Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Vì sao văn học TQ đương đại không có tác phẩm sám hối? (NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ )

Tác giả: Sái Ích Hoài[1] (Trung Quốc) | Biên dịch và ghi chú: Nguyễn Hải Hoành

Tôi thường nghĩ về một vấn đề: đất nước ta từng trải qua thảm họa “Cách mạng Văn hóa”, dân tộc ta có nhiều hành vi xấu xa,[2] thế nhưng vì sao trong văn học của chúng ta lại chưa thấy có một tác phẩm sám hối đủ sức thức tỉnh người đời?

Tôi luôn luôn cảm thấy dân tộc ta quá ư giả dối, thiếu một tình cảm buồn thương và ý thức sám hối. Các nhà văn chúng ta có mỹ đức “nêu cao tính thiện” nhưng cũng có thói xấu “giấu giếm cái ác”. Không dám cúi đầu tự vấn linh hồn mình, không dám bày tỏ linh hồn mình cho người khác xem, đây là điểm thất bại nhất của nhà văn chúng ta.

Vì sao nước Nga có nhiều nhà văn lớn hàng đầu thế giới như vậy? Tôi thấy điểm mấu chốt là các nhà văn của họ có ý thức sám hối, dám đối mặt với thế giới nội tâm chân thực.

Cảm xúc lớn nhất của tôi khi đọc tác phẩm của Lev Tolstoy, Dostoevski là tác phẩm của họ có một tinh thần tôn giáo thâm thúy mà rộng mở. Nói cụ thể, đó là ý thức chuộc tội và ý thức sám hối.

Hãy nói về tiểu thuyết Phục sinh[3] của Lev Tolstoy: nhà quý tộc chủ điền trang Nekhliudov cưỡng dâm[4] cô đày tớ gái Maslova, làm cho cuộc đời cô tan nát ba chìm bảy nổi. Khi Nekhliudov biết cô gái điếm đang bị tòa án xét xử chính là cô gái năm xưa mình từng cưỡng dâm, nội tâm ông cũng chịu sự xét xử về đạo đức, ông hiểu ra rằng chính ông là kẻ đầy tội ác. Thế là ông dấn thân bám theo cô gái suốt hành trình cô bị lưu đày đi Siberi, dùng hành động tự lưu đày mình để chuộc tội, nhờ thế bản thân ông trở thành kẻ được cứu rỗi.

Tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Dostoevski cũng như vậy, viết toàn những chuyện dằn vặt dày vò linh hồn con người. Cuộc đời các nhà văn lớn của nước Nga và tác phẩm của họ cho ta thấy họ có những tình cảm tôn giáo chuộc tội và sám hối.

Trong văn học Trung Quốc thế kỷ 20, có thể nói Lỗ Tấn và Ba Kim[5] là những nhà văn giàu ý thức chuộc tội và sám hối nhất. Thế nhưng trong các nhà văn Trung Quốc đương đại chúng ta không còn thấy những người dám đối mặt trực diện với thế giới tâm linh nội tại như Lỗ Tấn, Ba Kim, Uất Đạt Phu[6] nữa. Rất nhiều nhà văn của chúng ta dám phê phán xã hội, phản đối chế độ sử dụng người tài nhưng lại không đủ dũng cảm đối mặt với linh hồn chân thực của chúng ta, không dám nói thật, lại càng không dám động chạm tới thế giới nội tâm của mình, ngại hé lộ mặt xấu xa của mình trước mặt người khác.

Đó là nguyên do căn bản làm cho các sáng tác của chúng ta mất giá trị. Là một nhà văn, việc có tình cảm tôn giáo chuộc tội và sám hối là biểu hiện chứng tỏ người đó có sức mạnh nhân cách tìm kiếm chân lý, tìm kiếm cái thiện, dám mổ xẻ từ linh hồn mình cho tới linh hồn dân tộc, tự kiểm điểm, tự phủ định, tự chuộc tội lỗi, cuối cùng đi lên con đường mới của mình.

Những năm gần đây tôi càng ngày càng không đánh giá tốt nền văn học của chúng ta. Điều tôi cảm thấy đau xót nhất là sự giả dối và nông nổi. Giả dối và nông nổi suốt từ trên xuống dưới, điều đó làm cho những người cầm bút chúng ta không còn chịu đựng nổi. Chúng ta vừa thiếu dũng khí để xét đoán linh hồn của mình lại vừa chưa  nhẫn nại tiến hành một kiểu viết lách thuần túy tâm linh. Trước cơn lũ kinh tế hàng hóa, mọi người đều mất phương hướng, coi việc kiếm tiền là lẽ đương nhiên, coi đồng tiền là thủ đoạn tất nhiên để thành danh thành gia. Mọi người say sưa nói về “Bảng xếp hạng nhà văn giàu nhất” mà chẳng mấy người quan tâm tới chất lượng tác phẩm. Người ta đua nhau tô son điểm phấn cho mình, ai còn biết “sám hối”, “chuộc tội lỗi”, sống trung thực nữa?

Những năm qua tôi có dịp về đại lục Trung Quốc, tiếp xúc với một số nhà văn và học giả, càng ngày tôi càng cảm thấy vướng mắc với họ, không thích ứng với họ. Tôi cảm thấy họ không làm văn học mà đang làm “quan hệ văn học”, tâng bốc nhau, nịnh hót nhau, tô son điểm phấn cho nhau.

Điều đáng sợ hơn là nền văn học của chúng ta chịu tai hại sâu sắc bởi tư tưởng “quan bản vị”,[7] các quan chức chỉ quan tâm tới việc sắp xếp ngôi thứ như thế nào, tìm mọi cách bám sát hệ thống nhân sự, co mình lại trong hệ thống tổ chức, hoàn toàn đánh mất nhân cách độc lập mà một nhà văn nên có. Loại gene thằng lùn này trong xương tủy nhà văn Trung Quốc đã quyết định việc họ chẳng thể nào trở thành người khổng lồ văn học. Cũng chính vì nguyên do ấy mà nền văn học của chúng ta thiếu một tinh thần, một khí cốt, thiếu một cột sống tinh thần người trí thức nên có.

Tôi cho rằng nếu chúng ta có thêm một số nhà sáng tác say sưa với đời sống nghệ thuật thuần túy mà không lo chuyện lợi ích thương mại, lo chạy chức vụ hoặc lo tô son điểm phấn cho mình, quan tâm nhiều hơn đến dân thường, đến sự sống còn và giá trị của con người, thì Trung Quốc sẽ được như nước Nga, sẽ xuất hiện một loạt các nhà văn ưu tú gánh lấy cây chữ thập khổ nạn của dân tộc, sẽ xuất hiện “Lời sám hối” của thời đại chúng ta.

Nguồn bản gốc tiếng Trung: Báo cáo thời đại số 4/2011 (Trung Quốc)

——————

[1] Sái Ích Hoài蔡益怀, bút danh Nam Sơn, sinh năm 1962, tiến sĩ văn học, hiện là biên tập viên Đông phương Nhật báo (Hong Kong), Phó TBT tạp chí Nhà văn Hong Kong. Tác phẩm tiêu biểu: truyện ngắn Đêm cuối cùng của Hong Kong đoạt giải Văn học thanh niên Hong Kong, truyện vừa Đường Tây phong tình được tặng giải tác phẩm ưu tú của tạp chí Văn học Tứ Xuyên. Luận văn Người Hong Kong kể chuyện – hình ảnh Hong Kong trong tiểu thuyết Hong Kong hai thập niên  80 và 90 được bình chọn là luận văn thạc sĩ ưu tú nhất toàn Trung Quốc.

[2] Trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” 1966-1976, người TQ đã thể hiện những hành vi xấu xa mất hết tính người không thể tưởng tượng nổi như con đấu cha, vợ đấu chồng, thanh thiếu niên Hồng vệ binh tra tấn hành hạ người già, phụ nữ, cán bộ và nhân sĩ, người có công… khắp nơi “tạo phản”, đấu đá, đánh giết lẫn nhau.

[3] Phục sinh cùng Chiến tranh và hoà bình và  Anna Karenina là ba kiệt tác của nhà văn Nga Lev Tolstoy Лев Толстой (1828-1910). Phục sinh ( Resurrection) phản ánh con đường trăn trở đi tìm chân lý của tác giả, cũng là bản án kết tội chế độ nông nô và Giáo hội Nga, vì thế năm 1901 Tolstoy bị Giáo hội Nga rút phép thông công. Năm 1997, tạp chí Mỹ Time bình chọn Anna Karenina đứng đầu danh sách “10 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại”. Mời đọc thêm: https://anhbasam.wordpress.com/doc-gia-viet/nhan-lan-thu-186-ngay-sinh-cua-leon-tolstoi-phuc-sinh-truyen-tinh-bat-hu-cua-tolstoi/

[4] Thực ra Nekhliudov chỉ quyến rũ và làm tình với Maslova, khiến cô có thai và bị xã hội hắt hủi.

[5] Ba Kim 1904-2005, nhà văn, dịch giả, nhà yêu nước không đảng phái. Tác phẩm chính: Sương mù, Mưa, Điện, tiểu thuyết bộ ba Nhà, Xuân, Thu, … tản văn Tùy tưởng lục. Trong khi hầu hết dân TQ đổ mọi tội lỗi của Cách mạng Văn hóa lên đầu Lũ Bốn Tên, thì trong Tùy Tưởng Lục, Ba Kim lại dũng cảm ăn năn hối lỗi về hành vi hạ thấp nhân cách nhà trí thức của mình (như không dám đấu tranh với các sai lầm của Cách mạng Văn hóa).

[6] Uất Đạt Phu (You Dafu, 1896-1945), nhà văn yêu nước, liệt sĩ. Chủ trương tác phẩm văn học phải là truyện tự sự của nhà văn. Tác phẩm tiêu biểu : Nhớ Lỗ Tấn, Trầm luân, Mùa thu cố đô, Quá khứ v.v… Trầm luân là điển hình của tiểu thuyết kiểu tự truyện, trong đó tác giả dám viết về sự giả dối của mình.

[7] Tư tưởng coi việc có chức vụ trong hệ thống quyền lực là quan trọng nhất, vinh dự quý giá nhất. Tư tưởng này rất phổ biến ở TQ từ xưa tới nay.


 Xem Thêm :Văn học đương đại Trung Quốc là “rác rưởi”?

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...