Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Chữ "TỚI" trong văn hóa Miền Nam - Nguyễn Gia Việt


Nguyễn Gia Việt
 
Người Miền Nam không ai nói "đến",chỉ có "tới" và chỉ có tới
Thấy một bạn trẻ viết thơ,đề chữ From là "từ",ghi chữ "To" là "đến" nên nhắc nó, con không ghi chữ đến, mình người Sài Gòn phải ghi chữ "tới" nghen con!
Thiệt đó!
Khi con đi xe đò về Miền Tây,người lơ xe sẽ hỏi con rằng "Đi tới đâu anh ơi?" chớ không có hỏi "Đi đến đâu anh ơi?"
Cái chữ "tới" của người Miền Nam rất ngộ và kỳ lạ vì nó đã theo ông bà tổ tiên chúng ta hàng trăm năm nay rồi
"Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người quân tử lạc loài tới đây
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về"
Đi tới Đồng Nai mết cô gái Biên Hòa,Bình Trước,Tân Lân nên ở lại xứ đất đỏ,nếu thích đi nữa thì chạy tót xuống Gia Định Sài Gòn làm rể Bến Nghé, Chợ Lớn
Ộng bà minh đi miết bằng đôi chưn không dép, chưn không.Một manh áo tơi, một cái nóp nghèo mà đi miết
Tới Bến Lức vượt qua Vàm Cỏ về tới Mỹ Tho mê con gái làng Điều Hòa,làng Thạnh Trị, làng Mỹ Chánh , làng Đạo Ngạn rồi ở lại bén duyên
Qua Tiền Giang rồi Hậu Giang ,đi miết về Rạch Giá,Hà Tiên,vòng về Cà Mau,Bạc Liêu, Vĩnh Châu, Cái Răng, Cái Nhum,Trà Ôn
"Tới Cà Mau ,Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?"
Đi ghe chèo ,đò dọc hay đò máy.Rồi đi xe đò,nó chạy biệt tới nơi cần tới
"Vội vàng cũng tới bến giang
Tôi đây thủng thẳng cũng sang bến đò"
Kể chiếc xe đò nghe cho hiểu nè!
Xuất phát từ Sài Gòn,bến xe ở Petrus Ký nghen,xe chạy ào ra Lộ 4 hướng Phú Lâm thẳng bước
"Bà con cô bác ngồi ngay ngắn,giữ kỹ ,coi sóc đồ đạc, xe chuẩn bị đề pa"
Đi xe đò mà không có lơ thì khỏi ra khỏi bến xe.Thằng lơ áo cụt tay quần cắt hai cái ống nhảy lên nhảy xuống như làm xiệc,tay xach tay mang hành lý,hàng hóa của khách lên mui,sắp xếp ghế cho khách, dẫn người già lên xe ,là cái loa báo hiệu quảng đường sắp tới
Lơ xe có quyền lực ghê lắm,có thể đuổi khách xuống nếu phát hiện đi chui,có thể che khách đi chui nếu nghèo quá hoặc gái đẹp quá
Ai đi xe đò sẽ gặp vầy:
"Sắp tới Tân An,bà con nào xuống chuẩn bị đồ đạc nghen!"
"Tới Trung Lương rồi bà con ơi! Tới Cai Lậy rồi.Tới cầu Mỹ Thuận rồi.Hết thảy bà con cô bác nào xuống chuẩn bị nghen!"
"Xe đò tới cầu bắc Vàm Cống rồi!"
Ta nói có nhiều chuyện rất vui.Có ông lên xe ngồi ngủ một hơi,tính tới Cái Bè xuống xe.Ngủ sao xe chạy tới Mỹ Thuận mới hay đã quá lố thì cự thằng lơ:"Sao tới Cái Bè mày không khều tao thằng quỷ sứ?"
Ông già thì thằng lơ không ngó chứ mấy em nữ sinh đẹp đẹp,ngộ ngộ thì lơ nhớ dai lắm,chưa tới là lơ kiếm chuyện nói với gái đẹp rồi trững giỡn dê dê
Mấy em chảnh xí một cái:"Xí,cái thứ lơ xe mà trèo cao,đỉa đòi đeo chưn hạc"
Người Miền Nam có chữ "tới bến" là cái bến chót của chuyến xe đò.Tới bến là hoàn thành một vòng xe chạy
Đi xe mà "Tới bến luôn sốp phơ" là an tâm ngồi ngủ.Sau 1975 khi mấy anh Bác vô Nam thì có cái kiểu "Tới bến luôn bác tài"
Trong lịch sử Nam Kỳ Lục Tỉnh danh xưng "bác" không xài tràn lan.Chữ bác chỉ xài cho anh của cha và người lớn trong xóm,cùng trường hợp là "bác sui".Người Miền Nam không dễ dãi tự xưng mình là bác và tự kêu người khác là bác
Trong văn hóa nhậu kiểu Miền Nam có hai chữ cũng xuất phát từ xe đò là "nhậu líp ba ga" và "nhậu tới bến"
Thí dụ nhậu xỉn ,nhậu bung nóc,mát trời ông địa kêu là "Nhậu líp ba ga",mua sắm tràn trề,đụng gì mua nấy kêu là "Mua líp ba ga".Rồi vô nhà hàng ăn hết món kêu là "Ăn tới bến"
"Líp ba ga” là phiên âm của tiếng Pháp “libre bagage”,trong đó “libre” có nghĩa là miễn phí,tự do và “bagage” có nghĩa là hành lý
Có anh kia chọc ghẹo gái mà ngu nên nói vầy :"Em ơi! hay hai đứa mình kiếm chỗ nào tới bến đi nè?"
Cô kia đỏ mặt bước tảng ra xa liền,trong miệng lẩm bẩm:"Thứ quỷ ôn dịch vật,bà bắn gì đâu không hà.Nay đi không coi ngày"
Rồi dân Miền Nam có "tới luôn" là làm thẳng luôn khỏi cần ý kiến ý cò gì.Rồi mấy thằng con trai đang học lớp 9 mà bỏ ngang không thèm học,đòi má đi coi mắt cưới vợ liền là thứ "tới nước".Dâm trong xóm rỉ rả "Thằng con trai bà Chín Xẹp còn nhỏ xíu mà tới nước rồi".Cái chữ tới nước đồng nghĩa với "tới dái" của sự ham muốn
Ai mà sáng còn giỡn,còn chửi chồng mà chiều đã nghe ò e í e,nhạc lễ tưng bừng là "tới số".Nhiều ông sợ vợ gom tiền hụi dùm vợ rồi đem tiền uống bia ôm cũng là sắp tới số
Còn một khúc nữa kể luôn cho nghe
"Tới bến Mỹ Châu
Mút mùa Lệ Thủy"
Là một câu thành ngữ của Sài Gòn thập niên 60 khi những tuồng cải lương kiếm hiệp rất nổi tiếng với hai cô đào cải lương Lệ Thủy,Mỹ Châu
Lệ Thủy có một giọng ca kim pha thổ trong veo,tiếng ngân như chuông ,lên câu vọng cổ ngọt xớt chân phương.Mỹ Châu có giọng trầm mà buồn rười rượi
Đây là hai giọng hiếm và không có bản sao
Khi hai cô đào này cất hơi lên câu hát thì khán giả nghe nó dài mút mùa,nó dài mút chỉ cà tha ,thành ra có câu "Tới bến Mỹ Châu.Mút mùa Lệ Thủy"
Sau dân bình dân ,dân nhậu chỉ những lúc nhậu mà xin quắc cần câu thì họ kêu là "Tới bến Mỹ Châu.Mút mùa Lệ Thủy"
Mở rộng ra khi nói "Tới bến Mỹ Châu.Mút mùa Lệ Thủy" là hiểu rằng hành động đó kéo dài,không dứt nữa chừng,tới bến luôn ,là một cách chơi của dân Nam Kỳ
Cô Mỹ Châu từ lâu ẩn giang hồ bên Mỹ để giữ hình ảnh trong lòng khán giả
Còn bà Lệ Thủy thì giờ đi đâu cũng mang theo cái danh "NSND" và một ê kíp truyền thông từ Youtuber cùng nhà báo nịnh ngồi giảng moral hù khán giả mút mùa
“Bàn tay ngón dài ngón vắn
Con một nhà có đứa trắng đứa đen”
Thôi được rồi!
FB Nguyễn Gia Việt

 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...