Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HẠ LÀ MÙA HÈ

Tạp Ghi và Phiếm Luận :  

                                    HẠ LÀ MÙA HÈ


  HẠ 夏 là Mùa Hè. Đó chỉ là nghĩa phát sinh mà thôi. Nghĩa gốc của từ HẠ, nghe qua rất lạ, vì đó là "Người HOA HẠ"; là danh xưng của các b tộc Hán khi xưa. HẠ là chữ được ghép bởi Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau đây :

       Giáp Cốt Văn     Kim Văn     Tiểu Triện       Lệ Thư            Khải Thư
  Một hình thức khác của chữ HẠ nữa như sau :

   Giáp Cốt Văn     Kim Văn              Tiểu Triện       Lệ Thư             Khải Thư
Ta thấy :

            Dù theo hình thức nào, thì chữ Tượng Hình gốc theo Giáp Cốt Văn của chữ HẠ vẫn là hình của một con người thời tiền sử, có đủ cả đầu mình tay chân. Đc biệt là con mắt được vẽ một cách cường điệu thật to. Bỏ qua những chi tiết diễn tiến, chỉ xét về mặt Hội Ý  thì Chữ HẠ 夏 gồm có Bộ HIỆT 頁 là bộ phận của Đầu Người; Bộ CỬU 臼 là tượng trưng cho hai tay; Bộ TRI 夂 là tiêu biểu của hai chân. Hợp ba phần trên lại là hình tượng của một con người. Nên HẠ là người HOA HẠ 華夏, còn được gọi là Người CHƯ HẠ 諸夏 để chỉ chung các bộ tộc người Hán ở đất Trung Nguyên xưa
       Có thể vì thế mà sau các truyền thuyết về Tam Hoàng Ngũ Đế thời tiền sử, thì triều đại phong kiến đầu tiên của đất Trung Nguyên là Nhà H(Khoảng 2070—1600 trước Công Nguyên)  do Đại Vũ 大禹 có công trị thủy lập nên. Nên lại có tên là Hạ Vũ 夏禹. Triều đại nhà H đóng đô ở các nơi Dương Thành 陽城、Châm Tm 斟鄩、An Ấp 安邑 và truyền được 14 đời.
                  Diễn tiến của người HOA H                  
         
      Nhưng thông thường người ta chỉ biết HẠ là Mùa HÈ, là mùa thứ hai trong năm sau mùa Xuân, như bài học thuộc lòng của lớp đồng ấu ngày xưa :     
                    
                  Mùa xuân ấm áp khỏe người, 
                  Mùa HÈ nóng bức lửa trời nấu nung.
                  Mùa thu gió mát trăng trong,
                  Mùa đông rét mướt cho lòng xót xa.
                  Kẻ giàu mớ bẩy mớ ba,
                  Người nghèo biết lấy chi mà che thân !?

      Lên Trung học với tuổi thanh niên mới lớn thì lại mê man với những vần thơ Tiền Chiến như của Huyền Kiều chẳng hạn :

                  HẠ đỏ, có chàng tới hỏi:
                  Em thơ, chị đẹp em đâu ?
                  Chị tôi khăn thắm quàng đầu
                  Đi giặt tơ vàng bên suối...

      Hay u sầu lãng mạn như những vần thơ của Lê Văn Bái (J. Leiba) :

                  Xuân tàn, HẠ cỗi, cảnh thu sầu,
                  Mờ mịt hơi đông ám ngọn lau.
                  Xuân tới cành đào hoa lại nở,
                  Mong chàng mỏi mắt, thấy chàng đâu ?
Hoặc mộc mạc mà chân thật chí tình như những câu thơ của nhà thơ Lưu Trọng Lư nhớ về mẹ trong bài "Nắng Mơi" :

                  Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
                  Xao xác, gà trưa gáy não nùng...
            và :
                  Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ
                  Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
                  Nét cười đen nhánh sau tay áo
                  Trong ánh trưa HÈ trước giậu thưa...

      Rồi những mùa HÈ, mùa Chia Tay của lứa tuổi học sinh với những cánh phượng rơi đỏ thắm sân trường làm xao xuyến biết bao trái tim nam nữ ở lứa tuổi xuân thì khi giọng ca cao vút như réo gọi, như nức nở của nữ ca sĩ Thanh Tuyền vang lên :

                  Hè về rồi đây tâm hồn xuyến xao...
                  Nhắc đến biệt ly thương cảm nổi sầu...
                  Tiếng ve nức nở chan chứa...
                  Sân trường còn lại hai đứa... 
   Những bản nhạc "Thương Ca Mùa HẠ, Nỗi Buồn Hoa Phượng..." của Nhạc sĩ Thanh Sơn vang lên như những ...

                  Tiếng VE nức nở buồn lơn tiếng lòng...
                  Biết ai còn nhớ đến ân tình không !?...

       Thuở mộng mơ thời Trung học với những mùa Hè có phượng thắm có ve sầu, khi lên học ở Ban Việt Hán của Đại học thì "Phượng Thắm và Ve Sầu" biến thành "Hoa Đỗ Quyên và con Chim Cuốc" với truyền thuyết...

       Con Cuốc, ta còn  gọi là Con Chim Quấc, đồng âm với chữ Quốc là Nước; tên chữ Nho là Chim Đỗ Quyên 杜鵑鳥 (Đỗ Quyên Điểu) với thành ngữ Đỗ Quyên Đề Huyết như sau :  

       ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến mửa máu miệng ra mà chết vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ 杜宇, Tử Quy 子規, Tử Quyên 子鵑, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc. Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ đầu xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ thắm, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết. Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa cũng màu đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng : Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn của Thành Ngạn Hùng 成彦雄 đời Đường như sau :

                 杜鵑花與鳥,   Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
                 怨艷两何賒,   Oán diễm lưỡng hà xa.
                 疑是口中血,   Nghi thị khẩu trung huyết,
                 滴成枝上花.    Trích thành chi thượng hoa !

* Có nghĩa :  
        - Đỗ Quyên là tên của hoa và của cả chim,
        - Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng
          không xa cách là mấy, nên...
        - Ngờ là máu ở trong miệng (của con chim) đã...
        - Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành !

* Diễn Nôm :
                     Đỗ Quyên chim với hoa,
                     Oán, đẹp có nào xa.
                     Ngờ là máu trong miệng,
                     Nhỏ xuống cành nở hoa !   

     Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ 杜宇 là tên một vị vua nước Thục 蜀 (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) trong thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông  làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế 蜀帝. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này, và vì trước đó Biết Linh cũng đã có công trị thủy, cứu nước Thục khỏi cảnh lũ lụt thiên tai. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc" (cuốc cuốc). Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.

      Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ hoặc Đỗ Quyên để nói lên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Trong  Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều đờn cho Kim Trọng nghe khi Kim Kiều tái hợp có câu:

                       Khúc đâu êm ái xuân tình, 
                Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?

    ...là lấy điển tích từ vị vua nước Thục này qua câu thơ trong bài thơ Cẩm Sắt 錦瑟 của Lý Thương Ẩn đời Đường là :

            Thục Đế xuân tâm hóa Đỗ Quyên,    蜀帝春心化杜鵑。
  Trong thơ Nôm "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải cũng nhắc đến Chim Đỗ Vũ kêu vào đầu mùa xuân đến cuối mùa hạ như sau :

                    Cớ chi mày, hỡi con Đỗ Vũ,
                    Quyến xuân về lại rủ hè sang.

      Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử" cũng có câu :

                    Kẻo lòng tơ tưởng mơ màng,
               Khỏi hồn Thục Đế, khỏi lòng Đỗ Quyên.

      Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Chim Đỗ Quyên bằng tên Chim Quyên với Điệu Thương Xuân khi nàng cung nữ thất sủng nghe tiếng cuốc kêu :

                        Ai ngờ tiếng Quyên kêu ra rả,
                   Điệu Thương Xuân khóc ả sương khuê !       

    ...và trong bài thơ "Qua Đèo Ngang" bà Huyện Thanh Quan cũng đã hạ một đôi Luận để đời là :

                   Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc,
                   Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

    ...và kịp đến bài "Nghe Cuốc Kêu" của cụ Nguyễn Khuyến thì tiếng cuốc kêu mới thật sự bâng khuâng, khoắc khoải làm ngơ ngẩn lòng người nhất là những ai đang xa quê hương lưu lạc gởi thân nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay :

                  Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, 
                  Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ. 
                  Năm canh máu chảy đêm hè vắng, 
                  Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. 
                  Có phải tiếc xuân mà đứng gọi? 
                  Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ? 
                  Ban đêm róng rã kêu ai đó?
                  Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

      Còn bài thơ cổ "VÀO HÈ" theo Vũ Ngọc Phan (Nhà văn hiện đại, NXB Sống mới, 1959) thì cho là giọng thơ trong bài vừa nhẹ nhàng vừa thanh tao, hơi giống giọng thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhưng lại có tài liệu cho rằng, đây là bài thơ của cụ Dương Bá Trạc. Toàn bài thơ như sau :
       VÀO HÈ 
                  Ai xui con cuốc gọi vào hè,
                  Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
                  Ngõ trước, vườn sau um những cỏ,
                  Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
                  Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác,
                  Trong tối đua bay, đóm lập loè.
                  May được nồm nam cơn gió thổi,
                  Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.

       Không phải chỉ có trong văn học cổ, Đỗ Quyên cũng là con chim Quyên trong ca dao miền Bắc :

                     Chim Quyên xuống đất ăn trùn,
                     Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than.
                     Đốt than thì phải sàng than,
                     Làm sao đừng để lấm gan anh hùng.

       Còn ca dao dân gian miền Nam thì hát rằng :

                     Chim quyên xuống đất ăn trùng
                     Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than
                     Chim quyên xuống đất cũng quyên
                     Anh hùng lỡ vận... vẫn còn duyên anh hùng !

       Hình ảnh của con Chim Quyên cũng đã đi sâu vào ca dao dân ca của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh với :

                     Trồng trầu thì phải khai mương,
                     Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
                     Chim Quyên ăn trái nhãn lồng,
                     Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi !
  ... và đã được phổ thành bản nhạc Tân cổ Giao Duyên với lời ca Lý Chim Quyên rt mùi của sáu câu vọng cổ Nam bộ : 

                  Chim Quyên quầy, ăn trái quay... nhãn lồng này 
                  Nhãn lồng, ơi anh bạn mình ơi... 
                  Ơi anh bạn mình ơi...! 

      Cũng như hình ảnh gợi nhớ gợi buồn của Con Ve Sầu trong mùa hè của lứa tuổi học sinh, ta những tưởng chỉ có trong những bản nhạc hè buồn thương ray rức, hay họa hoằn lắm mới bắt gặp được một bài học có tiếng ve kêu như trong bài thơ Ngụ Ngôn của Lã-Phụng-Tiên (La Fontaine) "Con Ve và Cái Kiến" của Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ tác phẩm La Cigale et la Fourmi  trong Chương trình Giảng văn lớp Đệ Thất :

                   Ve sầu kêu ve ve, suốt mùa hè...
                   Đến kỳ gió bấc thổi,
                   Nguồn cơn thật bối rối !...

       Trong văn học cổ cũng có hình ảnh của Con Ve, như trong bài HẠ CẢNH 夏景(Cảnh mùa Hè) của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau :

                日長津觀小窗明,   Nhật trường Tân Quán tiểu song minh,
                風納荷香遠益清。   Phong nạp hà hương viễn ích thanh.
                無限吟情誰會得?   Vô hạn ngâm tình thùy hội đắc ?
                夕陽樓上晚蟬聲!   Tịch dương lâu thượng vãn thiền thinh !
   * Có nghĩa :
            - Ngày dài dằng dặc ở Tân Quán nên song cửa sổ còn sáng mãi,
            - Gió đưa hương hoa sen càng xa càng thoang thoảng mùi hương.
            - Ai có được hồn thơ lai láng trong cảnh trí nầy đây ? Khi...
            - Ánh nắng chiều chiếu lên lầu trong tiếng VE muộn màng lảnh lót !
 * Diễn Nôm :
                     Tân quán ngày dài song cửa sáng,
                     Hương sen nhẹ thoảng gió hiu hiu.
                     Nên thơ cảnh trí nào ai biết ?
                     Vẳng tiếng ve ngâm giữa nắng chiều !
          Lục bát :
                     Cửa song Tân quán ngày dài,
                     Hương sen theo gió thoảng bay ngoài đồng.
                     Nên thơ cảnh đẹp biết không ?
                     Nắng chiều nghiêng bóng ve ngâm vang lầu !                            
                                                                                 ĐCĐ diễn Nôm
     Năm Nhâm Dần (1543) Nguyễn Bỉnh Khiêm thoái quan về sống giữa xóm làng quê hương. Mùa thu năm ấy, ông cùng các bô lão dựng quán Trung Tân 中津 làm chỗ ngồi chơi hóng gió và để khách qua đường nghỉ chân. Trong “Bài bia ở quán Trung Tân”. Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ:

     Có người hỏi ta rằng: “Quán ấy đặt tên Trung Tân 中津 có nghĩa là gì?”. Ta trả lời rằng: “TRUNG 中 có nghĩa là đứng giữa không chênh lệch, giữ vẹn được điều thiện là trung, không giữ được điều thiện thời không phải là trung vậy, TÂN 津 có nghĩa là cái bến, biết chỗ đáng đậu là bến chính, không biết chỗ đáng đậu là bến mê vậy”... (Theo THI VIÊN net.)

     Một trong Sơ Đường Tứ Kiệt 初唐四傑 (bốn người kiệt xuất trong buổi đầu đời Đường) là LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王 (626-687) tự là Quan Quang 觀光. Ông là người có tính khí hào hiệp. năm Phụng Nghi thứ ba (678) đời Đường Cao Tông, sau hơn mười năm bị chèn ép trong quan trường, khi vừa mới được thăng làm Thị Ngự Sử, Lạc Tân Vương đã dâng sớ luận bàn triều chính, động chạm đến các đồng liêu và nhất là động chạm đến Võ Hậu, nên bị vu cho tội tham ô rồi bị hạ ngục. Trong ngục ông đã làm bài thơ nổi tiếng dưới đây :

             在獄詠蟬         TẠI NGỤC VỊNH THIỀN
            西陸蟬聲唱,    Tây lục thiền thanh xướng,
            南冠客思深。    Nam quan khách tứ thâm.
            那堪玄鬢影,    Na kham huyền mấn ảnh,
            來對白頭吟。    Lai đối bạch đầu ngâm.
            露重飛難進,    Lộ trọng phi nan tấn,
            風多響易沉。    Phong đa hưởng dị trầm.
            無人信高潔,    Vô nhân tín cao khiết,
            誰爲表予心?    Thùy vị biểu dư tâm ?!
* Nghĩa Bài Thơ :
                       Trong Ngục Vịnh Ve
       Trong mùa thu nhưng tiếng ve vẫn còn vang lanh lảnh, khiến cho người tù như ta càng nhớ nhung nghĩ ngợi sâu xa hơn. Làm sao kham được khi tóc hãy còn xanh (như hai cánh ve còn ngân vang) mà phải cam chịu ngâm khúc bạc đầu oan ức bất đắc dĩ nầy. Sương rơi nặng hạt làm cho ve khó mà bay tới, gió rít mạnh nên át cả tiếng ve ngâm. Không có ai tin loài ve thanh cao trong sạch (cũng như ta), nên ai, ai mới là người bộc bạch được nỗi lòng cao khiết của ta đây ?!

       Vịnh VE, nhưng lại mượn hình tượng trên cao và tiếng ve ngâm cao vút để gởi gắm và bày tỏ nỗi lòng trong trắng thanh cao đầy tính hiệp nghĩa của mình. Bị chèn ép trù dập để đưa vào tù trong khi hào khí vẫn tràn đầy mà phải ngâm câu bạch đầu ta thán. Không tiến bước được trên con đường chính nghĩa vì bị các thế lực khác trù dập, như con ve không thể bay cao bay xa được vì những hạt sương nặng trĩu của mùa thu; không nói lên tiếng nói trung thực vì bị quyền thế cấp trên chèn ép cũng như con ve không còn cất cao tiếng ngân được vì bị tiếng gió rít át đi. Ai còn trân trọng sự cao khiết của con ve cũng như ai còn có thể vì ta mà bày tỏ nỗi lòng thanh cao trong trắng của ta đây ?

* Diễn Nôm :
                       TRONG NGỤC VỊNH VE
                     Trời thu ve còn vang tiếng,
                     Người tù lòng nghĩ đâu đâu,
                     Sao khiến người còn xanh tóc,
                     Phải ngâm khúc hát bạc đầu.
                     Sương nặng cánh bay không nổi,
                     Gió vờn tiếng hát chìm sâu.
                     Không người tin lòng cao nhã,
                     Ai bày tỏ nỗi lòng sầu ?!
                                                 ĐCĐ diễn Nôm
  MÙA HÈ chữ Nho gọi là HẠ QÚY 夏季 hay HẠ THIÊN 夏天. Trong tháng Tư Âm lịch có tiết LẬP HẠ 立夏 có nghĩa là "mùa Hè đã được thành lập"; Tháng Năm thì có Tiết HẠ CHÍ 夏至 đó là ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm, như ông bà ta đã nói :

                     Tháng Năm chưa nằm đã sáng,
                     Tháng Mười chưa cười đã tối.

      "Tháng Mười chưa cười đã tối" vì tháng Mười có tiết Đông Chí 冬至 là ngày có "Đêm dài nhất và ngày ngắn nhất trong năm".

      Với khí hậu nóng nực quanh năm của vùng Đông Nam Á, mùa màng thời tiết của  miền Nam Việt Nam ta được ông bà đời trước ví von với 2 câu thơ sau :

                  四時無春夏,  Tứ thời vô xuân hạ,
                  一雨便成秋。  Nhất vũ tiện thành thu !
      Có nghĩa :
                Bốn mùa không phân biệt đâu là mùa xuân đâu là mùa hạ cả...
                Hễ mưa xuống một cái là sẽ mát mẻ như mùa thu ngay !  
 
                          Bốn mùa chẳng rõ hạ xuân,
                     Mưa rào một trận mát gần như thu !
          

     Ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu toàn cầu, mùa hè năm nay tuy chỉ mới có giữa Tháng Năm Dương lịch mà ở đất Mỹ nầy đã có những cơn bão, cơn lốc thổi sập nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, gieo rắc tang thương chết chóc... và ở các nơi khác trên thế giới như các nước ở Châu Phi, Ấn Độ... nhiệt độ đã lên đến 50 độ C, khoảng 126 độ F với sức nóng kinh khủng. Dân chúng phải giành giựt từng "sô" nước một khi có xe chở nước cứu trợ chạy đến. Qủa là mùa HÈ với một sức nóng TO lớn ! HÈ TO chữ Nho là ĐẠI HẠ 大夏, là tựa một Giai thoại Văn chương của Thái Bạch do Nhà xuất bản Sống Mới xuất bản năm 1972 có nội dung như sau : 
 
      Trong làng của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, có một anh đi lính cho Tây trong đội Lính Kèn. Lâu ngày được thăng làm đội trưởng là "Cai kèn", nên khi về hưu cũng có rủng rỉnh chút tiền, bèn cất một căn nhà thật to để biểu dương thanh thế. Cụ Tam Nguyên biết được bèn nói với đám học trò rằng, khi ăn mừng tân gia thế nào anh ta cũng đến đây để "xin chữ" cho nhà mới. Ta đã chuẩn bị sẵn hai chữ ĐẠI HẠ 大夏 để tặng cho anh ta đây. Trong đám học trò có một anh rất thông minh và lém lỉnh, nghe thầy nói thế thì đã biết rằng, chữ ĐẠI 大 là TO; còn chữ HẠ 廈 có bộ NGHIỄM 广 là Mái Nhà ở bên trên phủ xuống, nên HẠ 廈 có nghĩa là Cái Nhà To Lớn. Ta có thành ngữ CAO LÂU ĐẠI HẠ 高樓大廈 là "Lầu cao Nhà rộng", ta thường nói thành "NHÀ CAO CỬA RỘNG" để chỉ nhà của các nhà giàu có. Anh học trò biết được ý thầy nên rất đắc ý chạy đến khoe với anh lính kèn để chứng tỏ mình là người tài giỏi.
      Cụ Tam Nguyên đợi mãi vẫn không thấy anh lính kèn đến "xin chữ", trong khi nhà đã cất xong hẵn hoi rồi. Hôm ăn mừng tân gia, anh ta rất hãnh diện mời cả xóm đến dự, dĩ nhiên trong đó có cả thầy trò nhà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Khi đến nơi, cụ thấy ở giữa nhà đã treo hẵn một hoành phi trên đó có hai chữ ĐẠI HẠ 大廈 viết rất đẹp. Thì ra, khi nghe anh học trò khoe giỏi, anh lính kèn đã nhờ những tay viết chữ đẹp viết cho hai chữ ĐẠI HẠ để khỏi phải tốn trầu cau và quà biếu để "xin chữ" của nhà Đại khoa Tam Nguyên Yên Đỗ.
Sau phút ngạc nhiên, cụ Tam Nguyên mới mỉm cười gọi chú Cai kèn đến hỏi, anh ta bèn nói thật cho cụ biết; Cụ bèn gọi anh học trò đến hỏi rằng :"Anh có biết ĐẠI HẠ là gì không ?" Anh học trò thưa :"Bẩm là "Căn nhà to" ạ !". Cụ cười mà mắng rằng :"Sao anh dốt thế ! Cất nhà to thì căn nào mà chả TO ?! Anh ta là Lính Kèn, nên chữ HẠ 夏 phải là Mùa HÈ; ĐẠI HẠ là HÈ TO, mà HÈ TO là TÒ HE ! Tò He Hè To, Hè To Tò He chỉ "tiếng kèn" làm nên cái nhà cho anh ta đó ! Tất cả quan khách nghe xong đều cười ồ vổ tay khen hay. 
      Anh học trò và chú Cai kèn đều thẹn đến đỏ mặt tía tai. Người bị chê là dốt nát, còn người bị nhạo là đi lính thổi kèn cho nhà nước Phú Lang Sa.
        Nhà Cao Cửa Rộng 

      Nhân nhắc đến chữ "HẠ 夏 là mùa Hè" và chữ "HẠ 廈 là Căn nhà To" lại làm cho ta nhớ đến câu nói trong Tăng Quảng Hiền Văn là :

            良田萬頃,日食一升; Lương điền vạn khoảnh, Nhật thực nhất thăng;
            大廈千間,夜眠八尺! Đại Hạ thiên gian, dạ miên bát xích !
Có nghĩa :
        - Ruộng tốt vạn thửa, ngày ăn một thăng;
        - Nhà rộng ngàn gian, đêm nằm tám thước !

      Có cả muôn thửa ruộng tốt, nhưng mỗi ngày cũng chỉ ăn có một thăng thôi. (Tương đương như ta nói : Một lon gạo).
      Có cả ngàn gian nhà lớn, nhưng mỗi đêm cũng chỉ nằm ngủ có 8 thước mà thôi (một thước Tàu khoảng hơn 2 tấc Tây).

      Con người ta thường ráng nai lưng ra làm cho cố, cho thỏa chí bình sinh, cho thỏa lòng ham muốn, nhưng cái cần thiết để hưởng thụ để sinh sống thì đâu có được bao nhiêu đâu. Rồi đến khi chết đi thì lại buông bỏ tất cả ! Thà sống khất thực như thầy Thích Minh Tuệ, ngày ăn một bữa, khát uống một chai, một thân một mình, tự do tự tại du sơn ngoạn thủy đếm từng bước chân mà cầu phúc cho bá tánh đồng bào... Còn hơn ở chùa lớn, xuống ngựa lên xe mà phải lo toan trăm ngàn việc thì còn thời gian đâu mà tu tập tham thiền !...
                         
     HẠ là Mùa HÈ, mùa của nhớ mong hồi tưởng, mùa của hoài niệm bâng khuâng mà những người sống lưu vong luôn nhớ về một thời dĩ dãng vàng son, của một thời niên thiếu mộng mơ với tiếng ve sầu mênh mang và màu hoa của các hàng phượng vĩ đỏ thắm cả sân trường !...
 
           Hè về rồi đây tâm hồn xuyến xao !...

                                                                                 杜紹德
                                                                             Đỗ Chiêu Đức



Mời Xem :




 Ngày mai là mùng 5 tháng năm Âm lịch,mời xem lại
 


            

 



 
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang Thơ Hà Đặng (T.12/2024 1) : MỘT NGÀY NÀO ĐÓ,CHẲNG HỀ XA, EM ĐẾM, ĐUƠC GẦN NHAU MÃI

Ảnh Quan Trần NGÀY NÀO ĐÓ Ngày nào đó ta không còn gặp lại Nước mắt hoài tuôn chảy chẳng ngừng trôi Người đi rồi tôi cảm thấy đơn côi Trong ...