Từ thập niên 1920 của thế kỷ trước, Mỹ Tho có nhiều gánh hát cải lương ra đời, mang lại luồng sinh khí mới cho ngành nghệ thuật cải lương sau một thời gian dài hoạt động dưới hình thức các nhóm đàn ca tài tử đơn lẻ hoặc các gánh hát bội.
Ðầu tiên phải kể đến gánh của Thầy Năm Tú. Ông này có hẳn một nhà hát riêng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho diễn mỗi tuần ba đêm và những đêm khác tại Sài Gòn cho công chúng thưởng thức.
Khoảng năm 1917-1918, sau khi gánh hát nhỏ của ông André Thận rã đám, ông Châu Văn Tú – tên Pháp là Pierre Tú thu nhận nhóm đào kép của ông Thận. Ông bỏ tiền rất nhiều mua sắm trang phục, phông màn, đèn chiếu sáng sân khấu, thành lập gánh hát.
Thuở đó, gánh của Thầy Năm Tú rất nổi tiếng nhờ những đào kép như Sáu Nhiêu, Tám Danh, Ba Du, Tư Sạng, Sáu Thoàng, Tư Long, Ba Ðược, Năm Cần Thơ, Phùng Há, Năm Châu.
Một tài liệu ghi nhận: “Ðêm 15-3-1918 là đêm lễ hội tưng bừng của Mỹ Tho, vở cải lương Lục Vân Tiên được công diễn. Ghe thuyền của dân lục tỉnh đặc kín sông Bảo Ðịnh. Thiên hạ đen nghẹt, xô đẩy giành nhau mua vé”.
Xuất thân từ một gia đình giàu có nổi danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, Pierre Tú là người sắm xe hơi đầu tiên tại Nam kỳ vào năm 1907, trước cả hai nhà giàu đầu tiên mua xe là ông Nguyễn Văn Ðương (tỉnh Thanh Hóa) và ông Bạch Thái Bưởi (Hà Nội) vào năm 1913.
Ông Tú thôi nghề dạy học, đem lòng đam mê cải lương với mong muốn xây dựng được làn gió mới trong nghệ thuật sân khấu đàn ca thuần Việt đang bắt đầu soán ngôi các tuồng hát bội, hồ quảng.
Khi hãng đĩa hát Pathé Phono của Pháp đặt cơ sở tại Sài Gòn năm 1918 đã mời kép của Thầy Năm Tú thu tiếng vô đĩa hát đầu tiên và được quảng bá ra công chúng như sau: “Ðây là ban hát cải lương của Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, hát cho dĩa Pathé Phono nghe chơi”.
Ông cũng là người nhạy bén kinh doanh, liên kết với các hãng đĩa của Pháp làm ăn tại Sài Gòn bán máy hát đĩa sản xuất từ bên Pháp nhưng có in thêm hình con chó để phân biệt sản phẩm độc quyền và trên đĩa hát có in hình con gà trống màu đỏ.
Nhờ có máy hát đĩa và đĩa con gà trống đỏ mà nghệ thuật cải lương nhanh chóng được lan truyền.
Tiếc thay, thầy Năm Tú sau đó bị vỡ nợ, các dịch vụ văn hóa do ông khởi xướng ngừng hoạt động. Và đầu năm 1928, gánh hát Thầy Năm Tú tan rã nhường chỗ cho các gánh hát mới đang lên.
Kế tiếp là gánh Phước Cương, từng có nhiều lần Bắc du lưu diễn tại xứ Hà Thành để phổ biến cải lương Nam bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Cương thừa kế gánh hát bội Phước Xương của mẹ là bà Lưu Thị Ngoạn hay Ba Ngoạn (bà nội của nghệ sĩ Kim Cương).
Một thời cô Ba Ngoạn là đào nổi tiếng xinh đẹp và hát hay của đoàn hát bội Phước Thắng do bà bầu chính là mẹ của cô Ba Ngoạn làm chủ. Hát bội trong giai đoạn này bị cải lương lấn áp, thị hiếu khán giả đang thay đổi vì cải lương phù hợp với văn hoá nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tuồng tích Tàu dần bị thay thế trên các sân khấu bằng các vở diễn mang tính xã hội nhiều hơn.
Cô đào Ba Ngoạn là một nhân vật cực kỳ hấp dẫn, một phụ nữ vừa tuyệt đẹp, lại ca diễn rất hay, và đặc biệt là tân thời, phóng khoáng. Thời ấy, người Pháp mới cấp 100 bằng lái xe hơi cho người Việt, thì trong đó có bà Ba Ngoạn, nhưng bà chính là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên biết lái xe hơi. Bà còn xây rạp Palikao ở Chợ Lớn, là rạp hát đầu tiên của Sài Gòn có lầu, vì các rạp khác chỉ có tầng trệt. Nói chung, bà tiếp nhận văn minh phương Tây rất sớm, làm việc khoa học và cuộc sống lịch lãm theo kiểu phương Tây.
Tuy vậy, theo chuyện kể của Kim Cương nghe thuật lại, trong một lần vua Thành Thái đi du ngoạn phương Nam, cô đào Ba Ngoạn đã lọt vào mắt vua. Nhà vua vốn cũng có tâm hồn nghệ sĩ, nên hai người tâm đầu ý hợp, và cuộc tình ngắn ngủi đã sinh ra Nguyễn Ngọc Cương. Thời cuộc loạn ly, cả gia đình đều giấu kín chuyện này, đến sau 1975 thì gia tộc của vua ở Huế vào tìm gặp Kim Cương. Kim Cương cũng có ra Huế thăm gia tộc và hiện trên bàn thờ của gia đình Kim Cương vẫn đặt hình vua Thành Thái.
Nguyễn Ngọc Cương được gia đình cho sang Pháp học ngành Y nhưng khi sống ở Pháp, “công tử” Cương gặp được người bạn đồng hương là công tử George Phước hay còn gọi là Bạch công tử (Lê Công Phước con trai thứ 4 của Ðốc phủ Lê Công Sủng giàu có ở Mỹ Tho sang Pháp học từ hồi còn nhỏ. George Phước lớn lên theo học ngành nghệ thuật sân khấu do đam mê hát xướng). Nguyễn Ngọc Cương bỏ ngành Y sang học ngành sân khấu để kế nghiệp gia đình.
Khi về nước, “công tử” Cương tiếp nhận gánh hát bội của người mẹ, đổi tên thành gánh hát cải lương Phước Cương do ghép tên cúng cơm của Bạch công tử mà thành. Cả hai điều hành gánh hát, mong muốn đưa nghệ thuật cải lương lên đỉnh cao và phổ biến rộng rãi khắp xứ qua các chuyến lưu diễn từ Nam chí Bắc.
Sau đó vài năm (George Phước rời đoàn), ông Nguyễn Ngọc Cương một mình đưa nghệ thuật ca cổ truyền thống sang tận trời Tây giới thiệu với công chúng thế giới tại Paris năm 1931.
Nếu Bạch công tử George Phước nổi tiếng hào phóng với các cô đào hát, thì “công tử” Nguyễn Ngọc Cương cũng không kém cạnh với biệt danh “công tử hột xoàn” bởi ông luôn gắn cái hột xoàn trên ve cổ áo. Ðể có nhiều kịch bản mang màu sắc xã hội kiểu phương Tây, gần gũi với khán giả, ông Cương đem những cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo nhờ nghệ sĩ Năm Châu dịch ra tiếng Việt. Nghệ sĩ Năm Châu cũng ảnh hưởng Tây học, nên kịch bản ông soạn ra đều đáp ứng những yêu cầu ông bầu Nguyễn Ngọc Cương lẫn khán giả đòi hỏi.
Ngay cả việc tập tuồng, dàn dựng, gánh Phước Cương cũng áp dụng kiến thức sân khấu học từ Pháp. Và nhờ gánh hát quy tụ được hàng loạt nghệ sĩ lừng lẫy như Năm Phỉ, Ba Vân, Phùng Há, Tám Danh, Ba Du, Hai Nữ… đi lưu diễn khắp ba miền, nơi nào cũng chinh phục khán giả đủ mọi giới.
Tuy nhiên, cuộc hợp tác của hai ông bầu Phước Cương không được lâu bền. Bạch công tử Phước si mê cô đào Phùng Há. Phùng Há cũng yêu Bạch công tử vì sự hào phóng, vung tiền như nước nhưng cô đào cũng có cảm tình nặng nợ với nghệ sĩ Năm Châu từ khi ông đầu quân cho gánh hát nhỏ của ông Hai Cu ở Mỹ Tho từ khi mới vào nghề. Cuộc tình tay ba không thể kéo dài mãi mãi, khi giờ đây cô đào Phùng Há đã nổi danh, gánh hát nào cũng muốn có Phùng Há trên sân khấu.
Bạch công tử tiền nhiều, chuyện lập gánh mới để Phùng Há vừa làm đào vừa làm bầu gánh là chuyện không khó. Phùng Há quyết định sánh duyên cùng George Phước, rời khỏi gánh Phước Cương, cùng George Phước thành lập gánh Huỳnh Kỳ vào năm 1928.
Báo Trung Lập ra ngày 16 Septembre 1929 viết “Ban hát Huỳnh Kỳ là một ban hát không cần tô điểm ai cũng biết là một gánh hát vừa hay vừa đẹp từ đào kép cho tới mũ mão, từ cô Bảy Phùng Há tới chị đào quèn, từ anh Võ Ðông Sơ đến vai hề diễn… đều tận lực thủ bổn cho nên xem thật xuất sắc thần tình”… Ngoài Giọt máu chung tình, gánh hát Huỳnh Kỳ còn diễn nhiều vở gây tiếng vang là: Anh hùng liệt nữ nước Nam, Mẫu tử tình thâm, Khúc oan vô lượng…
Cùng với sự tham gia của các nghệ sĩ: Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Ðồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne…
Ban đầu khi chưa cất rạp hát riêng, kép đào gánh Huỳnh Kỳ phải tập tuồng tại phòng khách nhà của George Phước. Ðây là một ngôi nhà kiểu trong cổ ngoài tân rất đẹp. Nói thêm một chút, tôi có dịp ghé thăm ngôi nhà của Bạch công tử cách nay hơn mười năm để chọn lọc kiểu thức kiến trúc cho tài liệu thực hiện cuốn sách Nhà xưa Nam bộ. Tiếc thay, vì ở gần chợ Mỹ Tho nên việc phát triển nhà cửa đã làm thay đổi không gian cũng như nhiều chi tiết xây dựng không còn nguyên bản.
Mặc dầu nổi tiếng như vậy, gánh Huỳnh Kỳ hoạt động chỉ được bốn năm, do tính khí hào phóng xài tiền như nước của Bạch công tử và sự hờn ghen tình cảm giữa ông và Phùng Há đã khiến ông sạt nghiệp. Cả ngôi nhà và rạp hát Huỳnh Kỳ đều bán lại cho ông Lê Ngọc Chiếu, một người giàu có ở vùng Chợ Gạo, rồi được đổi tên thành rạp Lê Ngọc.
Trang Nguyên.
1. Chân dung thầy Năm Tú chủ gánh hát lớn ở Mỹ Tho
2. Nguyễn Ngọc Cương chủ gánh hát Phước Cương
3. Bạch công tử Lê Công Phước (George Phước) và Phùng Há.
4. Bài báo xưa đăng tin chuyện rã đám gánh hát Huỳnh Kỳ
hấp dẫn quá
Trả lờiXóa