Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

BẤT NGỜ VỚI "ĐẠI SỨ VĂN HÓA" MỘT THỜI CỦA HÀ NỘI

Chính thức lăn bánh vào năm 1900 và ngừng hoạt động vào năm 1991, trong vòng hơn 90 năm, tàu điện ở Hà Nội có thời điểm đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển giao thông, bắt kịp với xu thế tiến bộ ở các quốc gia phương Tây. Dần dà, tàu điện cũng biểu tượng văn hóa của mảnh đất này.
Gọi nó là biểu tượng văn hóa là bởi ở trên những toa tàu đó hàm chứa nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc, nào là đi lại, di chuyển giữa địa điểm này tới địa điểm khác, buôn bán những mặt hàng lặt vặt để kiếm kế mưu sinh, và đặc biệt là diễn xướng nghệ thuật dân gian. Nghệ thuật diễn xướng đặc biệt đó chính là xẩm. Loại hình nghệ thuật này trong lịch sử thường được biết đến là biểu diễn ở các khu chợ, những nơi tập trung đông người qua lại, cũng có khi được biểu diễn trong nhà những người giàu có. Và thật uyển chuyển làm sao, cùng với sự phổ biến của phương tiện đi lại là tàu điện, xẩm lại phát triển thêm một dòng mới, chuyên phục vụ những hành khách đi tàu để kiếm tiền.
Theo chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Hoạch : “Cung đường của những người đi tàu điện có thể rất ngắn, có khi người ta chỉ có nhu cầu đi từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến cuối phố Hàng Đào (chưa đến 1km) là đã xuống tàu rồi. Vì thế, người hát phải ưu tiên những bài hát rất ngắn để biểu diễn”.
Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…
Có lẽ trên một chuyến tàu điện nào đó ở Hà Nội vào thế kỷ trước, người đi tàu đã nghe quen tay câu ca dao ấy được ngân nga qua làn điệu xẩm. Ngày nay, có thật nhiều phương thức để quảng bá vẻ đẹp của một tỉnh, thành phố ngay trên đường phố tại nơi đó, có thể là những màn hình cỡ lớn, những tấm pano,…
Với Hà Nội, vào thế kỷ trước, xẩm tàu điện như một đại sứ văn hóa, quảng bá nét đẹp của cả một vùng kinh kỳ trù phú các giá trị văn hóa trên mỗi chuyến đi :
Bắc kỳ vui nhất Hà thành
Phố phường sầm uất văn minh rợp trời
hay :
Văn minh đèn điện sáng lòe
Thông thương kỹ nghệ mọi bề chấn hưng
Là người đã sống cùng Hà Nội trong những năm tháng thành phố hứng chịu những trận mưa bom bão đạn, nghệ sĩ Xuân Hoạch kể lại: “Trong thời chiến tranh, giao thông bị ngưng trệ, người dân cũng khó có thể họp chợ sôi nổi như trước, nghệ thuật xẩm cũng vì thế bị ảnh hưởng, thiếu đi “sân khấu” để biểu diễn”.
Cho đến năm 1954, Hà Nội tạm thời được hòa bình trước khi bước vào những cuộc chiến tiếp theo, thì bấy giờ, “người hát xẩm dần thưa thớt đi. Nhưng vẫn còn không ít người kiếm kế sinh nhai bằng nghề hát rong này”, ông nói thêm. Bởi thế, nghệ thuật xẩm vẫn còn được diễn xướng. Thế nhưng, cho đến năm 1991, đường ray, cột và dây điện phục vụ cho tàu điện bị tháo dỡ. Tàu điện hoàn toàn chấm dứt hoạt động, sứ mệnh của một dòng xẩm chính thức chìm vào "giấc ngủ đông".
Những năm trở lại đây, thời gian "ngủ đông" của xẩm tàu điện cũng có thể tạm coi là kết thúc, nhờ vào lòng nhiệt huyết, đam mê, nỗ lực của các nghệ sĩ, nghệ nhân và các bạn trẻ yêu hát xẩm. Các hoạt động biểu diễn xẩm được tổ chức lại vào các phiên chợ đêm cuối tuần và ở các địa điểm thu hút khách du lịch qua lại như Ô Quan Chưởng, chợ Đồng Xuân,…
 
Theo báo Người đô thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang Thơ Hà Đặng (T.12/2024 1) : MỘT NGÀY NÀO ĐÓ,CHẲNG HỀ XA, EM ĐẾM, ĐUƠC GẦN NHAU MÃI

Ảnh Quan Trần NGÀY NÀO ĐÓ Ngày nào đó ta không còn gặp lại Nước mắt hoài tuôn chảy chẳng ngừng trôi Người đi rồi tôi cảm thấy đơn côi Trong ...