Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023

Bàn về Phở Sài Gòn – Ký ức về món ăn “quốc hồn quốc túy” trong từng câu văn ngày ấy ( 3- Tiếp theo và Hết )

Tạp chí Văn Học đã thực hiện một chuyên đề “Phở trong thơ văn dân tộc” (số 159 năm 1972). Những bài viết trong tạp chí này, ngoài bài viết của nhà văn Vũ Bằng, còn lại là tập hợp những bài viết trên báo Chính Luận.
Những bài viết về phở đều tập trung vào “thời kỳ 1932-1954 làm thời gian phát triển của phở và có nhiều đặc tính dân tộc nhất. Vì những năm 1932-1954, phở chưa bị ‘sửa sai’ chưa bị ‘đóng hộp’, chưa bị giảm bớt chất phẩm và lượng vì ‘kinh tế mùa thu’, vì ‘kiệm ước song hành’ và cũng chưa có ‘heo đông lạnh’ để nấu phở”.
Trong trào lưu viết về Phở ấy, không chỉ các nhà văn miền Bắc tại Sài Gòn hoài niệm về phở mà những nhà văn miền Trung, Nam bộ cũng đã ghi nhận về phở trong những bài viết của họ trên các tạp chí hay truyện ngắn.
Khi “Người Việt miền nam chỉ hoan hỉ chấp nhận món phở sau một vài canh cải, tức sau khi đã trút vào tô phở được non nửa dĩa giá sống” (Võ Phiến – Ăn và Đọc). Văn chương về Phở sống động và cũng “dậy mùi” như chính hương vị mà Phở mang lại.
Trong Sài Gòn Ăn Uống, cụ Vương Hồng Sển đã nhắc vài ký ức về phở của một người miền nam: “…khi phở Huỳnh Phú Nhuận còn mở cửa, trời sáng lạnh lạnh, tô phở bay nghi ngút, tay cầm đũa, vít miếng thịt mềm nhừ hay miếng mỡ gầu vừa ngon vừa dai, gion gion giòn giòn, chấm một chút tương cay…với mười bảy đồng hay hai chục đồng mà nếm tô phở Huỳnh buổi ấy hơn Lưu Nguyễn bội phần vì hai chàng lạc lối cảnh ăn đào thiếu bổ!”.
Nhà thơ Bùi Giáng thì dùng phở để nói về người đẹp và đề nghị không đọc theo kiểu nói lái.
 “Ghé qua quán phở phen này/
Ruộng nương tơ cỏ mỏng dày cô nương/
… Ghé phường phố gọi lâm râm/
Hỏi tô hủ tiếu thành phần phương lan/
Hỏi tô phở tái dồn làn/
Mấy thân thu mỏng giấn ngàn mấy hoa 
(Bài ca quần đảo).
Còn với nhà văn Mặc Thu, Phở là những câu từ mang đậm một vùng trời ký ức của sự thỏa mãn và sung sướng khi của một ông Ký mỗi sáng đến tiệm phở quen với một quả trứng gà mang từ nhà trụng vào tô phở.
“Hắn dàn những miếng thịt, miếng nạm ra cho đều. Cứ mỗi miếng phở đưa lên miệng là có đủ bánh, thịt, nạm, hành mùi. Hắn như không còn trông thấy ai. Hắn như sống trong một thế giới riêng chỉ có hắn và bát phở của hắn”. (Phở -Thời Nay-1960).
Những nhà văn không chỉ thưởng thức phở bằng mắt nhìn, bằng vị giác mà họ thưởng thức món ăn tinh túy ấy bằng cả một tâm hồn và viết nên những ký ức sống động và ngát hương thơm của từng cọng phở, từng miếng thịt tái chín hay nạm gầu gân trong văn chương.
Bây giờ, khi phở đã trở thành món ăn “quốc hồn quốc túy”, khắp Sài Gòn đi đâu cũng thấy quán phở, xe phở, phở gia truyền, phở thất truyền, phở độc quyền, phở số một… thì phở cũng được các thế hệ nhà văn tiếp theo trao vương miện trong văn chương bề bề chữ nghĩa, từ lịch sử đến cách nấu cách ăn và có cả tranh luận rất sặc mùi hồi quế.
Có lẽ trong lịch sử văn chương khi nhắc về các món ăn thì khó có món nào được ca tụng nhiều như Phở. Thời gian qua mau, những nhà văn xưa có lẽ cũng không còn, nhưng những trang viết của họ về phở vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào, món ăn mà họ ca tụng ngày ấy vẫn luôn đứng vững và luôn là lựa chọn ưu tiên của rất nhiều thực khách đến với Sài Gòn.
( Sưu tầm và Hết )
Thân mến
TQĐ

Mời Xem Lai 

1./ Bàn về Phở Sài Gòn – Ký ức về món ăn “quốc hồn quốc túy” trong từng câu văn ngày ấy (1) 

2./ 2./ Ký ức về món ăn “quốc hồn quốc túy” trong từng câu văn ngày ấy ( 2 )

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...