngắm một lúc rồi nói:
-
Làm nghề này đã hơn năm năm, tôi chưa được khách hàng tặng quà bao giờ.
Ông mới ra nghề mà được như vầy là ông viết thơ phải hay lắm.
- Thì cũng ráng viết vậy thôi.
-
Đâu được! Viết mà làm xúc động người đọc đâu phải dễ. Bây giờ tôi hiểu
tại sao ông tổng thống của tụi tôi đã gởi tặng ông visa và vé máy bay!
Ông
già viết mướn đốt điếu thuốc, thở khói một cách sảng khoái. Ông nhớ lại
ngày xưa, thuở thiếu thời, ông lúc nào cũng đứng đầu về luận văn, và về
sau ra đời, ông cũng có lai rai vài ba truyện ngắn đăng báo này tạp chí
nọ. Viết, đối với ông, là để giải toả tâm tư, một cách giải toả trầm lặng và sâu đậm hơn là nói.
Cho nên trong đời ông, ông rất thích viết, nhứt là viết thơ cho bạn,
những người cũng thích viết như ông hay ít ra cũng biết viết vài dòng
hồi âm hay vài chữ để hỏi thăm nhau…
Hai
hôm sau, có thêm một bà mang đến mấy trái cam để cám ơn ông đã viết thơ
cho chồng bà có vợ đầm ở Bỉ. Rồi cứ như vậy, vài hôm là có người đến
cám ơn, cho quà, khi thì chai đậu phọng (Ở đây, sau khi rang, đậu được
cho vào chai lít đầy tới miệng rồi đóng nút để giữ cho được dòn lâu.
Người nghèo bản xứ hay ăn đậu phọng với bánh mì…). Khi thì mấy trái cà
chua, vài bó rau cải… Có gì cho nấy, không nề hà! Ông già nhận hết, bởi
vì ông thấy làm như vậy, người cho rất vui. Cái vui của họ được bộc lộ ra một cách rất thiệt thà: họ quay lưng bước đi, vừa vỗ tay thành nhịp vừa lắc lư nhún nhảy. Lần nào ông cũng nhìn theo, thấy cũng vui lây…
Vậy
rồi không biết họ đồn với nhau thế nào mà khách hàng cứ đến nhờ ông
viết. Những người cần làm đơn từ cũng đến nhờ ông! Bên anh đen đồng
nghiệp thấy thưa khách. Ông già bèn đề nghị:”Tình trạng này kéo dài coi
kỳ quá! Tôi đề nghị anh bạn như thế này: tôi lãnh viết thơ nhà, anh lãnh
viết đơn hành chánh. Mình cứ nói đơn hành chánh phải được đánh máy cho
sạch sẽ dễ đọc thì các cơ quan mới mau chóng cứu xét. Anh đồng ý không?”
Anh đen nhăn răng cười, bắt tay ông một cái đau điếng!
Từ
đó, thấy khách đến, anh đen trịnh trọng nói:”Đơn từ thì ở bàn này. Thơ
cho thân nhân thì bước sang bàn ông bạn đồng nghiệp của tôi đây!” Lần
hồi, khách hàng cũng quen nên cả hai người viết mướn cùng có việc làm
đều đặn. Và càng ngày càng đông khách.
Một hôm, anh đen hỏi:
- Tôi cứ thắc mắc: làm sao viết thơ mướn mà ông viết hay được như vậy?
- Tại anh không biết. Xưa nay tôi say mê viết. Tôi thích viết cho một người nào đó để giải bày, để chia xẻ những cảm nghĩ những suy tư của mình, chọn lời cho đúng, chọn câu cho hay… thú lắm !
Ông già ngừng nói, hít chầm chậm một hơi thuốc rồi chép miệng:
- Bây giờ tôi chẳng còn ai để mà viết. Bạn bè thì anh biết đó. Chúng nó cũng như người vừa đui vừa điếc, viết uổng công. Cho
nên làm nghề viết mướn này, tôi có chỗ để viết. Tôi khổ cái khổ của
khách hàng, tôi vui cái vui của khách hàng, tôi tâm sự cái tâm sự của
khách hàng. Tôi viết với tất cả những xúc cảm chân thật đó, viết mà
không nghĩ là mình viết mướn!
Anh đen vỗ tay đôm đốp, khen:
-
Hay! Ông nói hay quá! Bây giờ tôi mới hiểu tại sao khách hàng mến mộ
ông như vậy! Tổng thống tụi tôi đem ông qua đây, đúng là ổng có con mắt!
Rồi
hắn cười hắc hắc làm ông già cũng bật cười theo. Cả hai, không người
nào nhớ rằng mình da đen hay mình da vàng, họ chỉ biết họ là hai người
viết mướn…
Hai năm sau…
Một hôm ông già bỗng thèm viết cho mấy thằng bạn hồi đó. Viết cho mỗi người một cái thơ, lời lẽ y chang như nhau. Viết
bức thơ cuối cùng cho họ. Viết để cho họ thấy rằng ông phủi đít phủi
tay, dứt khoát không còn bận bịu gì nữa với quá khứ, với lớp bụi đất đã
ăn bám vào ông hồi thuở “vàng son”.
Ông đốt điếu thuốc, suy nghĩ. Đại khái, ông sẽ viết:
“Thưa anh …gì gì (hay chị …gì gì)
Tôi
viết thơ này để báo tin cho anh… (hay chị…) mừng dùm cho cha con chúng
tôi. Tụi này đã định cư luôn ở Côte d Ivoire. Bây giờ, đời sống tụi này
đã ổn định, cuộc sống tương đối khá. Hai con tôi có cửa hàng bán nem ở
chợ Cocody, thiên hạ đến mua cũng đông. Còn tôi thì làm nghề viết mướn,
khách hàng cũng nhiều.
Được như vậy là nhờ ở xứ đen này, con người thấy đen nhưng lòng dạ của họ không đen chút nào hết. Chẳng bằng người Việt mình, nhiều người bề ngoài trắng trẻo lịch sự nhưng lòng của họ chẳng những đen mà còn bạc nữa, anh…( hay chị…) có thấy như vậy không?...”
Nghĩ đến đó, ông già bật cười khan một mình!
Tiểu Tử
Mời Xem : CƠM NGUỘI -Tác Giả : Tiểu Tử
bài viết rát hay
Trả lờiXóa