Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Nắm Và Buông (Mạn Đàm Của Lý Trinh Trường )

Sách vở cổ kim đều khuyên chúng ta buông xả, cho rằng buông là tự do, là hạnh phúc, là siêu thoát v.v... Tôi cũng biết phải buông xả, nhưng nhiều khi rất muốn buông sao cứ buông không được. Gần đây tôi đọc “Trang Tử”, Trang Tử cũng khuyên chúng ta buông. Nhưng lần này tôi lại đọc được một vài ý nghĩa hơi khác với lúc trước.

Chương "Đạt Sinh" (達生) trong “Trang Tử ngoại biên)” đề cập đến cuộc đàm thoại giữa Khổng Tử và Nhan Hồi. Một lần, Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: Thưa thầy, ngày nọ đệ tử qua đò trên đoạn sông sâu nước chảy xiết, đệ tử rất khâm phục sự khéo léo và thông thạo của người lái đò. Đệ tử có hỏi ông lái đò làm thế nào để biết được cách lái đò? ông lái đò nói nếu biết bơi lội rồi thì rất dễ cho việc học lái đò. Thưa thầy tại sao vậy? Khổng Tử trả lời, là vì họ không sợ nước. Những người biết bơi lội có bản năng thích ứng với nước, họ bơi trong nước tựa như đi bộ trên cạn. Cho nên họ rất thong dong tự tại với sông nước. Bất luận đối mặt với dòng sông cuồn cuộn, gió mạnh sóng to hay bất cứ tình huống nguy hiểm nào, cũng không làm rối loạn nội tâm của họ. Từ đó Khổng Tử dẫn bày ra một triết lý: Phàm nội trọng giả nội chuyết (凢外重者内拙). Có nghĩa là con người sẽ trở nên đần độn vụng về nếu nội tâm dính mắc với vật thể bên ngoài.


Lúc đầu tôi đọc thoáng qua câu chuyện này, nghĩ rằng Thánh Hiền cổ kim đều nhân từ, Khổng Tử cũng mượn câu chuyện lái đò để dạy Nhan Hồi và khuyên người đời nên buông xả, đừng dính mắc với ngoại vật. Lúc sau tôi đọc tường tận rồi suy ngẫm, người biết bơi lội đương nhiên không sợ nước, nhưng người khác chắc chắn không cách nào thản nhiên vô sự trước sông nước. Cho nên tư duy của tôi bắt đầu đặt nặng ở "người bơi lội đã quen thuộc và thích ứng với môi trường nước" chứ không phải là con người phải tránh sự dính mắc với ngoại vật. Nói cách khác, điều kiện để buông xả nỗi lo sợ với sông nước là không chấp với nước hoặc nói xa hơn nữa là không tiếp cận với môi trường nước. Cũng như chúng ta sợ gai bông hồng thì đừng sờ hoặc đến gần cây hoa hồng. Không gần gũi hoặc tiếp xúc với sông nước và cây hoa hồng sẽ đâu có bị ám ảnh bởi những vật thể đó. Chưa từng bao giờ muốn nắm giữ một cái gì thì có cái gì để mà "buông bỏ"?


Trên đời vẫn có những người bẩm sinh đã có căn giác ngộ, họ lúc nào cũng ý thức được buông xả là cội nguồn của hạnh phúc và luôn giữ tâm thanh tịnh, không chấp chước, sống an nhiên với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời. Tuy nhiên, đa phần người đời đều sống khổ đau trong sự đối lập và giằng co giữa nắm và buông. Bởi vì con người vốn có lòng tham, vì dục vọng tư hữu mà muốn nắm, đồng thời cũng biết tự mình khuyên nhủ là phải buông, rồi thường bị vướng víu trong sự vấn vương day dứt của hai ý niệm "nắm" là mê, "buông" là giác; "nắm" là khổ, "buông" là hạnh phúc, tổn hao quá nhiều năng lượng trong tâm tư của mình.


Vẫn biết buông xả là con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc, tuy nhiên con đường gạn đục lóng trong để trở về chánh đạo “buông xả” đương nhiên rất khó, vì bắt buộc phải đi ngược dòng thế tục đời thường, chính vì thế nhiều hành giả cổ kim phải ngậm ngùi than thở: “Nẻo về bến ấy chông chênh lắm!"


Phải chăng đó cũng là tâm lý thế gian, làm Phật Tiên thời phần đông ai cũng muốn cũng ham, nhưng mà nhìn lại cõi trần, tuy bản chất là khổ, nhưng những cảnh tượng cớ sao mà muôn màu muôn vẻ, đầy sức quyến rũ và cuốn hút, chèng ơi, vui quá! cho nên bỏ đi cũng chẳng đành. Đạo thì cũng muốn tu thành Phật, theo Đạo mà lại còn tiếc đời.


Vì vậy, sống là một hành trình phấn đấu không ngừng giữa mê và giác; giữa nắm và buông. Có đi ắt có đến, có chí thì nên. Tô Đông Pha phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh và trắc trở, mới hiểu rằng phải buông bỏ thế sự thị phi, giữ tâm thanh tịnh để sống đời đạm bạc, rồi từ đó thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm để đạt đến cảnh giới: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Trời mưa hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng.


Lý Thúc Đồng cũng có nhiều trải nghiệm cực kỳ cam go về sự khổ lạc tụ tan trong cuộc sống, và những giao động khắc cốt ghi tâm trong tình yêu, tình bạn và tình đời … dần dần ý thức được phải buông bỏ mọi vấn vương của thế tục hồng trần, rồi chuyển hóa nội tâm, từ cảnh giới ngộ ra vô thường như trong bài nhạc "Tống Biệt" cho đến nhất tâm bất loạn trong sự tu hành tinh tấn, Lý Thúc Đồng mới thoát phàm nhập thánh, trở nên bậc Tổ Hoằng Nhất Đại Sư trong Luật Tông.


Quá trình phấn đấu của Lý Thúc Đồng, Tô Đông Pha cho ta thấy, sự thành công và giác ngộ của các bậc anh hùng hào kiệt xưa nay là từ có đến không, từ nắm tới buông, từ mê đến giác. Cho nên, muốn nắm thì cứ nắm, muốn lấy thì cứ lấy. Nếu giờ đây bạn nói, tôi cần tiền, tôi muốn kiếm rất nhiều tiền, vậy thì cứ tha hồ mà kiếm tiền; nếu giờ đây bạn nói, tôi thích người đó, tôi muốn người đó thuộc về mình, vậy thì cứ tha hồ mà theo đuổi. Rồi một ngày nào đó, chúng ta tích lũy khá nhiều tài sản trong tay, đột nhiên ý thức được tiền tài chẳng qua là vật ngoài thân, nó không thể đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc chân thực; hoặc một ngày nào đó, chúng ta chợt thức tỉnh trong cơn mê mộng của tình yêu, phát hiện tất cả đều chỉ là ảo tượng, Tôi chỉ yêu thích một cái tôi khác từ sự thương mến người đó mà thôi. Tất cả hình dáng hữu hình hay cảm giác vô hình chung quy sẽ tan biến theo luật vô thường của thế gian. Ắt chúng ta sẽ tự nhiên mà buông ngay, và chính cái buông đó, mới thực sự là buông.


“Cõi ta bà như mặt biển lênh đênh  

Vui buồn lặng ngụp bồng bềnh khơi xa

Nào danh lợi nào phù phiếm xa hoa

Mê trong được mất khiến ta khổ sầu


Cõi hồng trần hạnh phúc có bao lâu

Ân ân oán oán trong câu tình đời

Hãy nhủ lòng buông bỏ thế gian ơi

Cho tâm nhẹ gánh thảnh thơi an nhàn.”


Trường

05-11-2023

Nguồn : Thụ Nhân Bắc Một Nhi[ Cầu 


 

Mời Xem :Cảm Ơn Nghịch cảnh -

 

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...