Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Bàn về Phở Sài Gòn – Ký ức về món ăn “quốc hồn quốc túy” trong từng câu văn ngày ấy ( 2 )

Sau phở Tàu Bay, Hà Đỗ có nhắc đến tiệm phở Quyền (đường Võ Tánh – Hoàng Văn Thụ – Phú Nhuận): “Cũng sầm uất lắm. Buổi sáng thầy thợ nhà binh để xe hai bánh chật vỉa hè trước tiệm. Phở của nhà Quyền này cũng thuộc loại có hạng ở Sài Gòn chứ không phải dạng vừa đâu…”.
Riêng Phan Nhật Nam lại viết cụ thể và tỉ mỉ hơn bổ sung địa chỉ những quán phở mà ông cho là ngon: “Phở thông dụng với phở 79 đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi) vì tất cả tòa báo nằm trên đó hết như báo Độc Lập, Sóng Thần, còn Đại Đoàn Kết thì nó dưới Gia Long (Lý Tự Trọng) nhưng đi bộ lên rất gần, chỉ mấy chục thước là đến nên người ta gọi phở 79 là phở báo chí. Trên đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) lại có một quán phở rất nổi danh là phở bà Dậu. Bà dùng một thứ nước rất trong để nấu phở.”
Trong một bài viết khác, Phan Nghị cho biết: “Những nhà hàng phở ngon của Sài Gòn thuở ấy nhiều vô số. Phở Minh trong đường hẻm Casino đường Pasteur ngon thiệt là ngon. Người ta chỉ có thể ăn một bát để cho nó thòm thèm rồi mai lại ăn nữa!
Một khách hàng đã làm bài thơ Phở tặng ông chủ quán: ‘Nổi tiếng gần xa khắp thị thành. Trần Minh phở Bắc đã lừng danh. Chủ đề tái, chín, gầu, gân, sách. Gia vị: hành tiêu, ớt, mắm, chanh’…”
Còn theo nhà văn người Bình Định -Võ Phiến trong Ăn Và Đọc” thì giữa chuyện ăn và chuyện hiểu về phở còn là một sự “muôn trùng chia xa”.
Phở không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là quá trình thưởng thức :” từ chỗ biết ăn phở cho đến cái trình độ am hiểu các đặc điểm, các sở trường sở đoản của từng thứ phở gà, phở bò, phở nước, phở áp chảo, phở tái, phở chín, phở nạm, phở gầu, phở sụn… còn nhiều cách biệt. Rồi từ chỗ thạo phở cho đến cái tâm tình về phở như của Nguyễn Tuân, lại còn một tầng cách biệt nữa….”
Trong bài tùy bút để đời của nhà văn Nguyễn Tuân viết vào năm 1957 đã nâng phở lên tầng cao hơn là “…có một cái thực tế mà hằng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong những cái thực tế vĩ đại của dân tộc”.
( Sưu tầm và còn tiếp )
Thân mến
TQĐ

Mời Xem P.1 :

 

Bàn về Phở Sài Gòn – Ký ức về món ăn “quốc hồn quốc túy” trong từng câu văn ngày ấy (1)


 

1 nhận xét: