Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

TẠP CHÍ XÃ HỘI Thỏa thuận biển khơi : Phương tiện bảo vệ « mỏ vàng xanh » của hành tinh ?

Đầu tháng 05/03/2023, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về hiệp ước bảo vệ vùng biển khơi. 
Thùy Dương
Đêm 04, rạng sáng 05/03/2023, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, sau nhiều năm thương lượng dài hiếm có, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về hiệp ước bảo vệ vùng biển khơi, một vùng biển xa xôi, sâu thẳm, mênh mông mà con người vẫn chưa tiếp cận được nhiều, nhưng được đánh giá là kho báu của hành tinh, cả về sinh thái, bảo vệ khí hậu và tiềm năng kinh tế.
Trước hết, biển khơi là gì và tại sao giờ đây quốc tế lại quan tâm đến khu vực này như vậy ? Trên đài RFI Pháp ngữ, Julien Rochette,giám đốc chương trình Đại dương và Đa dạng sinh học quốc tế của Viện Phát Triển Bền Vững Và Quan Hệ Quốc Tế (IDDRI) của Pháp giải thích cụ thể :

« Biển khơi là không gian biển nằm phía bên ngoài hải phận các nước, bên ngoài cả các vùng được gọi là vùng kinh tế đặc quyền rộng gần 370 km tính từ bờ biển. Và đó là một không gian vừa không thuộc về ai, mà cũng lại thuộc về tất cả mọi người, nên phải do toàn thể cộng đồng quốc tế quản lý.  

Trong những năm qua, con người đã phát triển một số hoạt động ở vùng biển khơi. Trong suốt một thời gian rất dài, biển khơi là một không gian hoang vắng, trước hết vì chúng ta không có công nghệ để đi đến những nơi xa đó, nhưng cũng là vì chúng ta không quan tâm đến việc đi đến đó, vì nguồn tài nguyên ở các vùng ven biển là đủ dùng cho con người. Nhưng giờ đây, chúng ta có nhiều phương tiện giao thông, vận chuyển, hoạt động đánh bắt cá ngày càng nhiều.

Thách thức đặt ra cho hiệp ước sẽ là làm thế nào để có thể quản lý và điều chỉnh các hoạt động có thể phát triển trong tương lai, chẳng hạn như năng lượng gió ngoài khơi hoặc nuôi trồng hải sản chẳng hạn. Như vậy, hiệp ước này vừa phải giải quyết các mối đe dọa hiện nay đang đè nặng lên vùng biển khơi, vừa phải dự báo trước các hoạt động khai thác trong tương lai. »

Nghịch lý biển khơi
Về vai trò, tầm mức quan trọng của vùng biển khơi xa này, các mối đe dọa, cũng như những khó khăn trong quản lý hiện nay, vẫn trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia Anne Sophie Roux, đại diện tại Pháp của Liên Minh Vì Đại Dương Bền Vững - Sustainable Ocean Alliance, giải thích hôm 03/03/2023, khi các ê-kip đàm phán đang tích cực thảo luận để đi đến thỏa thuận :

« Quả thực, đại dương là bể chứa carbon lớn nhất của chúng ta, và cũng bảo đảm cho sự ổn định của khí hậu. Đại dương chiếm 71% bề mặt hành tinh của chúng ta, và vùng biển khơi chiếm gần một nửa diện tích hành tinh của chúng ta nhưng hầu như không được bảo vệ. Mới chỉ có chưa đến 1% vùng biển khơi được bảo vệ. Vì vậy, thách thức của hiệp ước này là bảo vệ hiệu quả vùng biển rộng lớn và rất ít được biết đến này. Cho đến nay, chúng ta mới khám phá được chưa đến 10% đại dương. Bảo vệ vùng biển khơi xa sẽ có thể cho phép giải quyết cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng : khủng hoảng khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học và các nguồn ô nhiễm khác nhau.

(…) Có rất nhiều mối đe dọa, nhất là các mối đe dọa về khí hậu, liên quan đến việc tăng khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển, việc đại dương bị axit hóa, việc thiếu khí oxygène, tăng nhiệt độ. Nhưng bên cạnh đó, có một mối đe dọa đang có nguy cơ xảy ra, đó là việc khai khoáng ở đáy biển có thể sẽ làm phát thải ra lượng khí carbon hiện đang được lưu giữ bên dưới đáy biển, và tàn phá toàn bộ hệ đa dạng sinh học mà các nhà khoa học nay mới chỉ vừa mới khám phá ra. Ngoài ra, còn có những vấn đề về đánh bắt hải sản quá mức, gây ô nhiễm, làm suy thoái hệ đa dạng sinh học ».

(…) Người ta thường so sánh đại dương và vùng biển khơi với miền Viễn Tây (Far West), thực ra cũng đúng vì rất khó kiểm tra, giám sát, các vùng này và rất khó thu thập thông tin. Nếu một con tàu đánh bắt cá trái phép giữa Đại Tây Dương, phải mất nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần thì thông tin mới đến được, vì thế đôi khi đã là quá muộn để hành động đối phó, bởi khi đó những chiếc tàu đó đã gây ra thiệt hại rồi.

Thỏa thuận đã có, nhưng để hiệp ước bảo vệ biển khơi có hiệu lực, chặng đường phía trước vẫn còn dài : Thỏa thuận cần phải được đưa ra xem xét tại các cơ quan pháp lý và phải được dịch sang 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc. Hiện tại, các thông tin cụ thể về thỏa thuận, số nước tham gia, thời hạn hiệp ước chính thức được phê chuẩn … vẫn được giữ kín. Công chúng chỉ biết rằng có 4 nội dung chính đã được thảo luậnkhông chính thức từ năm 2004 và chính thức là từ năm 2008. Chuyên giaAnne Sophie Roux cho biết thêm :

« Bốn chủ đề chính mà các quốc gia đã đàm phán tại Liên Hiệp Quốc là việc thiết lập các công cụ quản lý, chẳng hạn các khu bảo tồn biển, cách thức để chúng ta bảo vệ hiệu quả các khu bảo tồn biển này ; bên cạnh đó là các nghiên cứu về tác động và đặc biệt là cuộc thảo luận về một tiêu chí quốc tế để đo lường tác động, ngoài ra thì các nguồn gen cũng là một trong những điểm chính từng có bế tắc, nói một cách cụ thể là tất cả những khám phá khoa học có thể dẫn đến những bước tiến mới trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm … Chủ đề thứ 4 là củng cố năng lực cho các nước đang phát triển và mọi vấn đề về chuyển giao công nghệ ».

Tính lịch sử của thỏa thuận bảo vệ biển khơi
Hiệp ước khi được Liên Hiệp Quốc chính thức thông qua sẽ là một công cụ pháp lý mang tính bắt buộc để quốc tế có thể bảo vệ và khai thác, quản lý vùng biển khơi. Trên đài RFI Pháp ngữ, ngày 05/03, chuyên gia Julien Rochette, người điều phối chương trình Đại dương và Đa dạng sinh học quốc tế của Viện Phát Triển Bền Vững Và Quan Hệ Quốc Tế (IDDRI) của Pháp, nói về sự cần thiết và tính lịch sử của thỏa thuận :

« Đã từ hơn 15 năm nay, các nước thảo luận về vị thế của vùng biển khơi xa. Cần hiểu là trước thỏa thuận này, chúng ta đã có một số quy tắc có thể được áp dụng vào vùng biển khơi về vận tải hàng hải, đánh bắt hải sản, chẳng hạn như vậy. Vấn đề là các quy tắc này đã rất cũ hoặc không đầy đủ. Và Công ước quản lý đại dương là một công ước được thông qua từ năm 1982. Đó là công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển, được thông qua vào thời điểm mà chúng ta hoàn toàn chưa biết gì về hệ đa dạng sinh học đặc biệt trong lòng biển khơi.

Vào thời điểm đó, các hoạt động của con người cũng chỉ hạn chế ở các không gian ven bờ. Thế nên, một không gian rộng tới gần một nửa hành tinh lại chưa được hưởng một chế độ bảo vệ và quản lý phù hợp nào. Mối quan tâm của hiệp ước mới lần này là nhằm bù đắp những thiếu sót đó và tạo ra một khuôn khổ để cộng đồng quốc tế quản lý không gian chung này.

Đối với tôi, đây là một thỏa thuận lịch sử, trước hết là bởi vì thỏa thuận này liên quan đến một nửa hành tinh. Xin nhắc lại đó là một nửa « vô hình », rất ít người đã nghe nói đến không gian này, nhưng vùng biển khơi xa lại mang trong mình một hệ đa dạng sinh học đặc biệt cần được bảo vệ.

Nói đó là một thỏa thuận lịch sử cũng là bởi vì các cuộc thương lượng đã kéo dài suốt nhiều năm, gần 20 năm nay rồi, nên cũng đến lúc phải đúc kết thỏa thuận. Điểm cuối cùng mang lại tính lịch sử cho thỏa thuận này, đó là bối cảnh căng thẳng địa chính trị như chúng ta biết hiện nay. Đạt tới thành công trong việc ấn định các quy tắc quản lý chung một không gian mà quốc tế chia sẻ quả là một kỳ tích ».

Gien biển : Nguồn tài nguyên tương lai
Do chứa đầy sự sống, nên biển khơi là nơi có rất nhiều enzym và phân tử có tiềm năng được các ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm quan tâm. Nói cách khác, bên cạnh các nguồn hải sản, các mỏ dầu lửa, khí đốt dưới đáy biển sâu, nguồn gien biển khổng lồ - vi sinh vật từ các vực nước sâu thẳm, san hô hay sứa biển ở vùng nước sâu - là một nguồn tài nguyên khổng lồ và đầy tiềm năng.

Libération trích dẫn ông Romain Troublé, giám đốc điều hành của tổ chức thám hiểm, nghiên cứu đại dương, Fondation Tara Océan, của Pháp : « Một lít nước biển chứa một tỷ virus, hàng trăm triệu vi khuẩn, gần 100.000 vi tảo và một số sinh vật phù du. Các cuộc thám hiểm đã cho phép chúng ta khám phá ra gần 200 triệu loại gien mới, và nhất là cho thấy chúng ta chưa có nhiều hiểu biết. Chúng ta mới chỉ biết chưa đến 5% các loài vi sinh vật biển ». Có từ 500.000 đến hơn 10 triệu loài khác nhau sống trong đại dương, và giới nghiên cứu mới chỉ xác định được 280.000 loài được xác định.

Trên thực tế, các nguồn tài nguyên biển khơi thuộc về tất cả mọi người, nhưng chỉ một số quốc gia có phương tiện tài chính và trình độ công nghệ, kỹ thuật để tiếp cận nguồn tài nguyên biển khơi. Chuyên gia Julien Rochette giải thích thêm về giá trị của các nguồn gien ở vùng biển khơi :

« Về tài nguyên di truyền biển, quả thực là cho đến những năm 1990, con người không hiểu biết về sự đa dạng sinh học đặc biệt ở vùng biển khơi, người ta không nghĩ rằng sự sống có thể phát triển mà không cần có sự quang hợp ở độ sâu 3000-4000-5000m. Nhưng dần dần các cuộc thám hiểm khoa học đã cho phép chứng minh là có sự sống phát triển ở những vùng biển rất sâu, tức là có những giống loài, những hệ sinh thái phát triển dưới biển sâu trong những điều kiện khắc nghiệt về nhiệt độ, áp suất, thiếu ánh sáng.

Các sinh vật này đã phát triển các phân tử, các chất đáng được quan tâm, đặc biệt đối với ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Nhiều khi chúng tôi vẫn nói là đáy biển là kho chứa các loại dược phẩm của tương lai. Hiện giờ chúng ta vẫn theo quy tắc « ai đến trước thì hưởng trước » nên các nước đang phát triển muốn hiệp ước có thể thiết lập các quy tắc công bằng để họ cũng nhận được nguồn lợi từ việc khai thác các nguồn gen này ».

Hiện nay, theo La Croix, mỗi năm các công ty và viện nghiên cứu nộp từ 300 đến 500 bằng sáng chế liên quan đến tài nguyên biển, một số liên quan đến vùng biển sâu mà họ được tiếp cận miễn phí. Tuy nhiên, hầu hết các bằng sáng chế này tập trung ở 10 nước giàu (Mỹ, Nhật, Israel, Canada và một số nước châu Âu, nhất là Pháp và Đức).

Thùy Dương

 

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...